Báo Hà Giang điện tử
.

Đổi mới công tác cán bộ nơi cực Bắc

09:23, 29/09/2022
 

BHG - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Cán bộ là gốc của mọi công việc, muôn việc thành hay bại đều do cán bộ tốt hay kém"; bởi vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ bản lĩnh, đạo đức, chuyên nghiệp, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là khâu "then chốt" để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương vào điều kiện thực tế địa phương, tỉnh Hà Giang có nhiều cách làm đổi mới, hiệu quả trong xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ.

 

Toàn tỉnh hiện có trên 30.480 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó, cấp tỉnh, huyện trên 26.370 người, cấp xã 4.111 người. Số cán bộ là cấp ủy viên, lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, huyện là 2.943 đồng chí, trong đó, 384 cán bộ, lãnh đạo thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý. Có 0,54% cán bộ có trình độ chuyên môn Tiến sĩ hoặc tương đương; 13,59% cán bộ có trình độ Thạc sĩ hoặc tương đương; 83,35% cán bộ có trình độ đại học; 2,54% cán bộ có trình độ cao đẳng, trung cấp; 92,73% cán bộ có trình độ chính trị từ trung cấp trở lên.

 

Đội ngũ cán bộ có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, lối sống giản dị, gương mẫu, có ý thức tổ chức kỷ luật, luôn tu dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hàng năm, trên 99% cán bộ, đảng viên hoàn thành nhiệm vụ trở lên. Chất lượng đội ngũ cán bộ được nâng cao góp phần quan trọng đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu phát triển KT - XH của địa phương. 

 

Thực hiện Nghị quyết T.U 7, khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều chương trình, nghị quyết, kế hoạch, chính sách thu hút nhân tài, xây dựng đội ngũ trí thức trí tuệ, thể lực, năng động, sáng tạo, trẻ hóa, hội nhập, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh.

Đội ngũ cán bộ sâu sát cơ sở, gần gũi với nhân dân

Trong đó, tỉnh ưu tiên tuyển dụng đối với những sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi và các chuyên ngành mà tỉnh còn thiếu như: Ngoại ngữ, Tin học, Y tế, Khoa học, Kinh tế; tăng mức trợ cấp, hỗ trợ về lương, đóng BHXH, BHYT; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tạo môi trường làm việc tốt nhất cho đội ngũ trí thức phát huy năng lực, sở trường cá nhân, yên tâm công tác, gắn bó với địa phương.

 

Năm 2008, toàn tỉnh có 8.569 trí thức, trong đó 6 người có trình độ tiến sĩ và tương đương, 62 thạc sỹ, 4.049 đại học; đến năm 2022, toàn tỉnh đã có 30.277 trí thức, trong đó 54 người có trình độ tiến sĩ và tương đương, 1.300 thạc sỹ, 18.635 đại học. Nhiều trí thức trẻ đã trưởng thành, có năng lực, được bổ nhiệm giữ các chức danh chủ chốt ở cơ sở. Các hoạt động tôn vinh đội ngũ trí thức được tỉnh quan tâm.

 

Thực hiện Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước, tỉnh ta đặc biệt quan tâm, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, sử dụng cán bộ; trong đó chú trọng sử dụng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số giữ các vị trí lãnh đạo trong cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội các cấp.

 

Đặc biệt, có 1 đồng chí cán bộ nữ là Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang; 1 đồng chí là Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; 1 đồng chí là Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; nhiều cán bộ nữ giữ vị trí chủ chốt tại các sở, ban, ngành của tỉnh. Tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số đảm bảo chất lượng, cơ cấu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong tình hình mới. 

 

Trong số 384 đồng chí cán bộ thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý, có 61 đồng chí nữ, chiếm 15,88%; 149 cán bộ người dân tộc thiểu số, chiếm 38,8% và có 21 cán bộ trẻ từ 40 tuổi trở xuống.

 

Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI chỉ rõ: "Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao  cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc".

Xử lý kỷ luật, đưa ra khỏi Đảng những đảng viên suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống là giải pháp quan trọng, cấp bách, thường xuyên được tỉnh thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ để làm trong sạch bộ máy theo đúng quan điểm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây”.

 

Trong 6 tháng đầu năm 2022, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 702 cuộc đối với 206 tổ chức đảng, 733 đảng viên. Ủy ban kiểm tra các cấp tiến hành kiểm tra 280 cuộc đối với 302 tổ chức đảng, 86 đảng viên; giám sát 142 cuộc đối với 145 tổ chức đảng, 145 đảng viên. Cấp ủy các cấp thi hành kỷ luật 4 tổ chức đảng và 69 đảng viên, trong đó khiển trách 47 đảng viên, cảnh cáo 11 đảng viên, cách chức 1 đảng viên và khai trừ khỏi Đảng 10 đảng viên do buông lỏng lãnh đạo, thiếu trách nhiệm trong quản lý để lĩnh vực phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng và một số vi phạm khác. Trong số các đảng viên bị thi hành kỷ luật, có 9 trường hợp bị xử lý hình sự.

 

Với mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ có tư tưởng chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, gương mẫu, kiên định với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, đủ trình độ, năng lực, tinh thần trách nhiệm, tư duy đổi mới, phong cách làm việc khoa học, chuyên nghiệp, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; tỉnh Hà Giang đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, phấn đấu đến năm 2030: 

 
 

Đồng chí Ngô Xuân Nam, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Yên Minh chia sẻ về công tác nâng cao chất lượng cán bộ trên địa bàn huyện Yên Minh

Quan tâm, chăm lo tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số; tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống cho cán bộ, đảng viên; siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, xử lý nghiêm minh cán bộ sai phạm; đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị.

 
 

Có thể thấy, thực hiện công tác cán bộ đúng nguyên tắc, minh bạch, công tâm cũng chính là tạo điều kiện cho cán bộ phát huy tối đa năng lực, đồng thời ngăn chặn vấn nạn người tài không được trọng dụng, chạy chức chạy quyền, đẩy lùi sự suy thoái trong đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Đây đồng thời là tiền đề quan trọng để tỉnh Hà Giang phát huy sức mạnh toàn diện trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, góp phần hoàn thiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra, hướng tới xây dựng tỉnh nhà ngày càng văn minh, giàu mạnh.

 

 

Nội dung: Biện Luân | Thiết kế: Minh Châu


Ý kiến bạn đọc


Đọc tiếp