Báo Hà Giang điện tử
.

Phương Thiện - Đảng mạnh từ gốc

23:02, 25/09/2024

 

Đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nâng cao chất lượng đảng viên; nêu cao trách nhiệm nêu gương; xây dựng cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố, chấn chỉnh cơ sở Đảng yếu kém; đề ra nhiệm vụ chính trị sát thực tiễn và nguyện vọng nhân dân... đang là “chìa khóa” trong xây dựng “chi bộ bốn tốt”, giúp Đảng bộ xã Phương Thiện (thành phố Hà Giang) xây dựng Đảng mạnh từ gốc.

 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Gốc có vững, cây mới bền”, do đó, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của từng thời kỳ cách mạng là 1 trong 3 bước đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội toàn quốc quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Theo Điều lệ Đảng: “Tổ chức cơ sở Đảng là hạt nhân chính trị ở cơ sở” thì cấp ủy là “linh hồn” của hạt nhân chính trị đó. Thực tế cho thấy ở Đảng bộ xã Phương Thiện, chi bộ nào có cấp ủy, người đứng đầu chỉ đạo quyết liệt, làm tốt vai trò, trách nhiệm thì chủ trương của Đảng sớm đi vào cuộc sống.

 

Ban chi ủy Chi bộ thôn Mè Thượng xây dựng khối đoàn kết nội bộ và giữ vững nề nếp sinh hoạt.

Chi bộ thôn Mè Thượng, xã Phương Thiện có 35 đảng viên; để tạo sức mạnh trong chi bộ, ban chi ủy coi trọng và tập trung xây dựng khối đoàn kết nội bộ; đẩy mạnh giáo dục chính trị, tư tưởng cho đảng viên, giữ vững nề nếp sinh hoạt, quy chế hoạt động của chi bộ, tập trung dân chủ, tạo nhiều mối quan hệ gắn bó giữa cấp ủy với chính quyền và đoàn thể trong thôn. Chi bộ giao cho thôn, ban công tác mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp triển khai thực hiện tốt công tác dân vận và quy chế dân chủ ở cơ sở.

Các nội dung sinh hoạt được Ban chi ủy Chi bộ thôn Mè Thượng và thôn Tiến Thắng ghi chép đầy đủ.

 

Chi bộ tổ chức sinh hoạt thường kỳ 1 tháng/lần và sinh hoạt chuyên đề theo nghị quyết, nội dung bám sát vào thực tiễn cuộc sống người dân; họp giao ban giữa ban quản lý thôn và các tổ chức chính trị - xã hội để cụ thể hóa nghị quyết của chi bộ vào các công việc của thôn. Các công việc của thôn đều được thống nhất 3 bên: Bí thư chi bộ - Trưởng thôn – Trưởng Ban công tác mặt trận.

Bí thư chi bộ thôn Mè Thượng, Nguyễn Hữu Súy cho biết: “Ban chi ủy sinh hoạt cùng tổ đảng 213 theo quy chế của tổ để thông báo hoạt động của thôn và xin ý kiến của tổ về xây dựng, phát triển thôn. Chi ủy xác định nhiệm vụ quan trọng đó là triển khai các giải pháp củng cố, nâng cao sức chiến đấu của chi bộ và đảng viên, trọng tâm là nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; ký cam kết thực hiện phong trào thi đua xây dựng “chi bộ bốn tốt”.

 

Để thống nhất ý chí và hành động, Chi bộ thôn Mè Thượng và thôn Tiến Thắng duy trì chế độ làm việc, sinh hoạt, đảm bảo đúng theo nguyên tắc sinh hoạt Đảng.

Ngoài thôn Mè Thượng, thôn Tiến Thắng, xã Phương Thiện hiện chi có 48 đảng viên. Ban chi ủy gồm 5 đồng chí duy trì chế độ làm việc, sinh hoạt thường xuyên để giải quyết các công việc, đảm bảo đúng theo nguyên tắc sinh hoạt Đảng, chấp hành sự chỉ đạo của cấp trên nên mọi công việc được giải quyết thấu tình đạt lý. Đặc biệt, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị và sự hài lòng của nhân dân làm thước đo năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng. Đồng thời, xác định công tác phát triển đảng viên là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên, nên ban chi ủy chi bộ làm tốt công tác phân công đảng viên giúp đỡ quần chúng ưu tú vào Đảng.

 

Với quan điểm “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, chi bộ thôn Tiến Thắng lựa chọn đội ngũ quần chúng ưu tú, có bản lĩnh, trình độ và năng lực để giới thiệu cho Đảng để tránh tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, góp phần xây dựng chi bộ Đảng trong sạch, vững mạnh. Vì thế, năm nay 25 tuổi, đảng viên Nguyễn Ngọc Mai, thôn Tiến Thắng mới vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đồng chí Mai chia sẻ: “Được trở thành đảng viên là một vinh dự lớn và làm sao để là một đảng viên tốt là cả một quá trình rèn luyện. Đang trong thời gian dự bị nên bản thân tôi xác định càng phải cố gắng rèn luyện, phấn đấu hơn nữa để có thể góp sức cho Đảng, cho quê hương”.

 

 

Nhằm thống nhất ý chí và hành động trong việc triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Đảng bộ xã Phương Thiện quyết tâm, nỗ lực, linh hoạt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; nhất là triển khai kế hoạch thực hiện “Đảng bộ bốn tốt”; tổ chức ký giao ước thi đua thực hiện “chi bộ bốn tốt” tới 15/15 chi bộ trực thuộc Đảng bộ xã.

Trước khi triển khai các nội dung, Chi bộ thôn Mè Thượng luôn khảo sát trước ý kiến để tạo sự đồng thuận trong nhân dân

Đưa chủ trương của Đảng vào cuộc sống, chi bộ thôn Mè Thượng thành lập nhóm zalo để thông báo tới các đảng viên. Mặt khác, phân công thành viên ban chi ủy và đảng viên phụ trách các khu xóm trong thôn để nắm bắt, khảo sát trước ý kiến của nhân dân. Trên cơ sở đúc rút từ nguyện vọng nhân dân, chi bộ triển khai theo phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”. Đồng thời, xây dựng hương ước, quy ước cụ thể từ sự thống nhất của người dân để thực hiện trong toàn thôn.

Nghị quyết 27 của BCH Đảng bộ tỉnh về “xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang” (Nghị quyết 27) được chi bộ thôn Mè Thượng xác định là cơ sở, nền móng, giúp soi sáng đồng bào các dân tộc xây dựng nếp sống văn minh. Sau khi lấy ý kiến nhân dân kết hợp tuyên truyền, vận động đã giúp đẩy lùi nhiều hủ tục ăn sâu trong nếp sống, nếp nghĩ người dân. Do chủ yếu đồng bào dân tộc Tày và Dao sinh sống nên chi bộ thôn Mè Thượng quyết tâm xóa bỏ những thủ tục rườm rà trong việc cưới, việc tang để tránh lãng phí, tốn kém.

Theo phong tục người Tày, khi nhà có bố hoặc mẹ qua đời, mỗi người con gái đi lấy chồng phải mang lễ đến báo ơn; mỗi lễ có lợn, xôi, rượu, cành phướn; nhà đông con gái có đến cả chục lễ nên rất tốn kém. Việc đi đón con gái vào làm lễ và mỗi người phải làm lễ riêng nên mất nhiều thời gian. Đặc biệt, việc làm nhà táng bằng tre, nứa theo phong tục địa phương phải cần từ 6 - 8 thanh niên trai tráng làm từ 1 - 2 ngày mới xong; khi đưa đi chôn cất thì nhà táng này lại bị đốt bỏ. Quan niệm của người Tày kiêng làm đám tang vào những ngày giáp Tết hoặc ngày chuyển giao của tháng, nhất là việc chôn cất phải xem được ngày tốt nên có những đám kéo dài nhiều ngày.

 

Trưởng thôn Mè Thượng, Nguyễn Thị Hường cho biết: Nhận diện rõ hủ tục, chi bộ truyền truyền, vận động theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, “hôm nay chưa được, hôm sau làm tiếp” nên đã tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Bây giờ mọi người trong thôn huy động xã hội hóa thay nhà táng tre, nứa bằng inox để có thể sử dụng nhiều lần; thôn thành lập tổ tâm linh, ban tang lễ để phân công nhiệm vụ cụ thể. Phần lễ của con gái giờ chỉ thống nhất làm 1 lễ, còn lại quy ra tiền để tránh rườm rà.

 

Nhà táng bằng tre, nứa được thay thế bằng inox sử dụng nhiều lần và đám tang của người Tày được cắt giảm nhiều thủ tục rườm rà giúp giảm bớt về sức người, tiền của.

Giống như Mè Thượng, chi bộ thôn Tiến Thắng đưa Nghị quyết 27 đến với người dân bằng phương pháp “mưa dầm thấm lâu”; kiên quyết quan điểm lấy “xây” để “chống”, “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”. Vì thế, đến nay trên địa bàn thôn khi gia chủ có đám tang, thay vì cả xóm đến hỗ trợ thì nhiệm vụ được ban tang lễ phân công cho một nhóm và đưa lên nhóm zalo; khi đến giờ từng người có trách nhiệm đến giúp rồi về nhà, tránh tình trạng nhiều gia đình phải trực giúp gia chủ đến vài ngày khiến vừa mất nhiều thời gian làm việc, vừa tốn kém ăn uống.

 

Đảng viên Nguyễn Văn Long nay đã ở tuổi 65 nhưng vẫn tham gia đảm nhiệm Chủ tịch Hội Người cao tuổi, Chủ tịch Hội Nghệ nhân dân gian xã Phương Thiện. Nhận thấy hát Then, hát Cọi là di sản văn hóa độc đáo, là hồn cốt của đồng bào dân tộc Tày nên dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, ông đã huy động sức lực, trí tuệ của các nghệ nhân dân gian trong xã cho ra mắt tập thơ “Hồn quê bản noọng” với chủ đề tuyên truyền xoá bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Mặt khác, thành lập tổ tuyên truyền đóng tiểu phẩm sân khấu hóa được biên kịch từ những bài thơ để bà con dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp thu.

 

Ông Long phấn khởi cho biết: “Sau nhiều năm đi vào hoạt động, Hội Nghệ nhân dân gian chính là cánh tay nối dài của Đảng và Nghị quyết 27 của BCH Đảng bộ tỉnh như cái cột chính trong nhà để chúng tôi bám vào tuyên truyền xóa bỏ hủ tục. Hát Then bây giờ có nhiều bài vừa giữ được bản sắc, vừa được biến tấu thành những lời hát ca ngợi vẻ đẹp quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ. Hiện, Hội Nghệ nhân dân gian của xã đang mời các nghệ nhân truyền dạy cho mọi đối tượng trên địa bàn để vừa lưu truyền những giá trị văn hóa tốt đẹp cho thế hệ sau, vừa phát triển du lịch để nâng cao đời sống”.

 

Xuyên suốt quan điểm “mọi công việc Đảng đều do đảng viên làm, mọi nghị quyết Đảng đều do đảng viên chấp hành” nên chi bộ thôn Tiến Thắng, xã Phương Thiện nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu và đội ngũ đảng viên. Với tinh thần trách nhiệm cao, thực hiện tốt quy định về mối quan hệ và lề lối làm việc giữa Đảng và chính quyền, nâng cao vai trò lãnh đạo và chủ động của mỗi tổ chức, thống nhất về mọi quan điểm, chỉ đạo triển khai các mặt hoạt động của thôn nên đã củng cố mối quan hệ “máu thịt” giữa Đảng với dân. Nhiều đảng viên gương mẫu, đi đầu nên được bà con nhân dân tin tưởng, làm theo.

Trưởng thôn Tiến Thắng, Nguyễn Văn Tỉnh (trái) thường xuyên sâu sát với nhân dân để tuyên truyền, vận động người dân hiến đất làm đường xây dựng Nông thôn mới.

Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, chi bộ thôn Tiến Thắng phân công đảng viên thuộc 4 đội sản xuất thực hiện phương châm “4 cùng”: Cùng ăn, cùng ở, cùng bàn và cùng thực hiện với nhân dân. Năm nay ở cái tuổi ngoài 70 “xưa nay hiếm” nhưng đảng viên Nguyễn Văn Kịch luôn được mọi người trong thôn Tiến Thắng mến yêu, tin tưởng. Sau nhiều ngày lân la trò chuyện, nắm tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, ông đã dần đánh bật tư tưởng cổ hủ, cố chấp đã “bám rễ” trong nhận thức của những người cao tuổi trong thôn để hướng mọi người đến nếp sống văn minh.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phương Thiện, Vũ Trọng Oanh (phải) thường xuyên nắm tình hình địa bàn được phân công theo dõi, phụ trách để giúp đỡ chi bộ thôn Tiến Thắng.

Ông Kịch tâm sự: “Là người có uy tín trong cộng đồng nên trước tiên mình phải gương mẫu, phải làm được thì mọi người mới tin lời mình nói. Vì thế, tôi và gia đình luôn động viên người dân trong thôn cần phải gìn giữ nét văn hóa truyền thống tốt đẹp, xóa bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu để xây dựng nếp sống văn minh; phải chăm chỉ làm ăn bởi khi cái bụng đã no thì làm gì cũng dễ”.

Nhớ lại đám tang của bố mình vào những ngày cuối năm 2022, đảng viên Nguyễn Văn Sèn, thôn Tiến Thắng không khỏi nghẹn ngào khi mất đi chỗ dựa tinh thần; trong khi cả gia đình và dòng họ quyết tâm làm theo phong tục truyền thống người Tày với ý định lùi đám tang lại 3 ngày để được ngày tốt; nhưng với bản lĩnh người đảng viên, anh đã tuyên truyền tới người thân cắt bỏ những thủ tục rườm rà theo tinh thần Nghị quyết 27 của BCH Đảng bộ tỉnh. Khi đó, chưa có gia đình nào trong thôn thực hiện vì sợ tâm linh, ảnh hưởng đến gia đình sau này.

Bằng sự kiên trì và quyết tâm, anh Sèn nhận được sự đồng ý của dòng họ và trở thành người đầu tiên thực hiện theo nếp sống mới. Anh Sèn chia sẻ: “Mình là đảng viên mà không làm thì nói không ai nghe. Mình đã xác định dám thay đổi phong tục truyền thống vì lợi ích cộng đồng thì mình dám chịu trách nhiệm trước gia đình, dòng họ. Do không chọn được ngày tốt nên gia đình đã nghĩ cách mời thầy tạo làm lễ rước vong hồn đi chôn trước, sau đó mới làm lễ tang nên mọi việc đều được tổ chức theo hương ước, quy ước của thôn”.

Kể từ sau đám tang của bố anh Sèn, các hộ khác trong toàn thôn Tiến Thắng đã thực hiện xóa bỏ hủ tục, cắt bỏ các phần lễ rườm rà. Bí thư chi bộ thôn Tiến Thắng, Nguyễn Chí Chăng hồ hởi: “Trước đây, để thay đổi phong tục của bà con không phải chuyện dễ; sự gương mẫu của đảng viên trong chi bộ đã làm tiền đề cho việc thực hiện các nội dung theo Nghị quyết 27 hiện nay đi vào nề nếp. Đám tang của đồng bào dân tộc Tày nay bớt gánh nặng lễ vật. Người Dao đám cưới trước đây thách cưới nhiều lợn và vài chục đồng bạc già; lễ cấp Sắc tổ chức 3 ngày 3 đêm, mời nhiều thầy cúng, mổ trâu, mổ lợn mời cả xóm… nay chỉ tổ chức ngắn gọn; lễ cưới không quá 15 triệu đồng; ăn uống chỉ mời một bữa chính. Mọi người trong thôn không còn nỗi lo khổ cực sau mỗi đám cưới, đám tang; món “nợ đồng lần” cũng dần xóa bỏ trong nếp nghĩ người dân”.

 

 

Xác định “dân là gốc” và “sức dân sức nước” nên Đảng bộ xã Phương Thiện huy động nội lực sức mạnh trong nhân dân theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; lựa chọn những việc có lợi cho dân thì hết sức làm, những việc có hại cho dân thì hết sức tránh.

 

Chi bộ thôn Mè Thượng tuyên truyền tới người dân nhân rộng mô hình trồng nấm.

Người dân thôn Mè Thượng bao năm nay quẩn quanh với ruộng đồng; cả năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng hạt thóc, hạt ngô làm ra cũng chỉ đủ đảm bảo lương thực cho cuộc sống và phát triển chăn nuôi. Nhận thấy trồng nấm cho thu nhập cao, ít vất vả, tranh thủ được thời gian và tận dụng rơm rạ ngoài ruộng nên đảng viên Nguyễn Đức Hợi mạnh dạn đi đầu đưa mô hình trồng nấm về thôn. Để giúp người dân nâng cao thu nhập, ông Hợi vận động 31 hộ trong thôn cùng làm. Do ban đầu thiếu kinh nghiệm nên ông cùng mọi người góp tiền mổ dê để mời những người đã trồng thành công về hướng dẫn. Sau không ít năm nhân rộng mô hình, đến nay hầu hết người dân thôn Mè Thượng đều trồng các loại nấm rơm, nấm sò cho nguồn thu ổn định.

 

Nhờ tham gia trồng nấm giúp gia đình chị Nguyễn Thị Vẫn, thôn Mè Thượng có cuộc sống ấm no.

Gia đình chị Nguyễn Thị Vẫn, người dân thôn Mè Thượng là một trong những hộ triển khai hiệu quả mô hình trồng nấm giúp gia đình vượt qua khó khăn. Chị Vẫn cho biết: “Thời gian trồng nấm từ lúc ủ rơm rạ đến khi cho sản phẩm chỉ hơn một tháng lại trong thời kỳ nông nhàn, góp phần bảo vệ môi trường, xử lý triệt để các nguồn rơm rạ sau thu hoạch, tạo nguồn phân bón cung cấp lại cho đồng ruộng; tạo thành sản phẩm hàng hóa. Giá bán nấm duy trì ở mức cao, giá trị mang lại cao gấp 3 lần so với trồng lúa nên đã giúp gia đình có kinh tế ổn định”.

Khi mới đặt chân tới thôn Tiến Thắng, có lẽ nhiều người ngỡ ngàng khi cổng chào của thôn to đẹp, khang trang được xây dựng với số tiền gần 120 triệu đồng hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa. Quyết tâm xây dựng thôn xóm sáng, xanh, sạch, đẹp, 200 hộ trong thôn đã chia 15 nhóm vệ sinh, tự quản và tiến hành dọn dẹp đường làng, ngõ xóm 2 lần/tháng. Thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong xây dựng Nông thôn mới; từ xi măng được Nhà nước hỗ trợ, người dân góp sức, góp của xây dựng các tuyến đường bê tông nội thôn để tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho bà con.

Cổng chào thôn Tiến Thắng được xây dựng khang trang từ nguồn xã hội hóa.

Nhận thấy lợi ích mang lại cho dân từ chương trình xây dựng Nông thôn mới, Trưởng thôn Tiến Thắng Nguyễn Văn Tỉnh nhiều năm nay là người “vác tù và” hàng ngày đi tuyên truyền, vận động, huy động sức người, sức của và trực tiếp cùng người dân làm đường bê tông nông thôn. Từ năm 2020 đến nay, dù chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng người trưởng thôn luôn biết cách linh hoạt huy động sức dân làm được 9 tuyến đường bê tông rộng 3m, dày 16cm với tổng chiều dài 2.380m; riêng năm 2023, ông đã đứng ra vận động ủng hộ của các tổ chức, cá nhân được 480 triệu đồng để làm 1.300m đường bê tông.

 

Trước đây, các tuyến đường từ trục chính của thôn dẫn vào các khu xóm thường nhỏ, chủ yếu đường đất nên trưởng thôn Nguyễn Văn Tỉnh kiên trì tuyên truyền, phân tích cho bà con hiểu ý nghĩa của việc làm đường vì cộng đồng; vừa thống nhất với nhân dân trong những buổi họp thôn, vừa đi từng nhà vận động người dân hiến đất, đóng góp công sức. Nêu cao tinh thần nêu gương của người đảng viên, bà Nguyễn Thị Tinh đã hiến 3m đất mặt đường lớn để mở đường vào xóm, nơi mà trước đây chỉ có thể đi lọt một chiếc xe máy. Từ đó, nhiều hộ dân hiến đất làm đường, trở thành phong trào rộng rãi trong toàn thôn Tiến Thắng.

 

 

Đi giữa trời Thu nắng vàng như rót mật, ngắm nhìn những con đường bê tông sạch sẽ, những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Tày khang trang, nghe tiếng trẻ bi bô học bài, tiếng nói cười rộn ràng từ các đội sản xuất và những thanh âm cuộc sống mới văn minh cũng đủ thấy cuộc sống đủ đầy đang hiện hữu giữa mảnh đất Phương Thiện đầy chất thơ. Thành quả đó được tạo nên từ việc xây dựng “Đảng bộ cơ sở bốn tốt”, “chi bộ bốn tốt” và của những người cán bộ, đảng viên gương mẫu, đi đầu, dám thay đổi, dám chịu trách nhiệm và hết mình vì lợi ích nhân dân để xây dựng Đảng bộ xã vững mạnh từ gốc.

 

 

Thực hiện: Kim Tiến 

 


Ý kiến bạn đọc


Đọc tiếp