Báo Hà Giang điện tử
.

Nghệ nhân nhân dân Sìn Văn Phong, người giữ hồn văn hóa Pà Thẻn

23:07, 25/09/2024

 

Người Pà Thẻn tự hào khi có một kho tàng di sản văn hóa truyền thống phong phú, đậm đà bản sắc. Trong dòng chảy thời gian, những di sản này vẫn có sức sống mãnh liệt nhờ không ít công sức đóng góp của Nghệ nhân nhân dân Sìn Văn Phong, thôn My Bắc, xã Tân Bắc (Quang Bình). Ông cũng là người duy nhất của tỉnh Hà Giang được Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu Nghệ nhân nhân dân vì có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

 

Nghệ nhân nhân dân Sìn Văn Phong là truyền nhân đời thứ 5 trong gia đình có truyền thống làm thầy cúng, từ nhỏ đã được cha của mình kể cho nghe những câu chuyện cổ xa xưa của dân tộc Pà Thẻn. Năm 11 tuổi, ông bắt đầu theo học nghề thầy cúng cho đến khi được cấp sắc đến bậc cao nhất, tương đương với bậc thứ 8 và được phép mặc áo thầy, cúng trả lễ, giải hạn, đưa ma, làm phép thần. Những hiểu biết rành mạch về văn hóa tín ngưỡng phi vật thể là gia sản quý báu mà gần cả cuộc đời ông đã dày công sưu tầm, nghiên cứu, thực hành và phổ biến ra cộng đồng.

Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn ở xã Tân Bắc, Quang Bình

Nghi lễ nhảy lửa có nhiều điều rất huyền bí và chỉ dành cho nam giới, những người đại diện cho ý chí, bản lĩnh của người Pà Thẻn. Khi thầy cúng gõ vào đàn và làm lễ cúng, các đạo cụ rung lên tạo ra những chuỗi âm thanh kỳ lạ, gương mặt thầy cúng rung bần bật theo nhịp chiếc vòng lắc và cây đàn gõ. Các chàng trai ngồi bên cạnh chân cũng rung lên, toàn thân lắc mạnh. Như được tiếp nhận một sức mạnh siêu nhiên, các chàng trai Pà Thẻn chân trần nhảy vào than hồng, vung lên tạo ra những chùm hoa lửa. Đôi chân của họ đều không hề bị bỏng. Lễ hội nhảy lửa chính là sự tiếp nối truyền thống văn hóa tín ngưỡng của người Pà Thẻn một cách tự nhiên và bền chặt.

         Ngoài Lễ hội nhảy lửa, Nghệ nhân nhân dân Sìn Văn Phong còn thực hiện thuần thục các bài cúng trong dịp đón Tết, cúng thổ công, cưới xin, Lễ kéo chày, Lễ cấp sắc. Thường thì mỗi bài cúng phải chuẩn bị những lễ vật khác nhau nhưng hay có chiếc đàn gõ, thanh dài, chiếc vòng lắc và đồng xin âm dương. Thủ tục quan trọng không thể thiếu khi bắt đầu nghi thức cúng là người thầy uốn hai bàn tay đan vào nhau. Người Pà Thẻn không có chữ viết riêng mà chỉ có tiếng nói, nên tất cả các bài cúng đều phải truyền miệng. Để có một người thầy cúng phải làm Lễ cấp sắc. Do vậy, người đàn ông muốn làm thầy cúng phải theo học trong một thời gian dài, vì đây là điều kiện bắt buộc trước khi được cấp sắc.

Các dụng cụ không thể thiếu trong nghi thức cúng của người Pà Thẻn

 

Từ năm 1988 đến nay, với 36 năm kinh nghiệm thực hiện các nghi lễ và trăn trở trong việc lưu truyền văn hóa của dân tộc, ông Phong đã nhận dạy nhiều học trò là con em trong thôn, bản để giúp thế hệ sau tiếp nối nghề thầy cúng. Một khoá học làm thầy cúng kéo dài ít nhất là 3 năm. Ông dạy những nghi thức cúng, tên tuổi của tổ tiên, tên tuổi của các đời thầy cúng trước để học trò ghi nhớ và cứ sau mỗi giai đoạn học nhất định, người học trò có năng khiếu sẽ được làm Lễ cấp sắc. Trong số 12 người được truyền nghề, hiện có 3 người biết thực hành tốt các di sản văn hóa vi vật thể mà ông đã tin tưởng, dày công trao truyền. Học trò xuất sắc nhất là ông Phù Minh Thành, thôn My Bắc, xã Tân Bắc

 

Trân trọng, nâng niu những giá trị di sản văn hóa phi vật thể của người Pà Thẻn, những năm qua, Nghệ nhân nhân dân Sìn Văn Phong đã tích cực tham gia các hoạt động cùng các cấp, các ngành trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc để cho nó có sức sống mạnh mẽ hơn, tỏa sáng hơn.

Nghệ nhân nhân dân Sìn Văn Phong tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức cho người Pà Thẻn đối với văn hóa dân tộc.

 

         Để đánh thức tiềm năng các di sản gắn với phát triển du lịch, giai đoạn 2014 - 2020, UBND huyện Quang Bình đã xây dựng “Đề án bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Pà Thẻn”. Hiện nay, Lễ hội nhảy lửa được duy trì hàng năm; tại thôn My Bắc, xã Tân Bắc có không gian văn hóa Lễ hội nhảy lửa đi liền với tín ngưỡng thờ cúng thần lửa của đồng bào dân tộc Pà Thẻn. Các nghệ nhân đã biết cúng nhảy lửa tiếp tục truyền nghề cho người kế cận; các làn điệu dân ca, múa hát đi vào các nhà trường và đến từng thôn, bản; kiến trúc nhà truyền thống được phục dựng; nghề dệt thổ cẩm cất cánh vươn xa ra thị trường nước ngoài và được nhiều người yêu thích.

 

Văn hóa dệt thổ cẩm của người Pà Thẻn.

Bằng đôi bàn tay khéo léo, phụ nữ Pà Thẻn tạo ra những bộ trang phục rực rỡ.

Anh Nguyễn Ngọc Thư, khách du lịch đến từ thành phố Hà Nội cho biết: “Mỗi năm, chờ đến dịp tháng 10 âm lịch, tôi và gia đình quay trở lại xã Tân Bắc để xem Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn. Đây là Lễ hội rất hấp dẫn và độc đáo, có sức hút đối với du khách. Được khám phá phong tục, tập quán nơi đây, tôi thấy rằng, người Pà Thẻn chứa nguồn văn hóa vô tận trong đời sống cộng đồng. Con người sống chất phát, chan hòa, gần gũi với thiên nhiên, núi rừng, có trách nhiệm, say mê và niềm tự hào với truyền thống văn hóa dân tộc”.

Lễ kéo chày của người Pà Thẻn.

 

 

Phát huy vai trò, vị thế của mình trong cộng đồng xã hội và đáp ứng sự kỳ vọng, tin tưởng của Đảng, Nhà nước, Nghệ nhân nhân dân Sìn Văn Phong được ví như cánh chim đầu đàn vững vàng, kiên cường dẫn dắt bản làng vượt qua hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống đoàn kết, bình yên và phát triển.

 

Thực hiện Nghị quyết số 27 của Tỉnh ủy, Nghệ nhân nhân dân Sìn Văn Phong đã tiên phong, đi đầu trong phong trào xóa bỏ hủ tục lạc hậu, thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho bà con. Vừa mang dòng họ Sìn là con cả của dân tộc Pà Thẻn, lại là người có tiếng nói cao nhất, ông đã nghiên cứu, bổ sung vào quy ước, hương ước của thôn, xã về các quy định bài trừ hủ tục lạc hậu. Ông là người thầy đầu tiên không nhận làm lễ cho những gia đình có con cưới chưa đủ tuổi, thách cưới cao, hôn nhân cận huyết thống. Dòng họ Sìn cũng là dòng họ làm điểm trước. Bây giờ, các đôi nam nữ trước khi cưới được tự do tìm hiểu trên nguyên tắc tự nguyện và làm thủ tục đăng ký, được cấp giấy đăng ký kết hôn theo đúng pháp luật. Việc tổ chức lễ cưới đơn giản hóa về thủ tục, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và điều kiện kinh tế của gia đình.

Đám tang của người Pà Thẻn giảm tình trạng mổ trâu, bò, giết nhiều gia súc, gia cầm làm lễ và giảm các nghi lễ cầu kỳ mà vẫn giữ được bản sắc văn hoá dân tộc. Người mất cho vào áo quan và che khăn kín mặt. Thời gian tang ma chỉ tổ chức trong 24 giờ. Các Lễ hội diễn ra trang nghiêm, đúng nghi thức, không phô trương, lãng phí; không có trò chơi mang tính cờ bạc, vụ lợi; không tổ chức các hoạt động trái với truyền thống văn hóa các dân tộc. Lễ vật cúng đã được rút gọn đơn giản, không cầu kỳ như trước. Các lễ cúng dù thời gian dài hay ngắn, các thầy cúng chỉ được phép lấy tiền công dưới 300.000 đồng.

 

Phụ nữ Pà Thẻn giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc.

Trò chơi đẩy gậy độc đáo, hấp dẫn của người Pà Thẻn.

Gần cả cuộc đời gắn bó với di sản văn hóa phi vật thể của người Pà Thẻn, Nghệ nhân nhân dân Sìn Văn Phong không chỉ có những đóng góp to lớn vào việc bảo tồn di sản văn hóa của nhân loại, ông còn là “linh hồn”, là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của dân tộc Pà Thẻn.

 

Thực hiện: Mộc Lan - Viên Sự

 


Ý kiến bạn đọc


Đọc tiếp