Báo Hà Giang điện tử
.

“Chiếc loa” đưa ý Đảng vào lòng dân: Kỳ cuối: Bừng sáng bản làng

16:05, 25/09/2024

 

Với nhiều phương thức tuyên truyền, cùng với sự nỗ lực, nhiệt tình và sáng tạo của các tuyên truyền viên cơ sở nên các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phòng, chống tệ nạn xã hội cũng như công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia đã nhanh chóng, kịp thời đến được với bà con ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và biên giới của tỉnh. Qua đó, đã chuyển biến nhận thức tích cực trong văn hóa, xã hội và phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo góp phần đảm bảo quốc phòng – an ninh.

Xã Tả Phìn là xã đặc biệt khó khăn của huyện Đồng Văn, toàn xã có 9 thôn, 751 hộ, trong đó hộ nghèo toàn xã chiếm 68,71% và có 3 thôn đặc biệt khó khăn là Xùa Lủng, Khúa Lủng, Nhìa Lũng Phìn. Đây cũng là 3 thôn không có điện, không có sóng điện thoại, do vậy việc tiếp cận thông tin đối với bà con không dễ dàng.

undefined

Đồng chí Cử Mí Sính, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Phìn (Đồng Văn), cho biết: Từ việc tuyên truyền lưu động của Đội tuyên truyền viên huyện Đồng Văn, nhận thức của người dân được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ gia đình xóa bỏ hủ tục lạc hậu đã giảm, trong đám tang không tổ chức dài ngày, không giết mổ nhiều gia súc và không còn tình trạng tảo hôn trên địa bàn xã.

“Ngoài tuyên truyền thường xuyên bằng tiếng phổ thông, Đội tuyên truyền của huyện cũng đã phiên dịch ra tiếng dân tộc để giúp người dân có thể hiểu hơn, nâng cao nhận thức và đảm bảo những thông tin hữu ích đến với người dân một cách trọn vẹn nhất”, đồng chí Cử Mí Sính chia sẻ.

Anh Thào Văn Tờ, thôn Đoàn Kết, xã Thèn Phàng, huyện Xín Mần phấn khởi chia sẻ: Hôm nay chúng tôi được các cán bộ đến tuyên truyền cho nhân dân trong thôn những nội dung: Bắt buộc là nữ phải đủ 18 tuổi, nam phải đủ 20 tuổi mới được kết hôn, không lấy chồng, lấy vợ cận huyết thống để tránh sau này ảnh hưởng bệnh tận cho con cái. Bây giờ các đám tang được các cán bộ tuyên truyền người dân không tổ chức to, không mổ trâu, mổ lợn nhiều. Trước kia các đám tang tổ chức 5-6 ngày, thì bây giờ chỉ tổ chức rút ngắn lại còn 24 giờ.

Đồng chí Thèn Văn Nghiêm, Phó chủ tịch UBND xã Thèn Phàng, huyện Xín Mần cho biết: Qua các công tác tuyên truyền lưu động, vấn đề hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn đã giảm. Nếu như năm 2023 còn sảy ra 2 cặp, thì sau 9 tháng của năm 2024 không sảy ra cặp nào.

Thực hiện Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nếu như trước đây khi có đám ma thì tổ chức dài ngày giết mổ nhiều gia súc gia cầm để cúng lễ cho người chết, đến thời điểm này bà con nhân dân đã ý thức được và tiếp thu gần 70-80%.

Ông Vừ Phái Ly, thôn Nhù Sang, xã Lũng Táo (Đồng Văn) chia sẻ: Hôm nay, được các cán bộ tuyên truyên lưu động tuyên truyền về pháp luật, bảo vệ an ninh đường biên giới, về Nghị quyết 27 về xóa bỏ hủ tục, xây dựng đời sống văn minh. Tôi cũng rất phấn khởi, hiểu nhiều hơn, không riêng gì tôi mà cả bà con ở thôn sau khi nghe những buổi tuyên truyền đều chấp hành tốt những quy định của pháp luật. Đặc biệt, đây là thôn giáp biên giới trước đây còn rất nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn nhưng từ khi được tuyên truyền nghị quyết của Đảng thì nhà tôi không còn nghèo nữa, các gia đình trong thôn cũng khấm khá lên.

Sau những lần được tiếp nhận thông tin tuyên truyền lưu động tại các thôn, bản, người dân không chỉ nắm rõ được các nội dung tuyên truyền để áp dụng thực hiện mà một trong số họ còn trở thành các tuyên truyền viên cho chính gia đình, dòng họ và bà con trong thôn.

Chị Sùng Thị Dính, thôn Xùa Lủng, xã Tả Phìn

 

Chị Sùng Thị Dính, thôn Xùa Lủng, xã Tả Phìn: Sau khi được nghe tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng thì tôi cũng như bà con trong thôn đã làm theo. Ngày xưa thì vẫn còn có trọng nam khinh nữ nhưng mà từ khi có các cán bộ đến tuyên truyền và được mọi người tuyên truyền nhiều như thế này thì chúng tôi cũng đã thay đổi rất nhiều. Bây giờ, trong gia đình phụ nữ và đàn ông; con trai và con gái đều có quyền như nhau; chúng tôi cho các con đi học, mọi người đều bình đẳng, chúng tôi đều học cái mới và đi theo những chính sách của Đảng và Nhà nước.

Em Vừ Thị Mai Lam, thôn Nhù Sang, xã Tả Phìn (Đồng Văn) chia sẻ: Chúng em thường xuyên được xem, được nghe những tuyên truyền viên, cảm thấy rất thích thú, có thêm nhiều kiến thức hơn về tảo hôn khi nam chưa đủ 20 tuổi và nữ chưa đủ 18 tuổi thì không được kết hôn. Năm nay, em được 12 tuổi và em không muốn kết hôn sớm vì vẫn đang trong độ tuổi đi học. Khi về nhà em sẽ là tuyên truyền viên kể lại, thông tin lại những kiến thức cho chính gia đình của em.

 

Ông Vàng Mí Pó, trưởng thôn Nhù Sang, xã Tả Phìn (Đồng Văn) cho biết: Cả thôn hiện có 49 hộ dân với 260 nhân khẩu, toàn thôn còn 2 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo. Trước đây do là thôn biên giới nên người dân ít được tiếp cận với thông tin, vì vậy các hủ tục như không cho người chết vào áo quan vẫn tiếp diễn. Nhưng từ khi được các tuyên truyền viên đến phổ biến thì nhiều người dân cũng như 5 dòng họ của thôn đã tự tuyên truyền cho dân hiểu và nhận thức được. Đến nay, 100% các hộ dân trong thôn đã xóa bỏ được hủ tục, đưa người chết vào áo quan.

Trung tá Phạm Xuân Căn, Đồn Biên phòng Đồng Văn

Trung tá Phạm Xuân Căn, Đồn Biên phòng Đồng Văn chia sẻ: Trong thời gian vừa qua, các cán bộ tuyên truyền văn hóa lưu động của huyện thường xuyên đi đến những địa bàn vùng sâu, vùng xa đặc biệt là địa bàn biên giới của huyện và phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các lực lượng đóng quân trên địa bàn để tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục cho bà con ở vùng dân tộc nói chung và vùng đồng bào ở biên giới nói riêng về chủ trương của Đảng, Nhà nước, các vấn đề về phòng, chống tệ nạn xã hội cũng như công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh, biên giới quốc gia đến với bà con ở khu vực giáp biên. Từ các buổi tuyên truyền, bà con đã chấp hành tốt các quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh, phòng chống dịch bệnh. Đồng thời nâng cao cảnh giác và không tiếp tay cho các loại tội phạm buôn bán người, tội phạm buôn lậu.Thường xuyên phối hợp tích cực với lực lượng biên phòng trong công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

 

Có thể nói hoạt động tuyên truyền lưu động mang lại hiệu quả trực tiếp đối với người dân. Bởi người dân vừa được tiếp nhận thông tin từ âm thanh, ánh sáng, âm nhạc, hồi ức, hồi ký lịch sử của dân tộc Việt Nam qua các thời kỳ; những chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước qua các nhiệm kỳ đại hội đều được trình chiếu trên màn ảnh rộng khiến người xem dễ hiểu và dễ lắm bắt được thông tin, đặc biệt với những bộ phim điện ảnh, phim tài liệu, bản tin tuyên truyền được lồng tiếng dân tộc giúp bà con hiểu và nắm bắt thông tin nhanh chóng.

Cùng với đó là do nguồn phim của Cục Điện ảnh Việt Nam cung cấp chưa phù hợp, đa dạng và phong phú với nhu cầu hưởng thụ của người dân vùng cao. Một số trang thiết bị chiếu phim đã bị xuống cấp và thiếu đồng bộ làm ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng chiếu phim của các đội chiếu bóng lưu động ở các huyện.

Để khắc phục tình trạng trên, đồng chí Nguyễn Mạnh Hà cho biết: Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh đã rà soát những trang thiết bị xuống cấp và cấp phát mới để đảm bảo yêu cầu. Chỉ đạo các Đội chiếu bóng lưu động tại cơ sở kết hợp với Đội thông tin lưu động các huyện và Ban văn hoá các xã tạo nên sự đa dạng, phong phú các nội dung tuyên truyền từ các cấp tỉnh, huyện. Đồng thời yêu cầu các phòng của Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh đảm bảo công tác phát hành phim, phóng sự phục vụ chiếu phim, biên soạn tin bài, tài liệu tuyên truyền trước các buổi chiếu phim. Đội tuyên truyền ở 11 huyện, thành phố tích cực tuyên truyền các nghị quyết của Đảng cho người dân dễ hiểu, dễ nắm để thực hiện.

 
 

 

 

Thực tiễn đã chỉ ra rằng, một chủ trương, nghị quyết dù có hay đến đâu, kết quả đạt được phải phụ thuộc vào người thực hiện. Và để thực hiện được thì công tác tuyên truyền là một trong những yếu tố quan trọng. Trong đó tuyên truyền lưu động ở một tỉnh vùng cao, biên giới với nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thì không thể thiếu. Bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo của các tuyên truyền viên mà những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cứ “mưa dầm thấm lâu” vào cuộc sống đồng bào rẻo cao Hà Giang. Góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí, đảm bảo quốc phòng – an ninh của tỉnh cực Bắc của Tổ quốc.

 

 

 

Thực hiện: Nhómm PV báo điện tử

 


Ý kiến bạn đọc


Đọc tiếp