08:35, 14/03/2025
Tại các thôn, bản của huyện Hoàng Su Phì, mỗi buổi tối, tiếng đánh vần "ê, a" lại vang lên giữa núi rừng. Điều đặc biệt là những âm thanh này không xuất phát từ trẻ nhỏ, mà từ những người đã làm cha, làm mẹ, thậm chí là những cụ ông, cụ bà. Lớp học xóa mù chữ ở thôn Đoàn Kết, xã Hồ Thầu là một trong số đó.
Sau bữa cơm tối, các học viên tuổi 30-60 mang đèn pin, men theo con đường rộng hơn 3 m, cây bụi rậm rạp để đến hội trường thôn Đoàn Kết, xã Hồ Thầu tham gia lớp học xóa mù chữ. Lớp học có 22 học viên được tổ chức từ 18h – 21h với 100% là người Dao, có người đã lên chức ông, chức bà, nhưng vì nhiều lí do khác nhau, đến nay mới được học cái chữ. Những đôi bàn tay chai sạn vốn chỉ cầm quốc, cầm dao thì nay vụng về, nắn nót từng con chữ. Nhưng hơn hết, họ đều mang trong mình khát khao được biết chữ, được đọc, viết và tính toán để cuộc sống bớt khó khăn hơn.
Mặc dù đã gần 55 tuổi, vợ chồng ông Triệu Chàn Phin (thôn Đoàn Kết) vẫn đều đặn mang theo sách bút đến lớp học xóa mù chữ. Ông Phin chia sẻ: "Học trên lớp chưa đủ, về nhà hai vợ chồng tôi vẫn ôn lại bài. Chỗ nào không hiểu, không biết, tôi lại hỏi con, hỏi cháu". Sau thời gian kiên trì học tập, ông đã có thể tự gọi điện, nhắn tin cho con cái ở xa. Với ông, đây là niềm vui lớn lao mà trước đây ông chưa từng
Cũng là học viên của lớp, bà Bàn Mùi Phin ban đầu rất ngại ngùng khi đi học vì lo sợ mình đã lớn tuổi. Nhưng được sự động viên của giáo viên, bà dần tự tin hơn. "Dù đi học phải ngồi lâu, mỏi lưng nhưng tôi chưa bỏ buổi nào. Tôi sợ nếu bỏ học giữa chừng thì lại quên chữ. Mình phải kiên trì học để làm gương cho con cháu" – bà Phin chia sẻ. Sau một thời gian học tập, bà đã có thể ghép vần, đọc chữ và viết những câu đơn giản.
Phía sau những lớp học xóa mù chữ là sự tận tâm và kiên trì của các thầy cô giáo. Cô Triệu Mùi Nái, giáo viên trường Tiểu học và THCS Hồ Thầu, là một trong những người trực tiếp giảng dạy. Cô chia sẻ: "Cuối năm 2024, khi lớp học mới bắt đầu, nhà trường đã phải cử giáo viên đến từng hộ gia đình để vận động người dân đi học. Ban ngày họ đi làm rẫy, tối lại ngại đi học vì đường xa và ngôn ngữ khó tiếp thu. Vì vậy, giáo viên không chỉ dạy chữ mà còn phải tạo động lực, khuyến khích họ đến lớp đều đặn".
Một trong những thách thức lớn nhất của giáo viên là rào cản ngôn ngữ và sự chênh lệch độ tuổi của học viên. Cách phát âm của người Dao khác biệt, vì thế giáo viên phải kiên nhẫn giảng giải, chậm rãi hướng dẫn từng chút một. Việc cầm tay nắn nót từng nét chữ đòi hỏi sự tỉ mỉ và nhẫn nại.
Người lớn tuổi tay chân cứng nên cầm tay chỉ họ viết chữ cái khó lắm. Có khi mới cầm viết hướng dẫn viết, tay họ đã tự bật ra búng vào tay mình. Nhưng phấn khởi là học viên ở lớp cũng rất ham học. Cô Vi Thị Hạnh, giáo viên trường TH & THCS Hồ Thầu bày tỏ.
Để vận động người dân đi học không phải là chuyện dễ dàng. Nhiều người ngại ngùng vì lớn tuổi, lo sợ không theo kịp. Vì vậy, các thầy cô phải phối hợp với già làng, trưởng thôn đến từng nhà để phân tích lợi ích của việc biết chữ. Khi có thể đọc, viết và tính toán, bà con sẽ không còn phải nhờ người khác đọc giúp giấy tờ hay tính toán tiền bạc. Quan trọng hơn, họ sẽ tự tin hơn trong cuộc sống.
Ông Triệu Trù Cấu, trưởng thôn Đoàn Kết nhận định: Thấy được những lợi ích từ việc đưa “con chữ” đến với bà con, thôn sẽ tiếp tục rà soát cùng các thầy cô vận động bà con ở xã mở thêm lớp xoá mù để người dân trong thôn hiểu biết hơn, đời sống được nâng cao hơn.
Từ năm 2020 đến nay, huyện Hoàng Su Phì đã tổ chức 36 lớp học xóa mù chữ, giúp gần 700 học viên tiếp cận với tri thức. Hiện tại, huyện vẫn duy trì 3 lớp tại các xã Hồ Thầu, Thàng Tín, Nam Sơn. Trong thời gian tới, ngành giáo dục huyện đặt mục tiêu mở thêm 10 lớp mới, tạo cơ hội học tập cho người dân từ 20 đến 60 tuổi tại các xã còn lại.
Những lớp học xóa mù chữ không chỉ giúp người dân biết đọc, biết viết mà còn tiếp thêm sự tự tin, xóa bỏ mặc cảm và tạo động lực vươn lên thoát nghèo. Với những người từng phải sống trong bóng tối của sự mù chữ, việc cầm bút viết lên những dòng chữ đầu tiên là cả một niềm hạnh phúc.
Những nỗ lực của các thầy cô giáo và ngành giáo dục Hoàng Su Phì đã mở ra con đường mới cho đồng bào nơi đây. Khi tri thức lan tỏa, cuộc sống của bà con sẽ thay đổi, không chỉ hôm nay mà còn cho thế hệ mai sau. Trên những nẻo đường vùng cao, ánh sáng tri thức vẫn đang tiếp tục được thắp lên, soi sáng hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn.
Nội dung: Mai Ánh - Trình bày: Viên Sự