Báo Hà Giang điện tử
.

"Tận trung báo quốc - Bất thụ nô lệ" - Kỳ cuối: Ánh sáng "Diên Hồng" hồi sinh vùng đá khát Hà Giang

21:55, 20/11/2024

Trở lại với những câu chuyện huyền bí của đại biểu quốc hội (ĐBQH) khóa I Vương Chí Sình, có thể khẳng định, tài sản lớn ông để lại cho hậu thế người H'Mông nói riêng và cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) trên vùng Đồng Văn nói chung chính là tinh thần đoàn kết toàn dân tộc. Tinh thần ấy cùng với chủ trương, đường lối của Đảng như "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt quá trình đấu tranh, phát triển và hiện hữu dưới mỗi nếp nhà trình tường. Còn nhớ lúc Đồng Văn nổi lên nạn thổ phỉ, chúng ra sức lôi kéo, dụ dỗ, chèn ép người H'Mông nhằm hạn chế sự ảnh hưởng của Vương Chí Sình và dễ dàng thâu tóm vùng biên cương, nhưng nhờ có tinh thần đoàn kết, dưới sự chỉ đạo của ĐBQH Vương Chí Sình, Vừ Mí Kẻ, người H'Mông đứng lên chống trả quyết liệt, mọi âm mưu của chúng đều không thực hiện được.

Năm 1959, để kết nối vùng Đồng Văn với miền xuôi, Chính phủ cho chủ trương mở con đường dài gần 200 km từ Hà Giang - Đồng Văn - Mèo Vạc. Con đường được thực hiện với sự tham gia của hàng vạn thanh niên xung phong và đồng bào DTTS 6 tỉnh phía Bắc gồm: Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang và hai tỉnh Hải Hưng, Nam Định. Con đường xuyên đá cứng, nhiều khúc cua, lắm dốc cao, nhưng không khuất phục khó khăn, dưới sự chỉ huy công trường của ĐBQH, Chủ tịch huyện Đồng Văn Vừ Mí Kẻ và các đồng chí lãnh đạo huyện Đồng Văn, các thanh niên và đồng bào vùng cao đã treo mình trên đá, đục, đẽo bằng tay, vượt đỉnh Mã Pí Lèng, nhiều thanh niên xung phong đã hy sinh. Sau 6 năm xây dựng, con đường Hạnh Phúc hoàn thành, là chiến công hiển hách, một biểu tượng sáng ngời về tinh thần đoàn kết dân tộc.

Đồng bào vùng cao treo mình trên vách đá xây con đường Hạnh Phúc

Những năm gần đây, hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật San sư khẻ tọ mượn danh nghĩa tín ngưỡng dân tộc và giáo lý, giáo luật để hoạt động, diễn biến phức tạp, xuất hiện tại nhiều địa phương trong tỉnh. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, có khoảng 267 hộ với 1.097 khẩu tham gia tà đạo San sư khẻ tọ. Để xâm nhập, các đối tượng sử dụng kết hợp các phương thức, thủ đoạn khác nhau; lợi dụng điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn và sự nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết của đồng bào; lợi dụng các trang mạng xã hội, hoạt động thăm thân, du lịch, từ thiện để móc nối, dụ dỗ, lôi kéo người dân tin theo. Trước tình hình đó, các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ tà đạo, quay về phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.

Điều đặc biệt trong đời sống đồng bào DTTS chính là sự gắn kết cộng đồng, tinh thần đoàn kết trong dòng họ, bởi vậy một trong những thành công của việc xóa tà đạo trên vùng Cao nguyên đá chính là vận dụng hiệu quả vai trò các già làng, trưởng bản, người có uy tín, trưởng các dòng họ. Phẩm chất ấy trong cộng đồng người H'Mông truyền đời từ lâu nhưng biểu hiện rõ nhất dưới thời ông Vương Chí Sình cai quản Đồng Văn. Ông Vương Duy Bảo, nguyên Hàm Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), chia sẻ: "Ông Vương Chí Sình là biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới thời của ông, đồng bào người H'Mông không còn "bỏ rẫy, đốt nhà" để di cư vào miền Nam, không theo tà đạo, tuyệt đối tin tưởng vào Đảng, Bác Hồ, được giác ngộ cách mạng, phát huy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, cùng với Nhân dân cả nước đứng lên chống lại giặc ngoại xâm, giữ yên biên ải".

Lãnh đạo huyện Đồng Văn tuyên truyền xóa bỏ tà đạo cho người dân xã Lũng Phìn

Trưởng ban Dân vận huyện Đồng Văn Dương Ngọc Đức nhấn mạnh: Ở Đồng Văn, đồng bào dân tộc H'Mông chiếm đa số, kinh nghiệm trong "dân vận khéo" ở vùng cực Bắc chính là phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong", tinh thần đoàn kết ấy phát huy hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trở thành "chất keo" giúp đồng bào DTTS vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế, cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Năm 2023, gia đình anh Vàng Vả Máy, dân tộc H'Mông, thôn Sà Phìn B, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn được hỗ trợ kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững để mua bò vỗ béo. Bằng kinh nghiệm chăn nuôi, sự chăm chỉ, cần cù trong lao động, đàn bò của gia đình anh Máy phát triển tốt. Sau khi xuất bán lứa đầu tiên, anh tiếp tục tái đầu tư, phát triển quy mô, đến nay bán được 6 lứa, mỗi lứa thu về trên 20 triệu đồng, giúp gia đình có thu nhập ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Tại thôn Séo Lủng B, xã Sảng Tủng, huyện Đồng Văn, nơi có 100% đồng bào dân tộc H'Mông; thực hiện 3 chương trình MTQG, toàn thôn được đầu tư 40 con bò từ các dự án phát triển chăn nuôi, tạo sinh kế, đồng thời đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, liên kết phát triển cây bắp cải chuyên canh 3 vụ với quy mô 20 ha/vụ. Năng suất bình quân 6 tấn/ha, giá bán thị trường từ 5.000 - 6.000 đồng/kg. Mỗi vụ thu hoạch, người dân Séo Lủng B có thu nhập trên 600 triệu đồng. Nhiều hộ có thu nhập ổn định, tình nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Đến nay, Séo Lủng B chỉ còn 4 hộ nghèo, 5 hộ cận nghèo. Trưởng thôn Giàng Nỏ Pó tâm sự: "Trước đây, cuộc sống đồng bào H'Mông ở Séo Lủng B gặp nhiều khó khăn, phần lớn là hộ nghèo, nay thì khác rồi, các chương trình, dự án từ 3 chương trình MTQG được triển khai hiệu quả đã giúp bà con có cuộc sống mới".

Các mô hình phát triển kinh tế của người dân vùng Cao nguyên đá

Những năm qua, Quốc hội ban hành nhiều nghị quyết liên quan đến đời sống đồng bào DTTS, đặc biệt là Nghị quyết 88/2019/QH14 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết 120/2020/QH14 về phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Quốc hội khoá XV đã ban hành Nghị quyết số 24/2021/QH15 phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 25/2021/QH15 phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.

Mục tiêu tổng quát, bao trùm của 3 chương trình MTQG là khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương; đẩy mạnh phát triển kinh tế, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa; cải thiện đời sống của Nhân dân, thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.

Chính vì vậy, khi nghị quyết được ban hành, Hà Giang là một trong những tỉnh hoàn thành sớm công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn, tạo hành lang pháp lý để tổ chức thực hiện chương trình theo quy định. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành sát sao, toàn diện về công tác dân tộc, kịp thời ban hành các nghị quyết, kế hoạch, đề án cụ thể hóa các nghị quyết của Quốc hội, quyết định của Chính phủ vào điều kiện thực tiễn của tỉnh. Công tác theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện chương trình được thực hiện nghiêm túc, hiệu lực, hiệu quả. Qua đó, đã kịp thời nắm bắt được những tồn tại, khó khăn vướng mắc, đề xuất giải pháp tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn thuộc các dự án của chương trình.

Riêng đối với Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, tổng vốn giao thực hiện chương trình giai đoạn 2021 - 2025 là trên 7.570 tỷ đồng. Đến năm 2024, tổng vốn giao trên 3.145,5 tỷ đồng, đã giải ngân vốn đầu tư phát triển trên 1.827 tỷ đồng, vốn sự nghiệp đạt trên 1.177,7 tỷ đồng.

Các đại biểu quốc hội khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang thảo luận, tiếp xúc cử tri, đề xuất giải pháp thực hiện nghị quyết của Quốc hội

Chương trình MTQG giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025 được bố trí trên 3.630,6 tỷ đồng, đã đầu tư khởi công mới 83 công trình liên xã thiết yếu trên địa bàn huyện nghèo; triển khai 587 dự án, mô hình giảm nghèo với 15.131 hộ nghèo và cận nghèo thụ hưởng; 14 dự án liên kết chuỗi giá trị với 412 hộ nghèo hưởng lợi; đào tạo nghề sơ cấp, dưới 3 tháng cho 14.374 học viên; hỗ trợ 11.698 hộ nghèo và cận nghèo làm nhà ở. Toàn tỉnh có 51 xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Đến hết năm 2024, toàn tỉnh giảm trên 11.700 hộ nghèo, tương đương với 6,26%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh (4%/năm).

Đồng chí Tráng A Dương, Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang chia sẻ: "Những năm gần đây, khi triển khai các chính sách, nghị quyết của Quốc hội liên quan đến đồng bào DTTS, đời sống của đồng bào Hà Giang nói chung và người H'Mông nói riêng có nhiều thay đổi rõ nét. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS giảm bình quân 6%/năm; tổng sản phẩm bình quân đầu người tăng trưởng khá và ổn định; văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy; chất lượng giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe được nâng lên và an sinh xã hội đảm bảo; đặc biệt, đồng bào người H'Mông đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vươn lên, tham gia tích cực trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhân lên niềm tin với Đảng. 3 chương trình MTQG thực sự là "đòn bẩy" thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ ở tỉnh biên giới Hà Giang. Bởi lẽ chưa bao giờ có một chương trình, chính sách nào lại bao trùm, tổng quát và nhiều nguồn lực đến như vậy, đầu tư trực tiếp và tác động mạnh mẽ, toàn diện đến đời sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương".

Từ nguồn vốn của 3 chương trình MTQG, người dân Cao nguyên đá đầu tư phát triển các sản phẩm OCOP, mang lại thu nhập ổn định

Trong đợt giám sát “Việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình MTQG về xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030” vào đầu tháng 7 năm 2023 tại tỉnh Hà Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương – Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội khẳng định: Mặc dù có nhiều khó khăn song Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Giang đã chủ động, tích cực chỉ đạo, triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ được giao theo nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo chuẩn nghèo đa chiều 5,12% (theo kế hoạch đặt ra là 4%); tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm 5,87%... Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là kết quả ấn tượng với một tỉnh đặc thù, vùng cao, núi đá, địa hình chia cắt, còn rất nhiều khó khăn như tỉnh Hà Giang. Việc triển khai các chương trình MTQG tại Hà Giang đã góp phần thay đổi nhận thức và sự tham gia đóng góp của Nhân dân trong thực hiện dự án, tiểu dự án của các chương trình.

Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội giám sát việc triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia tại Hà Giang

Vương Thị Chở, một người con của xã Sà Phìn, quê hương ông Vương Chí Sình, vị ĐBQH đầu tiên của tỉnh Hà Giang vui vẻ, tự hào giới thiệu cho du khách về lịch sử dinh thự họ Vương. Chở chia sẻ: "Là con cháu dòng họ Vương, là người H'Mông trên Cao nguyên đá, tôi tự hào vì những gì ông cha đã cống hiến cho xã hội. Cuộc sống của người dân nay đã khác rồi, chúng tôi được học tập, trưởng thành như ngày nay ngoài nỗ lực của bản thân là nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước. Các vị đại biểu quốc hội qua các khóa đều gần dân, sát dân, lắng nghe tiếng nói, nguyện vọng của Nhân dân gửi đến nghị trường Quốc hội".

Năm 1948, ông Trần Đăng Ninh được Bác Hồ cử lên Đồng Văn gặp ông Vương Chí Sình bàn việc chống thực dân Pháp. Tại cuộc gặp này, đã thống nhất nội dung ông Vương Chí Sình quyết tâm một lòng theo Đảng. Sau này hòa bình, Chính phủ Việt Minh cho người H'Mông có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, không còn phải di cư, được ăn học để trưởng thành. Giữ trọn lời hứa với dân, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, nghị quyết quan trọng nhằm nâng cao cuộc sống đồng bào DTTS.

Nhiều công trình giao thông được đầu tư xây dựng, giúp người dân đi lại và giao thương thuận lợi

Phó Chủ tịch HĐND huyện Đồng Văn Nguyễn Trung Kiên cho biết: "Việc triển khai hiệu quả các chính sách, nghị quyết của Quốc hội đã giúp đổi thay đời sống đồng bào DTTS trên địa bàn. Người dân giờ đây nhận thức đầy đủ giá trị của hòa bình, độc lập, tự do, ý nghĩa của các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, từ đó mà không ngừng nỗ lực, phấn đấu, chung tay với chính quyền thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương".

Đời sống đồng bào dân tộc H'Mông nay đã được nâng cao nhờ các nghị quyết, chính sách của Quốc hội

Những ngày tháng 11, Quốc hội khóa XV đang tổ chức Kỳ họp thứ 8. Tại kỳ họp, các vị đại biểu quốc hội, các tư lệnh ngành với ý thức trách nhiệm cao trong vai trò là người đại diện của Nhân dân, tập trung tinh thần, trí tuệ, tham luận, kiến nghị, đề xuất, thảo luận, tranh luận, chất vấn và trả lời chất vấn, quyết định nhiều nội dung quan trọng. Có giải pháp cụ thể và rõ trách nhiệm đối với các vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị. Không khí làm việc của kỳ họp sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng. Các đại biểu quốc hội đều bám sát thực tiễn cuộc sống, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, cử tri.

Trên bản làng người H'Mông, thanh âm bài hát "Người Mèo ơn Đảng" luôn rộn vang trong các dịp lễ, hội, mừng năm mới hay giao lưu với bạn bè, bởi người H'Mông tự hào có Đảng dẫn lối, có Quốc hội, Chính phủ chăm lo, người H'Mông nguyện "Tận trung báo quốc - Bất thụ nô lệ", một lòng yêu nước, đoàn kết, giữ đất biên cương, không làm "nô lệ" cho đói nghèo, lạc hậu, "sống trên đá, thoát nghèo trên đá và tiến tới làm giàu trên đá". Ánh sáng "Diên Hồng" đã "hồi sinh" vùng đá khát Hà Giang.

Cao nguyên đá giờ đây trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế

Nội dung: Biện Luân - Thiên Thanh | Thiết kế: Minh Châu

Kỳ đầu: Chuyện chưa kể về người Đại biểu Quốc hội Khoá I kết nghĩa anh em với Bác Hồ


Ý kiến bạn đọc


Đọc tiếp