"Tận trung báo quốc, bất thụ nô lệ" - Kỳ đầu: Chuyện chưa kể về người Đại biểu Quốc hội Khoá I kết nghĩa anh em với Bác Hồ
Sừng sững trên miền đá tai mèo sắc nhọn, dinh thự họ Vương tại xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn (công trình kiến trúc văn hóa nghệ thuật cấp Quốc gia), hiện thân đầy đủ về thế lực của "Vua Mèo" Vương Chí Sình một thời vang danh biên ải. Trong ngôi dinh thự ấy, ngoài những câu chuyện về thế lực của thổ ty, đời sống sinh hoạt, khối tài sản khổng lồ, khói thuốc phiện... hấp dẫn du khách, thì con đường đến với Đảng, với Bác và trở thành đại biểu quốc hội (ĐBQH) của chủ nhân ngôi biệt thự cũng là câu chuyện hùng tráng, ngỡ như trong huyền thoại.
|
Trong chuyến ngược Cao nguyên đá những ngày cuối thu, nắng vàng trải nhẹ trên những cây sa mộc cổ thụ trước dinh thự nhà Vương, mái ngói âm dương in bóng xuống vạt sân trong hậu dinh, tạo nét cổ kính, trầm mặc. Lần này, trong dinh thự "Vua Mèo" có thêm những tấm bảng lớn, ghi lại những câu chuyện lịch sử quan trọng liên quan đến chủ nhân ngôi dinh thự. Đó là chuyện về Bác Hồ với cha con ông Vương Chính Đức, chuyện những kỷ vật Bác tặng Vương Chí Sình, chuyện ông Trần Đăng Ninh lên Đồng Văn gặp ông Sình bàn việc nước và những thỏa thuận của ông Sình với Việt Minh.
|
|
Dinh thự nhà Vương trên Cao nguyên đá Đồng Văn |
Tôi may mắn vì đợt viếng thăm nhà Vương này, tôi được gặp ông Vương Duy Bảo, nguyên Hàm Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), con cháu hậu duệ của "Vua Mèo". Ông Bảo kể tôi nghe nhiều câu chuyện về dòng họ Vương, về cuộc chiến chống lại bọn thổ phỉ, đánh Pháp, đuổi Nhật, về hành trình vượt hàng trăm kilomet về Hà Nội gặp Bác Hồ của ông cụ Vương Chí Sình mà nhiều chi tiết còn chưa được kể trên truyền thông. Trong mỗi câu chuyện, ông Bảo tỏ rõ niềm tự hào về truyền thống dòng họ và người H'Mông trên Cao nguyên đá.
Ông kể: Người H'Mông định cư trên Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang từ hàng trăm năm nay. Đầu thế kỷ 20, khi chưa có con đường Hạnh Phúc nối thị xã Hà Giang (cũ) với Đồng Văn (gồm 4 huyện vùng cao ngày nay là Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc), vùng Đồng Văn rộng lớn, trấn giữ cả miền biên ải cực Bắc nhưng đường đi vô cùng khó khăn với những dốc Bắc Sum, Thẩm Mã, đèo Mã Pì Lèng, cổng trời Quản Bạ, Cán Tỷ khiến người mỏi gối, ngựa chồn chân. Phía trên cổng trời ngày ấy, người dân chủ yếu trồng cây thuốc phiện. Ông Vương Chính Đức ở xã Sà Phìn đã tham gia đội quân người H'Mong chống lại quân Cờ đen, sau đó ông được người H'Mông suy tôn làm thủ lĩnh. Với vai trò thủ lĩnh, cùng với sự thông minh, nhanh nhạy, giỏi võ, ông trở thành tay buôn thuốc phiện nổi tiếng cả vùng Đông Dương và ngày càng giàu có. Khi Nhật - Pháp xâm lược nước ta, ông Vương Chí Sình (con trai ông Vương Chính Đức) đã tập hợp người H'Mông đứng lên chống lại.
|
|
Ông Vương Duy Bảo kể những câu chuyện về dòng họ Vương |
Sự ảnh hưởng lớn của cha con ông Sình ở vùng Đồng Văn khiến rất nhiều thế lực thù địch muốn hợp tác, thu phục ông để khống chế vùng biên ải, chống lại Việt Minh, nhưng ông Sình đều từ chối. Để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8.1945, nhận thấy sức ảnh hưởng lớn của ông Vương Chính Đức đối với vùng biên ải, Bác Hồ đã cử đại diện Việt Minh lên gặp thủ lĩnh họ Vương bàn việc chống Pháp, Nhật. Sống trên vùng Đồng Văn đầy biến động, cha con ông Sình đều hiểu rõ bộ mặt xấu xa của Quốc Dân Đảng, Thực dân Pháp và Phát xít Nhật, nên sau khi tiếp xúc, trao đổi với cán bộ Việt Minh, được tuyên truyền về lý tưởng cách mạng và con đường giải phóng dân tộc của Bác Hồ, nhận thấy mục tiêu của Việt Minh đúng với mục đích chiến đấu của người H'Mông là giữ yên biên giới, mang lại cuộc sống ấm no cho đồng bào. Ông Đức đã ngửa mặt lên trời mà rằng: "Người Mèo ta xưa nay đánh kẻ thù không ai giúp đỡ, nay có Việt Minh, có Cụ Hồ, ta còn mong gì hơn?"
|
|
Cha con ông Vương Chính Đức (trái) và Vương Chí Sình (phải) |
Sau Cách mạng tháng 8 thành công, với lòng trân trọng, Bác viết thư cho Việt Minh mang lên Đồng Văn mời cụ Vương Chính Đức về Hà Nội bàn việc nước. Ông Đức lúc này đã tuổi cao nên ủy quyền cho con trai là Vương Chí Sình về Hà Nội gặp Bác. Để về được Hà Nội gặp Bác, ông Sình phải trải qua quãng đường đầy gian nan, thử thách khi không chỉ khó về đường đi mà còn bị các thế lực âm mưu ngăn cản, truy kích, nguy hiểm đến tính mạng. Cuộc gặp giữa "Vua Mèo" Vương Chí Sình và Chủ tịch Hồ Chí Minh được người H'Mông gọi là cuộc gặp lịch sử, bước ngoặt quan trọng đánh dấu con đường theo cách mạng của gia tộc họ Vương và đồng bào dân tộc thiểu số trên Cao nguyên đá. Ánh sáng của Đảng soi đường, cùng với sự thân tình, gần gũi, thấu hiểu và cuộc sống giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảm hóa trái tim ông Sình. Và càng vinh dự, tự hào hơn khi ông Vương Chí Sình được kết nghĩa anh em với Bác, được Bác đặt tên Vương Chí Thành (cùng tên Nguyễn Tất Thành với Bác). Cũng tại cuộc gặp này, Bác giao ông Sình làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính huyện Đồng Văn.
Sau cuộc gặp, Bác Hồ đã giao xưởng quân giới của Bộ Quốc phòng rèn cho Bác một thanh kiếm tốt, tự tay Bác viết lên 2 bên bao thanh bảo kiếm dòng chữ: "Tận trung báo quốc - Bất thụ nô lệ". Dòng chữ quý ấy chính là lời dặn dò, niềm tin của vị Chủ tịch nước, là ánh sáng cách mạng, là mệnh lệnh trái tim soi đường, chỉ lối cho đồng bào H'Mông.
|
Trở lại Đồng Văn, ông Vương Chí Sình tham gia tuần lễ vàng, góp nhiều vàng, bạc, của cải cho cách mạng để tái thiết đất nước. Giữ trọn lời hứa với Bác giữ yên vùng đất Đồng Văn, ông Vương Chí Sình đã cùng với đồng bào dân tộc H'Mông đồng cam cộng khổ, đấu tranh giữ vững vùng đất Mèo Vạc - Đồng Văn trong những thời điểm khó khăn và cam go nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngày 6.1.1946, với niềm tin đặt trọn vào vị Chủ tịch Ủy ban Hành chính huyện, cử tri huyện Đồng Văn tham gia cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bầu ông Vương Chí Sình làm ĐBQH khoá I của tỉnh Hà Giang.
Lại nói về đời sống của người dân khi đó, do khí hậu khắc nghiệt, giao thông chia cắt, thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, cơ sở hạ tầng thiếu phát triển KT - XH chưa đồng bộ... nên cuộc sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Với vai trò Chủ tịch Ủy ban Hành chính huyện Đồng Văn, ĐBQH khóa I, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, ông Sình chỉ đạo, tuyên truyền bà con đoàn kết một lòng theo Đảng, bỏ cây thuốc phiện, trồng cây ngô, chăn nuôi, phát triển kinh tế, "hồi sinh" vùng đất bị "bủa vây" bởi khói thuốc phiện.
Lật giở từng trang gia phả của dòng họ Vương và các tài liệu gia đình còn giữ lại, ông Vương Duy Bảo trầm ngâm: Ngày đó, ở vùng Đồng Văn, bọn thổ phỉ nổi dậy khắp nơi, gieo rắc đau khổ cho bà con. Nhiều người H'Mông di cư tìm vùng đất mới. Ông Sình cùng các cộng sự của mình đã nỗ lực tiễu phỉ, giúp cộng đồng các dân tộc thiểu số trên vùng Cao nguyên đá đoàn kết lại để chống lại bọn thổ phỉ; yên tâm sinh sống, bám đất, giữ làng, bởi vậy, dù lớn mạnh và dùng nhiều âm mưu, thủ đoạn tàn ác, nhưng cuối cùng bọn phỉ đều bị tiêu diệt. Người H'Mông từ chỗ du canh, du cư, từ đây "sống trên đá, chết nằm trong đá" như lời khẳng định chủ quyền và quyết tâm xây dựng quê hương. Năm 1960, dù tuổi đã cao nhưng ông Vương Chí Sình tiếp tục được cử tri bầu làm ĐBQH khoá II; sau đó ông về Hà Nội làm chuyên viên Ủy ban Dân tộc Trung ương và nghỉ hưu.
|
|
Ngôi mộ của ông Vương Chí Thành (tên Bác Hồ đặt cho ông Vương Chí Sình) có khắc dòng chữ "Tận trung báo quốc - Bất thụ nô lệ" |
Cuộc đời ông Vương Chí Sình cũng trải qua nhiều thăng trầm, nhiều cuộc chiến đấu với kẻ thù và cả những cuộc đấu tranh tư tưởng giữa việc xây dựng một vùng cát cứ của người H'Mông hay là tin theo cách mạng. Nhưng sau tất cả, được làm người anh em kết nghĩa với Chủ tịch Hồ Chí Minh, được đích thân Bác viết tặng 8 chữ vàng trên thanh bảo kiếm, được Bác tặng chiếc áo trấn thủ quý (do Hội Phụ nữ tỉnh Hải Dương tặng Bác) với dòng chữ “Chuyển tặng Vương Chí Thành, đại biểu Quốc hội”; trở thành ĐBQH khóa I, khóa II, đại diện cho tiếng nói, tâm nguyện của đồng bào vùng cao là điều tuyệt vời nhất. Ai có dịp ghé thăm dinh thự "Vua Mèo" ngày nay, dễ dàng nhận ra ngôi mộ của ông Vương Chí Sình ngay phía trước dinh thự, trên bên mộ trang trọng khắc tên Vương Chí Thành, ĐBQH khóa I, khóa II và dòng chữ "Tận trung báo quốc - Bất thụ nô lệ".
Với những đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ông Vương Chí Sình được được Nhà nước truy tặng Huân chương Đại đoàn kết toàn dân tộc. Hai kỷ vật quý Bác Hồ tặng ông Vương Chí Sình là thanh bảo kiếm và chiếc áo trấn thủ đã được con cháu họ Vương giữ gìn cẩn thận qua năm tháng. Tháng 9.2019, đã được con cháu Vương Chí Sình trao lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh để gìn giữ cho muôn đời sau, để giới thiệu cho toàn thể đồng bào trong nước và khách nước ngoài được chiêm ngưỡng và hiểu rõ mối quan hệ đặc biệt, "có một không hai" giữa Hồ Chủ tịch và Đảng với ông Vương Chí Sình và đồng bào H’Mông.
|
Nối dài niềm tự hào của người H'Mông trên vùng Đồng Văn mà cha con ông Vương Chí Sình đã gây dựng, cộng đồng người H'Mông quyết tâm một lòng theo Đảng, Bác Hồ, theo cách mạng. Nhiều người H'Mông được học hành tử tế, giác ngộ cách mạng, trở thành cán bộ tốt, vì Nhân dân phục vụ, trong số họ, nhiều người được bầu làm ĐBQH.
Trong lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Giang, không ai là không biết một "cây đại thụ" trên Cao nguyên đá, một vị ĐBQH đặc biệt trúng cử 6 khóa liên tục từ khóa II đến khóa VII. Ông là Vừ Mí Kẻ, người kế nghiệp xuất sắc của cụ Vương Chí Sình. Ông Kẻ sinh ra ở xã Sà Phìn, xuất thân là người hầu trong dinh thự "Vua Mèo", nhờ khỏe mạnh, thông minh, thật thà, chăm chỉ mà được ông Vương Chí Sình tin tưởng, theo chân ông Sình chinh chiến khắp vùng Đồng Văn, hộ tống ông Sình về Hà Nội gặp Bác và được ông Sình tin tưởng giao trọng trách hộ tống 22 vạn đồng bạc Đông Dương và 9 kg vàng mang về Hà Nội để tham gia tuần lễ vàng, ủng hộ Chính phủ kiến thiết quốc gia.
|
|
Ông Vừ Mí Kẻ phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam |
Khi ông Sình làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính huyện Đồng Văn, ông Vừ Mí Kẻ cũng được giác ngộ cách mạng, được cử làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến xã Sà Phìn. Những năm 50 của thế kỷ 20, thổ phỉ trên vùng Đồng Văn được các thế lực bên ngoài giúp đỡ, manh nha bạo loạn, tàn phá cuộc sống người dân. Trong cuộc chiến tiễu phỉ, bảo vệ Cao nguyên đá, ông Kẻ thực sự là một thủ lĩnh, lãnh đạo đồng bào các dân tộc đứng lên đấu tranh, giữ làng, giữ bình yên cuộc sống. Năm 1960, với niềm tin tuyệt đối của cử tri, ông Kẻ được bầu làm ĐBQH khóa II cùng với ông Vương Chí Sình. Đó được xem là một sự “đổi ngôi” đầy thú vị, từ thân phận người làm thuê trước đây, giờ đây ông ngồi ngang hàng với "ông chủ" khi cả 2 người là ĐBQH. Sự thay đổi đó là nhờ có Đảng và cách mạng đem lại, là biểu hiện sinh động của sự đổi đời của đồng bào H'Mông vùng cao Hà Giang dưới ánh sáng của Đảng soi đường.
Sau đó, ông Kẻ tiếp tục được bầu làm ĐBQH 6 khóa liên tục. Trong suốt 30 năm làm ĐBQH, dấu ấn đậm nét nhất của vị đại biểu dân cử này là đã cùng lãnh đạo huyện Đồng Văn chỉ huy công trường làm con đường Hạnh Phúc nối thị xã Hà Giang với 4 huyện vùng cao, phá vỡ thế cô lập, mở ra cơ hội phát triển mới cho cư dân xứ "cổng trời". Công cuộc trường chinh mở đường Hạnh Phúc là một "kỳ tích" của Hà Giang, trong đó có công đóng góp lớn của Chủ tịch huyện Đồng Văn Vừ Mí Kẻ.
|
|
Ảnh tư liệu về con đường Hạnh Phúc |
Tại Lễ kỷ niệm 70 ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam (6.1.1946 – 6.1.2016), ông Vừ Mí Kẻ chia sẻ rằng: "Tôi sinh ra ở Sà Phìn, một vùng đất nhiều gian khổ. Nhờ có Đảng, có Bác Hồ, tôi được giác ngộ và đi theo cách mạng từ sớm. Tôi chẳng thể ngờ mình có thể trở thành ĐBQH. Những cuộc gặp gỡ với Bác Hồ trong những lần đi họp ĐBQH là ký ức đẹp không thể nào quên. Đặc biệt, điều tự hào nhất là tôi được sống trọn vẹn trong niềm tin yêu của đồng bào". Để được sống trọn trong niềm tin yêu ấy, trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau như: Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính huyện Đồng Văn, Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang rồi Chủ tịch MTTQ tỉnh Hà Tuyên (nay là Hà Giang và Tuyên Quang), ông Kẻ đã làm người cán bộ công bộc tốt, suốt đời chăm lo cho đời sống Nhân dân.
|
|
Những người con xuất sắc của đồng bào H'Mông trên Cao nguyên đá làm tròn sứ mệnh đại biểu quốc hội |
Trong chặng đường gần 80 năm phát triển của Quốc hội Việt Nam, nhiều người H'Mông ở Hà Giang tiếp tục được bầu làm ĐBQH. Tiêu biểu như đồng chí Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nguyên là Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XII tỉnh Hà Giang và Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIII đơn vị tỉnh Hà Giang; Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 2, nguyên ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang; Lý Thị Lan, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang. Trong suốt thời gian làm đại biểu dân cử, các ĐBQH đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ của mình, đưa tiếng nói của đồng bào các dân tộc thiểu số Hà Giang đến nghị trường Quốc hội, tập trung tinh thần, trí tuệ thảo luận và phát biểu nhiều nội dung quan trọng tại các kỳ họp Quốc hội, góp phần hoạch định chính sách, mở đường khai sáng, mang lại cuộc sống ấm no cho Nhân dân, nhân lên niềm tin của cử tri với Quốc hội. Với niềm tin tuyệt đối ấy, cũng đã có hàng ngàn, hàng vạn cán bộ dân tộc H'Mông ở Hà Giang trưởng thành từ thực tiễn công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng, Chính phủ, Nhân dân giao phó, suốt đời “tận trung với nước, tận hiếu với dân”.
Nội dung: Biện Luân - Thiên Thanh | Thiết kế: Minh Châu
Kỳ cuối: Ánh sáng "Diên Hồng" hồi sinh vùng đá khát Hà Giang