Báo Hà Giang điện tử
.

Hoàng Su Phì: "Mùa vàng" vẫy gọi

10:19, 05/10/2023
 

BHG - Tháng 9, tháng 10 là thời điểm miền đất “vỏ cây vàng” Hoàng Su Phì bước vào mùa đẹp nhất trong năm. Đó là khi những sóng lúa trên các thửa ruộng bậc thang uốn lượn ngả từ màu xanh sang màu vàng óng ả, vẫy gọi bước chân du khách từ khắp nơi đổ về thưởng ngoạn bức tranh thiên nhiên kỳ vỹ của mảnh đất phía Tây Hà Giang.

 
 

Theo các nhà nghiên cứu dân gian, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì có lịch sử hình thành cách đây trên 200 năm, với những cuộc san núi, khai khẩn ruộng để trồng lúa nước của đồng bào các dân tộc Dao, La Chí, Tày, Nùng, Mông, Phù Lá... Với đặc trưng về khí hậu, địa hình, nguồn nước nên ruộng bậc thang ở đây có vẻ đẹp riêng, được bao quanh bởi rừng cây, xen kẽ với thác nước, hòa quyện cùng khung cảnh núi non hùng vĩ, tạo nên những thửa ruộng trải dài ngút tầm mắt.

Ruộng bậc thang phân bố ở khắp các xã, thị trấn trên địa bàn Hoàng Su Phì, với tổng diện tích trên 7.000 ha. Trong đó có gần 765 ha ruộng bậc thang tại 11 xã: Bản Phùng, Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Hồ Thầu, Thông Nguyên, Nậm Ty, Tả Sử Choóng, Bản Nhùng, Pố Lồ, Thàng Tín, Nậm Khòa được công nhận di tích danh thắng cấp Quốc gia. Những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền và người dân Hoàng Su Phì đang đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng tạo dựng thương hiệu gắn với di sản ruộng bậc thang.

 
Biểu diễn dù lượn trên những thửa ruộng bậc thang
 

Trong đó, tập trung xây dựng cụm du lịch sinh thái nông nghiệp tại các xã có diện tích ruộng bậc thang nằm trong vùng di tích; đẩy mạnh hoạt động phục dựng, trình diễn các lễ hội truyền thống, đặc biệt là lễ hội liên quan đến tín ngưỡng nông nghiệp như: Lễ Cầu mùa của dân tộc Dao; Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày; Lễ cúng cơm mới của dân tộc Nùng; Lễ xin giống của dân tộc La Chí... tạo điểm nhấn thu hút du khách đến với Hoàng Su Phì.

 
 
 
 

Lúa sau khi cấy được 1 tuần, bắt đầu cứng thân, thì người dân thả cá vào ruộng. Do đặc điểm khí hậu và thổ nhưỡng cũng như trải qua quá trình thuần hóa, chọn lọc tự nhiên nên chỉ có giống cá chép địa phương mới có thể nuôi được trên các thửa ruộng bậc thang, bởi chúng vừa chống chịu tốt với khí hậu khắc nghiệt, vừa không xuôi theo dòng nước khi mưa lũ. Thời gian sinh trưởng của cá chép ruộng ở Hoàng Su Phì khoảng 3 tháng, nên thường con cá không to, chỉ từ 3 – 5 lạng. Cá chép ruộng phát triển hoàn toàn tự nhiên, thức ăn của chúng là các loại sâu, bọ, sau đó là phấn của hoa lúa và những hạt lúa chín… vì vậy thịt cá rất thơm, ngọt, xương mềm.

 
Du khách hào hứng trải nghiệm bắt cá chép ruộng  
   

Trước khi thu hoạch lúa khoảng 15 ngày, các hộ sẽ tháo cạn nước bắt cá. Đây cũng là thời điểm thuận lợi để du khách tự tay trải nghiệm bắt cá chép ruộng. Chị Nguyễn Thị Hồng Anh, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Giữa cánh đồng lúa vàng ươm, hương thơm lúa chín hòa quyện trong làn gió, được cùng các bạn lội ruộng bắt cá, hò hét, nô đùa và thu hoạch những con cá tươi ngon thực sự là một trải nghiệm vô cùng thú vị đối với chúng tôi. Đặc biệt, sau khi bắt cá chép từ ruộng về, chúng tôi được cùng chủ nhà chế biến thành những món ăn thơm ngon, hấp dẫn như cá chép nướng, cá nấu măng chua, cá hấp thảo quả...”.

Những món ăn được chế biến từ cá chép ruộng và sản vật địa phương
 

Đồng chí Hoàng Đức Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì cho biết: "Tận dụng tiềm năng từ ruông bậc thang, hiện nay, huyện đang tập trung vận động nhân dân đẩy mạnh mô hình xen canh cá – lúa, vừa góp phần tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích canh tác, vừa tạo nên sản phẩm du lịch mới, thu hút du khách trải nghiệm. Các xã, thị trấn đã tổ chức các tour du lịch trải nghiệm, tham quan, chụp ảnh danh thắng ruộng bậc thang, kết hợp trải nghiệm các hoạt động văn hóa, lao động, sản xuất như: Gieo mạ, cấy lúa, gặt lúa, bắt cá chép ruộng và chế biến thành các món ăn... tạo điểm nhấn thu hút khách lịch".

 
 
 
 

Những năm qua, huyện Hoàng Su Phì đã triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Nhiều lễ hội, nghi thức văn hóa dân gian độc đáo đã được phục dựng và duy trì thường xuyên. Trong đó có nhiều lễ hội, nghề truyền thống đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia như: Lễ hội Bàn Vương của dân tộc Dao đỏ xã Hồ Thầu; nghề chạm khắc bạc của dân tộc Nùng các xã Nàng Đôn, Pờ Ly Ngài; Lễ cầu mùa của dân tộc Cờ Lao xã Túng Sán...

Đặc biệt, huyện đã xây dựng, triển khai Đề án phát triển văn hóa gắn với bảo tồn du lịch theo từng giai đoạn. Đồng thời, thực hiện hiệu quả chính sách giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, trang phục, tập quán, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa gắn với giữ gìn, bảo tồn di tích cách mạng, di tích văn hóa, cảnh quan và môi trường ở từng vùng, từng địa phương...

Để tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch, từ năm 2012 đến nay, huyện Hoàng Su Phì đã tổ chức Tuần văn hóa du lịch “Qua những miền di sản ruộng bậc thang” theo định kỳ hàng năm gắn với mùa lúa chín, với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch độc đáo. Du khách có thể hòa mình vào không gian đặc sắc của các lễ hội truyền thống; tham quan trải nghiệm ruộng bậc thang, làng nghề rèn đúc, chạm bạc; bắt cá chép ruộng và nhiều môn thể thao truyền thống như bắn nỏ, đánh yến, thi đan quẩy tấu, thi thêu thổ cẩm... hứa hẹn mang lại ấn tượng đẹp, trải nghiệm độc đáo, thú vị cho bè bạn trong nước và quốc tế.

 
 
 

Nội dung: Nguyễn Phương | Thiết kế: Minh Châu


Ý kiến bạn đọc


Đọc tiếp