Đột phá đưa Hà Giang vươn mình trên đá: Kỳ cuối - Gỡ "rào cản" tạo động lực phát triển
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định mục tiêu phấn đấu xây dựng Hà Giang là tỉnh phát triển về du lịch, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp đặc trưng hàng hóa; đến năm 2030 là tỉnh có KT - XH phát triển khá trong khu vực Trung du miền núi phía Bắc. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Hà Giang quyết tâm thực hiện 3 đột phá, 5 nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt tập trung ưu tiên nguồn lực triển khai đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông để gỡ “rào cản”, tạo động lực phát triển.
Giao thông là huyết mạch của nền kinh tế. Nghị quyết số 22-NQ/TU ngày 22.12.2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã nhận định rõ: “Hệ thống giao thông của tỉnh hiện nay còn nhiều hạn chế, yếu kém, lạc hậu, chưa đồng bộ, thiếu tính kết nối, hiện đang là điểm nghẽn của quá trình phát triển”.
Xuyên suốt quá trình phát triển, với vị trí địa chính trị quan trọng, phên dậu của đất nước, hạ tầng giao thông của tỉnh luôn được Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư và cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp. Tuy nhiên, do chưa đầu tư trọng tâm, trọng điểm và ưu tiên các tuyến đường huyết mạch, nên đến năm 2020 tỉnh vẫn chưa có đường bộ cao tốc, đường tốc độ cao và cảng hàng không kết nối với các trung tâm kinh tế trong khu vực và thủ đô Hà Nội. Hệ thống đường quốc lộ dài trên 500km mới chỉ có quốc lộ 2 được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuấn đường cấp III. Đường tỉnh dài 341 km nhưng chưa được đầu tư hoàn chỉnh. Giao thông nông thôn có trên 7.300 km, quy mô nhỏ, không đồng bộ, chất lượng thấp. Giao thông đường thủy khó phát triển do ngăn cách bởi hệ thống thủy điện bậc thang… Đây là rào cản lớn nhất đối với sự phát triển KT - XH, đảm bảo QP – AN của tỉnh.
Đường vành đai phía Nam thành phố Hà Giang đã được đầu tư, nâng cấp thành đường 1 chiều 4 làn xe |
Bà Tạ Thị Tú Uyên, Giám đốc phát triển sản phẩm Viettravel chia sẻ: Hiện nay giao thông đang là trở ngại lớn của Hà Giang. Từ Hà Nội đến trung tâm thành phố Hà Giang hiện chỉ có tuyến quốc lộ 2 là độc đạo và là tuyến đường ngắn nhất nhưng cũng mất khoảng 6 tiếng. Đi lên các huyện vùng Cao nguyên đá Đồng Văn, Mèo Vạc phải mất 4 đến 5 tiếng. Tuyến đường đi các huyện phía Tây như Hoàng Su Phì, Xín Mần rất xấu với hàng nghìn khúc cua khiến các doanh nghiệp lữ hành khá ngại khi xây dựng sản phẩm du lịch cho khách đến địa phương này.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông là 1 trong 3 đột phá chiến lược nhiệm kỳ 2020 - 2025. Hiện thực hóa chủ trương này, ngày 22.12.2021, Ban Chấp Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết chuyên đề số 22-NQ/TU về đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021 – 2025 và đến năm 2030.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thào Hồng Sơn khẳng định: Đây là đột phá chiến lược, đặc biệt quan trọng, thể hiện quyết tâm cao của Đảng bộ tỉnh nhằm khắc phục những điểm nghẽn, rào cản và phá vỡ thế độc đạo của tuyến quốc lộ 2 và các tuyến đường trọng yếu kết nối vùng, các huyện, thành phố và cụm xã.
Tỉnh lộ 176 nối Yên Minh với Mèo Vạc được đầu tư nâng cấp từ đường cấp V lên đường cấp IV |
Nghị quyết số 22 đặt mục tiêu, đề xuất T.Ư triển khai xây dựng hai tuyến đường cao tốc nối Hà Giang - Tuyên Quang - Phú Thọ và đường cao tốc Hà Giang - Yên Bái nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đầu tư hoàn chỉnh các tuyến quốc lộ trên địa bàn đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, cấp III miền núi. Tập trung, ưu tiên các nguồn lực nâng cấp các tuyến đường tỉnh, phấn đấu giai đoạn 2021 – 2025 hoàn thành xây dựng ít nhất 170 km đường cấp IV và đầu tư, hoàn thành nâng lên đường tỉnh tuyến đường kết nối thành phố Hà Giang đến xã Kim Ngọc (Bắc Quang) nối với quốc lộ 279 đạt tiêu chuẩn đường cấp IV.
Giao thông nông thôn từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn |
Với hệ thống đường huyện, tập trung nâng cấp các tuyến quan trọng có lưu lượng xe lớn; đầu tư các tuyến đường ra cửa khẩu để phát triển kinh tế biên mậu; quan tâm xây dựng các cầu lớn vượt sông để kết nối giao thông khu vực, khu kinh tế cửa khẩu, mở rộng đô thị… Phát triển mạnh mẽ hệ thống đường giao thông nông thôn, phấn đấu đến hết năm 2025, đầu tư xây dựng 1.760 km đường giao thông nông thôn.
Sau rất nhiều nỗ lực và quyết tâm, ngày 28.5.2023, Dự án Cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang chính thức khởi công dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Thủ tướng nhấn mạnh: Đây là Dự án có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển KT – XH, QP – AN, góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khu vực miền núi phía Bắc nói chung và hai tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang nói riêng. Dự án sẽ góp phần giải quyết một trong những điểm nghẽn lớn của Hà Giang về hạ tầng giao thông, giúp Hà Giang phát huy tốt hơn tiềm năng, lợi thế của mình, góp phần thực hiện thành công mục tiêu mà Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành và 2 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang khởi công Dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang |
Cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang được xác định là công trình hạ tầng giao thông quan trọng nhất đối với sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới. Dự án qua tỉnh Hà Giang có chiều dài 27,5km, quy mô giai đoạn 1 gồm 2 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/giờ (giai đoạn hoàn chỉnh, sẽ mở rộng lên 4 làn xe). Khi hoàn thành sẽ phá vỡ thế độc đạo của quốc lộ 2 kết nối Hà Giang với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Rút ngắn thời gian di chuyển Hà Giang – Hà Nội chỉ còn 3 - 4 tiếng, giảm 2 tiếng so với hiện tại.
“Nhất Su Phì, nhì Bắc Mê” là đánh giá chung của người dân địa phương và khách du lịch khi nhận xét về khó khăn trên cung đường di chuyển ở Hà Giang những năm qua. Tuy nhiên, điều này sẽ thay đổi khi Dự án nâng cấp đường Bắc Quang – Xín Mần (đường tỉnh 177) hoàn thành, đưa vào khai thác khi đó thời gian di chuyển từ Hà Giang đi Hoàng Su Phì sẽ được rút ngắn chỉ còn từ 2 – 2,5 tiếng đồng hồ so với 3 – 4 tiếng đồng hồ như hiện nay. Dự án đã khởi công từ tháng 12.2021, với tổng chiều dài tuyến hơn 41 km, thiết kế tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi, chiều rộng nền đường 7,5m, lề đường 2m, trong đó gia cố lề đường mỗi bên 0,5m; mặt đường thảm bê tông nhựa trên các lớp móng cấp phối đá dăm… Tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Dự kiến hoàn thành tháng 6.2024.
Đường Bắc Quang - Xín Mần giai đoạn 1 đang được nâng cấp, mở rộng |
Đường bờ Đông sông Lô từ thành phố Hà Giang đi xã Đồng Tâm được đầu tư nâng cấp |
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lê Minh Đức cho biết: Với sự vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống chính trị, sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, hàng loạt các tuyến giao thông đặc biệt quan trọng của tỉnh được khởi công đầu tư và nâng cấp như: Cao tốc và các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ được phê duyệt đầu tư nâng cấp theo tiêu chuẩn cao hơn; cùng hàng trăm tuyến đường huyện, xã được đầu tư xây dựng… Tổng nguồn lực bố trí thực hiện đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trên 8.455 tỷ đồng.
Những tuyến đường lớn đã mở và đang mở vừa cho thấy nghị quyết của Đảng đã đi vào cuộc sống vừa thể hiện đúng nguyên tắc “nói đi đôi với làm” theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Đảng bộ tỉnh thực hiện trong nửa đầu nhiệm kỳ qua; từ đó tiếp thêm niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và khát vọng đưa Hà Giang vươn mình trong thời gian tới.
Đồng chí Hạng Mí De, đảng viên 57 năm tuổi Đảng, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chia sẻ: Tôi rất vui khi chỉ trong 3 năm thực hiện khâu đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, các dự án hạ tầng giao thông lớn trên địa bàn tỉnh đã được triển khai… Quyết tâm đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh đang trở thành hiện thực. Đây là động lực đưa Hà Giang bứt phá đi lên. Quan trọng hơn là việc triển khai các dự án nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. Điều này cho thấy định hướng của Đảng bộ tỉnh là đúng, trúng với mong mỏi của người dân.
Các đồng chí lãnh đạo T.Ư và tỉnh kiểm tra tiến độ thi công đường tỉnh lộ 177 (Bắc Quang - Xín Mần) |
Dự án Cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang đang được triển khai thi công thuộc gói thầu số 03-XL đoạn từ Km0+00 đến Km12+500 nằm trên địa bàn thị trấn Vĩnh Tuy và xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang). Thực hiện gói thầu này cần thu hồi đất của 353 hộ, cá nhân để giải phóng mặt bằng. Đến nay 249 hộ đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư và nhà thầu thi công với tổng chiều dài tuyến 9.482 m, đạt 75,86% khối lượng giải phóng mặt bằng, điều này cho thấy sự đồng thuận, hưởng ứng, ủng hộ cao của người dân vùng dự án.
Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Tuy, Trần Anh Tuấn cho biết: Tuyến cao tốc chạy qua địa bàn thị trấn dài 1,7km cần giải phóng mặt bằng của 44 hộ dân. Khi nhận được thông tin về chủ trương đầu tư tuyến đường, người dân thị trấn rất vui và đồng tình, ủng hộ. Bởi bà con đã mong mỏi điều này từ rất lâu nên tin tưởng vào sự lãnh đạo của tỉnh, huyện. Vì vậy đến nay 100% các hộ đã nhận tiền tạm tính bồi thường và bàn giao mặt bằng để nhà thầu thi công đảm bảo tiến độ triển khai dự án.
Hàng trăm kilomet đường bê tông nông thôn đã được đầu tư trong 3 năm qua (Trong ảnh: Làm đường bê tông nông thôn ở xã Ngam La, huyện Yên Minh) |
Hà Giang là tỉnh địa đầu cực Bắc Tổ quốc, có 7 huyện nghèo 30a, luôn nằm trong nhóm những tỉnh đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao nhất cả nước. Tỉnh đã xác định được tiềm năng, lợi thế và ra những chủ trương, quyết sách thúc đẩy mang tính đột phá, phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương để phát triển KT – XH, từng bước bắt kịp với miền xuôi. Nhưng điều đó chỉ có thể trở thành hiện thực khi “rào cản” lớn nhất là hạ tầng giao thông được giải quyết, từ đó giúp du lịch, dịch vụ, kinh tế biên mậu và những sản phẩm hàng hóa đặc trưng, đặc thù của tỉnh mới có lợi thế so sánh với các tỉnh lân cận và bứt phá phát triển.
Với những gì đã làm được trong 3 năm qua và niềm tin, sự kỳ vọng của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền các cấp của tỉnh, trong các hội nghị ở tỉnh hay đi làm việc tại cơ sở, trò chuyện với nhân dân, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng nhiều lần khẳng định: Tỉnh sẽ tiếp tục dành nguồn lực và kiên định thực hiện mục tiêu đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đây không chỉ là đột phá trọng tâm trong giai đoạn 2021 - 2025 mà còn là chiến lược, tầm nhìn dài hạn của tỉnh đã được phê duyệt trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tạo động lực đưa Hà Giang vươn mình trên đá và thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 với khát vọng đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; đến năm 2045 là tỉnh có KT – XH trung bình khá của cả nước.
Thi công cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang |
Mộc Lan - Phạm Hoan - My Ly (thực hiện)