Vang mãi bản hùng ca chiến thắng Điện Biên Phủ trên không
BHG - Những ngày này, chúng ta đang nhớ lại một sự kiện cách đây 50 năm – Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không của quân và dân ta. Một đất nước Việt Nam nhỏ bé đã vượt qua mưa bom, bão đạn, chiến thắng kẻ thù, tạo đà cho thắng lợi vĩ đại mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước. Cuộc chiến đấu anh hùng 12 ngày đêm từ 18 – 30.12.1972 của quân dân miền Bắc đã đập tan âm mưu "lấy thịt đè người" của đế quốc Mỹ. Bằng tinh thần "không có gì quý hơn độc lập tự do", sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tinh thần sáng tạo tuyệt vời, mặc dù trước sự chênh lệch một trời một vực về công nghệ, vũ khí, tiềm lực, nhưng sức mạnh và ý chí con người Việt Nam đã đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của Mỹ.
Như chúng ta biết một sự thật lịch sử rằng, để tạo lợi thế trên bàn đàm phán, cứu vớt con tàu đắm chế độ ngụy quyền Sài Gòn, cuối năm 1972, Tổng thống Mỹ Nixon đã ra lệnh mở cuộc tập kích không quân chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng và miền Bắc, gọi là Chiến dịch Linebacker II. Mỹ hy vọng chiến dịch dội bom sẽ bắt Việt Nam phải "quỳ gối" nhượng bộ trên bàn đàm phán. Con át chủ bài trong chiến dịch này là niềm kiêu hãnh của nước Mỹ - pháo đài bay mang tên Boeing B-52 Stratofortress với sự giới thiệu là không thể bắn hạ. B-52 có giá siêu đắt đỏ, giá lúc đó khoảng từ 9 – 14,5 triệu USD cho các phiên bản chưa được trang bị đầy đủ các phương tiện tác chiến điện tử hiện đại. B-52 có sức chở ‘khủng” với khoảng 30 tấn vũ khí có thể mang theo cho mỗi lần cất cánh và sức công phá khủng khiếp mỗi lần trút bom.
Những hố bom sau từng đợt "rải thảm" của B52 |
Ê-kip vận hành mỗi chiếc B-52 gồm 6 người, trần bay của B-52 khoảng 15km, mỗi chuyến thực thi nhiệm vụ, B-52 còn có một loạt máy bay chiến thuật hộ tống, cùng rất nhiều hệ thống điện tử tối tân để ngụy trang trốn radar đối phương. Trong Chiến dịch Linebacker II, Mỹ huy động 197 máy bay B-52, gần bằng 50% tổng số B-52 của Quân đội Mỹ.
Trong 12 ngày đêm tháng 12.1972, Mỹ đã huy động tới cả ngàn lần xuất kích B-52 và các máy bay chiến thuật. Nhưng, có một Việt Nam không hề run sợ, ngẩng cao đầu để chiến đấu và chiến thắng. Với những vũ khí và công nghệ có thể nói thua xa Mỹ, chúng ta chỉ có những thiết bị hiện đại nhất là máy bay Mikoyan – Gurevich Mig 21, tên lửa S – 75, tên lửa K13, một số loại radar và các loại pháo, súng phòng không, thậm chí là cả... súng trường. Nhưng, với sự tiên đoán và sự chuẩn bị cực kỳ kỹ cho việc B-52 sẽ đánh miền Bắc, trong 12 ngày đêm từ 18 - 30.12.1972, chúng ta đã dũng cảm, mưu trí bắn rơi 81 máy bay của Mỹ, trong đó có 34 pháo đài bay Boeing B-52 và 5 máy bay được mệnh danh là con ma thần sấm F111. Thậm chí trong 12 ngày đêm ác liệt ấy, có đêm lực lượng phòng không của ta hạ đến 6 pháo đài bay B-52, khiến cho các phi công và các ê kíp lái B-52 xuất kích sau đó của Mỹ cảm thấy như nhận án tử hình mỗi lần nhận nhiệm vụ. Thất bại sau 12 ngày đêm ném bom tội ác, buộc Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc và ngồi vào bàn đàm phán Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Có một con số thống kê về tội ác trong 12 ngày đêm Mỹ đánh phá ở miền Bắc, đó là những tổn thất, mất mát rất nặng nề về người và tài sản mà chúng ta phải hứng chịu sau cuộc tập kích điên cuồng của Mỹ. Với những thống kê có thể chưa hết, Mỹ đã đánh phá vào 140 điểm thuộc 5 thành phố lớn, 17 tỉnh miền Bắc, với khối lượng bom đạn khoảng 100 ngàn tấn. Riêng số bom đạn Mỹ trút xuống Hà Nội bình quân là 33 tấn/km2, đây là con số kỷ lục, bởi chưa một nơi nào trên thế giới này phải hứng chịu nhiều bom đạn đến như vậy. Trong Chiến dịch Linebacker II, tội ác giặc Mỹ đã giết hại khoảng 4.025 người dân vô tội, làm bị thương 3.327 người, phá hủy hoàn toàn hơn 5.480 ngôi nhà, san bằng 24 trường học, 5 bệnh viện. Hình ảnh phố Khâm Thiên của Hà Nội bị san phẳng bởi loạt bom B-52, cướp đi mạng sống của 287 người dân, gần 280 trẻ em thành trẻ mồ côi cho thấy tội ác ghê rợn của giặc Mỹ.
Hình ành phố Khâm Thiên, Hà Nội tang thương sau trận ném bom của giặc Mỹ |
Nhìn lại lịch sử từ thế chiến I, II và từ năm 1972 đến nay, thế giới đã từng nhiều lần chứng kiến những chiến dịch không quân của các siêu cường quân sự. Các cuộc dội bom thường mang lại chiến thắng cho kẻ dội bom, các quốc gia hùng mạnh. Nhưng ở Chiến dịch Linebacker II của một nước Mỹ hùng mạnh, người dội bom là người chấp nhận thất bại. Đó có lẽ là một thất bại đáng tủi hổ nhất trong lịch sử quân sự nước Mỹ. Nó buộc Mỹ phải chấp nhận ký Hiệp định Paris – 1973 về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.
Lễ ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ngày 27-1-1973 |
Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không là chiến thắng của chân lí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” được thể hiện qua hàng ngàn năm lịch sử. Cũng trong hàng ngàn năm lịch sử, bất kỳ kẻ thù nào, dù to đến mấy nhưng nếu cả gan xâm phạm đến Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội đều sẽ phải nhận thất bại tủi hổ.
Chiến thắng là biểu tượng của tinh thần đoàn kết quốc tế, của những người anh em đồng chí, trong đó có vai trò cực kỳ to lớn của Liên Xô anh em. Trận Điện Biên Phủ trên không 1972 cổ vũ tinh thần đấu tranh của nhân dân yêu chuộng tự do, hòa bình trên thế giới, xây dựng một biểu tượng cao đẹp về ý chí, tinh thần bất khuất Việt Nam trước bè bạn quốc tế.
Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không cổ vũ phong trào đấu tranh vì độc lập, tự do trên thế giới, góp phần cho mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của chúng ta. Bản hùng ca lịch sử sẽ tiếp thêm sức mạnh để đất nước ta tiếp tục tự tin, vững bước trên con đường xây dựng CNXH. |
Huy Toán - Minh Châu (thực hiện)