Tháng 7 – Tháng của tri ân
BHG - "Máu của các liệt sỹ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sỹ…". Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua, tỉnh Hà Giang luôn quan tâm, chăm lo đời sống người có công, đối tượng chính sách bằng trách nhiệm và nghĩa tình.
Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, với tinh thần yêu nước nồng nàn, khát vọng độc lập, tự do, hàng vạn người con ưu tú của đồng bào các dân tộc Hà Giang đã nô nức lên đường chiến đấu. Chiến tranh khốc liệt đã kết thúc nhiều thập kỷ qua, nhưng nhiều người trong số các anh đã không trở về, nhiều thương, bệnh binh để lại một phần cơ thể trên khắp các chiến trường, nhiều Mẹ Việt Nam Anh hùng nén nỗi đau mất con...
Hiện nay, toàn tỉnh có 2.165 liệt sỹ, trong đó nhiều liệt sỹ đã được an táng tại các nghĩa trang liệt sỹ trên cả nước, nhiều liệt sỹ vẫn chưa tìm kiếm, quy tập được; có 1.779 thương binh, bệnh binh; 1.092 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; 11 người hoạt động kháng chiến bị bắt tù đày; 46 người có công với cách mạng; 196 cán bộ tiền khởi nghĩa; 4 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 69 Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng, với mục tiêu phấn đấu 100% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú, tỉnh luôn quan tâm, thự hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách cho người có công, thân nhân liệt sỹ.
Từ năm 2017 đến nay, tỉnh đã giải quyết chế độ trợ cấp hàng tháng cho 2.821 người có công và thân nhân người có công; truy tặng 4 Mẹ Việt Nam Anh hùng; xác nhận và giải quyết mới 82 đối tượng người có công với cách mạng; giải quyết chế độ ưu đãi trong giáo dục, đào tạo cho 21 đối tượng là con của người có công; giải quyết chế độ chính sách người có công và chính sách khác cho 6.418 đối tượng mới phát sinh với tổng kinh phí trên 70 tỷ đồng; hỗ trợ khó khăn cho 2.662 đối tượng người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng với số tiền gần 4 tỷ đồng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; giải quyết chế độ trợ cấp 1 lần cho 18.223 người hoạt động kháng chiến, giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; cấp tiền mua phương tiện trợ giúp dụng cụ chỉnh hình cho 380 lượt người có công và thân nhân với số tiền 795,25 triệu đồng; trợ cấp điều dưỡng luân phiên cho 5.697 lượt người với số tiền trên 7 tỷ đồng; giải quyết chế độ thờ cúng liệt sỹ cho 7.961 lượt người với số tiền gần 4 tỷ đồng; thăm và tặng quà các gia đình chính sách, người có công với cách mạng nhân dịp tết Nguyên đán và ngày 27.7 hàng năm cho 110.602 lượt người và 161 đơn vị với tổng số tiền trên 36 tỷ đồng.
Các chính sách về thanh niên xung phong, người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, người tham gia kháng chiến sau ngày 30.4.1975, mộ, nghĩa trang liệt sĩ, ưu đãi về giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, đào tạo nghề, phát triển sản xuất, giảm nghèo đều được quan tâm thực hiện đầy đủ, giúp đối tượng chính sách, người có công nâng cao chất lượng cuộc sống.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý
2 năm nay, ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Thúy, vợ Liệt sỹ Lê Trung Hưng, tổ 13, phường Minh Khai (thành phố Hà Giang) luôn rộn rã tiếng nói cười. Là đối tượng chính sách được hỗ trợ làm nhà ở theo Quyết định 1953 của Tỉnh ủy, bà Thuý được hỗ trợ 60 triệu đồng xây dựng nhà ở kiên cố. Bà Thuý chia sẻ: “Được ở trong ngôi nhà mới, khang trang, không phải lo lắng mỗi khi trời mưa, tôi cảm thấy ấm lòng. Đảng, Nhà nước, các tổ chức, cá nhân luôn quan tâm, chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách, để chúng tôi ổn định cuộc sống”.
Tháng 9.2019, Tỉnh ủy tổ chức lễ phát động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho gia đình người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo của tỉnh với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tỉnh, các cấp, các ngành và nhiều doanh nghiệp trong cả nước. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của các cấp, ngành và toàn xã hội đối với đời sống người có công. 100% kinh phí xây dựng nhà ở từ nguồn vận động xã hội hóa. Mức hỗ trợ bằng tiền 60 triệu đồng/hộ, các lực lượng vũ trang, đoàn viên thanh niên, hội phụ nữ, cựu chiến binh huy động hội viên đóng góp ngày công lao động hỗ trợ các hộ làm nhà. Nhà ở của các gia đình sau khi được hỗ trợ xây dựng phải đảm bảo vệ sinh môi trường, đúng tiêu chí “3 cứng”: Nền cứng, khung – tường cứng, mái cứng và phù hợp với văn hóa truyền thống các dân tộc. Sau hơn 2 năm phát động, đã có trên 5 nghìn hộ được xây dựng nhà ở, trong đó có 246 hộ người có công.
Với truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng" phát triển rộng khắp, được toàn xã hội quan tâm, thể hiện sự trân trọng, biết ơn, chăm lo của cấp uỷ, chính quyền và đồng bào các dân tộc Hà Giang đối với các thế hệ cha anh và gia đình có công với cách mạng.
Đẩy mạnh tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sỹ là một trong những hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa" thiết thực đang được tỉnh rất quan tâm, thực hiện. Từ năm 2013 đến nay, tỉnh đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 2 quy tập được 130 hài cốt liệt sỹ và 1 mộ tập thể về an táng tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên. Nâng cấp, tu bổ Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên và các nghĩa trang, đài tưởng niệm, công trình ghi công liệt sỹ. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 9 nghĩa trang liệt sỹ, 4 đền thờ, 40 nhà bia ghi tên liệt sỹ và khu mộ tỉnh Hà Tuyên (cũ) thuộc Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn được xây dựng, quản lý đảm bảo theo quy định.
Bên cạnh đó, các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” khác diễn ra sôi nổi như: Toàn tỉnh đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được trên 41,2 tỷ đồng; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tặng 478 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá trên 1,8 tỷ đồng. Nhiều cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời Mẹ Việt Nam Anh hùng, đoàn thanh niên chăm sóc nghĩa trang, đài hương, giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công xây dựng nhà ở, phát triển kinh tế.
Em Lý Thị Thơm, sinh viên Học viện Thanh thiếu niên |
Sinh ra và lớn lên trong hòa bình, nhưng thế hệ trẻ nơi cực Bắc Tổ quốc luôn thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện trong các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa".
Em Lý Thị Thơm, sinh viên Học viện Thanh thiếu niên, chia sẻ: "Em đến Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên nhiều lần để viếng các Anh hùng liệt sỹ, lần nào đến đây cũng rất xúc động, biết ơn trước sự hy sinh lớn lao của các anh cho chúng em cuộc sống tốt đẹp ngày hôm nay, càng tự hứa với bản thân mình phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn để cống hiến sức trẻ, trí tuệ của mình góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp".
Các cơ sở Đoàn trong tỉnh, các trường học thường xuyên tổ chức cho đoàn viên thanh niên, học sinh đến tham quan, tìm hiểu lịch sử tại các nghĩa trang liệt sỹ, đền thờ, nhà bia ghi tên liệt sỹ, điểm di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh; mời các nhân chứng lịch sử đến nói chuyện, kể chuyện về lịch sử dân tộc, các nhân vật lịch sử vĩ đại nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc. Bên cạnh đó, các cấp đoàn trong tỉnh huy động trên 5000 đoàn viên thanh niên chỉnh trang, dọn vệ sinh, trồng mới, chăm sóc cây xanh tại các nghĩa trang liệt sỹ; chăm sóc gia đình người có công, Mẹ Việt Nam Anh hùng, trao tặng nhà nhân ái, tặng quà cho các gia đình thương binh, người có công với cách mạng; dâng hoa, dâng hương, thắp nến tri ân tại các nghĩa trang, đài hương. Đặc biệt, huy động đoàn viên thanh niên giúp đỡ trên 300 gia đình chính sách xây dựng nhà ở, bó láng nền nhà, di dời chuồng trại gia súc, quét dọn vệ sinh, cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế...
Các Cựu chiến binh thăm chiến trường xưa |
Thông qua các hoạt động giáo dục truyền thống và tri ân các Anh hùng liệt sỹ, người có công giúp thế hệ trẻ bồi dưỡng lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, ý thức về vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ đối với Tổ quốc.
BÀI: BIỆN LUÂN. ẢNH, VIDEO: PV
THIẾT KẾ: LÊ LÂM