Báo Hà Giang điện tử
.

Tình người còn mãi trên mảnh đất anh hùng - Kỳ đầu: Hồi hương hài cốt liệt sỹ - Hành trình nghĩa tình và gian lao

11:58, 16/07/2024
 

40 năm, là một quãng thời gian đủ để một con người có thể sinh ra, lớn lên và trưởng thành, thậm chí đạt đến ngưỡng chín của cuộc đời. Vậy nhưng, 40 năm cũng là một quãng thời gian quá ngắn để con người có thể quên đi được những mất mát, đau thương,...

Trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc (1979 - 1989), Hà Giang là một trong những trọng điểm tấn công. Đặc biệt, mặt trận Vị Xuyên đã trở thành chiến trường ác liệt nhất. Trên mảnh đất Vị Xuyên anh dũng ấy, nơi ghi dấu biết bao chiến công hiển hách và những sự hy sinh thầm lặng của các thế hệ người lính, tình đồng đội đã trở thành điểm tựa tinh thần vững vàng, soi sáng tâm hồn của họ. Giữa bom rơi đạn lạc, giữa hiểm nguy rình rập, tình cảm đồng chí thân thương là nguồn sức mạnh giúp những người lính Vị Xuyên vượt qua mọi khó khăn, gian khổ.

Những câu chuyện về những người chiến sỹ Vị Xuyên đã trở thành khúc trường ca bất diệt. Tình cảm của họ là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá khứ và hiện tại, là nguồn cảm hứng mãnh liệt cho các thế hệ mai sau.

​Ngày 12/7/1984 là một ngày không thể quên trong kí ức của người lính Vị Xuyên, hơn 600 chiến sỹ đã hy sinh trong một trận chiến ác liệt giành lại các cao điểm. Kể từ đó, cứ mỗi dịp này hằng năm, Hà Giang lại ngập tràn màu xanh áo lính. Hàng ngàn cựu chiến binh từ mọi miền của Tổ quốc trở lại Vị Xuyên để thăm chiến trường xưa và tri ân những người đồng đội đã ngã xuống.

 

Hành trình đi tìm hài cốt của những người lính Vị Xuyên

Mỗi khi phóng tầm mắt ra xa nơi núi non trùng điệp của Hà Giang, tôi không khỏi cảm thấy có phần thành kính trước lớp lớp cây rừng cổ thụ mang dáng vẻ thâm trầm, hiên ngang, hệt như chứng nhân của những thăng trầm lịch sử. Rừng núi đã chứng kiến bao mất mát, đau thương, nhưng cũng là nơi lưu giữ những tin yêu, hy vọng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hằng ngày làm nhiệm vụ tìm kiếm hài cốt các Anh hùng liệt sỹ, tôi từng bước lần theo dấu chân của người lính năm nào - một hành trình đầy nghĩa tình nhưng cũng không kém phần gian lao.

 

Sáu năm ròng rã ăn núi, ngủ rừng cùng công việc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ, tôi luôn kiên tâm với nhiệm vụ vì lòng biết ơn đối với các bác, các chú, các anh - những người lính can trường đã chiến đấu không tiếc đời mình cho quê hương. Mỗi khi cùng Đội làm việc, tôi chỉ thầm mong sao tìm thấy được những hài cốt còn đôi phần nguyên vẹn, mong sao xác định được cho những đồng chí đã ngã xuống một cái tên. Chỉ tiếc rằng do điều kiện chiến đấu dữ dội, những gì còn sót lại của người lính năm xưa,  có chăng, chỉ là những mảnh xương nhỏ lẫn trong đất đá của núi rừng.

Tôi vẫn còn nhớ một trong những hài cốt hiếm hoi xác định được danh tính là của liệt sỹ Nguyễn Văn Quỳ. Sau khi tìm thấy chứng minh nhân dân có tên tuổi, quê quán, đội đã nhanh chóng thông báo cho gia đình liệt sỹ ở địa phương. Gia đình liệt sỹ đã lên Hà Giang ngay lúc nhận được tin. Trong buổi tiễn đưa anh về với quê hương, không chỉ thân nhân gia đình mà cả bà con lối xóm trong khu phố đều ra đón. Các cựu chiến binh - đồng đội của anh cũng từ khắp mọi miền Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nội,... lặn lội lên đường để đón cố nhân về quê an nghỉ.

Cuộc chiến đã lùi xa, nhưng mong muốn ghi tạc trong lòng chúng tôi là được tiếp tục tri ân những người đã làm nên lịch sử, được hằng ngày nỗ lực đóng góp cho công cuộc đưa các liệt sỹ trở về nơi người thân vẫn còn mong ngóng. Từng tấc đất được đào bới, từng bước cuốc bộ trên những dốc đá chênh vênh, và cứ mỗi bữa cơm lại được bày một mâm thắp hương cho các bác, các anh tại nhà Hoàn hài cốt liệt sỹ - tất cả những công việc ấy đã trở thành nghi thức giản dị nhưng đầy ân nghĩa của anh em trong đội.

Công tác tìm hài cốt của những người lính Vị Xuyên

Những khi tìm kiếm hài cốt ở các địa điểm gần với trụ sở, tôi cùng anh em trong đội dậy lúc 5 giờ sáng để chuẩn bị hành quân lên vị trí. Đoàn chúng tôi len lỏi theo bờ đất đá, băng qua những con đường rậm rạp nơi cỏ cây um tùm che khuất ánh rạng đông. Sau một quãng di chuyển, đoàn đến được vị trí đã xác định. Không chần chừ, chúng tôi nhanh chóng chia nhau khảo sát, xác minh và tiến hành bới đất, lật đá để tìm kiếm hài cốt. Đối với những địa điểm ở xa hơn, như ở những nơi trong rừng sâu giáp biên giới, địa hình bị chia cắt bởi núi cao và khe sâu suối cụt, anh em thường liên hệ với bà con để trú ngụ nhờ nhà dân hoặc bố trí mang theo tăng võng để ngủ luôn trên rừng.  

Do đặc thù môi trường trong rừng rậm, thuốc chống muỗi trở thành vật bất ly thân của anh em trong đội. Muỗi rừng to gấp đôi muỗi thường, mang mầm bệnh sốt rét, vết đốt đau nhức và ngứa rát vô cùng. Bởi vậy, để tránh cảnh bắp chân, bắp tay sần sùi, chi chít những mẩn đỏ to bằng đốt ngón tay cái, anh em luôn chịu khó xịt thuốc chống muỗi, mặc quần dài, áo dài cài nút tận cổ tay mặc cho vải áo ướt đầm mồ hôi những khi làm việc trong không gian ngột ngạt của rừng cây giữa trưa hè. Hằng ngày, chúng tôi vượt qua địa hình biên giới khắc nghiệt với nhiều khe suối, vách cao và hang sâu. Đối với những khu vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như vậy, đội chuẩn bị rất kỹ các dụng cụ cần thiết như dây, găng tay, đồ bảo hộ để đảm bảo an toàn khi tác nghiệp. Tuy nhiều vị trí khó tiếp cận, chúng tôi đều hiểu rằng núi càng cao, thung càng sâu thì lại càng có nhiều khả năng tìm thấy hài cốt. Do đó, anh em trong đơn vị đều quyết tâm thực hiện nhiệm vụ với mong muốn làm sao đảm bảo không phần thân xác nào của các liệt sỹ nằm lại trong từng tấc đất, việc khó mấy cũng không nề hà.

Nỗi niềm của thân nhân các liệt sỹ là động lực lớn lao luôn thôi thúc tôi nỗ lực mang hài cốt các bác, các anh về nhanh nhất và nhiều nhất có thể. Tôi đã có những dịp gặp gỡ và trò chuyện với những người cha, người mẹ, người vợ bao năm qua đã phải chấp nhận sự thật rằng con mình, chồng mình đã hy sinh, tuy nhiên họ vẫn ngày đêm ngóng tìm được hài cốt người thân để mang về quê an táng. Có những gia đình một năm lên Hà Giang thăm đơn vị ba, bốn lần, thậm chí năm lần chỉ với với hy vọng mong manh được tìm thấy người thân. Nỗi lòng của họ là những đợi chờ khắc khoải chồng chất suốt hơn 30 năm, lớn lao và khó tả vô cùng.

Không chỉ thân nhân mà những người đồng đội cũ của các liệt sỹ cũng có nhiều tâm tư gửi gắm cho đội. Một vị cựu chiến binh của Sư đoàn 313 hằng năm đều lên chiến trường xưa tại Hà Giang để thăm lại nơi đồng đội đã ra đi. Đồng chí tâm sự rằng bất cứ khi nào chúng tôi thực hiện nhiệm vụ tại khu vực này, chỉ cần thông báo, đồng chí sẵn sàng lên đường ngay lập tức, bất kể ngày đêm. “Tôi quay về thăm các bạn, mang đến nén hương thơm, một chút hoa quả, bánh kẹo, tiền vàng, để tri ân cho các bạn”, đồng chí nói vậy, và chia sẻ mong ước lớn nhất trước khi qua đời là được tìm thấy người đồng đội đã hy sinh. 

Tình cảm của các cựu chiến binh dành cho đội luôn khiến tôi cảm động. Khi chúng tôi thực hiện nhiệm vụ, các bác thường xuyên quan tâm, hỏi han, bày tỏ mong muốn anh em thật khỏe mạnh và an toàn. Bất cứ thiếu thốn gì chúng tôi gặp phải, từ những thứ nhỏ như chai nước, lương khô, cho đến các vật dụng, nguyên liệu hỗ trợ quá trình tác nghiệp, các bác đều sẵn sàng chia sẻ và giúp đỡ. Gần đây nhất, khi đơn vị tiến hành tìm kiếm hài cốt ở khu vực cần sử dụng thuốc nở để phá đá, các cựu chiến binh đã không quản ngại đường xa, chở tận hai tạ thuốc nở từ Tuyên Quang lên để hỗ trợ.

Đã sáu năm trôi qua kể từ ngày tôi quyết tâm gắn bó với công việc tìm kiếm hài cốt, tiếp tục vun đắp những ân tình đã nảy nở trong lòng chiến trường xưa. Ngày nào cũng như ngày nào, làn khói hương đượm tình tri ân vấn vít trên bàn thờ liệt sỹ cũng nhắc nhở tôi rằng: Quá khứ không bao giờ bị lãng quên trên mảnh đất này. Nơi biên ải xa xôi nhìn đâu cũng chỉ thấy toàn rừng xanh núi đỏ, điều mắt thường không thấy được là đất đá cũng có linh hồn, có thịt xương. Tình người chốn địa đầu Tổ quốc, tựa như đá, mãi mãi thô sơ, giản dị và kiên cường, bất chấp gió sương để vĩnh viễn ở lại cùng năm tháng. 

Cứ mỗi buổi sáng hành quân trên núi, tôi lại thấy nắng óng ánh đổ vạt trên những mỏm đá bạt ngàn khắp cao nguyên đá Hà Giang.

Tổng kết công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Hà Giang

Kỳ cuối: Khoác màu áo mới, hướng tới tương lai

Nội dung: ÁL, Thành, Lê Huyền, Khuê Châu 

Thiết kế: Xami, Hải Đông, Thủy Linh


Ý kiến bạn đọc


Đọc tiếp