Báo Hà Giang điện tử
.

Nhọc nhằn chiếc áo giáp chì – bộ “trang phục” đặc biệt của ngành Y

08:38, 29/02/2024
 

BHG - Nhắc đến ngành Y, chúng ta đã quen với hình ảnh các y bác sỹ mặc chiếc áo blouse trắng nhẹ nhàng. Nhưng có những y bác sỹ thường xuyên khoác lên mình chiếc áo giáp chì với trọng lượng khoảng 10kg. Đó là những người thực hiện các ca can thiệp cho bệnh nhân trong môi trường có bức xạ (tia X). Công việc bắt buộc phải mặc áo giáp chì để ngăn sự xâm nhập của tia X, nhưng đó cũng là nguy cơ của nhiều bệnh nghề nghiệp đối với các y bác sỹ. Để biết rõ công việc của y bác sỹ với những bộ “trang phục” đặc biệt nhất của ngành Y, phóng viên đã có dịp tận mục sở thị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, có những phòng can thiệp, cấp cứu sử dụng máy móc phát ra tia X nhằm hỗ trợ y bác sỹ trong can thiệp, cấp cứu các bệnh nhân. Bên cạnh lợi ích khoa học, tia X cũng gây hại cho sức khỏe con người. Để bảo vệ sức khỏe của y bác sỹ trước nguy cơ bức xạ của tia X, những người làm việc ở trong môi trường này đều phải mặc áo giáp chì có trọng lượng tùy cỡ, từ 7 - 10kg. Những chiếc áo nặng đến mức khi mặc phải có sự hỗ trợ của đồng nghiệp. Và khi mặc chiếc áo này, người mặc gần như chỉ có thể giơ tay ra trước mặt, rất khó khăn khi muốn ngoái lại, vắt tay lại phía sau. Đây có lẽ là chiếc áo… nặng nhất của ngành Y.

 

...

Phòng phẫu thuật có máy chụp số xóa nền của Bệnh viện Đa khoa tỉnh là một trong những nơi khi làm việc, các y bác sỹ phải tuân thủ mặc áo giáp chì. Mỗi ca can thiệp tại đây có từ 3 – 4 bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, tất cả đều phải mặc áo giáp chì để chống tia X khi vận hành máy chụp số xóa nền. Bước vào các ca can thiệp, các y bác sỹ phải gánh trên vai 2 “gánh nặng”, thứ nhất là trách nhiệm hoàn thành tốt các ca can thiệp, cấp cứu, thứ hai là nhiều giờ chịu áp lực trên cơ thể bởi trọng lượng của chiếc áo giáp chì và sự độc hại của tia X...

 

...

 

Bác sỹ Lý Ngọc Hoàng, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, cho biết: Anh và các đồng nghiệp thường xuyên thực hiện các ca can thiệp có thể kéo dài nhiều giờ, có những ca kéo dài đến 4 tiếng rưỡi. Không chỉ phải tập trung cao độ cho những ca can thiệp, trong đó có những ca rất khó, căng thẳng, các y bác sỹ phải chịu sức nặng của áo giáp chì. Nếu là y bác sỹ trẻ, còn khỏe thì đỡ, những y bác sỹ nhiều tuổi sẽ rất vất vả và mệt nhọc với chiếc áo này. Nhưng vì trách nhiệm công việc, ai cũng đều phải cố gắng để đem đến những kết quả tốt nhất cho bệnh nhân.  

Bác sỹ Lý Ngọc Hoàng, Khoa Chẩn đoán hình ảnh
Bác sỹ Lý Ngọc Hoàng cùng đồng nghiệp

 

Trao đổi với các bác sỹ, kỹ thuật viên thường xuyên mặc áo giáp chì của các Khoa Tim mạch, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, được biết: Thực hiện những ca can thiệp với chiếc áo giáp chì phải đối mặt với sức nặng hữu hình của áo chì và vô hình của những ca can thiệp phức tạp, kéo dài. Có người trong một tuần có đến 6 ngày đứng trong phòng can thiệp mặc áo giáp chì với khoảng từ 4 – 5 ca can thiệp/ngày, thời gian mặc áo giáp chì có thể lên đến 50 giờ trong tuần làm việc đó. Nhưng sau mỗi ca can thiệp, cấp cứu thành công đó là điều khiến mọi người nhẹ nhõm, quên đi sức nặng của chiếc áo chì và nguy cơ độc hại từ môi trường có tia X...   

 
 

Thạc sỹ, bác sỹ Trịnh Tiến Hùng, Trưởng khoa Tim mạch, cho biết: Có những ca làm mấy tiếng đồng hồ, cấp cứu đặt stent cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp, có những trường hợp ngừng tim trên bàn can thiệp, các bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên mặc áo chì nặng phải tất tả xoay chuyển để cấp cứu bệnh nhân. Mặc dù có áo giáp chì, nhưng làm việc thời gian dài trong môi trường chiếu tia X trực tiếp vào người nên rất độc hại, hôm nào thủ thuật nhiều và kéo dài, ngấm tia nhiều khiến người như bị say, rất mệt. Bản thân tôi sau quá trình mặc áo giáp chì, đứng lâu đã bị suy giãn tĩnh mạch, hiện phải đeo tất áp lực điều trị suy giãn tĩnh mạch.  

Bác sỹ Phạm Anh Văn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: Việc mặc áo giáp chì với sức nặng trong nhiều giờ liên tục là nguyên nhân dẫn đến những bệnh nghề nghiệp cho y bác sỹ. Một số bệnh có thể kể đến như suy giãn tĩnh mạch, bệnh về cột sống, chưa kể tia X có thể là nguy cơ của những bệnh nguy hiểm khác. Sức nặng của chiếc áo chì và áp lực công việc với chuyên môn cao cũng khiến cho các y bác sỹ luôn chịu căng thẳng khi tham gia can thiệp, cấp cứu các ca bệnh.

 
 

Để cảm nhận sự vất vả của các y bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, phóng viên đã xin được mặc thử bộ áo giáp chì. Sức nặng và sự ôm sát của chiếc áo này tạo ra cảm giác ngộp thở không hề dễ chịu. Việc di chuyển khi mặc chiếc áo này cũng không hề dễ dàng, cử động cũng không hề thoải mái. Sau khoảng 1 giờ mặc, dù trong phòng có điều hòa, nhưng khi cởi ra, cơ thể ướt đầm mồ hôi và một cảm giác hơi mệt bởi bộ trang phục có lẽ là đặc biệt nhất của ngành Y. Qua đó mới thấy, hình ảnh những y bác sỹ mặc áo giáp chì trong mỗi ca can thiệp giống như những chiến sỹ xung trận vì sức khỏe và niềm hạnh phúc của nhân dân.

Thực hiện: HUY TOÁN | Trình bày: LÊ LÂM


Ý kiến bạn đọc


Đọc tiếp