Báo Hà Giang điện tử
.

“Giữ lửa” nghề làm giấy Bản dưới chân núi Tây Côn Lĩnh

08:34, 13/09/2022
 

Với 86,8% đồng bào Dao sinh sống, thôn Thanh Sơn, thị trấn Việt Quang (Bắc Quang) hiện đang lưu giữ tri thức dân gian quý giá, đó là kỹ thuật làm giấy Bản đã được vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Để góp phần “giữ lửa” nghề làm giấy Bản, cấp ủy, chính quyền địa phương đã có những quyết sách quan trọng để phát triển bền vững làng nghề truyền thống giấy Bản dân tộc Dao thôn Thanh Sơn.

 

Nằm dưới chân dãy núi Tây Côn Lĩnh hùng vĩ, thôn Thanh Sơn không chỉ hấp dẫn du khách bởi tiềm năng du lịch sinh thái, mạo hiểm mà còn làm say lòng du khách bởi nét đẹp văn hóa đặc trưng của đồng bào Dao, như: Lễ cấp Sắc, cầu mùa, nhảy lửa, các làn điệu dân ca, dân vũ đậm tính dân gian và một số nghề truyền thống như chạm bạc, thuốc nam, nghề thêu và đặc biệt hơn cả chính là kỹ thuật làm giấy Bản độc đáo. Theo Nghệ nhân dân gian Phàn Chàn Quấy thì nghề truyền thống làm giấy Bản của đồng bào Dao thôn Thanh Sơn được lưu giữ theo hình thức “cha truyền con nối” và đã có lịch sử lên đến hàng trăm năm nay.

 

 

Khi Xuân sang, đồng bào Dao thôn Thanh Sơn cùng nhau lên rừng, chặt những cây vầu non vừa mới ra lá, chuẩn bị nguyên liệu cho mùa Hạ sản xuất giấy Bản. Theo kinh nghiệm của đồng bào Dao, sau Tết Nguyên đán (khoảng tháng Hai âm lịch) chính là thời điểm tích trữ nguyên liệu, đảm bảo cho 1 năm sản xuất. Vì nếu để vầu già sẽ không thể làm được giấy. Ngoài cây vầu non thì nguyên liệu để tạo nên giấy Bản hoàn toàn tự nhiên, bao gồm nhựa cây dây leo trên rừng (cây Bo), vôi và nước tự nhiên. Hiện nay, thôn Thanh Sơn có hơn 200 ha vầu nguyên liệu phục vụ nghề truyền thống. Đây là nguồn nguyên liệu có sẵn từ thiên nhiên, có khả năng tự tái tạo hàng năm, không gây ô nhiễm môi trường.

 

Kỹ thuật sản xuất giấy Bản vô cùng kỳ công, đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng công đoạn. Sau khi thu hoạch, vầu được chia thành từng đoạn ngắn và chẻ làm 4 thanh, ngâm ủ 2 tháng với nước vôi để làm mềm nguyên liệu. Tiếp đó, vầu non được đóng thành từng bao tải, ngâm trong bể nước sạch nhiều ngày rồi đem nghiền thành bột giấy. Và bí quyết độc đáo để tạo nên những bục giấy Bản chất lượng chính là nhựa cây Bo. Cây Bo sau khi ngâm nước khoảng 2 tuần thì tiết ra nhựa, tạo nên chất keo kết dính, được hòa cùng bột giấy và nước. Qua đôi tay khéo léo của đồng bào Dao, bột giấy được tráng theo khuôn thành từng thếp mỏng và cao dần thành những bục giấy. Sau khi ép khô, từng thếp giấy được tách rời, đo, gấp cẩn thận theo kích thước quy định rồi đem phơi khô trong nắng vàng.

 

Ngày nay, giấy Bản đã trở thành sản phẩm hàng hóa đặc trưng của thôn Thanh Sơn, được sử dụng phổ biến trong đời sống tâm linh (thờ cúng tổ tiên, cấp Sắc), dùng để viết chữ Hán – Nôm hoặc sử dụng vào mục đích khác như thay thế giấy ăn. Đặc biệt, khi đốt (hóa vàng)giấy Bản rất ít tàn và dễ bay hơn so với giấy vàng mã thông thường. Hơn nữa, với phương pháp sản xuất thủ công và không sử dụng hóa chất nên giấy Bản thân thiện với môi trường, không gây hại đến sức khỏe người sử dụng.

 

Có thể khẳng định, giấy Bản thôn Thanh Sơn được tạo ra từ bàn tay và kinh nghiệm quý báu đúc rút qua nhiều thế hệ; sản phẩm thể hiện tinh hoa văn hóa, tinh thần của cộng đồng, dòng họ người Dao đỏ nơi đây. Đặc biệt hơn, năm 2018, kỹ thuật làm giấy Bản của đồng bào Dao thôn Thanh Sơn vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây là điểm sáng tiêu biểu cho hoạt động bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời, trở thành điểm nhấn du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách tham quan, trải nghiệm...

Nghệ nhân dân gian Phàn Chàn Quấy

 

 
 

 

Hiện nay, thôn Thanh Sơn có 125 hộ đồng bào Dao thì 91 hộ sản xuất giấy Bản (chiếm 72,8% số hộ dân tộc Dao trực tiếp sản xuất giấy). Trưởng thôn Thanh Sơn Lò Đức Chìu, cho biết: Do giá sản phẩm giấy Bản ổn định và tương đối cao nên các hộ sản xuất chủ động đầu tư 70 bộ máy nghiền nguyên liệu, máy ép giấy để ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm giải phóng sức lao động và nâng cao chất lượng sản phẩmTrung bình 1 năm, sản lượng giấy Bản của thôn xuất ra thị trường đạt từ 18 – 20 nghìn bục giấy, có giá bán từ 200 – 400 nghìn đồng/bục giấy, mang lại nguồn thu nhập không hề nhỏ cho các hộ sản xuất. Đặc biệt, thị trường tiêu thụ giấy Bản khá rộng, tập trung ở các huyện vùng cao trong tỉnh và một số địa phương lân cận, như: Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái. Những năm gần đây, người dân sản xuất giấy Bản đến đâu tiêu thụ hết đến đó, tiểu thương tìm đến tận hộ sản xuất để thu mua..

 

 

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn huyện Bắc Quang: Sản phẩm giấy Bản nếu được đầu tư phát triển thì có thể tạo ra các sản phẩm với chất lượng ổn định, nhãn mác hấp dẫn, được đưa vào các kênh phân phối thích hợp và gắn với du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, tạo tiền đề xây dựng thương hiệu cho sản phẩm từ nghề truyền thống và làng nghề. Tuy nhiên hiện nay, giấy Bản sản xuất ra mới chỉ ở dạng thô, chưa có thương hiệu hàng hóa và chưa đáp ứng được đa dạng thị hiếu người tiêu dùng. Mặt khác, các hộ sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, chủ yếu sản xuất vào thời điểm nông nhàn. Hơn nữa, sức hút lao động từ nghề chưa cao, phần lớn lực lượng lao động đều là những người lớn tuổi...

 

Từng bước khắc phục những hạn chế trên, tháng 7 vừa qua, thôn Thanh Sơn ra mắt Hợp tác xã (HTX) giấy Bản Thanh Sơn với 21 thành viên tham gia. Trưởng thôn kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Giấy Bản Thanh Sơn Lò Đức Chìu, cho biết: HTX được thành lập mang trong mình sứ mệnh gìn giữ, phát huy giá trị làng nghề truyền thống, nét đẹp văn hóa địa phương nói chung và của đồng bào Dao nói riêng. Chiến lược phát triển của HTX là tạo ra sức mạnh của một tổ chức kinh tế có đủ nguồn vốn, tư cách pháp nhân, có thị trường rộng lớn và ổn định, có cơ sở vật chất, tư duy năng lực đổi mới, có sức cạnh tranh với các tổ chức kinh tế khác. Chủ động áp dụng những kỹ thuật mới trong sản xuất để nâng cao chất lượng giấy Bản. Trên cơ sở đó, vừa sản xuất giấy, bao tiêu sản phẩm bán ra thị trường, vừa truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ.

 

Đặc biệt, UBND huyện Bắc Quang đã giao UBND thị trấn Việt Quang chủ trì phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện xây dựng Đề án: Phát triển và nâng cao hoạt động Làng nghề truyền thống giấy Bản dân tộc Dao, gắn với xây dựng Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Thanh Sơn giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở này, nhiều giải pháp chiến lược được triển khai thực hiện để phát triển bền vững Làng nghề truyền thống giấy Bản dân tộc Dao. Trong đó, thay đổi phương thức đào tạo nghề làm giấy Bản phù hợp với tình hình thực tế, thiết kế sản phẩm theo yêu cầu của đơn vị liên kết, bao tiêu hàng hóa; khuyến khích, động viên nghệ nhân có tay nghề cao tham gia bồi dưỡng, truyền nghề cho lao động trẻ thông qua các lớp đào tạo nghề. Mặt khác, phát triển làng nghề gắn với vùng nguyên liệu tự nhiên và bảo vệ môi trường sinh thái; đảm bảo việc khai thác tỉa thưa rừng vầu gắn với tái tạo để bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đưa máy móc tiên tiến vào sản xuất để đa dạng hóa sản phẩm về mẫu mã, kiểu dáng cũng như nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Đồng chí Ngô Văn Hiếu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Bắc Quang.

Đề án trên đi vào cuộc sống được kỳ vọng tạo sinh khí mới “giữ lửa” nghề truyền thống giấy Bản. Trên cơ sở đó, đưa quy trình kỹ thuật sản xuất và sản phẩm giấy Bản truyền thống thành sản phẩm du lịch độc đáo, phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm, mua sản phẩm. Đồng thời, huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế tham gia phát triển bền vững làng nghề, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

- Lộ trình thực hiện Đề án Phát triển và nâng cao hoạt động Làng nghề truyền thống giấy Bản dân tộc Dao, gắn với xây dựng Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Thanh Sơn, thị trấn Việt Quang:

+ Năm 2022 thành lập Hợp tác xã Giấy Bản thôn Thanh Sơn.

+Phấn đấu đến năm 2023: Xây dựng 1 khu sản xuất tập trung có quy mô khoảng 0,1 ha với 10 cặp sản xuất; xây dựng 1 nhà tập kết, trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm gắn sản xuất với du lịch tham quan, trải nghiệm sản xuất.

+ Năm 2024: Xây dựng nhãn hiệu sản phẩmđược công nhận OCOP 3 sao cấp huyện trở lên.

+ Năm 2025: Mở rộng số hộ tham gia sản xuất giấy Bản lên đến trên 90% số hộ dân tộc Dao.

+ Đến năm 2030: Được công nhận là Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Thanh Sơn.

Bài, ảnh, video: Thu Phương

Thiết kế: Lê Lâm - Ngọc Bích


Ý kiến bạn đọc


Đọc tiếp