Hà Giang

Xã Vô Điếm cần lắm cây cầu "giải phóng" năng lực sản xuất

08:22, 02/10/2018

BHG - Xã Vô Điếm cách trung tâm huyện Bắc Quang gần 20 km; diện tích tự nhiên 7.239 ha trong đó, rừng tự nhiên gần 2.500 ha, rừng kinh tế trên 2.800 ha, còn lại đất trồng lúa trên 539 ha, ngô 195 ha, diện tích chè cho thu hái gần 228 ha, mặt nước nuôi trồng thủy sản 284 ha; có 1.348 hộ, 5.357 khẩu, 14 dân tộc sinh sống tại 9 thôn, bản.

Cầu treo bắc ngang sông Lô vào xã Vô Điếm bị hỏng nặng.
Cầu treo bắc ngang sông Lô vào xã Vô Điếm bị hỏng nặng.

Từ những tiềm năng, thế mạnh về lao động, đất đai; Nghị quyết đánh giá giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ xã Vô Điếm xác định: Đến năm 2020, đưa giá trị thu nhập bình quân đầu người đạt trên 30 triệu đồng/năm; tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 5 tỷ đồng; tổng sản lượng lương thực đạt 4.864 tấn; lương thực bình quân đầu người đạt 796 kg/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 3,9%... Lãnh đạo xã Vô Điếm khẳng định địa phương hội tụ đủ yếu tố để đạt mục tiêu đề ra, nhưng khó khăn và trở ngại lớn nhất là hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện; đặc biệt, cầu treo bắc qua sông Lô đã xuống cấp nghiêm trọng, không thể vận chuyển hàng hoá nên khó giải phóng năng lực phát triển KT-XH.

Những ngày này, cánh đồng chạy dọc con đường nhỏ vào xã lúa Mùa đã trổ bông; lúa tốt bời, hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Chiếc cầu treo bắc ngang sông Lô dài trên 120 m được xây dựng từ năm 2002 đưa tôi vào Vô Điếm. Cây cầu treo này trải qua mấy nghìn ngày mưa, nắng và đã xuống cấp nghiêm trọng; có những sợi dây cáp treo cầu đã bị đứt, nhiều mảnh ván ghép mặt cầu mục nát, chắp vá. Hiện chỉ người đi bộ và xe máy thô sơ được qua cầu; các phương tiện có tải trọng từ 500 kg trở lên bị cấm qua lại. Khoảng cách từ cầu treo đến trung tâm xã Vô Điếm trên 7 km; đoạn đường đầu cầu treo cũng ổ voi, sống trâu lồi, lõm, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Theo các anh lãnh đạo xã, mỗi khẩu trong xã có mức lương thực gần 700 kg/năm; trong dân còn ứ đọng rất nhiều lương thực từ các vụ thu hoạch trước. Nguyên nhân vì giá bán tại chỗ thấp, còn nếu vận chuyển ra ngoài địa bàn bán thì chi phí cước vận chuyển rất cao. Tương tự, giá bán các loại nông sản khác như lạc, sắn, cam, quýt, chè cũng bị tư thương ép giá. Nhiều người dân cho biết, muốn chuyển 1 tấn phân bón, hàng nông sản phải trả phí ít nhất từ 30 nghìn đồng trở lên/lần qua cầu. Giá vận chuyển cao, cùng với mạng lưới giao thông xuống cấp nghiêm trọng đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và tiêu thụ hàng hoá tại địa phương. Riêng sản lượng cá nuôi trên ao, hồ ở Vô Điếm đạt 35 - 40 tấn/năm. Ở những nơi giao thông thuận tiện, nhiều gia đình làm giàu từ nuôi cá, nhưng bà con Vô Điếm nuôi cá chỉ dùng cải thiện bữa ăn hàng ngày. Sản lượng thủy sản ở Vô Điếm lớn nhất trong 23 xã, thị trấn của huyện Bắc Quang nhưng chưa thành hàng hoá.

Vô Điếm nằm trong một “vùng lõm”; bên kia là tỉnh Tuyên Quang có núi chắn ngang; bên này xã Bằng Hành cùng huyện, giao thông kết nối chỉ có lối mòn. Đầu năm học 2018 – 2019, chính quyền và nhân dân Vô Điếm phải vận chuyển ngược xi - măng, cát, sỏi từ xã Yên Thuận (Hàm Yên - Tuyên Quang) lên xây dựng điểm trường thôn Thíp mặc dù bãi tập kết và khai thác cát, sỏi thuộc xã Quang Minh (Bắc Quang) rất gần, nhưng cầu yếu, không thể vận chuyển qua. Nghịch lý “gần nhà, xa ngõ” đã ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế và cuộc sống hàng ngày của người dân. Thực trạng này hoàn toàn có thể hóa giải nếu cầu treo Vô Điếm được đầu tư, xây dựng kiên cố các đồng chí lãnh đạo xã khẳng định.

Bài, ảnh: NGUYỄN HÙNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cần quan tâm đầu tư xây dựng tuyến đường Nà Chì - Quảng Nguyên

BHG - Tuyến đường Nà Chì - Quảng Nguyên có chiều dài 14 km nối từ xã Quảng Nguyên qua thôn Nậm Phang (xã Khuôn Lùng) và xã Nà Chì (Xín Mần). Mấy năm gần đây, tuyến đường này bị xuống cấp nghiêm trọng, gây khó khăn trong quá trình tham gia giao thông, giao thương của nhân dân 3 xã phía Nam huyện Xín Mần. Được biết, năm 2010 UBND tỉnh có quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án và tổng mức vốn đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp đường Nà Chì - Quảng Nguyên. 

28/05/2018
Mong mỏi của người dân Du Tiến bao giờ thành hiện thực?

BHG - Du Tiến là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Yên Minh; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao; cách xa trung tâm huyện; cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm còn rất khó khăn...… Chính vì vậy, trong các cuộc tiếp xúc cử tri của HĐND huyện, bà con Du Tiến luôn có nhiều ý kiến, kiến nghị. Xã Du Tiến có trên 800 hộ, 4.600 khẩu, sinh sống ở 15 thôn bản. Nhưng tính đến giữa năm 2018, toàn xã mới có 12/15 thôn có đường điện kéo đến trung tâm, gần 90% số hộ được sử dụng điện. Hơn nữa, hiện xã mới có 8/15 thôn có đường ô - tô đến trung tâm...

24/09/2018
Người dân Thượng Bình cần lắm cây cầu qua suối Sảo

BHG - Dòng suối Sảo chảy qua thôn Trung, xã Thượng Bình (Bắc Quang), mỗi khi mưa lũ đổ về, mọi hoạt động giao thương của nhân dân bị chia cắt hoàn toàn. Đã nhiều năm qua, bà con nơi đây phải tự làm bè mảng để di chuyển qua suối; nhưng nếu mực nước dâng cao, không ai dám đảm bảo sự an toàn sinh mạng con người bị "đánh cược" theo dòng nước. Vì thế, ước nguyện có một cây cầu vững chắc để qua suối Sảo trở thành nỗi mong chờ hàng ngày của người dân nơi đây.

 

22/08/2018
Tuyến đường đi xã Ngán Chiên, mỏi mòn chờ... "thay áo"!

BHG – Nhiều người dân đã rất kỳ vọng khi tuyến đường từ Km 86 (Bắc Quang – Xín Mần) đi qua 2 xã Ngán Chiên, Trung Thịnh (Xín Mần) được khởi công xây dựng. Tuy nhiên, trái với những mong mỏi, giấc mơ… "thay áo" cho tuyến đường huyết mạch qua 2 xã phía Đông của huyện Xín Mần vẫn dang dở sau hơn 10 năm thi công. Giờ đây, người dân lại đang chịu cảnh sống chung với sự xuống cấp; ngoài ra, tiến độ thi công chậm chạp, chất lượng công trình không đảm bảo…

 

21/06/2018