Thuốc bộ đội về vùng cao

13:57, 20/04/2007

(HGĐT)- Đã từ lâu, đồng bào dân tộc thiểu số một vài nơi xã vùng cao Xín Mần của huyện Xín Mần đã quen với khái niệm "ốm no bò dậy". Bà con lấy cây rừng làm thuốc, không khỏi thì mời thầy về cúng và phó mặc bệnh nhân cho thầy. Bao nhiêu gà, gạo nếp, trâu bò làm lễ vật nhưng bệnh tình vẫn trầm trọng.


Rồi mọi cái bắt đầu thay đổi từ khi những y, bác sỹ là người Đoàn Kinh tế - quốc phòng B14 về đứng chân trên địa bàn. Nghe các anh kể chuyện, nhiều người tưởng đó là sự thêu dệt. Nhưng không, nếu được ăn, ở hoặc trực tiếp tiếp xúc với họ, mọi điều sẽ sáng tỏ.

 

Trên độ cao khoảng 1.500m so với mặt nước biển, người dân xã Xín Mần đã quá quen với màu trắng của sương núi vùng cao. Mấy năm gần đây, màu trắng ấy lại "đậm đặc" hơn khi giữa đạingàn chỉ có tiếng chim và con thác bạc đầu nơi thềm đá chênh vênh xuất hiện màu trắng áo Blu của những người lính đoàn Kinh tế - quốc phòng. Họ không quản ngại nắng mưa, thác lũ, vượt trùng non đến nơi mà bà con mong từng viên thuốc để chữa bệnh. Mặc dù việc đi lại vô cùng khó khăn, nhưng mỗi khi biết tin trong bản có người ốm, người bệnh là đoàn lại cử y tá xuống ngay. Họ đi bằng lương tâm và trách nhiệm của người lính. Có câu chuyện xảy ra cách đây đã lâu nhưng bà con xã Nà Xỉn, huyện Xín Mần còn nhớ như in. Vào ngày trời mưa tầm tã, một chị phụ nữ người dân tộc Mông trong bản bụng đau quằn quại, mặt tái nhợt vì mất máu, hơi thở gấp, dồn dập và yếu đuối. Người già thì thào bán tán: "Con ma lại đem cái bệnh về bản mình rồi, phải cúng thôi". Gia đình mời thầy về cúng nhưng bệnh không giảm. Trưởng bản bảo: "Để tao gọi bộ đội về sẽ khỏi ngay". Bác sỹ, Bệnh xá trưởng Lê Văn Toán và anh em tìm đến bản thì trời cũng vừa tối. Đúng hôm đó, đội phòng, chống sốt rét của tỉnh về Nà Xỉn cấp thuốc, họ cùng nhau đội mưa trong cái lạnh của nước và gió đưa bệnh nhân đi cấp cứu ở Cốc Pài. Chị đến tháng đẻ, nhưng không đi khám thai, lên cơn đau, co giật, da trắng bệch vẫn tin lời thấy cúng nên vỡ cổ tử cung. Các bác sỹ cho biết, nếu để đến sáng mai, thì cả 2 mẹ con đều chết. Ca mổ thành công, chị sinh cháu trai 3,4kg.

 

Sau đó ít ngày, người đàn ông cùng bản ốm nặng, nghe theo lời thầy cúng, dùng hương và lửa đốt lên cơ thể, mấy hôm sau vùng da ấy bị mưng mủ, nhiễm trùng uốn ván, nằm liệt giường, không ăn uống. Y tá đoàn biết tin mang thuốc và dụng cụ y tế vào chữa. Bằng cách thông thường, không tốn kém, vết thương dần dần hồi phục, lành trở lại và khỏi hẳn. Cảm động trước việc làm nhân nghĩa, nhiều người hỏi thăm và cảm ơn các anh. Sau này, khi bà con đã thực sự tin vào bàn tay bộ đội thì dù ở gần hay xa, nếu gia đình có người ốm là họ tìm đến tận nơi xin thuốc và nhờ bác sỹ điều trị. Anh Lý Sáng Dìn, ở thôn Hồ Sáo Chải, xã Chí Cà đi lấy cỏ cho ngựa, bị liềm cắt vào tay. Hai ngón bàn tay trái gần lìa khỏi bàn, anh vào trạm xá được các y, bác sỹ phẫu thuật, gắn liền các ngón rời vào bàn. Hiện giờ anh đã khỏe mạnh và ra về với đôi bàn tay lành lặn trong sự thán phục của người dân, tiếng lành đồn đến cả bản xa nhất. Trong buổi họp thôn, tuyên truyền, vận động đồng bào, nhiều người không tin vào những câu chuyện nghe được. Bí thư Đảng ủy xã Lò Văn Khún khẳng định trước đám đông: "Chuyện này thật đấy, không phải giả đâu". Bà con bảo: Khi nào tao ốm, tao cũng xin thuốc của bộ đội".

Từ khi Đoàn B14 lên công tác đến nay chưa lâu, nhưng việc giúp bà con tránh các tai họa do thiếu hiểu biết về bệnh tật có thể nói nhiều hơn sự tưởng tượng của người dân. Trạm được giao khám chữa bệnh cho địa bàn 4 xã gồm: Xín Mần, Nà Xỉn, Chí Cà và Pà Vầy Sủ. Tuy quân số ít, lực lượng mỏng, song nơi nào cần các anh đều có mặt. Các anh có sáng kiến chia thành từng tổ 3 người, do bác sỹ phụ trách theo phân cụm gần nhau để thuận lợi nắm tình hình, báo cáo và tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện ăn ở vệ sinh, làm chuồng trại xa nhà; phát quang bụi rậm phòng, chống sốt rét. Mở lớp học tập nâng cao kiến thức về sức khỏe sinh sản, công tác dân số KHHGĐ cho phụ nữ từ 15 - 50 tuổi. Lúc đoàn chưa lên, hiện tượng đẻ nhiều vẫn xảy ra, dịch bệnh tràn lan, trẻ em sơ sinh suy dinh dưỡng, gầy còm ốm yếu. Khó khăn lớn nhất là cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh thiếu, lực lượng mỏng nên không thể trải đều xuống từng thôn bản để "nằm vùng". Nhận thức điều trị bệnh của người dân chậm, có trường hợp hôm nay lấy thuốc về uống, ngày mai khỏi thì vứt số thuốc còn lại mà không biết giữ để dùng cho lần sau. Cán bộ, chiến sỹ và y, bác sỹ trong đoàn phải phối hợp, nhờ người của Trạm Y tế xã, chính quyền địa phương đi cùng tuyên truyền, vận động.

 

Vào thời điểm dễ xảy ra dịch bệnh, đơn vị cử cán bộ xuống địa bàn, trường học, khu vực dân cư tập trung đông, tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh, kiểm tra sức khỏe, cấp thuốc miễn phí. Huấn luyện nộng dung phòng dịch bệnh ngay tại chỗ từ 3 - 5 đợt/năm, tập trung vào đối tượng y tá thôn bản, bí thư, già làng trưởng bản. Để thu hút số lượng bệnh nhân đến nằm, điều trị nội trú, đoàn sử dụng kinh phí của trên và đơn vị hỗ trợ thêm 10.000đ/ngày cho mỗi bệnh nhân. Năm 2006, đoàn đã cấp trên 3 triệu đồng tiền thuốc cho hàng trăm người đến điều trị. Tuyên truyền 50 buổi cho khoảng 10.000 người phòng, chống dịch bệnh. Cấp miễn phí dụng cụ, thuốc tránh thai cho phụ nữ, đàn ông. Những người trước kia mời thầy cúng về nhưng không khỏi bệnh, giờ biết tin gật đầu nói nhỏ: Mình phải tin lời bộ đội thôi.

Hôm đến đoàn, tôi gặp các y, bác sỹ còn rất trẻ, phần lớn quê ở miền xuôi tình nguyện lên công tác. Gần một tháng nay, các anh ở xã Pà Vầy Sủ chữa bệnh, cấp thuốc cho bà con. Đây là xã xa nhất mà đoàn phụ trách, 48km đường rừng phải đi bộ. Nhiều đoạn chỉ có ngựa hoặc dân bản địa mới giám vượt qua vì vách đá sâu thẳm, vậy mà các bản báo cáo, bản tổng hợp hàng tuần gửi ra đều, đúng thời gian quy định. Trạm trưởng y tế xã Xín Mần Tải Văn Thành cũng đi theo mọi người. Hầu như mọi con khe heo hút, dòng suối hiểm nguy đều có dấu chân anh. Nhưng anh vẫn phải thán phục sức chịu đựng, lòng nhiệt huyết của bộ đội...

                                                     Hoàng Nghiệp

                                                      (Hòm thư 3NB.20 - Phú Thọ)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sẽ triển khai bảo hiểm y tế toàn dân
Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo "Xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển BHYT đến năm 2010 và định hướng đến năm 2015" tổ chức vào sáng nay (28/3) tại Hà Nội.
30/03/2007
Hiểu đúng về bệnh còi xương
Còi xương là bệnh được nhiều gia đình có con nhỏ quan tâm và lo lắng vì nó để lại di chứng ảnh hưởng đến sức khoẻ và thẩm mỹ của trẻ lâu dài, có khi suốt cả cuộc đời nếu không được điều trị kịp thời. Nhưng liệu bạn đã hiểu đúng nguyên nhân gây bệnh còi xương?
30/03/2007
Bảo quản sữa mẹ cho trẻ sơ sinh
Nếu biết cách lưu trữ sữa mẹ, bạn vẫn có thể cho con bú sữa của mình trong thời gian đi làm.
29/03/2007
Nên uống nước dừa
Trái dừa được xem là loại quả “kỳ diệu”, có gần như toàn bộ chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
19/04/2007