Hiểu đúng về bệnh còi xương
Còi xương là bệnh được nhiều gia đình có con nhỏ quan tâm và lo lắng vì nó để lại di chứng ảnh hưởng đến sức khoẻ và thẩm mỹ của trẻ lâu dài, có khi suốt cả cuộc đời nếu không được điều trị kịp thời. Nhưng liệu bạn đã hiểu đúng nguyên nhân gây bệnh còi xương?
Còi xương chỉ do thiếu can-xi?
Còi xương là bệnh thường gặp ở trẻ dưới 1 tuổi lứa tuổi phát triển mạnh cả về chiều cao và cân nặng. Khi trẻ được 1 tuổi, cân nặng trung bình gấp 3 lần lúc mới sinh và chiều cao gấp 1,5 - 1,8 lần. Do đó, khối lượng xương phát triển rất nhanh, trong đó can-xi, chất dinh dưỡng thuộc các yếu tố vi lượng, đóng vai trò rất quan trọng để tạo nên bộ khung vững chắc cho cơ thể. Nguồn can-xi được lấy từ thức ăn, hấp thu vào cơ thể qua đường tiêu hoá và đào thải chủ yếu qua thận. Nhưng để cơ thể hấp thụ can-xi lại phụ thuộc vào sinh tố D và các dẫn xuất của nó trong máu.
Vitamin D giúp cho việc hấp thu can-xi ở ruột được dễ dàng, kích thích chuyển can-xi gắn vào xương và tăng tái hấp thu can-xi ở ống thận, Thiếu vitamin D sẽ làm giảm hấp thu can-xi ở ruột và ở máu, giảm tái hấp thu can-xi ở ống thận, dẫn đến can-xi huyết. Can-xi huyết hạ sẽ kích thích cơ thể tăng tiết chất nội tiết huy động can-xi ở xương và máu gây nên loãng xương, xương mềm, chậm cốt hoá. Tình trạng này khiến trẻ xuất hiện các dấu hiệu của bệnh còi xương. Do vậy, bệnh còi xương không phải đơn thuần do cung cấp thiếu can-xi mà còn do cơ thể thiếu vitamin D.
Can-xi hoàn toàn vô hại?
Can-xi là chất dinh dưỡng rất cần thiết nhưng không hoàn toàn vô hại. Khi cung cấp một lượng can-xi thừa hay thiếu so với nhu cầu đều không có lợi cho cơ thể. Thừa can-xi có thể dẫn đến các dấu hiệu về tiêu hoá như: Táo bón, chán ăn, buồn nôn... hay các dấu hiệu về thận như: tiểu nhiều, uống nhiều, sỏi thận, can-xi hoá thận, suy thận... Vì thế không nên coi can-xi là một loại thuốc bổ và tự ý cho trẻ uống nếu không có chỉ định của bác sĩ. Chỉ dùng các sản phẩm chứa can-xi đơn thuần trong trường hợp chắc chắn nguồn thức ăn cho trẻ không đủ can-xi. Khi trẻ đã mắc bệnh còi xương, cần phải điều trị bằng vitamin D và chỉ cho can-xi phối hợp khi trẻ có dấu hiệu hạ can-xi huyết hoặc chế độ ăn không đủ can-xi. Nên tận dụng nguồn sữa mẹ một cách tối đa vì can-xi trong sữa mẹ có tỷ lệ cân đối, dễ hấp thu nhất. Ngoài ra, cần cho trẻ được tiếp xúc thường xuyên với ánh sáng mặt trời vì đây là nguồn cung cấp vitamin D lý tưởng.
Lưu ý:
Nhu cầu can-xi cho trẻ em dưới 7 tuổi: 400-500 mg/ngày. Những trẻ ăn quá nhiều bột cũng dễ bị còi xương vì trong bột có chất gây cản trở hấp thụ can-xi. Thiếu can-xi, trẻ sẽ bị co giật, chuột rút, chậm phát triển trí tuệ.
Vitamin D có rất ít trong thức ăn mà chủ yếu là do cơ thể tự tổng hợp - quá trình này xảy ra ở da, dưới tác dụng của tia tử ngoại (ánh nắng mặt trời). Môi trường sống không tốt, nhà cửa chật chội, tối tăm, thiếu ánh sáng, giữ trẻ quá kỹ, không cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng sẽ gây thiếu vitamin D.
Lưu ý phòng bệnh còi xương cho trẻ từ khi còn ở trong bụng mẹ. Nếu bà mẹ mang thai không có điều kiện tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, cần được uống vitamin D theo hướng dẫn của bác sĩ (liều khuyến cáo: 1.000-1.200đơn vị/ngày, liên tục trong 3 tháng cuối mang thai hoặc một liều duy nhất 100.000-200.000 đơn vị từ tháng thứ 7).
Ý kiến bạn đọc