Để phòng tránh xơ cứng cơ đầu đùi cho trẻ
Theo bác sĩ Trần Thị Thu Hà - Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhi T.Ư, những trể bị mắc bệnh đến chữa trị ở Bệnh viện Nhi T.Ư phổ biến là bị bệnh kéo dài, phải điều trị lâu ngày ở tuyến y tế địa phương, bị tiêm nhiều loại thuốc khác nhau vào cơ bắp, mà trong đó chủ yếu là kháng sinh. Sau tiêm thì gia đình không quan tâm, không chú ý đến và cơ bắp vùng tiêm bị cứng từ lúc nào họ cũng không biết. Thời gian gần đây, có lẽ do nhận thức cao hơn nên đã có nhiều trường hợp các bậc phụ huynh phát hiện con sau tiêm bắp đùi có dấu hiệu cứng khớp đã đưa đến chữa ngay. Lúc đưa trẻ đến, chỗ tiêm bị đỏ, cứng và đau. Các bác sĩ ở đây phải tiến hành chạy sóng ngắn, xoa bóp thì sau độ mười ngày, trẻ mới có khả năng bình phục trở lại.
Mặc dù sự nguy hiểm đang tràn lan như vậy nhưng theo các chuyên gia, trong thời hạn một tháng, nếu thấy cứng cơ tứ đầu đùi và hạn chế gập khớp gối mà đưa đi chữa trị kịp thời là trẻ trở về bình thường. Nếu ba tháng sau tiêm, đặc biệt là trên 6 tháng sau tiêm, trẻ mới được đưa đi chữa trị, khi đó dải xơ đã tương đối cứng, việc điều trị thực sự là khó khăn. Lúc đó, nếu trẻ gập khớp gối được tối thiểu 90 độ, Khoa Phục hồi chức năng sẽ nhận vào để chạy sóng ngắn, xoa bóp cơ làm mềm, rồi kéo giãn cơ tứ đầu đùi Những trường hợp không có khả năng gập khớp gối thì hầu hết phải chuyển sang Khoa Phẫu thuật chỉnh hình. Sau phẫu thuật khoảng 3-4 tuần, các bác sĩ bắt đầu thực hiện các bài tập vật lý cho trẻ.
Có những trường hợp sau phẫu thuật, trẻ cũng chỉ gập gối được 30-40 độ. Những trẻ chỉ gấp gối được 90 độ hoặc hơn 90 độ một chút thì phải điều trị phục hồi chức năng rất nhiều đợt, tỷ lệ thành công cũng không cao. Sau điều trị, trẻ có thể gập khớp gối thêm được 10 độ hoặc 20 độ nhưng dáng đi vẫn không được bình thường, chân cứng và bàn chân hơi xoay ra ngoài. Trong khi những trẻ từ 3 tuổi trở lên bắt đầu đi ngay ngắn bàn chân, thì những đứa trẻ bị xơ hóa vẫn đi bai chân ra ngoài và có vẻ hơi cà nhắc. Viện Nhi cũng đã chuyển từ tiêm cơ ,tiêm bắp sang tiêm tĩnh mạch để phòng bệnh xơ cứng cơ tứ đầu đùi và các bệnh xơ cơ khác cho trẻ. Rất nhiều cơ quan y tế cũng như bố mẹ của trẻ do không nắm được các vấn đề khoa học liên quan nên rất hay phạm sai lầm khi tiêm cho trẻ.
Trong thực tế, đùi của trẻ rất ngắn, khi đi tiêm, cha mẹ và y tá thường chỉ vén ống quần của trẻ lên, tưởng là đã vén lên đến bẹn. Nhưng thực chất đo ống quần bị xắn lên đã chiếm một diện tích khá lớn trên đùi, dẫn đến việc các y tá nhiều khi tiêm ngay trên khớp gối (trên xương bánh chè) của trẻ, đúng vào gân của cơ tứ đầu đùi (điểm của cơ thẳng đùi). Đó là chỗ tuần hoàn dinh dưỡng kém nên không thải thuốc đi nhanh được, thuốc thường đọng lại gây xơ cứng cơ. Nhất là ở trẻ sơ sinh thì sự phân chia đùi để tìm đúng điểm tiêm càng khó khăn, đòi hỏi sự cẩn thận của y tá. Các y tá tiêm nhiều khi không phải ai cũng là chuyên nhi. Mà do có tâm lý khi tiêm cho trẻ thì sợ trẻ khóc nên tiêm nhanh cho xong.
Nhanh chóng loại bỏ nguy cơ không đáng có
Theo các chuyên gia y tế, bệnh xơ cứng cơ tứ đầu đùi (hay còn gọi là xơ hóa cơ tứ đầu đùi - XHCTĐĐ) được chia làm hai loại nặng và loại nhẹ. Xơ cứng ở dạng nhẹ là trẻ có thể gấp gối được từ 90 độ trở lên (trẻ có thể ngồi trên ghế và để đầu gối vuông góc). Trường hợp này chưa cần can thiệp phẫu thuật mà chỉ cần tập phục hồi chức năng. Nếu bị xơ hóa nặng, trẻ chỉ gấp gối được từ 0 độ đến dưới 90 độ (khi ngồi không co chân được hoặc chỉ hơi co được một chút). Trường hợp này buộc phải phẫu thuật. Những trẻ được phát hiện bệnh muộn, cơ bị xơ đã thành dải xơ rồi, không thể điều trị hoàn toàn được. Sau khi phẫu thuật và phục hồi chức năng cũng không thể trở lại như trước được. Trong trường hợp phát hiện muộn, dù có ở mức nhẹ cũng khó có khả năng phục hồi hoàn toàn, nhất là những trẻ em cứng khớp gối, không gập được một độ nào. Mục tiêu sau phẫu thuật là các cháu gấp được khớp gối đến 90 độ, tức là chỉ ngồi ghế được thôi chứ cũng không ngồi xổm được. Sau phẫu thuật đòi hỏi phải tập vật lý trị liệu rất dài và chấp nhận có một cái sẹo dài ở chân, ảnh hưởng đến thẩm mỹ của các cháu.
Về việc tiêm kháng sinh hay vaccine vào cơ bắp thì có nguy cơ bị xơ hóa cơ cao hơn, bác sĩ Trần Thu Hà cho rằng, nguyên nhân chính khiến trẻ bị bệnh XHCTĐĐ vẫn là do trẻ bị tiêm vào cơ, tiêm vào bắp. Không cứ tiêm thuốc kháng sinh vào cơ bắp mới có nguy cơ bị xơ hóa cao, mà tiêm bất kỳ loại thuốc nào vào cơ cũng đều có nguy cơ cao.
Điều đáng ngại là nhiều cơ quan y tế vẫn còn tiêm vào cơ bắp. Bệnh viện Nhi T.Ư tiếp nhận bệnh nhân có cả cháu bị XHCTĐĐ sau tiêm phòng. Nhưng bệnh XHCTĐĐ phổ biến hơn ở những trẻ em hay mắc bệnh, ốm đau thường phải đi bệnh viện tiêm kháng sinh liên tục.
Theo các chuyên gia, cũng giống như xơ hóa cơ delta, trẻ bị XHCTĐĐ sẽ bị cứng khớp, đi lại khó khăn nhưng vẫn có thể đi học được. Vì thế thời kỳ bệnh nhân tập trung cao điểm trong bệnh viện thường là vào mùa hè, mùa các cháu nghỉ học.
Vào mùa này, có năm tại Bệnh viện Nhi T.Ư tiếp nhận, chữa trị cho hàng trăm cháu. Bệnh không khu trú ở một địa phương nhất định nào mà rải đều trên các tỉnh. Nhất là ở nông thôn thường có thói quen ngồi chiếu ăn cơm thì những trẻ bị XHCTĐĐ không ngồi xuống được.
Để giải quyết những bất cập trên, mặc dù các bác sĩ cho rằng tiêm vaccine vào bắp cơ là đúng vì rất ít loại vaccine tiêm vào tĩnh mạch, nhưng đối với trẻ thì phải tiêm rất cẩn thận. Khi tiêm phải chia chiều dài của đùi trẻ làm ba, và phải tiêm vào đúng vị trí. 1/3 giữa đùi của trẻ, mà phải là ở phía ngoài. Vì vậy, tốt nhất khi cho trẻ đi tiêm thì cha mẹ phải cởi hẳn quần của trẻ ra để tìm vị trí tiêm cho chính xác. Khi đi tiêm thì cha mẹ nên đặt trẻ lên giường và giữ cho chắc chắn.
Ý kiến bạn đọc