Bệnh thủy đậu đang lây lan nhanh: Có nên tiêm ngừa?
Bệnh thủy đậu đang lây lan nhanh tại nhiều địa phương. Riêng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 (TP.HCM), trong hai tháng đầu năm 2007, số trẻ mắc bệnh thủy đậu nhập viện tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2006.
Các bác sĩ còn cảnh báo: có thể bệnh thủy đậu sẽ tăng cao nhất ở tháng ba và kéo dài đến tháng năm. Việc phòng bệnh như thế nào và cần tránh những sai lầm gì?
Bác sĩ Lê Đức Thọ (Bệnh viện Hoàn Mỹ) cho biết thủy đậu (hay trái rạ) là bệnh truyền nhiễm, rất dễ lây qua đường hô hấp (nói chuyện, ho, hắt hơi...) và có thể bùng phát thành dịch.
* Đối tượng nào dễ mắc nhất, thưa bác sĩ?
- Thủy đậu là bệnh chính của trẻ em: 50% có thể nhiễm bệnh trước 5 tuổi và 90% có thể nhiễm bệnh trước tuổi 12. Bệnh có thể gây miễn dịch vĩnh viễn, nhưng đã có 4-13% trường hợp xuất hiện các sang thương dạng thủy đậu ở những người từng bị thủy đậu một lần. Siêu vi có thể sống bất hoạt lâu dài trong các tế bào thần kinh của bệnh nhân và nhiều năm sau này có thể gây ra zona (giời leo) cho 15-20% trường hợp. Bệnh cũng có thể xuất hiện ở trẻ trên 15 tuổi, người lớn.
* Bệnh có dễ biến chứng và nguy hiểm đến tính mạng?
- Thủy đậu là bệnh rất hay lây nhưng đa số thường nhẹ và lành tính nếu không có biến chứng. Khi bệnh diễn tiến tốt, bảy ngày sau các bóng nước bắt đầu khô lại, đóng vảy... Nếu người mẹ bị thủy đậu vào ba tháng cuối của thai kỳ thì trẻ sinh ra có thể bị sẹo ngoài da, teo cơ, chậm phát triển tâm thần. Nếu mẹ bị thủy đậu năm ngày trước khi sinh, tỉ lệ tử vong của trẻ sơ sinh là 30% và tỉ lệ thủy đậu sơ sinh là 17-30%. Ở những người có hệ miễn dịch kém, bị ung thư hệ bạch huyết, người đang dùng corticoides liều cao kéo dài... thời gian hồi phục sau thủy đậu kéo dài gấp ba lần người khác và tỉ lệ tử vong lên đến 15%.
Thời gian ủ bệnh thủy đậu từ 7-21 ngày, bệnh nhân có thể sốt nhẹ (380C), ớn lạnh, có cảm giác đau nhức toàn thân, mệt mỏi, chán ăn. Một số trường hợp có thể sốt cao đến 39-400C và có trước những nốt hồng ban, ngứa ở ngoài da, kế đến là bóng nước (nốt đậu) bắt đầu xuất hiện nhiều đợt ở mặt, thân, tứ chi, niêm mạc mắt, mũi, miệng, các cơ quan tiêu hóa, hô hấp, sinh dục... kèm theo các triệu chứng ngứa, nuốt đau, khó thở, tiểu gắt. Các bóng nước chứa dịch trong, vỡ ra sau 24-48 giờ, đóng vảy và khi lành không để lại sẹo. Mức độ nặng của bệnh tăng theo số lượng nốt đậu. |
* Khi trẻ mắc bệnh, có người nấu nước gốc rạ tắm cho mau khỏi, vậy có đúng không?
- Cần lưu ý là không gãi, nặn các nốt đậu vì sẽ gây bội nhiễm vi trùng; cắt ngắn móng tay, thoa các nốt đậu bằng dung dịch xanh Methylen. Có thể tắm bằng các dung dịch làm dịu cơn ngứa (Calamine) với nước ấm và dùng thuốc chống ngứa. Dùng gốc rạ nấu nước tắm hoàn toàn không hiệu quả mà còn có thể gây biến chứng nhiễm trùng.Tuyệt đối không dùng Aspirine hay các thuốc có chứa aspirine (Aspegic, Algotropyl, Eftifar ) để hạ sốt cho bệnh nhân thủy đậu vì có nguy cơ bị hội chứng Reye gây tổn thương gan - não nghiêm trọng, có thể tử vong.
Để hạ nhiệt, chỉ nên dùng các thuốc loại Acetaminophen hay Paracetamol. Cần đi khám, điều trị sớm trong vòng 24 giờ sau khi hồng ban xuất hiện để giúp bệnh mau lành, hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra biến chứng. Việc dùng thuốc điều trị đặc hiệu cho từng trường hợp cụ thể phải do bác sĩ chuyên khoa nhi, nhiễm hay da liễu chỉ định. Không nên tự ý dùng thuốc, nhất là các trường hợp có thể có biến chứng.
* Chủng ngừa là cần thiết, nhưng theo bác sĩ, khi nào thì không nên tiêm phòng?
- Có thể phòng ngừa sự lây lan của thủy đậu bằng các phương pháp sau: cách ly tốt bệnh nhân, tránh tiếp xúc thân mật, gần gũi cho đến khi bệnh nhân hồi phục hẳn. Cách tốt nhất là chủng ngừa văcxin thủy đậu, có khả năng phòng bệnh 80 -90% người được tiêm chủng. Những người bị thủy đậu sau tiêm chủng - nếu có - cũng chỉ bị bệnh nhẹ với rất ít nốt đậu (dưới 50 nốt) và không bị các biến chứng. Cũng cần lưu ý là tránh không dùng Aspirine ít nhất sáu tuần sau khi chích ngừa.
Không tiêm ngừa thủy đậu ở người đã từng bị thủy đậu, người bị dị ứng với một trong các thành phần văcxin, với Neomycin, Kanamycin, Erythromycin, phụ nữ đang có thai, trẻ đang dùng Aspirine, người đang dùng các sản phẩm huyết học (truyền máu, immunoglobulin) trong vòng năm tháng trước ngày định tiêm ngừa, người đang bị các bệnh ung thư, đang dùng thuốc ức chế miễn dịch, đang điều trị bằng corticoides lâu ngày (suyễn, viêm khớp...), bị suy giảm miễn dịch, nhiễm HIV/AIDS.
Văcxin thủy đậu hiện có giá trung bình 300.000 đồng/liều. Trẻ 12-18 tháng tuổi tiêm một lần duy nhất.Trẻ 19 tháng tuổi đến 12 tuổi chưa từng bị thủy đậu cũng tiêm một lần duy nhất. Trẻ trên 12 tuổi và người lớn chưa từng bị thủy đậu: tiêm hai lần cách nhau ba tháng. Tránh mang thai trong vòng ba tháng đầu sau khi tiêm ngừa vì văcxin thủy đậu có thể ảnh hưởng không tốt đến thai nhi. Văcxin phòng thủy đậu bắt đầu có tác dụng phòng bệnh từ 2-5 ngày đầu sau khi tiêm, trong khi thời gian ủ bệnh thủy đậu phải mất 7-21 ngày, do đó nên đi tiêm phòng ngay sau khi vừa tiếp xúc với bệnh nhân.
Dựa trên kết quả nghiên cứu, vào tháng 6-2006, ACIP - Ủy ban cố vấn về thực hiện chủng ngừa của Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh Hoa Kỳ - đã khuyến cáo: trẻ dưới 13 tuổi nên được chủng ngừa hai liều, liều thứ nhất khi 12-15 tháng tuổi, liều thứ hai lúc 4-6 tuổi, trước khi đi học. Trẻ trên 13 tuổi và người lớn: tiêm hai liều, cách nhau ba tháng. Lý do là hiệu quả miễn dịch của văcxin ngừa thủy đậu giảm dần theo thời gian, chỉ với một liều tiêm phòng duy nhất cho trẻ dưới 12 tuổi đã không đủ bảo vệ các cháu. Trong tình hình bệnh thủy đậu bùng phát hiện nay ở nước ta, rất cần được cơ quan chức năng có hướng dẫn về vấn đề này.
* Xin cảm ơn bác sĩ.
Ý kiến bạn đọc