Chú lợn trong lễ hội và ẩm thực ngày tết

08:09, 22/02/2007

Ở Việt Nam, lợn được thuần hóa từ lâu. Và chúng cũng thực sự gắn bó với cuộc sống và phong tục Việt.


Có người nói lợn xuất hiện từ thời vua Hùng. Trong truyện Cao Sơn và Quý Minh của Truyền thuyết Vua Hùng do Sở Văn hóa - Thông tin Vĩnh Phú (trước đây) có ghi: "Khi Thục An Dương cho quân đánh vào đất Văn Lang, Hùng Vương triệu Tản Viên về hỏi kế và giao cho cầm quân chống nhà Thục. Tản Viên cho gọi Cao Sơn và Quý Minh đi theo. Cao Sơn và Quý Minh, bộ tướng của Tản Viên, về trang Thanh Uyên chiêu tập được 200 người, sắm sửa khí giới lương thực. Họ dạy quân làm bánh dầy, xôi nén làm lương ăn dọc đường. Hai ông còn cho mổ lợn, chỉ ăn lòng gan còn ướp muối mang theo...

Quân của họ đi đến tối tới Xuân Quang, dân làng dắt trâu ra mừng quân lính. Hai tướng cho thịt trâu, mổ lột da, căng lên làm nồi, bày thịt lên mâm đan bằng tre, ăn vội vàng rồi kéo quân đi. Tản Viên bị quân Thục bao vây... Cao Sơn và Quý Minh chia quân đánh, cứu được chủ tướng" (tr.24).

Như vậy, thịt lợn đã là thức ăn phổ thông của dân Văn Lang. Không những ăn thông thường mà còn biết ướp muối để dùng lâu dài.

Trong các vật dâng tế lễ, lợn cũng được dùng phổ biến hơn cả so với trâu, dê... Cỗ tam sinh thì có đủ cả ba thứ con ấy, nhưng thông thường trong năm, bên cạnh mâm xôi là cái thủ lợn luộc được đem tế thần trong ngày lễ lớn, lễ chính... cùng với những mâm xôi gà.

Có nơi, trong ngày hội thánh nhất thiết phải dùng lợn cúng, gọi là cầu hèm. Ở Lỗ Trì (nay là xã Phù Lỗ, Lâm Thao, Phú Thọ) dân có tục cầu hèm như sau: Mỗi giáp trong làng sửa soạn một con lợn đen, trước ngày lễ hội cầu hèm rước ra bãi cầu, với trống mõ đi theo đánh sôi nổi. Chủ tế sai bảo các trai làng chặt vầu, nứa làm mâm và làm ống để luộc lòng lợn. Lợn cầu hèm được thịt, làm lòng rồi treo lên cành cây quanh bãi... Dân làng lấy giấy đỏ, cắt hình vuông mắt lưới buộc vào các cây sào, dựng bên cạnh, tượng trưng cho lưới săn... Cỗ tế còn có xôi nén và bánh ót.

Khi tế hèm xong, dân làng ngả cỗ ăn uống ngay tại bãi. Ăn xong, chờ thắp hết tuần nhang, chủ tế nổi chiêng, trống ra hiệu cho làng vào cướp lưới và khiêng lợn về. Giáp nào cướp giỏi, đem các mảnh lưới bằng giấy cướp được, dán ở nhà, còn thịt lợn thì chia đều thụ hưởng. Họ tin rằng như thế công việc làm ăn cả năm sẽ phát đạt.

Lễ hội cúng hèm, cướp lưới, cướp lợn này, cho thấy xa xưa, tổ tiên của làng đã biết dùng lưới săn bắt lợn rừng về làm thực phẩm.

Nhiều làng ở xứ Ðoài xưa (tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay) cũng có những quy định về con lợn trong ngày lễ hội dùng để tế thần của làng... Mỗi làng có một lệ khác nhau. Ở làng Tích Sơn thuộc thị xã Vĩnh Yên, để có lợn tế vào mồng ba tháng Giêng, thì từ 25 tháng Chạp, những người đăng cai được giao cho nuôi lợn thờ, phải làm chuồng ngay trong sân, bằng các loại tre, gỗ chắc chắn. Ðêm mồng hai, trước ngày kỵ của thành hoàng, các chức dịch và trai tráng la hét, xông đến phá cổng nhà nuôi, vào sân, phá chuồng bắt lợn. Lợn tế được đem tắm rửa sạch sẽ rồi theo cờ lạng, kèn trống, rước đến sân đình. Tại đây, người khỏe, giỏi nhất, chém lấy đầu lợn, rồi lấy cái đầu lợn dâng lên cúng thần. Sau đó mới hạ xuống, làm lông, luộc và chia phần cho các quan viên.

Ở làng Lạc Ý (Vĩnh Yên), đến ngày lễ hội, tám giáp phải lo tám chú ỉn đen tuyền, chọn những trai tráng, những nhà không có tang làm đồ tể. Mỗi giáp có một con dao dài hai thước (0,8 m), mỗi năm chỉ dùng một lần trong ngày giết lợn tế thần. Sáng mồng ba Tết, dân làng rước thánh ra gò, lập bàn thờ. Trên bãi đất gò, đào sẵn tám hố sâu gọi là lỗ lợn, mỗi hố thả một con lợn tế... Mỗi trưởng giáp, thường là một cụ già, đến trước hố, xin quẻ âm dương. Ai gieo được đúng sấp, ngửa đầu tiên thì được chọn vào mệnh bái buổi tế.

Sau đó gieo quẻ tiếp, xin giết lợn. Những trai tráng của giáp được trực sẵn bên lỗ lợn, khi xin được âm dương sẽ cúi xuống tóm lấy lợn, quật lên trên tấm ván. Hai người thật khỏe, người giữ chân, người giữ đầu để người thứ ba vung dao chém đứt cổ, rồi xách đầu lợn đặt lên mâm tre trên bàn thờ thần. Chém xong tám thủ cấp lợn, đám trai tráng mổ lợn lấy tám lá mỡ phủ lên thủ lợn, đem tám bong bóng lợn buộc vào cành tra cắm bên cạnh. Thịt lợn thì bày làm tám mâm cúng, mỗi mâm không được quên bày mật, đuôi và cái lăm lợn (vai) sống và một số món ăn chín khác. Các lễ vật được các giám tế cho là hoàn tất, làng mới được phép tế thần. Qua cách dâng lễ vật cho thần cũng đủ thấy tinh thần thượng võ, nghi lễ nghiêm cẩn được truyền lại từ thời thượng cổ.

Ở Hương Canh (Bình Xuyên) thờ ba cha con Ngô Quyền, lại có lệ cúng lợn hèm riêng, cúng bằng lợn quay trên than hồng. Ba làng Hương Canh, ngoài lễ vật dâng tế là mâm xôi trắng, thủ lợn, còn phải có một con lợn quay chín. Lợn chọn con vừa phải (lợn thuổi) chừng dưới 30 kg, gọi là lợn "chém giống". Lợn "chém giống" nếu là lợn rừng (săn ở Tam Ðảo) thì càng tốt. Trước khi dâng tế, lợn được đem ra miếu Hạ chọc tiết, rồi khiêng lên miếu Thượng làm sạch lông, thui vàng, cho lên than hoa quay chín vàng, rồi đặt vào mâm đồng cỡ lớn, khiêng vào đình dâng tế.

Trong ngày Tết, những món ăn được chế biến từ thịt lợn khá phong phú, nhất là món giò, chả, nem. Thịt lợn nạc giã nhuyễn có thể nặn thỏi tròn hoặc dẹt, để trần đem rán thì thành chả. Chả quế thì cầu kỳ hơn, phải quấn quanh ống tre đem nướng trên than hồng. Cũng giò sống ấy trộn với thính gạo rang, kèm lá sung, lá ổi gói vào, trộn lẫn với bì luộc thái mỏng, để mấy ngày bóc ra ăn thì được nem chua.

Thịt thủ, luộc, rồi thái mỏng đảo mỡ, cho thêm mộc nhĩ, nấm hương, đem bó lá thì được giò thủ... Chân giò lóc lấy da có thể băm thịt nhỏ, lẫn mộc nhĩ, nấm hương, nhồi (phá xí) rồi khâu lại, luộc chín, dùng hai thanh tre ép lại để róc nước, ta sẽ được món giò chân ăn rất ngon. Rồi sườn xào chua ngọt, thịt lợn băm viên nhỏ bao nấm hương thả vào canh bóng, đều là những món ngon trong ngày Tết.

Nhân dân

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tác giả : PGS. TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC (ĐH. Y Dược TP. HCM)
Nhức đầu là có triệu chứng đau ở vùng đầu và đau đầu là một vấn đề rất phức tạp, không chỉ là sự khó chịu về mặt cảm giác mà còn liên quan đến vấn đề tình cảm, tâm lý. Các thống kê ở các phòng khám ước tính một nửa bệnh nhân đến gặp bác sĩ vì bị nhức đầu.
31/01/2007
Y học Nano, hy vọng mới chữa trị căn bệnh ung thư
Y học NANO là gì? Nguyên lý và phương thức điều trị mới này như thế nào? Hiệu quả và triển vọng của ngành y học NANO trong việc chữa trị căn bệnh ung thư ra sao? Đây là những vấn đề mà nhân loại đang quan tâm và hy vọng.
31/01/2007
Chưa thể kết luận trứng ở Việt Nam có nhiễm Sudan
Sau khi TP.HCM phát hiện trứng có hàm lượng chất Sudan I và IV, đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, chưa thể kết luận trứng ở Việt Nam có nhiễm Sudan, nhưng Cục sẽ xét nghiệm và đưa ra kết luận...
30/01/2007
Ra mắt Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS
Thực hiện Quyết định của UBND tỉnh về việc thành lập Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS, Sở Y tế vừa tổ chức Lễ ra mắt Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh.
30/01/2007