Cây thuốc nam và nhu cầu sử dụng
(HGĐT)- Là một tỉnh miền núi với lợi thế của địa hình, của những lâm sản đã có từ ngàn năm trước, trong đó có một nguồn lợi vô cùng quý hiếm, đó là dược liệu, một số lượng nam dược không nhỏ phát triển tự nhiên trên địa bàn tỉnh nhà.
Nếu kể hết tên những cây dược liệu có sẵn, hoặc đang trong thời gian nghiên cứu, thẩm định có lễ lên tới hàng nghìn loại cây khác nhau, kể cả những cây có tên trong sách thuốc nam dược và những cây chữa bệnh theo truyền thống của các dân tộc. Đặc biệt là trên 60 bộ cây thuốc Nam được được Bộ Y tế phê chuẩn để dùng chữa bệnh cho nhân dân, thì tỉnh ta có gần đủ những số cây dược liệu nói trên. Nhờ có những vùng khí hậu, độ cao, địa tầng khác nhau, như vùng Cao nguyên đá Đồng Văn, vùng mát lạnh quanh năm, như Quản Bạ, vùng độ cao từ 1.200-1.600m so với mặt nước biển là Hoàng Su Phì, Xín Mần... đã mang lại cho tỉnh nhà một bộ dược liệu đầy tiềm năng.
Tuy nhiên để khai thác nguồn dược liệu đặc biệt quý này đưa vào sử dụng, chữa bệnh cho nhân dân thì còn là một vấn đề cần bàn, đồng thời cũng có sự trợ giúp công sức, trí tuệ của nhiều cấp, nhiều ngành, trong đó ngành Y tế, Hội Đông y và các cơ sở khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền phải là người đi tiên phong. Không những thế, cây dược liệu còn là một một nguồn thuốc cung cấp cho ngành du lịch, sự hấp dẫn của những liệu pháp vật lý trị liệu mang lại thu nhập to lớn cho các cơ sở dịch vụ du lịch này, như rượu ngâm thuốc bổ, xông hơi và đặc biệt là tắm thô bằng lá thuốc dân tộc, tắm trong bồn Ngọc am...
Đến nay trên địa bàn tỉnh nhà đã có hàng trăm cơ sở khám, chữa bệnh bằng đông y, đã có 1 bệnh viện Y học Cổ truyền cấp tỉnh và hàng trăm trạm y tế xã đạt chuẩn Y tế Quốc gia, một con số khẳng định sự lớn mạnh của ngành y tế trong việc xã hội hoá chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Nhưng khi nhìn lại thì điều đáng buồn là gần như 100% số dược liệu sử dụng để khám, chữa bệnh hằng ngày đều phải mua về từ “ngoại tỉnh”. Câu truyền miệng của một thời xa xưa hình như vẫn còn nguyên giá trị “Nằm trên đống thuốc mà chịu chết...” và cũng thật sót xa khi thấy các nguồn dược liệu cứ được người dân khai thác bừa bãi bán về xuôi, như cây Thạch xương bồ, như Hoàng đằng, Quả xẹ, Thiên niên kiện, Hoài sơn, dây Gắm, Hà Thủ ô... trong khi đó lao động tỉnh ta vẫn thiếu việc làm.
Đã có lần gặp lương y Triệu Thị Tình, dân tộc Dao, quê ở Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang lên “bán thuốc nam dạo” trên địa bàn thị xã, bà cho biết: Thường thì lên Hà Giang bán khoảng mấy chục kg thuốc một lần, chỉ mang những dược liệu có sẵn ở nhà, còn lại lên đây tự đi lấy thêm dược liệu tại rừng Hà Giang cho đủ vị. Như vậy cũng đủ khẳng định một tiềm năng thật dồi dào về cây thuốc, nhưng các cơ sở y tế ở tỉnh nhà mới chỉ trồng làm “vườn thuốc nam mô hình” thì có, còn đưa vào ứng dụng, chữa bệnh cho nhân dân thì gần như chưa. Vào thăm Trạm xá xã Quang Minh (huyện Bắc Quang), xã Tụ Nhân (huyện Hoàng Su Phì), hay xã Phương Độ, (thị xã Hà Giang) và rất nhiều trạm y tế đã đạt chuẩn Quốc gia khác, tất cả đều có vườn thuốc nam, nhưng chữa bệnh bằng thuốc nam thì hầu như chưa có.
Để ngành sản xuất dược liệu và đưa nam dược vào chữa bệnh cho nhân dân, thì “cầu và cung” phải có bước đồng hành, cùng ra quân và hỗ trợ nhau phát triển bền vững. Đó là các trạm y tế cơ sở cần có những biện pháp để đưa thuốc nam vào điều trị, bằng cách phối hợp với Hội Đông y, mời các lang y có đủ trình độ vào khám và chữa bệnh bằng nam dược ở cơ sở mình, như vậy gần 200 trạm y tế xã sẽ hình thành được một nhu cầu không nhỏ về nam dược. Cùng với nhu cầu ấy, ngành dược ở tỉnh nhà cũng cần có kế hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất nam dược, thu mua dược liệu cho nhân dân và khi đã là nơi cung cấp nam dược chủ yếu trong tỉnh thì điều nghiễm nhiên các cơ sở y tế lại là đầu mối thu mua dược liệu thô cho cơ sở sản xuất nam dược.
Như vậy, chúng ta đã hình thành được một ngành sản xuất khép kín, chỉ phải mua những dược liệu mà trên địa bàn tỉnh ta không có. Không những có cơ sở để khám, chữa bệnh giá rẻ cho nhân dân mà còn thu hút hàng vạn lao động ở mọi miền, kể cả một số dược liệu sẽ được đồng bào đầu tư trồng cấy tại các vườn rừng hay diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả. Còn như hiện tại trên địa bàn tỉnh nhà vẫn đang tiêu thụ thuốc nam của các cơ sở sản xuất khác ở ngoại tỉnh, trong khi đó chúng ta đang dư thừa nguồn dược liệu.
Ý kiến bạn đọc