Thôn Bản Đả (Na Khê) hết nghèo nhờ trồng dưa hấu

17:29, 31/12/2009

HGĐT- Đến thôn Bản Đả, xã Na Khê (Yên Minh) thời điểm này, ai cũng ngạc nhiên bởi trong tiết Đông giá rét, khô hạn mà ruộng nương nơi đây không còn một thửa đất bỏ trống. Ni lông phủ trắng ruộng, dưới đó là dưa hấu, dưa chuột, bí xanh đang lên mầm xanh tốt. Nhờ biết trồng cây vụ Đông - xuân nên người dân nơi đây đã hết cảnh đói nghèo, nhiều hộ khá giả.


Anh Hoàng Đình Phới, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Yên Minh dẫn tôi vào thăm thôn Bản Đả vào buổi chiều muộn, ấn tượng đầu tiên đối với chúng tôi đó là 2 cán bộ thôn còn rất trẻ, nhiệt tình, ăn nói lưu loát, nhất là khi họ kể về việc trồng dưa hấu hàng hoá vụ Đông - xuân của bà con thôn mình. Biết có nhà báo đến tìm hiểu về việc trồng dưa hấu vụ Đông nên cả Bí thư Chi bộ Hoàng Xuân Thắng, Trưởng thôn Mùng Minh Xuân đều có mặt tiếp chuyện, không những thế còn mời cả bác Lò Ngán Hội, người đầu tiên đưa dưa hấu về trồng trên vùng đất này. Hoàng Xuân Thắng kể lại: “Giống như nhiều xã khác trên địa bàn vùng cao, trước năm 2002 đất trồng lúa, nương trồng ngô nơi đây chỉ có duy nhất một vụ. Gần 20 ha ruộng, nương sau khi thu hoạch vụ mùa lại để trống, làm bãi chăn thả trâu, bò. Cuộc sống của bà con nơi đây chủ yếu nhờ vào ruộng, nương một vụ nên đa số các hộ còn thiếu đói giáp hạt. Ngày đó, bác Lò Ngán Hội đi sang Trung Quốc qua Cửa khẩu mốc 9 (Bạch Đích) thăm bạn, thấy bên đó đồng đất cũng đồi núi giống thôn mình nhưng trong vụ Đông - xuân người dân bên đó biết trồng dưa hấu tăng vụ, có thêm nguồn thu nhập rất khá. Bác Hội đã hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc rồi mua hạt giống dưa hấu về gieo trên đất nhà mình trong vụ Đông - xuân năm 2002, đây là bước đánh dấu sự phát triển trong việc trồng dưa hấu nói riêng và trồng cây vụ Đông - xuân nói chung của thôn”. Năm đầu, gia đình bác Hội trồng khoảng 0,3 ha, những tưởng dưa hấu dễ trồng, dễ chăm sóc nhưng thực tế cây đưa hấu lại đòi hỏi kỹ thuật cao, mất nhiều công chăm sóc. Năm đầu do còn thiếu kinh nghiệm nên 0,3 ha dưa đã không cho thu hoạch. Thất bại nhưng bác Hội vẫn quyết tâm, vụ Đông - xuân các năm tiếp theo gia đình bác vẫn tiếp tục mua giống về trồng, vừa trồng vừa học hỏi, đúc rút kinh nghiệm. Không phụ công người, từ vụ Đông - xuân năm 2005, dưa hấu gia đình bác Hội bắt đầu cho thu hoạch khá. Bác Hội cho biết: “Điều tôi vui nhất đó là mình khẳng định cây dưa hấu không chỉ sống được mà còn phát triển tốt, cho chất lượng quả ngon trên vùng đất khô cằn này. Đến vụ Đông - xuân năm 2008 gia đình tôi đã trồng dưa hấu, dưa chuột, bí xanh trên toàn bộ diện tích đất nương, đất ruộng của gia đình vào khoảng 2 ha, từ các loại cây trồng khác nhau, trong đó chủ lực là cây dưa hấu đã cho thu nhập vài trục triệu đồng. Nếu tính trên cùng đơn vị diện tích thì cây dưa hấu cho thu nhập gấp đôi lúa, ngô chính vụ”.

Từ ngày gia đình ông Hội trồng dưa hấu vụ Đông - xuân cho thu nhập khá, nhiều hộ dân trong thôn cũng học hỏi kinh nghiệm làm theo, số hộ trồng dưa hấu mỗi năm tăng vài hộ, đến vụ Đông - xuân năm 2008 thì 100% hộ đã trồng dưa hấu, dưa chuột, bí xanh trên gần hết đất canh tác của gia đình. Trưởng thôn Mùng Minh Xuân cho biết: “ý thức vươn lên thoát nghèo, tinh thần đoàn kết của bà con trong thôn rất cao, cán bộ không phải vận động bà con cũng tự giác học nhau kinh nghiệm, người trồng trước hướng dẫn người trồng sau. Ngay trong những buổi họp thôn, ngoài nội dung phổ biến chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, phần lớn thời gian còn lại bà con trao đổi, phổ biến kinh nghiệm trồng dưa hấu và các loại cây vụ Đông khác. Thế nên diện tích cây dưa hấu vụ Đông mỗi năm một tăng, đến vụ Đông - xuân năm nay bà con đã đưa cây dưa hấu, dưa chuột, bí xanh về trồng được gần 17 ha, chiếm gần 100% diện tích đất ruộng, nương 1 vụ toàn thôn, trong đó diện tích trồng dưa hấu chiếm đến 80%”. Cũng phải khẳng định rằng, người dân thôn Bản Đả không chỉ chịu khó tiếp thu khoa học kỹ thuật trồng dưa hấu mà còn chịu khó trong lao động sản xuất bởi cây dưa hấu ngoài sự đầu tư vốn khá lớn về giống, ni lông phủ, phân bón còn cần sự chăm sóc rất tỷ mỷ. Anh Hoàng Thìn Hoà, người bắt đầu trồng dưa hấu từ năm 2003 cho biết: “Năm đầu gia đình tôi trồng vài trăm mét vuông, đến nay gia đình tôi đã trồng hết 100% diện tích đất ruộng, nương một vụ. Trồng cây dưa hấu mất rất nhiều công sức, ngoài việc theo dõi, bón phân cho cây thì việc chăm cây cũng rất tỷ mỷ. Do trồng trong điều kiện thời tiết khô hạn nên sáng nào cũng phải ra đồng để đập sương sớm bám trên ni lông phủ cho ngấm giữ ẩm cho đất, khi cây dưa có quả, gia đình thường xuyên đi lật quả để quả dưa phát triển đều, không bị méo hay thối rữa. Các cụ bảo “Tay làm hàm nhai”, không phụ công người, 1 ha dưa hấu mỗi năm cũng cho gia đình thu khoảng 20 triệu đồng, gấp đôi trồng lúa, ngô chính vụ”. Giống như gia đình bác Hội, anh Hoà, hầu hết các hộ trong thôn đều đã biết kỹ thuật, đưa dưa hấu vào trồng trên diện tích đất một vụ của gia đình, có nguồn thu nên cuộc sống của bà con khá lên. Về đầu ra cho cây dưa hấu ở Bản Đả hiện tại không có gì đáng ngại bởi khi thu hoạch bà con mang bày bán trên Quốc lộ 4C cho khách qua đường. Sản phẩm thu hoạch đến đâu bán hết đến đó bởi người mua nhìn tận mắt thấy cánh đồng trồng dưa hấu, quả dưa không ủ hoá chất, vừa tươi vừa ngon nên rất ưa thích. Tuy nhiên, diện tích các năm trước chưa nhiều, đến năm nay và các năm tiếp theo, khi cây dưa hấu được trồng trên diện rộng thì chính quyền địa phương cũng cần có các giải pháp để tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, tìm đầu ra cho dưa hấu Bản Đả.


Trưởng thôn Mùng Minh Xuân cho biết thêm: “ Một điều quan trọng nữa đó là cây dưa hấu ưa dùng phân chuồng nên bắt buộc các hộ phải chăn nuôi gia súc để làm phân ủ bón cho dưa, do đó ngoài trồng cây vụ Đông, thôn phát triển mạnh đàn gia súc. Nhà nào trong thôn cũng nuôi từ 4 con lợn trở lên. Tuy nhiên cái khó là hiện nay do bỏ vốn đầu tư chăn nuôi, mua giống, ni lông phủ cho cây nên nhiều hộ thiếu vốn đầu tư. Qua các buổi họp thôn, bà con không xin Nhà nước nhưng mong muốn được Ngân hàng cho vay vốn, sau khi thu hoạch vụ Đông xong lại hoàn trả ngay”. Khi trình bày nguyện vọng của bà con thôn Bản Đả mong muốn được vay vốn phát triển sản xuất, anh Ngô Xuân Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Minh cho biết sẽ cử cán bộ xuống thôn nhanh chóng giúp bà con làm thủ tục vay vốn mua phân bón theo chủ trương của tỉnh, huyện.

Nhờ trồng cây vụ Đông kết hợp với chăn nuôi, cuộc sống của bà con thôn Bản Đả khá lên nhiều. Thôn có 34 hộ nay đã có 8 hộ khá, 22 hộ trung bình và chỉ còn 4 hộ nghèo, tuy nhiên đây là những hộ mới tách nên tái nghèo. Điểm nổi bật là từ khi trồng dưa hấu vụ Đông - xuân, người dân Bản Đả nhanh nhạy hơn với nền kinh tế thị trường, tích cực tiếp cận với các loại cây trồng mới cũng như tiếp thu các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng. Với ý thức nhanh nhạy đó, chắc chắn thôn Bản Đả còn tiến xa trên con đường phát triển kinh tế.


Khánh Toàn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Vì sự an sinh xã hội
HGĐT- Bảo hiểm xã hội (BHXH) là mộttrong những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đối với người lao động, đồng thời nó cũng có một vai trò to lớn góp phần an sinh xã hội. Chính vì vậy, bước sang năm 2009, BHXH tỉnh tiếp tục đổi mới hoạt động để bắt kịp với yêu cầu chung của cả nước và đặc thù của một tỉnh miền núi, biên giới, đa sắc tộc.
31/12/2009
Động lực cho nông dân thoát nghèo
HGĐT- Ông Phạm Quang Trung, Trưởng thôn Thái Hà , phường Ngọc Hà (TXHG) dẫn chúng tôi đến một số hộ gia đình trong thôn, như gia đình bà Đào Thị Vui, gia đình anh Nguyễn Bá Thảo, hay gia đình anh Nguyễn Duy Ninh… Đến đâu cũng thấy vườn rau xanh, vườn mía đang chờ thu hoạch; những chuồng lợn thịt, lợn nái với tiếng kêu ủn ỉn và tiếng gà nhảy ổ cục tác báo hiệu cho sự ấm no.
28/12/2009
Gặp mặt các nạn nhân chất độc da cam/điôxin đi điều dưỡng, chữa trị tại Làng Hữu nghị Việt Nam
HGĐT- Hội CCB tỉnh vừa có buổi gặp mặt 12 CCB bị nhiễm chất độc da cam/điôxin đi điều dưỡng, chữa trị tại Làng Hữu nghị Việt Nam. Tới dự có lãnh đạo Hội CCB tỉnh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và đại diện Làng Hữu nghị Việt Nam.
28/12/2009
Triển khai chương trình quy hoạch, bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh
HGĐT- UBND tỉnh vừa phê duyệt quy hoạch tổng thể bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 193/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.Ngay khi có quy hoạch tổng thể, các cơ quan chức năng đang nỗ lực triển khai các hạng mục, nội dung theo Quyết định 193. Việc triển khai Quyết định 193 trên địa bàn tỉnh đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với cuộc sống của người
26/12/2009