“Dù khó khăn đến mấy cũng phải cho con đi học”
BHG - Đây là tâm sự và cũng là quyết tâm của ông Vàng Nỏ Sính, dân tộc Mông, thôn Sảng Chải B, xã Lũng Pù (Mèo Vạc). Mặc dù điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, song ông vẫn cố gắng cho 4 người con được học hành đầy đủ. Bởi ông luôn tin tưởng, việc cho các con đi học sẽ giúp chúng có được hành trang vững chắc bước vào đời để phát triển bản thân và sự nghiệp.
Một ngày cuối tháng 9, chúng tôi có chuyến công tác tại xã Lũng Pù. Nghe lãnh đạo xã giới thiệu trên địa bàn thôn Sảng Chải B có gia đình ông Vàng Nỏ Sính – người tiên phong cho các con đi học đại học, trở thành gia đình tiêu biểu trong phong trào khuyến học, khuyến tài trên địa bàn khiến chúng tôi không khỏi thán phục và quyết định đến thăm gia đình ông.
Tại nhà ông Sính, chúng tôi được đón tiếp bằng cái bắt tay và những tiếng cười vui vẻ. Căn nhà ông Sính đang ở khá cũ, những ván tường, cột gỗ đã nhuốm màu thời gian và khói bếp. Nhìn xung quanh chẳng có tài sản gì đáng giá. Có lẽ thứ quý giá nhất trong căn nhà là những tấm Giấy khen của các con ông được treo ở gian giữa, cạnh khu vực bàn uống nước – vị trí trung tâm và trang trọng nhất trong nhà.
Ông Vàng Nỏ Sính vui mừng trước những thành tích học tập của các con. |
Nhâm nhi chén trà nóng, ông Sính kể: Tôi sinh ra trong một gia đình thuần nông. Trước đây, do hoàn cảnh gia đình nên tôi không được học hành đầy đủ; đọc và viết chữ phổ thông không thành thạo. Cũng bởi chưa đọc thông, viết thạo tiếng Việt nên tôi gặp nhiều khó khăn trong các hoạt động của đời sống; lao động sản xuất cũng chỉ biết dựa trên kinh nghiệm cha ông để lại. Muốn tham khảo các mô hình phát triển kinh tế, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi trên sách, báo nhưng lại chưa biết hết mặt chữ. Đến bệnh viện khám sức khỏe, thấy có biển chỉ dẫn nhưng không đọc được nên cứ đi lòng vòng, hỏi hết người này, người kia… Những lúc như vậy tôi nhận ra việc không được học hành đầy đủ, nhất là chưa đọc thông, viết thạo tiếng Việt là một hạn chế rất lớn, là rào cản kìm hãm sự tiến bộ của mỗi người. Lúc ấy tôi đã nghĩ, sau này mình không thể để cho các con mù chữ, nhất định phải cho chúng học hành đến nơi đến chốn, để chúng có thể thoát khỏi cảnh nghèo nàn, lạc hậu.
Năm 1997, vợ chồng ông Sính vui mừng chào đón người con trai đầu lòng. Lúc ấy, hoàn cảnh kinh tế gia đình ông Sính rất khó khăn, cuộc sống chỉ biết dựa vào củ khoai, quả ngô, con lợn. Rồi các năm 2002, 2005, 2007, các con thứ hai, ba, bốn của ông lần lượt chào đời. Khó khăn ngày một nhiều hơn khi mỗi lúc lại phát sinh thêm nhiều loại chi phí như mua quần áo, sách vở, nộp học và những lúc không may có ai trong gia đình đau ốm. Nhưng với quan điểm “dù khó khăn đến mấy cũng phải cho con đi học”, vợ chồng ông Sính động viên nhau cố gắng tiết kiệm, chăm chỉ làm ăn, dành từng đồng để các con được đến trường.
Không phụ sự kỳ vọng của cha mẹ, các con của ông Sính luôn cố gắng, nỗ lực và đạt nhiều thành tích cao trong học tập. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, lần lượt 3 người con đầu của ông đỗ đại học. Trong đó, người con trai cả học Trường Đại học Hùng Vương, hiện đã tốt nghiệp và có việc làm ổn định. Hai người con thứ hai, ba đang là sinh viên Khoa Ngoại ngữ - Trường Đại học Thái Nguyên. Còn người con út đang học lớp 12, Trường PTDT Nội trú huyện Mèo Vạc.
Em Vàng Mí Phứ, sinh năm 1997 – con trai cả của ông Sính chia sẻ: Thương cha mẹ vất vả, mấy anh em chúng em luôn khắc ghi phải cố gắng vượt khó vươn lên trong học tập, bởi con đường học vấn là con đường dẫn đến thành công. Đối với bản thân em, hiện em đang là giáo viên Trường Tiểu học xã Lũng Pù – nơi em được sinh ra và lớn lên. Lý do em chọn công tác tại đây bởi em muốn đóng góp một phần nhỏ bé công sức của mình cho sự phát triển của quê hương và lan tỏa tinh thần hiếu học cho các thế hệ học sinh trên địa bàn.
Theo Chủ tịch UBND xã Lũng Pù, Sùng Mí Sò: Gia đình ông Vàng Nỏ Sính là tấm gương tiêu biểu trong thôn Sảng Chải B về tinh thần hiếu học. Từ thành quả học tập của các con của ông đã khiến nhiều hộ trong thôn thay đổi được suy nghĩ “đi học cũng có xin được việc đâu”. Và thực tế, sau khi các con của ông Sính đỗ đại học, đã có một số học sinh của thôn đến học hỏi, nghe tư vấn của ông và cũng đã thi đỗ các trường đại học, đây là điều chưa xảy ra ở những năm trước đó, qua đó mở ra cơ hội tươi sáng hơn cho thế hệ trẻ tương lai của xã.
Bài, ảnh: TRẦN KẾ
Ý kiến bạn đọc