Hà Giang

Mái ấm cho những mảnh đời bất hạnh

09:37, 21/09/2020

BHG - Bất hạnh bởi họ là những người già cô đơn không nơi tương tựa, người khuyết tật, trẻ em bị bỏ rơi hoặc mồ côi cha, mẹ,… nhưng khi đến với các cơ sở trợ giúp xã hội (TGXH), họ đã có được cảm giác của một mái ấm gia đình. Mặc dù thời gian qua, công tác TGXH luôn được các cấp, ngành của tỉnh đặc biệt quan tâm; tuy nhiên, hệ thống cơ sở TGXH hiện nay của tỉnh vẫn còn mỏng, chưa đáp ứng được nhu cầu của các đối tượng.

Các đối tượng bảo trợ xã hội luyện tập thể dục tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh.
Các đối tượng bảo trợ xã hội luyện tập thể dục tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 cơ sở TGXH (gồm 2 cơ sở công lập và 1 cơ sở ngoài công lập) đang quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng 151 đối tượng bảo trợ xã hội. Nhìn chung, thông qua các hoạt động của các cơ sở, như: Tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng và hỗ trợ đối với các đối tượng là trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng, người cao tuổi thuộc hộ nghèo, không có người phụng dưỡng, người khuyết tật, tâm thần,… đã giúp cho một bộ phận các đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng; đồng thời được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, như: Giáo dục, y tế, tiếp cận thông tin, trợ cấp xã hội… Qua đó, tạo điều kiện cho các đối tượng ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên tái hòa nhập xã hội.

Song, 3 cơ sở TGXH hiện tại trên địa bàn tỉnh mới đang chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý 151 đối tượng (quy mô tối đa chăm sóc được hơn 400 đối tượng); trong khi hiện nay, toàn tỉnh có trên 23.000 đối tượng BTXH đang được hưởng trợ cấp hàng tháng; trong đó, người khuyết tật chiếm 48,77%, người cao tuổi chiếm 31,86%, trẻ em không có nguồn gốc nuôi dưỡng chiếm 3,38%, còn lại là các đối tượng khác. Như vậy, có thể thấy, số cơ sở TGXH hiện có khá khiêm tốn so với nhu cầu cần được chăm sóc của các đối tượng. Ngoài số đối tượng đang được chăm sóc tại các cơ sở TGXH, các đối tượng khác vẫn phải tiếp tục sống tại cộng đồng và phải đối mặt với nhiều khó khăn cũng như rủi ro trong cuộc sống.

Mặt khác, cơ sở vật chất của các cơ sở TGXH tuy đã được Nhà nước và xã hội quan tâm đầu tư nhưng chưa đồng bộ; cơ sở vật chất sau thời gian dài sử dụng đã xuống cấp; trang thiết bị y tế, phục hồi chức năng còn thiếu thốn, mới chỉ đáp ứng cơ bản hoạt động của các đơn vị. Tại cơ sở Chăm sóc và phục hồi chức năng người tâm thần – Cai nghiện ma túy tỉnh, hiện mới tiếp nhận 38 đối tượng; trong khi thực tế có khoảng 150 đối tượng đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở để nuôi dưỡng, điều trị. Số đối tượng chưa tiếp nhận là do cơ sở vật chất phục vụ công tác quản lý, chăm sóc, điều trị cho đối tượng tâm thần chưa đảm bảo, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về người và tài sản; nhất là nguy hiểm do những bệnh nhân tâm thần có tiền sử bệnh lý “tâm thần ác” có thể gây ra. Cá biệt, cuối năm 2019, đã có 30 đối tượng tâm thần đặc biệt nặng có hành vi nguy hiểm đã được tỉnh đưa về Trung tâm Điều dưỡng phục hồi chức năng tâm thần Việt Trì (Phú Thọ) chăm sóc, điều trị để tránh nguy hiểm cho xã hội. Đối với cơ sở ngoài công lập cũng còn gặp rất nhiều khó khăn, do chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ của Nhà nước; ngoài kinh phí trợ cấp hàng tháng cho các đối tượng, cơ sở không được hỗ trợ kinh phí chăm sóc y tế, đảm bảo vệ sinh,… như các cơ sở công lập.

Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, trong những năm tới, trước xu hướng già hóa dân số và ảnh hưởng của thiên tai cực đoan hay mặt trái của cơ chế thị trường,… cũng như những chính sách của Nhà nước về phát triển TGXH được triển khai sẽ làm cho số lượng đối tượng BTXH tiếp tục tăng; ước tính đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 30.000 đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Thực tế này đòi hỏi cần mở rộng quy hoạch mạng lưới cơ sở TGXH nhằm đáp ứng cơ bản nhu cầu được chăm của các đối tượng BTXH. Do vậy, bên cạnh những chính sách đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh, rất cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội; để mỗi mảnh đời bất hạnh sẽ được ấm lòng hơn…

Bài, ảnh: TRẦN KẾ


Cùng chuyên mục

Đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm

BHG - Một trong những mắt xích quan trọng của việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) và phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm là công tác quản lý, kiểm soát tốt việc giết mổ, chế biến các sản phẩm có nguồn gốc động vật. Tuy nhiên, với những trở ngại về địa hình, cơ sở vật chất, tư duy của người dân, nên công tác kiểm tra, giám sát việc giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn.

 

21/09/2020
Các phong trào thi đua tạo khí thế sôi nổi trong công nhân, viên chức, lao động

BHG - Nhìn lại chặng đường 5 năm (2015 - 2020), các phong trào thi đua yêu nước do tổ chức Công đoàn (CĐ) trên địa bàn tỉnh phát động đã phát triển ngày càng sâu rộng và hiệu quả, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp; khuyến khích đội ngũ đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) phát huy tinh thần sáng tạo, năng động, hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, xây dựng cơ quan, đơn vị ngày càng vững mạnh.

 

21/09/2020
Đơn vị chuyên khoa hàng đầu trong công tác thăm, khám các bệnh về mắt

BHG - Đôi mắt là một trong những bộ phận quan trọng nhất của cơ thể con người, nên rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương; vì vậy, bảo vệ và chăm sóc cho mắt luôn là việc làm vô cùng cần thiết. Thấu hiểu được điều đó, các y, bác sĩ Bệnh viện Mắt Hà Giang luôn quan tâm và có nhiều lời khuyên bổ ích để giúp mỗi người luôn có đôi mắt sáng, khỏe, đẹp.

 

21/09/2020
Tập đoàn Bách Việt tặng quà cho học sinh xã Khâu Vai

BHG - Sáng 19.9, Tập đoàn Bách Việt, Hà Nội đã đến tặng quà cho học sinh trường PTDT bán trú THCS xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc. Với khẩu hiệu chương trình "Cùng em đến trường", tại đây, Trường liên cấp THCS - TH Vietschool Pandora và Quỹ Trăng xanh thuộc Tập đoàn Bách Việt đã  trao tặng 428 suất quà, gồm: Chăn bông, giá sách, áo khoác đồng phục, vở viết, bút, sách truyện, xô đựng nước… tổng kinh phí hơn 70 triệu đồng cho các em học sinh trường PTDT bán trú THCS xã Khâu Vai để giúp các em có điều kiện học tập tốt hơn.

 

20/09/2020