Ngày hội của người lao động
BHG - Ngày Quốc tế Lao động (QTLĐ) 1.5 đã trở thành ngày hội của nhân dân lao động Việt Nam; ngày biểu thị tình đoàn kết hữu nghị với giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới.
Cách đây 134 năm, tại thành phố công nghiệp lớn Chicago, Đại hội Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Mỹ thông qua nghị quyết nêu rõ: “... Từ ngày 1.5.1886, ngày lao động của tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ”. Sở dĩ ngày 1.5 được chọn bởi đây là ngày bắt đầu một năm kế toán tại hầu hết các nhà máy, xí nghiệp ở Mỹ. Vào ngày này, hợp đồng mới giữa thợ và chủ sẽ được ký. Giới chủ tư bản có thể biết trước quyết định của công nhân mà không thể kiếm cớ chối từ.
Sản xuất ván ép xuất khẩu tại Công ty TNHH Thương mại Thái Hoàng (Bắc Quang). Ảnh: NGUYỄN Hùng |
Ngày 1.5.1886, do yêu cầu của công nhân không được đáp ứng một cách đầy đủ, giới công nhân trên toàn nước Mỹ đã tham gia bãi công, nhằm gây áp lực buộc giới chủ thực hiện yêu sách của mình. Đầu tiên là cuộc bãi công tại thành phố Chicago, khoảng 40.000 người không đến nhà máy. Họ tổ chức mít tinh, biểu tình với biểu ngữ “Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi!”.
Ngày 20.6.1889, Đại hội I của Quốc tế Cộng sản II quyết định lấy ngày 1.5 hằng năm làm ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của tầng lớp vô sản. Vào ngày 1.5.1890, lần đầu tiên ngày QTLĐ được tổ chức trên quy mô thế giới.
Năm 1920, theo sự phê chuẩn của Lê - nin, Liên Xô là nước đầu tiên cho phép người dân được nghỉ làm vào ngày QTLĐ.
Ngày 1.5.1891, một cuộc biểu tình của công nhân xảy ra ở miền Bắc nước Pháp. 10 người bị bắn chết, trong đó có Marie Blindeau, mang trên mình bộ quần áo trắng tinh khiết. Để tưởng nhớ, người Pháp lấy hoa Linh lan, loài hoa nhỏ màu trắng, thơm dịu, nở vào ngày đầu tiên của tháng 5 làm biểu tượng của ngày 1.5.
Tại nước ta, sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời (1930), giai cấp công nhân Việt Nam lấy ngày 1.5 hằng năm làm ngày đỉnh cao của phong trào đấu tranh chống thực dân, đế quốc, giành độc lập - tự do - dân chủ, giành những quyền lợi KT-XH. Ngày QTLĐ bắt nguồn từ phong trào đấu tranh của công nhân Mỹ, trở thành ngày lễ kỷ niệm, ngày hành động của phong trào công nhân quốc tế và của người lao động trên toàn thế giới. Ngày nay, ngày QTLĐ đã trở thành ngày hội của nhân dân lao động Việt Nam, ngày biểu thị tình đoàn kết hữu nghị với giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới.
Xác định giai cấp công nhân và nhân dân lao động có vai trò, sứ mệnh quan trọng đối với sự phát triển; những năm qua, tỉnh ta đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm chăm lo, xây dựng lực lượng này ngày càng lớn mạnh. Đồng chí Nguyễn Văn Chung, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: Năm qua, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Công đoàn tổ chức rà soát các bản thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT), hỗ trợ công đoàn cơ sở (CĐCS) phối hợp với người sử dụng lao động (NSDLĐ) thương lượng ký kết TƯLĐTT. Kết thúc năm 2019, có 76/89 doanh nghiệp ký kết và thực hiện TƯLĐTT (đạt 85,4%), nội dung của bản thỏa ước từng bước được nâng cao với những điều khoản có lợi hơn cho người lao động (NLĐ). CĐCS đã chủ động tham gia với NSDLĐ, đưa nội dung bữa ăn ca của NLĐ vào nội dung đối thoại, thương lượng tập thể và ký kết TƯLĐTT; có 13 doanh nghiệp đề xuất thương lượng chi mức ăn ca cao hơn 15.000 đồng (mức bình quân 18.500đ/bữa). Các cấp Công đoàn chủ động phối hợp với chính quyền triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; kết quả có 1.180 cơ quan, đơn vị xây dựng, bổ sung Quy chế dân chủ ở cơ sở; tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức đạt 100%; doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn tổ chức hội nghị NLĐ đạt 83%.
Đặc biệt, các cấp Công đoàn đã phối hợp tổ chức được 82 cuộc đối thoại giữa NSDLĐ với tổ chức đại diện tập thể lao động để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tâm huyết của NLĐ. Ân cần thăm hỏi về việc làm, thu nhập, đời sống, bữa ăn ca,... của công nhân, trực tiếp giải đáp những thắc mắc và đề nghị các ngành cùng tháo gỡ.
TIẾN CHIẾN (soạn)
Ý kiến bạn đọc