Đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán

09:29, 06/02/2018

BHG - Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 đang đến gần, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân cũng tăng cao. Do vậy, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán đang được các ngành chức năng và các địa phương quan tâm, kiểm soát chặt chẽ; nhằm đảm bảo cho mọi người đón Tết, vui Xuân an toàn, lành mạnh.

Khách hàng lựa chọn hàng tết tại cửa hàng Hồng Hà, đường Lâm Đồng, phường Trần Phú (TPHG).                                                             Ảnh: HẢI QUỲNH
Khách hàng lựa chọn hàng tết tại cửa hàng Hồng Hà, đường Lâm Đồng, phường Trần Phú (TPHG). Ảnh: HẢI QUỲNH

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 599 cơ cở sản xuất, chế biến thực phẩm; 2.466 cơ sở kinh doanh tổng hợp; 799 cơ sở dịch vụ ăn uống. Các mặt hàng được tiêu thụ mạnh trong dịp Tết Nguyên đán như: Rượu, bia, nước giải khát, mứt, bánh kẹo, thực phẩm tươi sống, các chất phụ gia phục vụ cho chế biến thức ăn… Do nhu cầu tiêu thụ của người dân tăng cao, nên một số cơ sở đã lợi dụng để “tuồn” các mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng vào kinh doanh, buôn bán;  dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) cho người tiêu dùng. Để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và hạn chế tối đa các vụ NĐTP dịp Tết Nguyên đán, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai công tác đảm bảo VSATTP dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân 2018, thời gian triển khai từ 1.1 đến 2.4.2018.

Cùng đó, các lực lượng chức năng của tỉnh đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành và chia thành nhiều tổ tiến hành kiểm tra tại 11 huyện, thành phố. Trong đó, tập trung kiểm tra việc thực hiện các quy định về đảm bảo VSATTP như: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, Giấy cam kết sản xuất thực phẩm an toàn; Giấy chứng nhận sức khỏe, xác nhận kiến thức ATTP của chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm; quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm; nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia thực phẩm; Giấy cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường… Đồng thời lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu ATTP theo quy định khi cần thiết. Bên cạnh đó, các đơn vị y tế từ tỉnh đến các huyện, xã, phường, thị trấn đã sẵn sàng chuẩn bị đầy đủ phương tiện, trang thiết bị kiểm nghiệm; chủ động phối hợp với các ngành chức năng triển khai biện pháp đảm bảo VSATTP, xây dựng các phương án tiếp nhận, cấp cứu, điều trị kịp thời trường hợp bị NĐTP. Cùng với đó, UBND các huyện, thành phố cũng thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành, tập trung kiểm tra các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội để phòng ngừa NĐTP, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.

Đồng chí Nguyễn Văn Trân, Phó Chi cục trưởng Chi cục VSATTP cho biết: “Để thực hiện tốt nhất công tác đảm bảo VSATTP dịp Tết Nguyên đán cho người dân, Chi cục sẽ tăng cường phối hợp thanh, kiểm tra đột xuất về ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm có nhu cầu tiêu thụ nhiều trong dịp Tết để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng cho người dân biết. Cùng đó, đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng dẫn người dân cách chọn mua, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn; vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ chế biến thực phẩm để phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm. Tuyên truyền cho người dân phòng ngừa ngộ độc bánh ngô mốc, nấm độc;  rau, củ, quả rừng; đặc biệt là phòng ngừa ngộ độc rượu trong dịp Tết…”.

Dạo quanh các chợ và một số siêu thị, cửa hàng tạp hóa trên địa bàn thành phố Hà Giang có thể dễ dàng nhận thấy, nhiều gia đình đã bắt đầu mua sắm thực phẩm để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Càng đến gần Tết, không khí mua sắm càng trở nên nhộn nhịp hơn, đây cũng là thời điểm các mặt hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc dễ dàng xâm nhập vào thị trường. Vì vậy, các cơ quan chức năng khuyến cáo người tiêu dùng nên tìm mua thực phẩm tại các địa chỉ uy tín, xem kỹ mẫu mã sản phẩm, ngày sản xuất, hạn sử dụng, xuất xứ in trên bao bì; khi thấy các sản phẩm có dấu hiệu ôi, thiu, mốc,  hỏng thì tuyệt đối không nên mua. Các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm cần tuân thủ nghiêm các quy định về sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, nói không với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Qua đó, đảm bảo quyền lợi, sức khỏe cho người tiêu dùng, hạn chế tối đa các trường hợp NĐTP dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và Lễ hội Xuân 2018.

NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Quản Bạ chăm lo Tết cho người nghèo

BHG - Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, huyện Quản Bạ lại quan tâm tới công tác chăm lo Tết cho các đối tượng chính sách và hộ nghèo. Năm nay, huyện Quản Bạ dành tặng 1.143 suất quà, trị giá trên 228 triệu đồng để giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có một cái Tết đầy đủ, đầm ấm hơn.

06/02/2018
Mèo Vạc thực hiện tốt công tác phòng, chống đói, rét cho gia súc

BHG - Trong thời gian vừa qua, huyện Mèo Vạc chịu ảnh hưởng nặng nề của thời tiết rét đậm, rét hại. Đặc biệt, vào đầu và cuối tháng 1, ở 3 xã biên giới Thượng Phùng, Xín Cái, Sơn Vĩ nhiệt độ xuống rất thấp, phổ biến từ 5 độ C, có lúc xuống đến âm 3 độ C, gây ra hiện tượng băng giá và mưa tuyết. Tuy phải chịu những đợt rét khắc nghiệt, nhưng do làm tốt công tác phòng, chống rét cho gia súc nên đến thời điểm hiện tại, huyện Mèo Vạc đã hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại về gia súc.

06/02/2018
Tô thắm "Bảng vàng" truyền thống

BHG - Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp trở lại xã Tân Trịnh (Quang Bình) và được dự, chung vui với thầy, trò trường Tiểu học của xã trong buổi Lễ đón Bằng công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2. Trải qua 22 năm xây dựng và trưởng thành, nhà trường luôn là một trong những điểm sáng của ngành Giáo dục – Đào tạo Quang Bình. Trường được công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 3 năm 2015; đạt chuẩn Quốc gia mức độ I năm 2005... Nhiều năm liền trường đạt danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc, được tặng nhiều danh hiệu cao quý như: Cờ thi đua của tỉnh, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

06/02/2018
Hoàng Su Phì với công tác phòng, chống cháy rừng trong mùa khô

BHG - Hiện đang là thời kỳ cao điểm cháy rừng, do thời tiết khô hanh kéo dài khiến nguy cơ xảy ra cháy rừng  rất lớn. Do vậy, huyện Hoàng Su Phì đã và đang tích cực chỉ đạo các lực lượng chức năng và 25 xã, thị trấn quan tâm, chủ động xây dựng các phương án phòng, cháy và chữa cháy rừng (PCCCR) với quyết tâm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do cháy rừng gây ra.

06/02/2018