Đường dây nóng phòng, chống mua bán người – "điểm tựa" tin cậy
BHG- Với đặc điểm là tỉnh miền núi biên giới, trình độ dân trí còn thấp, tình hình hoạt động mua bán người ở Hà Giang diễn ra khá phức tạp. “Đường dây nóng phòng, chống mua bán người” được xây dựng từ năm 2013, trực thuộc Sở LĐ - TBXH đã trở thành “nhịp cầu” tư vấn, hỗ trợ các nạn nhân và gia đình.
Nhân viên tư vấn trực đường dây nóng phòng, chống mua bán người của tỉnh. |
Mỗi năm có hàng trăm nạn nhân:
Với 1 Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy, 3 cửa khẩu Quốc gia gồm: Xín Mần, Phó Bảng, Săm Pun, 22 cửa khẩu tiểu ngạch và rất nhiều đường mòn, lối mở thông sang Trung Quốc; vị trí địa lý của tỉnh khá thuận tiện cho việc qua lại trao đổi, mua bán hàng hóa thông thương giữa hai nước. Tuy nhiên, do tỉnh còn nghèo, thu nhập bình quân đầu người thấp và thiếu ổn định, hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao, trình độ dân trí không đồng đều, đã ảnh hưởng lớn tới tình trạng mua bán người (MBN). Xuất phát từ đặc điểm trên, bọn tội phạm đã lợi dụng tiến hành các hoạt động MBN qua biên giới. Theo số liệu thống kê, từ năm 2013 – 2015, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh đã tiếp nhận, hỗ trợ 410 nạn nhân là phụ nữ, trẻ em bị mua bán từ nước ngoài trở về, do phía Công an Trung Quốc phát hiện, giải cứu và làm thủ tục trao trả về Việt Nam; chưa kể tới số nạn nhân tự giải cứu trở về không thông qua tiếp nhận và số lao động di cư tự do sang Trung Quốc làm ăn.
Trước thực trạng đó, năm 2013 UBND tỉnh đã có Công văn số 1870/UBND-VX, đồng ý cho Sở LĐ-TBXH phối hợp với Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (thuộc Bộ LĐ-TBXH) triển khai Dự án xây dựng “Đường dây nóng phòng, chống mua bán người” tại tỉnh. Trong 3 năm qua, Nhóm công tác phòng, chống MBN tỉnh gồm có 9 thành viên thuộc các lực lượng vũ trang, Hội LHPN tỉnh và Sở LĐ-THXB đã hoạt động không ngừng trong công tác PCMBN. Các hoạt động như truyền thông tại cộng đồng 25 đợt ở 5 xã trọng điểm là Bạch Đích, Phú Lũng, Lũng Hồ, Xín Cái, Thượng Phùng thuộc 2 huyện Yên Minh và Mèo Vạc về hoạt động PCMBN; phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; thủ đoạn của bọn MBN để người dân nâng cao cảnh giác; quảng bá đường dây nóng miễn phí 18001282 trong cộng đồng; phát tờ rơi bằng tiếng dân tộc Mông cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và trên các phương tiện thông tin đại chúng...
“Điểm tựa tin cậy”:
Phát huy vai trò của đường dây nóng, hai nhân viên tư vấn trực đường dây nóng đã có các hoạt động tư vấn, kết nối giữa các gia đình nạn nhân với các cơ quan chức năng để báo tin mất tích, tìm cách giải cứu. Chị Hoàng Thị Nin, nhân viên tư vấn cho biết: “Hàng tháng đường dây nóng đều nhận được hàng chục cuộc điện thoại của người nhà nạn nhân hỏi về việc gia đình có người bị mất tích phải làm thế nào? Hoặc có những cuộc điện thoại chuyển tuyến từ các tỉnh khác gọi đến để hỏi về thông tin nạn nhân”. Ví dụ như: Đường dây nóng đã nhận được điện thoại của anh Mua Bảo Sính ở xã Mậu Duệ (huyện Yên Minh), nhờ người gọi điện cho Tổng đài, do không biết tiếng phổ thông; có vợ là chị Sùng Thị Và đi sang Trung Quốc làm thuê, sau khi đi được 1 tháng thì chị gọi điện về cho anh Sính sang Trung Quốc làm cùng, anh Sính đã sang Trung Quốc nhưng không gặp được vợ, quay về thì biết vợ mình đã đi 26 ngày không có tin tức gì, gia đình muốn tìm kiếm chị. Sau khi nghe nội dung, Tổng đài đã hướng dẫn gia đình làm các thủ tục pháp lý trình báo chính quyền địa phương, ổn định tinh thần, hướng dẫn cách liên lạc với nạn nhân để thu thập thông tin chính xác nhất về nạn nhân, hỗ trợ các cơ quan chức năng điều tra, tìm kiếm. Đường dây nóng đã thực sự phát huy tác dụng trợ giúp nạn nhân MBN, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn thấp.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH, Trưởng nhóm công tác PCMBN tỉnh, Mạc Thị Liên cho biết: “Do đường dây nóng mới hoạt động nên còn khó khăn như thiếu nguồn kinh phí đối ứng để mua sắm trang thiết bị làm việc, chi trả dịch vụ Internet, thuê bao điện thoại và lương cho nhân viên trực tổng đài tư vấn... còn hạn chế hơn nữa, công tác tuyên truyền về PCMBN mới triển khai ở 2 huyện trọng điểm thuộc dự án, chưa mở rộng phạm vi ra toàn tỉnh nên nhân dân vẫn chưa nâng cao nhận thức về PCMBN. Để tiếp tục duy trì hoạt động của đường dây nóng và chuẩn bị thực hiện pha 2 của dự án có hiệu quả, nhóm công tác dự án hy vọng cơ quan hợp tác quốc tế JICA (Nhật Bản) xem xét phê duyệt để tỉnh tiếp tục được thực hiện Dự án”. Thông qua hoạt động của đường dây nóng PCMBN, tin rằng nhân dân sẽ nâng cao nhận thức, cảnh giác, ứng phó tốt với các thủ đoạn tình huống MBN.
Lê Hải
Ý kiến bạn đọc