Cống hiến của thanh niên Hoàng Su Phì
BHG- Những năm qua, phong trào xung kích, tình nguyện phát triển KT-XH và bảo vệ Tổ quốc” và “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” đã được tuổi trẻ huyện Hoàng Su Phì tích cực thực hiện, qua đó xây dựng được nhiều mô hình phát triển kinh tế gắn với xây dựng Nông thôn mới, tạo sức lan tỏa, khẳng định sức trẻ và cống hiến của thanh niên đối với sự phát triển chung của địa phương.
Toàn huyện hiện có trên 8.045 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) sinh hoạt tại 223 tổ chức cơ sở Đoàn, 12 câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm theo sở thích. Để thu hút ĐVTN tham gia phát triển kinh tế, Huyện đoàn đã phối hợp với các ngành chức năng của huyện hỗ trợ vay vốn, liên kết đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao KHKT và giới thiệu việc làm... Cùng với đó, các cơ sở Đoàn tích cực triển khai phong trào “Thanh niên giúp nhau làm kinh tế giỏi” bằng các hoạt động xây dựng tổ, nhóm góp vốn, góp công lao động, hỗ trợ cây, con giống giúp nhau phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Qua đó, thu hút đông đảo các tầng lớp thanh niên tham gia phát triển kinh tế tại địa phương.
Anh Thào Khán Dìn, thôn Chiến Phố Thượng, xã Chiến Phố đang chăm sóc đàn trâu của gia đình. |
Đến nay, toàn huyện xây dựng và duy trì trên 40 mô hình ĐVTN làm kinh tế giỏi, trong đó có nhiều mô hình cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Đến thăm mô hình phát triển chăn nuôi tổng hợp của gia đình anh Thào Khán Dìn, thôn Chiến Phố Thượng, xã Chiến Phố, cho thu nhập ổn định từ 40 – 50 triệu đồng mỗi năm. Anh Dìn chia sẻ: Năm 2005, anh đã mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng CSXH huyện để mua một cặp trâu sinh sản và đầu tư làm chuồng trại để phát triển chăn nuôi dê, lợn đen. Lúc đầu do ít vốn, anh chỉ nuôi nhỏ lẻ để tích lũy vốn và kinh nghiệm, về sau anh tiến hành chăn nuôi theo hướng gối đàn, tự sản xuất con giống để giảm chi phí đầu tư, tăng giá trị sản phẩm. Hiện nay, gia đình anh có 9 con trâu, gần 20 con dê, 15 con lợn đen và hàng chục con gia cầm các loại. Không những thế, anh còn mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ giống cũ của địa phương bằng giống ngô, lúa mới năng suất cao để trồng trên diện tích đất của gia đình. Vì vậy, ngô, lúa của gia đình anh luôn cho năng suất cao, hàng năm thu về gần 6 tấn thóc, trên 3 tấn ngô... Cùng với đó là những mô hình kinh tế mang lại thu nhập cao như: Mô hình nuôi lợn đen của anh Vương Văn Khoàng (xã Bản Luốc), mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình Triệu Chàn Ton (xã Hồ Thầu), mô hình trang trại tổng hợp của anh Đặng Kim Chính (xã Nam Sơn), HTX sản xuất chế biến chè Phìn Hồ (xã Thông Nguyên)...
Đồng chí Triệu Tiến Quang, Bí thư Huyện đoàn cho biết: Xác định ĐVTN là lực lượng tiên phong, giữ vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tại địa phương. Vì vậy, hàng năm các tổ chức cơ sở Đoàn trong huyện đã có nhiều chương trình, hoạt động nhằm hỗ trợ về vốn, kỹ thuật và giải quyết việc làm. Hiện, các tổ chức Đoàn phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện nhận ủy thác cho 1.763 ĐVTN vay vốn phát triển kinh tế với tổng dự nợ trên 31 tỷ đồng. Nhờ đó, nhiều ĐVTN đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, lựa chọn ngành nghề phù hợp với các tiềm năng thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế. Song song với đó, xác định được nhiệm vụ quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động ĐVTN hăng hái lên đường bảo vệ tổ quốc. Trong đợt giao quân đợt I năm 2016, Huyện đoàn đã tuyên truyền, vận động được gần 200 ĐVTN đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự, và đã có 75 thanh niên nên đường nhập ngũ bảo vệ tổ quốc, hoàn thành 100% chỉ tiêu giao.
Những công trình, phần việc thiết thực của ĐVTN không chỉ khẳng định vai trò của tuổi trẻ mà còn từng bước trở thành phong trào thi đua sôi nổi, tạo sức lan tỏa của tuổi trẻ huyện Hoàng Su Phì, góp phần tích cực vào sự phát triển KT – XH ở địa phương.
Bài, ảnh: TIẾN LÂM
Ý kiến bạn đọc