Hà Giang

Cơ hội để trẻ em khuyết tật được hòa nhập với cộng đồng

17:37, 09/05/2008

(HGĐT)- Trẻ em khuyết tật thuộc nhóm trẻ dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Các khuyết tật về nghe, nói, nhìn, khả năng đi lại, trí tuệ là những nguyên nhân chính khiến cho trẻ không thể hoà nhập, bình đẳng với cộng đồng và phát triển một cách toàn diện.


Để giải quyết những vấn đề nêu trên những năm qua, tỉnh ta đã có những biện pháp can thiệp, trợ giúp trên nhiều lĩnh vực, tạo điều kiện cho trẻ được tiếp cận với các loại hình dịch vụ xã hội, phù hợp với từng đối tượng để bản thân trẻ tự cải thiện, phát huy tối đa những khả năng còn lại và thích ứng với tình trạng tàn tật; giúp trẻ khuyết tật cải thiện chất lượng cuộc sống gắn phục hồi sức khỏe với giáo dục, rèn luyện kỹ năng nhằm cung cấp cho trẻ các kiến thức, kỹ năng cần thiết để trẻ có điều kiện hoà nhập cồng đồng. Qua thực tế cho thấy, các mô hình giáo dục trẻ khuyết tật ở tỉnh ta đã tạo nhiều cơ hội cho trẻ em khuyết tật được đi học, được bình đẳng hoà nhập với xã hội, góp phần đảm bảo cho mọi trẻ em có quyền và được tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ xã hội và trong năm nay mô hình chăm sóc và giáo dục chuyên biệt cho trẻ khuyết tật tỉnh sẽ được triển khai thực hiện trên địa bàn.


     
  Trẻ em tàn tật đang tập phục hồi chức năng tại Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật tỉnh.

Theo thống kê cho thấy, hiện nay ở tỉnh ta có khoảng trên 3.000 trẻ em khuyết tật. Trong đó, nhóm khuyết tật vận động chiếm 42%, nhóm khuyết tật về nghe, nói chiếm 29,2%, nhóm khuyết tật về thị giác chiếm 13,5%, nhóm khuyết tật về trí tuệ 10,9%, còn lại là các dạng tật khác... Việc chăm sóc và trợ giúp trẻ em khuyết tật đã góp phần to lớn trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ. Từ năm 1997 đến nay, đã có trên 3.000 lượt trẻ khuyết tật được chăm sóc, trợ giúp phục hồi chức năng; 417 trẻ dị tật, khuyết tật vận động được phẫu thuật chỉnh hình; 115 trẻ được cấp xe lăn và dụng cụ trợ giúp khác. Tuy nhiên tỉnh ta vẫn là tỉnh nghèo, đời sống dân trí và kinh tế thấp, đường sá đi lại khó khăn, trẻ khuyết tật không có điều kiện được đến trường, giáo viên chưa có kiến thức nhiều về giáo dục trẻ khuyết tật, do vậy khả năng hoà nhập cộng đồng của trẻ khuyết tật còn rất hạn chế, nhất là trẻ em khuyết tật nặng, hoặc trong các gia đình nghèo, vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Trước những khó khăn như vậy, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Sở GD-ĐT đã xây dựng đề án “Chăm sóc và giáo dục chuyên biệt cho trẻ em khuyết tật tỉnh Hà Giang” với mục tiêu trang bị cho trẻ em khuyết tật còn khả năng có các kiến thức và kỹ năng cuộc sống, mối quan hệ xã hội và các kiến thức học đường cần thiết để trẻ có điều kiện hoà nhập cộng đồng. Phạm vi được thực hiện theo mô hình lớp giáo dục chuyên biệt (giáo dục tiền hoà nhập) theo từng nhóm trẻ khuyết tật tổ chức tại Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật tỉnh Hà Giang, bao gồm mô hình giáo dục trẻ em chậm phát triển trí tuệ, mô hình giáo dục trẻ em khiếm thính và mô hình trẻ em khiếm thị. Việc đề án được triển khai sẽ góp phần cải thiện, nâng cao khả năng và chất lượng cho các nhóm trẻ nói trên, đồng thời khuyến khích sự nỗ lực vươn lên của chính bản thân trẻ khuyết tật, nâng cao nhận thức của gia đình, cộng đồng xã hội trong công tác trợ giúp trẻ em khuyết tật, từng bước xã hội hóa các hoạt động trợ giúp người tàn tật trên địa bàn tỉnh. Anh Tống Khánh Hải, Giám đốc Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật tỉnh cho biết: Hiện nay, Trung tâm đã có 3 phòng học, 6 phòng ở nội trú và 1 bếp ăn đảm bảo cho việc tiếp nhận 30 trẻ vào chăm sóc và giáo dục chuyên biệt tại Trung tâm. Trung tâm cũng đang đề nghị tỉnh sửa chữa một số phòng đã xuống cấp và trang bị đồ dùng dạy học phục vụ cho các lớp trẻ. Để đáp ứng cho các hoạt động của dự án cần có 3 biên chế giáo viên dạy trẻ khuyết tật (1 giáo viên dạy trẻ chậm phát triển trí tuệ, 1 giáo viên dạy trẻ khiếm thính, 1 giáo viên dạy trẻ khiếm thị), hiện tại Trung tâm đã có 2 biên chế giáo viên chuyên biệt, còn thiếu 1 giáo viên dạy trẻ khiếm thị. Trẻ em khuyết tật trong giai đoạn giáo dục chuyên biệt được hưởng các quyền lợi và chế độ trợ giúp đối với người tàn tật theo quy định của Nhà nước và của tỉnh; được tiếp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại trung tâm; được trang bị đồ dùng học tập cá nhân. Đối với trẻ tàn tật thuộc diện đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng chính sách trợ cấp như đối tượng nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, gồm trợ cấp tiền ăn, các chi phí phục vụ sinh hoạt, trang bị sách vở, đồ dùng học tập cá nhân. Đối với các trường hợp khác nếu đủ điều kiện tiếp nhận và có nhu cầu giáo dục chuyên biệt thì được tỉnh khuyến khích để trẻ tàn tật và gia đình tham gia vào các hoạt động của đề án; được hỗ trợ đồ dùng học tập chuyên biệt và trợ giúp một phần kinh phí nuôi dưỡng với mức bằng tiền ăn của các đối tượng bảo trợ nêu trên. Hàng năm giáo viên dạy trẻ chậm phát triển trí tuệ, trẻ khiếm thính, khiếm thị sẽ được cử đi đào tạo ngắn hạn hoặc tập huấn thêm về giáo dục chuyên biệt tại Trung tâm đào tạo và giáo dục phát triển đặc biệt - Đại học Sư phạm I Hà Nội hoặc Trung tâm trẻ em thiệt thòi tỉnh Thái Nguyên.

 


Ngọc Quỳnh

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

5 ngày cuối cùng của Mỹ ngụy
Thế là cây me cổ thụ ở sân Sứ quán Mỹ mà Đại sứ Martin rất yêu thích, xem đó là biểu tượng của nước Mỹ tại Việt Nam (nguỵ) đã bị cưa đổ để không ảnh hưởng đến máy bay trực thăng lên xuống. Lò thiêu tài liệu mật đang tung bụi khói mù mịt và tàn tro lên trời.
30/04/2008
Tiếp tục vận động xây dựng Quỹ “Vì người nghèo”
(HGĐT)- Ngày 25.4 tại Ủy ban MTTQ tỉnh, Ban vận động ngày “Vì người nghèo” họp thông báo kết qủa thực hiện cuộc vận động xâydựng Quỹ năm 2007 và triển khai nhiệm vụ năm 2008.
28/04/2008
Phấn đấu thực hiện hiệu quả Chương trình 135 giai đoạn II
(HGĐT)- Chương trình 135 là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, nhằm triển khai thực hiện một cách triệt để công tác XĐGN, thu ngắn khoảng cách giữa các vùng miền một cách bền vững.
28/04/2008
Tiếp nhận ủng hộ từ Quỹ “Vòng tay nhân ái”
(HGĐT)- Ngày 23.4, UBND tỉnh tổ chức tiếp nhận số tiền 200 triệu đồng ủng hộ từ Quỹ “Vòng tay nhân ái” để hỗ trợ mổ mắt cho bệnh nhân nghèo.
25/04/2008