Sắc hoa nơi đầu sóng, ngọn gió

15:26, 27/01/2025

BHG - Giữa biển xanh cát trắng, nắng vàng rực rỡ, khắp các đảo lớn, nhỏ thuộc huyện đảo Trường Sa hay các Nhà giàn DK1 mùa nào cũng ngập tràn sắc hoa.

Thưởng thức sắc hoa Trường Sa thật lãng mạn. Đảo vào Xuân với sắc trắng tinh khôi của hoa bàng vuông - biểu tượng rất mực thiêng liêng đã gắn bó trong mỗi người lính Trường Sa. Ban ngày, là những nụ trắng muốt, đêm về, nụ hoa bàng vuông bung tỏa sắc hương, những đóa hoa bàng vuông to bằng bát ăn cơm ấy lại dịu dàng, đẹp nao lòng. Nhụy hoa màu tím hồng mềm mại vươn dài nổi bật trên nền cánh hoa trắng ngần cứ từng chùm, từng chùm hoa đung đưa theo gió... Hoa bàng vuông hầu như nở quanh năm, nở đẹp nhất là lúc giao thoa giữa ngày cũ và ngày mới, nhưng ngắm những chùm hoa nở trong mùa Xuân mà đúng thời khắc đêm giao thừa thì thật là lãng mạn. Không chỉ mang đến cảm xúc đặc biệt, bàng vuông nở hoa đêm giao thừa như nhân lên niềm hạnh phúc nhỏ nhoi nhưng thật  ấm áp trong mỗi người lính nơi đầu sóng, ngọn gió. Sáng mồng một Tết dưới sắc nắng Xuân, vẫn còn những đóa bàng vuông nở muộn, dịu dàng tô đẹp thêm sắc màu của đảo.

Những cây hoa giấy ở đảo Sinh Tồn Đông.
Những cây hoa giấy ở đảo Sinh Tồn Đông.

Cùng với hoa bàng vuông, những loại hoa: Phong lan, sứ, đại, giấy, phượng vĩ, súng, hoa chuông - vẫn những loài hoa ấy cứ bung ra, quanh năm đua nhau khoe sắc trên đảo. Bên cột mốc chủ quyền trên các đảo, những chậu hoa mai vàng, hoa sứ, hoa giấy như tô đẹp thêm cột mốc. Làm nên vẻ đẹp nên thơ nơi đầu sóng ngọn gió, sắc hoa như làm dịu đi cái nắng, cái gió, cái dữ dội của biển khơi, như sẻ chia, tiếp sức cho những người lính trẻ nơi đảo xa.

Sau hơn 4 năm trở lại đảo Sinh Tồn Đông, tôi thật sự  ngỡ ngàng bởi bãi cát và rạn san hô quanh đảo ngày nào, nay thay bằng những tán cây xanh mát, những chậu hoa cây cảnh, những hàng cây hoa giấy nở rộ. Trên những gốc cây phong ba  sần sùi, cành cong queo vì gió bão, từng chùm, từng chùm hoa đung đưa theo gió.

Được trồng dọc các lối đi, trên lan can hay ngay bậc cửa nhà ở, nhà làm việc của bộ đội. Có đảo hay nhà giàn không có đất thì trồng hoa trong chậu, trong thùng xốp. Có loại hoa được mang ra từ đất liền do các đơn vị, cá nhân tặng, rồi bộ đội nhân giống trên đảo. Nhưng cũng nhiều cây tự mọc ở đảo từ bao giờ chẳng rõ. Ươm, trồng và để cây phát triển cũng đã là một kỳ công, bởi phải ươm một thời gian cho phù hợp khí hậu rồi mới đem trồng. Hôm ở đảo An Bang, tôi cũng được chứng kiến chàng lính trẻ đã hoàn thành nhiệm vụ ở đảo, ngày mai vào đất liền đang hướng dẫn “lính mới” cách trồng, chăm sóc hoa.

Một góc vườn hoa ở Đảo Sinh Tồn.
Một góc vườn hoa ở Đảo Sinh Tồn.

Nhìn bên ngoài, nếu như không được giới thiệu trước, có lẽ chẳng ai biết đó là vườn rau của đảo Đá Thị bởi sự che chắn kiên cố. Bước qua cánh cửa sắt khá nặng, hiện ra một vườn rau xinh xinh trồng trong những chậu nhựa tổng hợp, nhưng bất ngờ hơn là trong đó có những chậu hoa đang chúm chím nụ. Thì ra để  chuẩn bị cho Tết, một số chậu hoa phải bảo quản trong này để chống bão gió, nước biển.

Ở đất liền trồng hoa phong lan đã rất khó, vậy mà nơi đảo xa khí hậu khắc nghiệt, bên những gốc bàng vuông, mù u hay ban công các nhà, là những giàn hoa phong lan khoe sắc. Thì ra, hoa lan khi mang từ đất liền ra được để trong vườn ươm có mái che một thời gian, sau đó  được treo dưới tán cây phong ba, cây bàng vuông và các loài cây lớn. Những ngày có gió mùa hay bão, bộ đội lại chuyển các chậu lan vào nhà để tránh gió... Nhờ chăm sóc cẩn thận trong điều kiện khắc nghiệt, phong lan vẫn trổ hoa khoe sắc. Hôm ở Nhà giàn DK1/10, một chiến sỹ nói với tôi rằng: Ở ngoài gió mạnh lắm,  nếu treo hoa ở ngoài sẽ bị gió biển làm hỏng hết. Chúng cháu phải “cất” ở trong nhà, thỉnh thoảng mới đưa các chậu hoa ra ngoài tắm nắng. Nhìn những chàng lính trẻ nâng niu từng bông hoa mới biết họ yêu các loài hoa như thế nào.

Chiến sỹ trẻ tâm sự về mùa Xuân.
Chiến sỹ trẻ tâm sự về mùa Xuân.

Không chỉ có hoa muống biển, dọc đường đến các chùa, tượng đài hay vườn rau, men bờ cát cũng có rất nhiều những chùm hoa đồng nội. Những bông hoa bình dị, có sức sống mãnh liệt, vẫn rực rỡ trước bão táp, vị mặn mòi của biển…

Nhớ cuối năm 2018, lần đầu tiên ra Trường Sa, đến đảo Nam Yết, tôi được chiêm ngưỡng cây hoa muống biển gốc to bằng cổ tay, có lẽ  đã sống tới hàng chục năm, rồi được ngắm một loại hoa rất đặc biệt, đó là hoa ốc. Thì ra, từ vỏ những con ốc, con sò, bộ đội các đảo đã mài nhẵn, sơn màu, rồi lấy vật liệu tạo cành lá, sau đó gắn ốc vào đó để làm nên những cành hoa ốc rất đẹp.

Xuân này, bất chấp sóng gió, những thiếu thốn về đất trồng, nước tưới, những chùm hoa vẫn lung linh tỏa sắc giữa trùng khơi, tựa như ý chí của người lính nơi đầu sóng. Như níu bước chân khách đến thăm, sắc hoa không chỉ góp phần làm đẹp cho Trường Sa, cho những Nhà giàn DKI mà còn tiếp thêm nghị lực, niềm tin để người lính yên tâm công tác nơi đảo xa.

Bài, ảnh: ĐẶNG PHƯƠNG HOA


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

“Đoàn kết hiệp đồng - Làm chủ vùng biển”: Kỳ đầu: Đổi mới toàn diện từ “Thi đua Quyết thắng”
BHG - Nỗ lực phấn đấu “Huấn luyện giỏi, đoàn kết tốt, kỷ luật nghiêm, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) cao”; bất luận trong hoàn cảnh nào cũng quyết tâm bảo vệ vững chắc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên vùng biển, đảo của Tổ quốc để góp phần xây dựng và phát triển đất nước. 49 năm qua (26.10.1975- 26.10.2024), cán bộ, chiến sỹ (CBCS) Vùng 4 Hải quân đã và đang tô thắm truyền thống “Chiến đấu anh dũng - Khắc phục khó khăn - Đoàn kết hiệp đồng - Làm chủ vùng biển”.
31/10/2024
Điểm tựa cho ngư dân nơi đảo xa
BHG - Yên tâm thực hiện nhiệm vụ, nhiệt huyết cống hiến, đó là cảm nhận của cán bộ, chiến sỹ (CBCS) và người dân trên đảo khi nhắc đến đội ngũ những y, bác sỹ ở Bệnh xá đảo Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa. Họ là những kíp quân y của Viện Y học Hải quân luân phiên nhau cống hiến sức trẻ nơi đảo xa.
29/02/2024
Thiêng liêng Mốc chủ quyền trên quần đảo Trường Sa
BHG - Được đến với các đảo, cụm đảo thuộc quần đảo Trường Sa, nhìn thấy biển, đảo vững vàng nơi đầu sóng; được trò chuyện với những người lính can trường và bà con nhân dân sinh sống trên đảo đang ngày đêm bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam là sự may mắn và niềm tự hào đối với mỗi người. Đặc biệt, khi đặt chân lên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, có một nơi, bất kỳ ai cũng không thể bỏ qua – đó là Mốc chủ quyền. Hình ảnh chiến sỹ hải quân nghiêm trang đứng gác bên cạnh Mốc chủ quyền thực sự thiêng liêng, xúc động và tự hào. Đó là sự khẳng định đanh thép và vững chắc chủ quyền biển, đảo Việt Nam ta.
28/01/2024
“Xanh hóa Trường Sa” tạo tấm khiên thiên nhiên bảo vệ đảo
BHG - Cách đất liền trên 250 hải lý, quần đảo Trường Sa – trạm gác tiền tiêu của Tổ quốc thường được gọi với cái tên “nơi đầu sóng, ngọn gió”. Đây luôn là điểm đầu tiên của đất nước phải hứng chịu các cơn bão biển, những con sóng lớn, nhất là vào mùa mưa bão. Giữa biển trời mênh mông sóng nước, trước sự giận dữ của mẹ thiên nhiên, chẳng có gì chống chọi tốt hơn những hàng cây Phong ba, Phi lao, Mù u, cây Tra, Bàng vuông… sừng sững bao quanh và trùm lên một màu xanh ngát khắp đảo. Chúng được quân và dân ở Trường Sa ví như tấm khiên thiên nhiên vững chắc bảo vệ đảo.
26/02/2024