Hà Giang

Hãy để âm nhạc kết nối yêu thương con người

09:26, 09/10/2014
Âm nhạc giúp con người tìm về quá khứ, hướng tới tương lai; để niềm đau được xoa dịu, hạnh phúc được nhân lên,  yêu thương được kết nối và tiếp thêm sức mạnh hướng tới Chân-Thiện-Mỹ.

Tiếng nói, chữ viết của các dân tộc không thể hiểu hết được nếu không có phiên dịch nhưng không cần biết, thậm chí một nốt nhạc, mỗi người vẫn có thể thưởng thức, cảm nhận, chìm đắm trong những giai điệu âm nhạc, đem lại sức mạnh tinh thần, tình yêu cuộc sống. Đó là sự diệu kỳ của 7 nốt nhạc.

Những lời chia sẻ của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhận được sự đồng cảm của hàng trăm nhạc sĩ, nghệ sĩ cùng người yêu nhạc tại lễ khai mạc Festival âm nhạc mới Á-Âu 2014, tối 8/10, ở Hà Nội.

Phó Thủ tướng tin tưởng các chương trình biểu diễn trong khuôn khổ Festival sẽ mang đến những tác phẩm tuyệt vời. Không chỉ là âm nhạc kinh điển, bác học mà cả sự kết hợp nhuần nhuyền của những làn điệu dân ca với cảm xúc bình dị mà rất đỗi thanh cao, gần gũi mà bao la rộng lớn. Điều mà mỗi người Việt Nam đã gặp, đã cảm nhận trong Đờn ca tài tử Nam Bộ, Quan họ Bắc Ninh hay ca Trù, Hát xoan, Nhã nhạc cung đình Huế....

Diễn ra giữa thủ đô của một nước Đông Nam Á, trong một nhà hát, mà kiến trúc, tên gọi đều mang đậm dấu ấn phương Tây, Festival âm nhạc mới Á-Âu 2014 là cuộc gặp gỡ, giao lưu đầy mong ước góp phần vào sự hiểu biết về văn hóa, con người và cùng tăng cường đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc.

Đây là minh chứng cho sự gặp gỡ giữa văn minh châu Á và văn minh châu Âu, vốn diễn ra cả ngàn năm qua cùng bao thăng trầm, nhiều cảm xúc. Mà ở đó, Triết lý phương Tây và Minh triết phương Đông đã hướng về tới nhau, gặp gỡ ở nhiều điểm.

“Với chính nghĩa và truyền thống nghìn năm văn hiến, bằng sức mạnh đoàn kết, quả cảm và sáng tạo tuyệt vời nhân dân Việt Nam đã trải qua rất nhiều hy sinh gian khổ để bảo vệ độc lập và xây dựng đất nước, góp phần kiến tạo và gìn giữ hòa bình, hợp tác và thịnh vượng trong khu vực và thế giới.

Chúng ta cùng nhau nhắc về quá khứ để cùng hướng tới tương lai, càng trân trọng những cống hiến - trong đó có những tài năng, nhân cách lớn trong lĩnh vực âm nhạc. Từ đó, càng nỗ lực vì hòa bình và nền văn minh nhân loại, nhất là trong bối cảnh một số nơi ở châu Á và ngay ở châu Âu vẫn còn xung đột, bạo lực, còn máu đổ và tiếng khóc của những người mẹ, người vợ và cả trẻ em...”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhắc lại lời đại văn hào Victor Hugo: “Âm nhạc thể hiện những điều không thể nói nhưng cũng không thể lặng im”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn âm nhạc sẽ luôn là sứ giả hòa bình, để không còn tiếng đạn bom, không còn tiếng khóc khổ đau mà chỉ còn lời ca, tiếng hát.

Từ đó, xây dựng một thế giới không có chiến tranh, không còn đói nghèo. Để các dân tộc, mọi màu da, mọi tôn giáo cùng chung tay đắp xây và sống trong hạnh phúc. Để hành tinh của chúng ta mãi một màu xanh.

Ảnh: VGP/Đình Nam

Trong lễ khai mạc, các khán giả đã thưởng thức nhiều trích đoạn, tác phẩm giao hưởng khác nhau. Trong đó có tác phẩm “Dialogue” (Đối thoại), của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, thể hiện sự giao hòa giữa âm hưởng của nhạc cụ dân tộc và dàn nhạc quốc tế, giữa nhạc cụ độc tấu với tập thể dàn nhạc, giữa giai điệu dân gian Việt Nam với những cấu trúc về âm nhạc, hòa thanh, tiết tấu của một dàn nhạc tiêu biểu phương Tây.

Theo dự kiến, ngoài những đêm diễn ở Hà Nội, một chương trình hòa nhạc dân tộc được tổ chức tại hang Đầu Gỗ, Hạ Long, địa điểm có vòm hang thiên nhiên cao như vòm nhà hát. Các nhạc cụ làm từ tre, gỗ sẽ thể hiện một cách đầy đủ nhất chân dung âm nhạc Việt Nam với các bạn bè quốc tế.

Festival quốc tế Âm nhạc mới Á -Âu (New music Festival “Asia-Europe” do Bộ Văn hóa, Hội Nhạc sĩ Liên bang Nga và Hội Nhạc sĩ Cộng hòa Tactarstan sáng lập năm 1993. Đây là Festival âm nhạc có uy tín trên thế giới, được giới âm nhạc và công chúng ghi nhận, đánh giá cao.

Festival nơi hội tụ những tác phẩm tiêu biểu của các nhà soạn nhạc và nghệ sĩ biểu diễn ở nhiều nước gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp. Đồng thời cũng là dịp để các nhạc sĩ, nghệ sĩ tìm hiểu, tiếp thu những giá trị tinh hoa âm nhạc mới, giới thiệu về nền âm nhạc đương đại của đất nước mình, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, hợp tác và phát triển văn hóa giữa các quốc gia.


chinhphu.vn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Niềm tin
Kính tặng chị Lê Thị Biển Khơi, vợ liệt sĩ Lê Binh Chủng!Ngày ngày con vẫn hỏi cha dâu?Chị chỉ ôm con lệ rơi theo tủi phậnCon lớn lên với nửa tình yêu ôm chặtMột nửa tâm hồn thơ dại thiếu bóng cha
30/09/2014
Sáo và cá Cờ
HGĐT- Sáo đỏm dáng, đầu lúc nào cũng mượt. Cặp mỏ và đôi chân màu vàng, trông rõ là kẻ sang. Cổ Sáo có một vòng lông trắng, hễ rỗi rãi Sáo lại nghển lên cho thiên hạ xem. Chiều chiều Sáo đậu trên lưng Trâu tha thẩn ở soi đất rìa sông, tên Cào Cào, Châu Chấu nào bị Trâu khua động bay ra là Sáo sà xuống xơi tái. No đủ, nhàn nhã, Sáo đi đứng điệu đà, thỉnh thoảng hót vài tiếng
30/09/2014
Cờ đỏ sao vàng trên đỉnh trời cực Bắc
HGĐT- Trong một chuyến hành trình dài lên với Cao nguyên đá Đồng Văn, trải qua những cung đường đèo dốc như vắt ngược lên đỉnh núi, thưa thớt bóng người. Thấm mệt..., nhưng cảm xúc trong tôi bỗng trào dâng, ấm lạ khi lẫn trong gió ngàn và đá núi là hình hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng hiên ngang tung bay trước cửa một nhà dân.
30/09/2014
Độc đáo nghề xe lanh dệt vải của người Mông ở Đồng Văn
Người Mông sinh sống trên cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) vẫn tự hào rằng, họ có hai nghề truyền thống khiến cộng đồng các dân tộc khác phải nể phục là nghề xe lanh dệt vải và nghề rèn độc đáo.
29/09/2014