Du lịch Tuyên Quang - Những bước phát triển

16:33, 05/10/2015
Những chủ trương, định hướng mà Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra về phát triển du lịch đã tạo ra cho ngành du lịch của tỉnh có được những bước phát triển nhanh chóng. Sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, độc đáo có sức cạnh tranh, hạ tầng du lịch từng bước được hoàn thiện.

Nỗ lực vượt mục tiêu Nghị quyết

Mục tiêu đề ra đối với ngành du lịch trong giai đoạn 2011-2015 trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; quan tâm bảo tồn và phát huy các di tích cách mạng, văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn; liên kết các tua, tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh, tăng cường công tác quảng bá du lịch, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và dịch vụ du lịch; phấn đấu trong 5 năm thu hút trên 4 triệu lượt khách du lịch, tăng bình quân hàng năm trên 11%. Riêng năm 2015 thu hút trên 1 triệu lượt khách du lịch, có 50 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 sao trở lên, tạo việc làm cho 13.000 lao động trong ngành du lịch.


Lễ hội Lồng tông huyện Lâm Bình. Ảnh: T.K

Từ năm 2010 trở về trước, du lịch tỉnh ta hầu như phát triển mang tính tự phát, sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, đơn điệu, thiếu sức cạnh tranh. Những hạn chế, yếu kém trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút khách du lịch, nhất là thu hút những đoàn khách có số lượng lớn, thu nhập cao, khách quốc tế, khách có nhu cầu lưu trú dài ngày và ảnh hưởng đến thu hút đầu tư trong và ngoài tỉnh đến tỉnh ta. Chỉ khi có chủ trương, quy hoạch để triển khai đầu tư phát triển cho du lịch một cách bài bản, đúng hướng thì khi đó, du lịch mới có được những bước phát triển mạnh.

Tỉnh ta có thế mạnh về các loại hình du lịch như văn hóa - lịch sử, sinh thái - nghỉ dưỡng, văn hóa cộng đồng, du lịch tâm linh. Về du lịch văn hóa - lịch sử với điểm nhấn quan trọng đó là Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, Khu di tích Kim Bình, Khu di tích ATK - Kim Quan. Trong thời gian qua, các khu di tích luôn được quan tâm tu bổ, tôn tạo, tạo cảnh quan, môi trường ngày càng sạch đẹp. Bên cạnh đó công tác tổ chức các cuộc triển lãm trưng bày, sưu tầm hiện vật, tài liệu, tư liệu lịch sử quan trọng cũng đã được đẩy mạnh. Việc đón tiếp du khách ngày càng để lại những dấu ấn tốt đẹp.

Đối với loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng phải kể đến là Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm, Khu du lịch sinh thái Nà Hang, thác Bản Ba, Động Tiên, hồ Khởn… Các khu du lịch đã được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngày càng hoàn thiện sẵn sàng đón tiếp, phục vụ khách du lịch. Khu du lịch sinh thái Nà Hang thời điểm 2010 còn sơ khai thì đến nay đã hình thành các khu, điểm đón tiếp đưa du khách đi tham quan, khám phá cảnh quan du lịch, nhờ đó đã thu hút hàng vạn khách mỗi năm. Tại Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm, có nhiều cơ sở khai thác du lịch được mở ra ngày càng khang trang, hiện đại, tinh thần phục vụ ngày càng chu đáo thu hút đông đảo khách đến nghỉ dưỡng, chữa bệnh.

Du lịch văn hóa cộng đồng, các lễ hội được tổ chức ngày càng có quy mô lớn, thu hút ngày càng đông du khách thập phương về với Tuyên Quang, trong đó có các lễ hội đầu xuân như: Lễ hội Động Tiên - chợ Quê, chọi trâu, Lễ hội đền Thác Cái, Lễ hội Chợ Thụt, Lễ hội Lồng tông ở các huyện Chiêm Hóa, Nà Hang, Lâm Bình; Lễ hội Đền Hạ (TP Tuyên Quang)... Đặc biệt, tại Lễ hội Thành Tuyên (TP Tuyên Quang) năm 2013, UBND TP Tuyên Quang đã đón nhận 2 Bằng công nhận kỷ lục Guiness Việt Nam xác nhận “Mâm cỗ Trung thu lớn nhất Việt Nam” và “Đêm hội có nhiều mô hình đèn Trung thu độc đáo và lớn nhất Việt Nam”. Chúng ta đã hình thành được các Làng Văn hóa - Du lịch Tân Lập xã Tân Trào (Sơn Dương), Làng văn hóa Giếng Tanh, xã Kim Phú (Yên Sơn), Làng văn hóa dân tộc Dao xã Bình Xa (Hàm Yên).

Du lịch tâm linh với trên 50 di tích văn hóa, kiến trúc nghệ thuật (đình, đền, chùa, miếu). Nổi tiếng như: Đền Thượng, đền Mẫu Ỷ La, đền Hạ, đền Kiếp Bạc, đền Cảnh Xanh, chùa An Vinh, chùa Hang (TP Tuyên Quang), đền Lang Quán, đình Minh Cầm (Yên Sơn), đền Pác Tạ (Nà Hang)… Các di tích đền, chùa đã được thường xuyên tôn tạo, tu bổ, các dịch vụ phục vụ du khách ngày càng đa dạng, thu hút đông đảo du khách thập phương hành hương đến chiêm bái.

Năm 2010, tổng lượt khách du lịch đến Tuyên Quang đạt 530.000 lượt, doanh thu xã hội đạt 500 tỷ đồng; toàn tỉnh có 129 cơ sở lưu trú du lịch với 1.612 phòng, 2.938 giường. Năm 2014, tỉnh đã đạt con số trên 1 triệu lượt khách du lịch, doanh thu từ du lịch đạt 905 tỷ đồng; toàn tỉnh có 187 cơ sở lưu trú với 2.160 phòng, 3.420 giường. Theo kế hoạch, năm 2015 phấn đấu tổng lượt khách du lịch sẽ đạt 1.306 nghìn lượt khách thì ngay trong 6 tháng đầu năm 2015, tổng lượng khách du lịch đã đạt 908,6 nghìn lượt khách, tăng 36,5% so với cùng kỳ, doanh thu xã hội về du lịch đạt 828 tỷ đồng, tăng 33,3% so với cùng kỳ. Như vậy, dự kiến năm nay du lịch tỉnh ta sẽ có cơ hội vượt xa kế hoạch trên 1,3 triệu lượt khách và vượt mức chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV đề ra (1,047 triệu lượt khách). 

Giải pháp đồng bộ, thiết thực

Hiện toàn tỉnh có gần 200 cơ sở du lịch, trong đó trên 30 khách sạn đạt tiêu chí 1-2 sao, trên 100 nhà hàng ăn uống. Dịch vụ vận chuyển du khách có sự tham gia của các doanh nghiệp, cá nhân với nhiều loại hình. Trên địa bàn tỉnh có 5 doanh nghiệp tham gia kinh doanh lữ hành. Tỉnh đã thành lập Quỹ khuyến khích phát triển du lịch.


Lễ hội Thành Tuyên năm 2014 thu hút đông đảo du khách đến xem.
 Ảnh: Hùng Cường

Về kết cấu hạ tầng kỹ thuật du lịch, nhiều dự án xây dựng phát triển hạ tầng kỹ thuật du lịch đã được đầu tư tại các khu, điểm du lịch tạo ra các sản phẩm thu hút du khách. Đến nay, đã có trên 20 dự án đề nghị được đầu tư vào các khu, điểm du lịch với số vốn hàng nghìn tỷ đồng. Các dự án của tỉnh tiếp tục đầu tư, nâng cấp các tuyến đường giao thông đến các khu, điểm du lịch, đầu tư phát triển hệ thống thông tin liên lạc. Tỉnh đã thực hiện tốt công tác phục hồi, tôn tạo các di tích văn hóa, di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến. 

Nguồn nhân lực cho du lịch thời gian qua đã được quan tâm đào tạo và tăng đáng kể. Đến nay có trên 10.000 lao động, trong đó có trên 3.000 lao động tham gia trực tiếp vào các hoạt động kinh doanh, khai thác du lịch. Hàng năm, tỉnh đã mở các lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ như hướng dẫn viên du lịch, buồng bàn bar, lễ tân, du lịch cộng đồng, quản lý khách sạn, nhà hàng… Năm 2013, tỉnh đã ban hành Đề án phát triển nguồn nhân lực du lịch Tuyên Quang nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc của lực lượng lao động đang và sẽ làm trực tiếp trong ngành du lịch. Công tác tuyên truyền quảng bá về du lịch cũng đã có những bước chuyển biến tích cực, hình ảnh về du lịch Tuyên Quang ngày càng được quảng bá rộng rãi. Công tác hợp tác phát triển du lịch được tăng cường, góp phần kết nối du lịch với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế.

Mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra về du lịch đã cơ bản hoàn thành. So với những năm trước 2010, ngành kinh tế du lịch có nhiều đổi thay, đã xác định được định hướng phát triển, xây dựng được nền tảng vững chắc để du lịch có thể “cất cánh”. Song bên cạnh đó, ngành du lịch vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua. Đó là vẫn chưa thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân có năng lực đầu tư nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế; còn nhiều vướng mắc trong quá trình đầu tư; nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật du lịch của tỉnh còn hạn chế; các doanh nghiệp lữ hành còn ít, hạn chế về năng lực; công tác xúc tiến, quảng bá du lịch chưa tạo được dấu ấn; việc huy động các nguồn lực thực hiện xã hội hóa du lịch chưa được phát huy.

Ông Nguyễn Vũ Phan, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, thời gian qua, du lịch phát triển đúng hướng, đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh, song cần có một “cú huých”, có nghĩa là cần phải có những nhà đầu tư lớn, có sức ảnh hưởng lớn đối với lĩnh vực du lịch đầu tư vào khai thác du lịch thì mới có sức bật vượt hẳn lên. Việc cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng cũng sẽ mở ra những cơ hội hợp tác đầu tư. Hy vọng, thời gian tới, du lịch tỉnh ta tiếp tục phát triển, tương xứng với tiềm năng sẵn có.

baotuyenquang.com.vn

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Họp triển khai kế hoạch tổ chức Lễ hội hoa Tam giác mạch tỉnh Hà Giang năm 2015 (lần 1)

BHG- Sáng 30.7, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo (BCĐ) phát triển du lịch tỉnh tổ chức Họp triển khai kế hoạch tổ chức Lễ hội hoa Tam giác mạch tỉnh Hà Giang năm 2015. Đồng chí Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ dự và chủ trì. Dự cuộc họp có lãnh đạo các Sở, ban, ngành và lãnh đạo 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc.

30/07/2015
"Đánh thức" hệ thống hang, động miền đá sau "giấc ngủ" triệu năm

BHG- Nhiều lần rong ruổi nơi Cao nguyên đá Đồng Văn (CNĐĐV), được khám phá nhiều hang, động (HĐ) đẹp, gợi hình ảnh "nàng công chúa ngủ trong rừng", nhưng tôi không thể nghĩ, Miền đá lại có nhiều HĐ đến vậy. Trải qua hàng triệu năm hình thành, những HĐ ở đây không chỉ là nơi lưu giữ các giá trị địa chất phục vụ nghiên cứu khoa học, mà vẻ đẹp tiềm ẩn của nó đang chờ đợi được đánh thức, phục vụ sự phát triển du lịch.

29/07/2015
Phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống

BHG- Xác định du lịch (DL) là ngành kinh tế quan trọng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân; những năm qua, huyện Quang Bình đã tích cực lãnh, chỉ đạo xây dựng và phát triển các loại hình du lịch cộng đồng (DLCĐ) gắn với bảo tồn, gìn giữ những nét văn hóa truyền thống. Ngành "công nghiệp không khói" này là bước đột phá, tạo đà cho sự phát triển KT – XH của địa phương.

28/07/2015
Khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 8 ước đạt 664.985 lượt khách, tăng 12% so với tháng 7 và tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2014. 

26/08/2015