Hà Giang

"Địa chỉ đỏ" trên hành trình du lịch Việt Bắc

11:02, 06/10/2015

BHG - Theo dự báo của cơ quan chức năng, năm 2015 lượng khách du lịch đến tỉnh ta có thể đạt 800 nghìn lượt người, trong đó khách quốc tế khoảng 250 nghìn lượt, thời gian lưu trú từ 1,5-1,8 ngày, doanh thu đạt hàng trăm tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 35% trong cơ cấu GDP. Với những tiềm năng, thế mạnh thiên nhiên ban tặng, được hình thành từ quá trình sinh sống của cộng đồng dân cư bản địa, tỉnh ta đang nỗ lực, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm du lịch Quốc gia.

Những điểm đến lý tưởng

Mảnh đất địa đầu Tổ quốc Hà Giang đã và đang thực sự trở thành điểm đến linh thiêng, trách nhiệm và khao khát, “địa chỉ đỏ” có sức hút rất lớn đối với du khách trong và ngoài nước. Ngoài điểm đến nổi tiếng, hấp dẫn - Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, còn hàng loạt các sản phẩm, loại hình mang tính đặc thù cao như du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa lịch sử, lễ hội, tâm linh, du lịch địa chất, mạo hiểm cũng thu hút sự quan tâm lớn của du khách. Hiện nay, hệ thống danh thắng, cảnh quan Núi đôi - Cổng trời (Quản Bạ), Cột cờ Lũng Cú (Đồng Văn), đỉnh Mã Pì Lèng (Mèo Vạc) Thác Tiên - Đèo gió (Xín Mần), ruộng bậc thang Hoàng Su Phì... đã và đang phát huy hiệu quả trong khai thác các giá trị phục vụ du lịch. Hệ thống các cơ sở tín ngưỡng với giá trị lịch sử, kiến trúc độc đáo của đồng bào địa phương như chùa Nậm Dầu, Sùng Khánh, Bình Lâm (Vị Xuyên), Đình Mường (Xín Mần), Đền Mẫu, Đền Thác Con (thành phố Hà Giang); các hang động đã đưa vào khai thác như hang Khố Mỷ (Quản Bạ), Động Nguyệt, hang Rồng (Đồng Văn), hang Đán Cúm, Nà Chảo (Bắc Mê), Nà Luông (Yên Minh) cũng trở thành điểm đến lý tưởng trên cung đường khám phá nét độc đáo của đất và người Hà Giang.

Khách sạn Hoa Cương (Đồng Văn)
Khách sạn Hoa Cương (Đồng Văn)

Ngoài ra, một loạt các làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm Lùng Tám (Quản Bạ), My Bắc (Quang Bình), Hồ Thầu (Hoàng Su Phì); chế tác khèn Mông (Đồng Văn); chạm bạc Cao Bồ (Vị Xuyên); một số lễ hội trọng điểm như Chợ tình Khâu Vai (Mèo Vạc), cấp sắc dân tộc Dao, nhảy lửa dân tộc Pà Thẻn, Gầu Tào dân tộc Mông; chọi dê (Hoàng Su Phì), chọi bò (Mèo Vạc), cúng thần rừng dân tộc Pu Péo, cúng tổ tiên dân tộc Lô Lô... cũng tạo nét riêng độc đáo, hiếm nơi nào có được và cũng đang khẳng định lợi thế cạnh tranh của du lịch tỉnh ta so với các địa phương trong vùng.

Chính sách phù hợp

Nhận rõ tiềm năng, lợi thế, từ nhiều năm qua, tỉnh ta đã có chủ trương, chính sách cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển du lịch. Trong đó, việc tuyên truyền, quảng bá được triển khai với nhiều hình thức, nội dung phong phú, ngành du lịch đã chủ động xây dựng chương trình xúc tiến, nâng cao chất lượng các ấn phẩm du lịch, tham gia nhiều hội chợ chuyên đề của khu vực, trong nước và quốc tế; hợp tác với các tỉnh trong khu vực, nhất là khối 6 tỉnh Việt Bắc và nhóm 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai các chương trình hợp tác với một số tỉnh thành lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; xúc tiến triển khai chương trình hợp tác với Cục Du lịch Châu Văn Sơn (Vân Nam - Trung Quốc) và các tỉnh Tuyên Quang, Bắc Kạn trong hợp tác khai thác du lịch lòng hồ thủy điện Na Hang...

Bên cạnh đó, tỉnh còn tạo cơ chế hỗ trợ, nâng cao năng lực hoạt động các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực khai thác tốt hơn thị trường du lịch nội địa và quốc tế; đầu tư về số lượng và nâng cao chất lượng các cơ sở lưu trú, nâng cấp các trang thiết bị, chất lượng phục vụ đảm bảo theo tiêu chuẩn, đủ điều kiện đón du khách quốc tế với mục tiêu đến 2020 có 15% - 20% cơ sở đạt tiêu chuẩn từ 1-3 sao trở lên. Đồng thời, xây dựng các làng văn hóa du lịch có chất lượng, ưu tiên đầu tư phát triển một số làng có tính khả thi, hiệu quả khai thác cao như thôn Hạ Thành (thành phố Hà Giang), Lũng Cẩm Trên (Đồng Văn), My Bắc (Quang Bình), Nặm Đăm (Quản Bạ); bảo tồn, phát huy một số lễ hội đặc sắc có thể đưa vào khai thác du lịch như: Nhảy lửa dân tộc Pà Thẻn, Lễ hội Gầu tào dân tộc Mông, lễ Quýnh Héng của người Dao; đầu tư tôn tạo nâng cấp các điểm đến tâm linh như chùa Sùng Khánh, Bình Lâm, Nậm Dầu (Vị Xuyên); đền Mẫu, đền Trần, đền Chúa Bà (Bắc Quang); xúc tiến xây dựng đền trình tại di sản Thạch Sơn Thần (Quyết Tiến - Quản Bạ), đền Mắt rồng gắn với thờ Thái uý Việt Quốc công Lý thường Kiệt và Hoàng Đế Quang Trung Nguyễn Huệ tại khu vực Cột cờ Lũng Cú... đảm bảo phù hợp cả quy mô và tính nghệ thuật, kiến trúc.

Ngoài ra, tỉnh còn tính đến việc đầu tư, đưa vào khai thác một số hang động tiềm năng như hang Nà Luông (Yên Minh), Khố Mỷ (Quản Bạ), Thiên Thủy (Xín Mần), Vần Chải - Đồng Văn; phát triển các tour du lịch thể thao mạo hiểm như leo núi, xe đạp, xe máy địa hình; trải nghiệm tại một số đỉnh núi hùng vĩ, độc đáo và hoang sơ trên cao nguyên đá như núi Tù sán (Đồng Văn) và Tây Côn Lĩnh, Chiêu Lầu Thi (Hoàng Su Phì).

Đặc biệt, trên CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn sẽ đầu tư xây dựng 3 công viên chuyên đề theo các loại hình di sản đặc thù, gồm: Công viên khoa học địa chất tại huyện Mèo Vạc, công viên địa sinh thái tại khu vực huyện Yên Minh và huyện Quản Bạ. Quy hoạch, đầu tư 4 trung tâm du lịch phục vụ phát triển kinh tế gồm: Trung tâm du lịch văn hóa lịch sử Đồng Văn; Trung tâm du lịch khoa học, mạo hiểm và thương mại cửa khẩu Mèo Vạc; Trung tâm du lịch sinh thái đô thị xanh Yên Minh; Trung tâm du lịch vui chơi giải trí Quản Bạ. Xây dựng Bảo tàng Di sản địa chất trên Cao nguyên đá Đồng Văn để phục vụ du khách và công tác nghiên cứu khoa học. Tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức, các dự án để phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm; phát triển các nghề thủ công gia đình, tiến tới hình thành làng nghề, hợp tác xã thủ công, cơ sở sản xuất. Khôi phục kỹ thuật chế tác truyền thống, tạo ra sản phẩm độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc, sáng tạo các mẫu sản phẩm mới, phù hợp thị hiếu, nhu cầu thị trường, tính biểu trưng và tiện dụng của mặt hàng quà tặng, đồ lưu niệm du lịch...

Mảnh đất địa đầu Tổ quốc Hà Giang cách xa các trung tâm kinh tế lớn, giao thông đi lại khó khăn, địa hình hiểm trở... nhưng lại ẩn chứa bên trong nhiều giá trị độc đáo. Từ những giá trị riêng biệt đó, tỉnh ta đang nỗ lực biến những cái khó, cái độc đáo thành lợi thế cạnh tranh, phát triển loại hình du lịch phù hợp và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh ta đang hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi, phù hợp để trở thành một trong những trung tâm du lịch Quốc gia.

                                                                        Bài, ảnh: T.Thanh – P.Anh


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 8 ước đạt 664.985 lượt khách, tăng 12% so với tháng 7 và tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2014. 

26/08/2015
Khai mạc tuần VHDL Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì và công bố Quyết định xếp hạng VH PVT cấp Quốc gia Lễ hội Quỹa Hiéng dân tộc Dao

BHG- Tối 24.9, tại xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì, UBND huyện Hoàng Su Phì long trọng tổ chức Khai mạc Tuần văn hóa du lịch Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì và Lễ công bố Quyết định xếp hạng văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia Lễ hội Quỹa Hiéng dân tộc Dao, xã Hồ Thầu. 

25/09/2015
Hội nghị triển khai Chương trình "Du lịch qua những miền di sản Việt Bắc" lần thứ VII

BHG- Nhằm tăng cường hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh trong vùng chiến khu Việt Bắc, sáng 25.8, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình "Du lịch qua những miền di sản Việt Bắc" lần thứ VII – Hà Giang năm 2015. 

25/08/2015
Mèo Vạc tạo hình trồng hoa Tam giác mạch

BHG- Hưởng ứng Lễ hội hoa Tam giác mạch tỉnh Hà Giang năm 2015, huyện Mèo Vạc triển khai trồng 30 ha Tam giác mạch tại 7 xã dọc theo Quốc lộ 4C và tỉnh lộ 176. Trong đó, tập trung vào cụm điểm nhấn, gồm các xã: Pả Vi, Pải Lủng, Giàng Chu Phìn và sân vận động huyện.

23/09/2015