Hân hoan Tết Độc lập

15:45, 03/09/2024

BHG - Tết Độc lập trên vùng rẻo cao Hà Giang rực rỡ cờ hoa, yên bình, tình người hân hoan, trân quý thành quả 79 năm nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn tự do và cùng nguyện tiếp tục góp công, góp sức xây dựng miền cực Bắc thân yêu!

Cách đây 79 năm, ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ đó đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, vận dụng linh hoạt, sáng tạo tư tưởng của Bác, các thế hệ người Việt Nam đã, đang ra sức thi đua xây dựng cơ đồ, tiềm lực, vị thế, đưa nước ta vươn lên mạnh mẽ, sánh ngang các cường quốc năm châu. Thành quả đất nước ta đạt được kết tinh từ sự đoàn kết, chung sức, chung lòng của triệu triệu trái tim Việt, dù ở trong nước hay kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài, từ nơi phố thị đến vùng non cao… muôn người như một, mỗi người một chút, từng ngày, từng giờ đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng một Việt Nam hùng cường.

Người dân tham quan, tìm hiểu di tích lịch sử cấp Quốc gia Căng Bắc Mê trong ngày Tết Độc lập.
Người dân tham quan, tìm hiểu di tích lịch sử cấp Quốc gia Căng Bắc Mê trong ngày Tết Độc lập. Ảnh: Biện Luân

79 năm nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn tự do và sau gần 40 năm đổi mới, những thành quả đạt được của nước ta rất lớn. Các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã khẳng định: Trải qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, cùng với tư duy tiếp cận cách làm sáng tạo, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước nông nghiệp, lạc hậu, Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008; quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ đô la Mỹ, đứng thứ 35 trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới... Từ một nền kinh tế đóng cửa, khép kín, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 700 tỷ USD, thu hút đầu tư nước ngoài đạt 23 USD, là mức cao nhất từ trước đến nay.

Mới đây, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) công bố báo cáo triển vọng phát triển châu Á; định chế tài chính này dự báo nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi ổn định với mức tăng trưởng 6,4% trong nửa đầu năm 2024. Do đó, dự báo triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 và 2025 được giữ nguyên, lần lượt ở mức 6% và 6,2%. Lạm phát được dự báo sẽ ổn định ở mức 4% trong 2 năm 2024 và 2025. Theo ADB, tăng trưởng được hỗ trợ bởi sự phục hồi mạnh mẽ của xuất, nhập khẩu và nhu cầu trong nước do chính sách tiền tệ vẫn mang tính hỗ trợ.

Tăng trưởng được hỗ trợ bởi các biện pháp tài chính như tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng và nỗ lực thực hiện đầu tư công tốt hơn. Nhu cầu lớn từ bên ngoài đối với các mặt hàng xuất khẩu điện tử đã thúc đẩy sản xuất công nghiệp... Những thành quả đạt được thật trân quý biết bao.

Đồng bào vùng cao xuống phố vui Tết Độc lập. Ảnh: LÊ HẢI
Đồng bào vùng cao xuống phố vui Tết Độc lập. Ảnh: LÊ HẢI

Ngày Tết Độc lập, đồng bào rẻo cao Hà Giang ai cũng chọn cho mình bộ trang phục đẹp nhất đi trẩy hội non sông. Ngay từ cửa ngõ phía Nam của tỉnh, dọc hai bên đường, những lá cờ Tổ quốc đỏ thắm, được người dân treo trang trọng, luôn reo ca trong gió; những tuyến đường trung tâm phố thị Bắc Quang, Vị Xuyên, thành phố Hà Giang và các huyện phía Tây, vùng Cao nguyên đá Đồng Văn được trang hoàng lộng lẫy. Tiết trời vào Thu nắng dịu nhẹ, gió lay động, xao xuyến tâm hồn mỗi người rẻo cao. Vui hơn cả chính là đời sống đồng bào nay đã khác xưa nhiều, từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với những chủ trương, quyết sách hợp lòng dân, mảnh đất biên cương Hà Giang đang từng ngày đổi mới.

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng mỗi người dân luôn cảm nhận rõ từng nhịp chuyển động của vùng cực Bắc. Với sự đồng lòng, quyết tâm, mọi khó khăn đang lùi bước; thời gian qua, tỉnh ta đã chỉ đạo kịp thời, linh hoạt, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc nên trong nửa đầu năm “nước rút” thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh, tổng sản phẩm trên địa bàn ước đạt 7.266,3 tỷ đồng, tăng 5,66% so với cùng kỳ; đứng thứ 6/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc, 41/63 tỉnh, thành phố. Vốn đầu tư toàn xã hội đạt 6.510,7 tỷ đồng, tăng 1,94% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 45,85% kế hoạch; trong đó, vốn nhà nước thực hiện đạt 2.722,9 tỷ đồng, chiếm 41,8% tổng vốn đầu tư, vốn đầu tư ngoài nhà nước 3.787,7 tỷ đồng, chiếm 58,2% tổng vốn đầu tư. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 1.123 tỷ đồng, bằng 54,4% kế hoạch T.Ư giao và 45,65% kế hoạch tỉnh, tăng 41,7% so với cùng kỳ năm 2023. Chi ngân sách ước thực hiện 11.588 tỷ đồng, đạt 50,1% kế hoạch tỉnh giao. Tổng dư nợ tín dụng ước đạt 30.414 tỷ đồng, tăng 2.355 tỷ đồng so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 9.437,08 tỷ đồng, tăng 19,65% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng lương thực có hạt vụ Đông - Xuân ước đạt 124.334,4 tấn, tăng 5,12% (tương đương 6.059,5 tấn). Tăng trưởng mạnh nhất phải kể đến lĩnh vực du lịch với 1.690.000 lượt khách đến tỉnh, tăng 19,18% so với cùng kỳ, đạt 52,81% kế hoạch; doanh thu du lịch đạt 4.191,2 tỷ đồng.

Từ những thành quả đạt được, tiếp nối mạch nguồn 79 năm độc lập, tỉnh ta đang nỗ lực thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH nhanh, theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững dựa trên 4 trụ cột hạ tầng giao thông và hạ tầng số; du lịch bản sắc với đa dạng các loại hình dịch vụ chất lượng cao; chuỗi nông sản, đặc sản có thương hiệu, giá trị cao; kinh tế cửa khẩu, thương mại biên giới. Phấn đấu đến năm 2030, cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp - thủy sản chiếm khoảng 22 - 23%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 29,0%; dịch vụ chiếm khoảng 43 - 44%. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt khoảng 95 triệu đồng; thu ngân sách trên địa bàn đạt khoảng 6.000 tỷ đồng. Khách du lịch đạt khoảng 5 triệu lượt người. Tỷ lệ giảm nghèo đa chiều hàng năm bình quân đạt 4%/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 65%, trong đó lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt trên 20%. Đến năm 2050, đưa Hà Giang trở thành tỉnh phát triển trung bình khá của cả nước, theo hướng xanh, bản sắc, bền vững và toàn diện; giữ vị trí quan trọng của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ về phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại biên giới, du lịch và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Cuộc sống đã ấm no, tương lai được hoạch định ở tầm cao mới, đồng bào Hà Giang hân hoan đón Tết Độc lập và cùng quyết tâm nỗ lực không mệt mỏi để những khát vọng xây dựng miền cực Bắc, xanh, bản sắc, bền vững và toàn diện, xây dựng một Việt Nam hùng cường sớm thành hiện thực.

THIÊN THANH


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Quản Bạ miền du lịch xanh hấp dẫn
BHG - Nắm bắt xu hướng du lịch xanh, huyện Quản Bạ tập trung phát triển du lịch gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa mang bản sắc riêng.
30/08/2024
Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu sẽ diễn ra tại tỉnh Cao Bằng
Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu sẽ diễn ra tại tỉnh Cao Bằng
29/08/2024
Người La Chí ở Bản Díu bảo tồn văn hóa truyền thống
BHG - Bên cạnh thực hiện xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh thì việc bảo tồn văn hóa truyền thống luôn được cộng đồng người La Chí ở xã Bản Díu (Xín Mần) chú trọng thực hiện. Điều này đã, đang góp phần tạo nên môi trường sống lành mạnh, văn minh, khơi dậy giá trị văn hóa để phát triển KT - XH, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn.
28/08/2024
Về nghe lúa hát trong mây
BHG - Những ngày đầu Thu, bức tranh miền núi được tô bằng sắc màu đầy mê hoặc của tự nhiên. Xa xa nơi các cánh rừng là màu lá đang dần ngả vàng như ánh nắng cuối ngày. Đá chuyển màu xám sậm hơn khi cái nóng bức mùa Hè đang lui dần nhường chỗ cho từng làn gió mát. Trong vườn, nhiều loài hoa đua nở giữa tiết trời không thể dịu dàng hơn. Trên cây, những loại quả chín đã lên màu rực rỡ cùng hương thơm lan tỏa bay khắp vùng.
27/08/2024