Kết quả bước đầu thực hiện cam kết "5 có, 5 không" tại xã Lũng Pù
BHG - Lũng Pù là xã đặc biệt khó khăn của huyện Mèo Vạc, với 959 hộ dân và 5.479 nhân khẩu, dân tộc Mông chiếm trên 97%; tỷ lệ hộ nghèo trên 40%, hộ cận nghèo trên 79%; dân số trong độ tuổi lao động trên 50%; đặc biệt xã còn hơn 900 người không biết chữ, không nói được tiếng Việt. Đồng bào dân tộc Mông với nhiều phong tục phong phú, đặc sắc như: Lễ, tết, trang phục truyền thống, kiến trúc nhà ở, dân ca, ngôn ngữ. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn khá nhiều phong tục, tập quán lạc hậu như: Kết hôn sớm, người ốm thường cúng ma, nhất là thủ tục ma chay; khi có người chết thường không cho vào quan tài ngay mà để người chết nằm ở bên ngoài từ 5 đến 7 ngày; trong đám ma chay, đồ cúng người chết nhiều: Trâu, bò, lợn gà, cây xua ma quỷ, cây thang, vải vóc; tình trạng tảo hôn có chiều hướng gia tăng; đặc biệt là tình trạng nhiều gia đình nghèo, khi có đám ma cũng phải lo đi vay tiền khắp nơi mua sắm đồ lễ với số lượng lớn để cúng cho người chết, nhiều năm mới trả hết nợ...
Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng thăm một số gia đình tham gia và được Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” hỗ trợ giống gia súc tại xã Lũng Pù, huyện Mèo Vạc |
Nhằm làm thay đổi căn bản nhận thức, hành động của đồng bào trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch vững mạnh, UBND xã quyết định thành lập Câu lạc bộ “5 có, 5 không”, đồng thời vận động các thôn, hộ gia đình ký cam kết thực hiện “5 có, 5 không”
Nội dung “5 có”: Có đổi mới tập quán sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, thâm canh tăng vụ, làm ra nhiều hàng hoá để dùng và bán; có tinh thần đoàn kết giữa các dòng họ, các dân tộc và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; có nếp sống văn hoá xã hội chủ nghĩa trong việc cưới, việc tang, lễ hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Mông; có ý thức xây dựng bản mới phát triển toàn diện, no ấm, hạnh phúc, đảm bảo an ninh trật tự; có nhiều người hiếu học, biết chữ, chăm làm, công tác tốt.
Nội dung “5 không”: Không du canh du cư, vượt biên trái phép và làm việc xấu; không truyền học đạo trái phép và trái với phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc; không để người chết nhiều ngày, không để ngoài áo quan và mổ nhiều trâu, bò; không trồng cây thuốc phiện, buôn bán, vận chuyển, sử dụng trái phép các chất ma tuý; không tảo hôn, thách cưới khi lấy vợ, gả chồng, đẻ nhiều con.
Thực hiện các nội dung “5 có, 5 không” từ tháng 4.2021 đến nay, xã đã tổ chức 1 cuộc thi tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại Trường Tiểu học và THCS; tổ chức 62 buổi tuyên truyền, vận động tại 12 thôn; 12 Câu lạc bộ tại các thôn duy trì sinh hoạt mỗi tháng 1 lần; 959 hộ ký cam kết kết “Gia đình không cưới tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, sinh con thứ 3, đăng ký kết hôn, khai sinh đúng hạn, không vi phạm pháp luật” và cam kết “Gia đình thực hiện “5 có” và “5 không”. So với năm 2020, số cặp tảo hôn giảm từ 17 cặp xuống còn 4 cặp; sinh con thứ 3 trở lên giảm từ 26 trường hợp xuống còn 20 trường hợp; số vụ vi phạm về tang ma giảm từ 8 vụ xuống còn 2 vụ...
Qua khảo sát thực tế, nhân dân trong xã khẳng định nội dung bản cam kết “5 có, 5 không” ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, đây là những nội dung thiết thực cần tập trung thực hiện để phát huy truyền thống bản sắc văn hoá tốt đẹp và tinh thần đoàn kết của đồng bào dân tộc Mông tương trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển sản xuất giảm nghèo bền vững, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội tại cộng đồng dân cư; đặc biệt là bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan.
Thông qua việc triển khai thực hiện nội dung bản cam kết “5 có, 5 không”, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền xã đã có sự chuyển biến về tư duy, nội dung và phương thức hoạt động; khơi dậy và phát huy vai trò trách nhiệm của bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng dòng họ, người có uy trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chủ động giải quyết các vấn đề nảy sinh tại cơ sở; việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh, tăng vụ có tiến bộ và nhân diện rộng; tập quán sản xuất thay đổi, có chuyển biến tích cực, nếp sống văn hoá mới dần hình thành, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu. Các dòng họ đều có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển; nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội từng bước được đổi mới phù hợp với bản sắc tốt đẹp của dân tộc; có ý thức xây dựng bản mới phát triển toàn diện, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, ổn định sản xuất và đời sống, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở.
Tuy nhiên, đời sống vật chất tinh thần còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; việc phát triển kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc Mông tại xã chủ yếu vẫn là sản xuất thuần nông, một số hủ tục lạc hậu vẫn tồn tại và chưa được xóa bỏ; việc thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang còn gặp nhiều khó khăn; vệ sinh phòng bệnh, phòng dịch chưa thường xuyên; công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ để góp phần bài trừ hủ tục lạc hậu trong cộng đồng còn nhiều hạn chế.
Trong thời gian tiếp theo, cấp ủy, chính quyền xã cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phố biến để mọi người dân nghiêm chỉnh chấp hành thực hiện nếp sống văn minh; tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chỉ đạo quản lý của chính quyền tiếp tục triển khai thực hiện nội dung bản cam kết “5 có, 5 không” gắn với việc thực hiện quy ước, hương ước ở các thôn. Đặc biệt là lựa chọn đối tượng người nghèo có điều kiện về đất đai, lao động, thực sự muốn thoát nghèo để triển khai các mô hình, điển hình phát triển kinh tế tạo điều kiện giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn xã nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung.
Phạm Văn Tú