Hà Giang

Sâu đậm hình tượng con trâu trong đời sống văn hóa Việt

09:04, 10/02/2021

BHG - Việt Nam là đất nước nông nghiệp với văn minh lúa nước lâu đời, truyền thống nông nghiệp và ở vùng khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt đới nên rất thích hợp với sự phát triển của loài trâu. Chính vì thế, lịch sử phát triển nông nghiệp cũng chính là lịch sử thuần hóa đàn trâu từ tự nhiên thành trâu nhà để lấy sức kéo. Do đó, con trâu đã gắn bó với lịch sử phát triển của cư dân Việt, nó góp phần tạo nên một nền văn hóa lúa nước cực kỳ nổi bật trong lịch sử phát triển của nhân loại.

Đàn trâu của người dân xã Phương Độ, TP. Hà Giang chăn thả sau vụ thu hoạch.
Đàn trâu của người dân xã Phương Độ, TP. Hà Giang chăn thả sau vụ thu hoạch.

Có thể khẳng định, trâu là con vật có dấu ấn sâu đậm nhất trong đời sống văn hóa của người dân Việt Nam. Chẳng thế mà từ miền ngược đến miền xuôi, từ trong Nam, ngoài Bắc, chỗ nào người dân cũng có câu “con trâu là đầu cơ nghiệp”. Chẳng những thế, con trâu còn là thứ được người dân ví von ở rất nhiều lĩnh vực, khía cạnh của cuộc sống. Từ sức khỏe, tài sản, sự cần cù, chăm chỉ đến cả những chuyện hài hước và nhiều tình huống, nhiều mặt của cuộc sống.

Gắn bó chặt chẽ với đời sống người dân Việt Nam, do đó từ miền ngược đến miền xuôi, đến nay hầu như tất cả các dân tộc sinh sống ở Việt Nam có lẽ đều nuôi trâu, có hình bóng con trâu trong hoạt động nông nghiệp. Do sự gắn bó ấy, mà đến nay trong đời sống văn hóa của người Việt Nam, con trâu trở thành con vật nghiễm nhiên chiếm một vị trí cực kỳ quan trọng, bởi sự có mặt của nó không chỉ trong ca dao, tục ngữ, hò vè mà còn cả trong các giá trị sinh hoạt tâm linh của đồng bào các dân tộc. Điểm qua ca dao, tục ngữ, hò vè của người Việt Nam, có thể dễ ràng nhận thấy kho tàng phong phú ca dao, tục ngữ, hò vè có gắn hình ảnh con trâu trong đó. Dù ví với chuyện tốt hay xấu thì đa phần là cách ví von theo cách có yêu quý con trâu, luôn nhớ đến con trâu thì người ta mới mang nó ra để ví. Con trâu không chỉ là đầu cơ nghiệp, mà còn mang những giá trị tâm linh khi nhiều nơi người ta gọi trâu là ông trâu, trâu vàng, trâu bạc. Trong những câu chuyện xưa, ta có thể bắt găp rất nhiều hình ảnh chăn trâu, như câu chuyện của Đinh Bộ Lĩnh từ đứa trẻ chăn trâu đến việc thống nhất 12 xứ tướng và làm vua; câu chuyện chú Quậy chăn trâu ngồi gốc cây đa; hay câu chuyện Tấm Cám cũng có việc chăn trâu…

Hình họa trâu (Theo Facebook, tác giả: Xuân Bắc)
Hình họa trâu (Theo Facebook, tác giả: Xuân Bắc)

Hãy điểm qua một vài trạng thái người Việt Nam ta ví von hình ảnh con trâu để thấy nó có vị trí quan trọng như thế nào trong đời sống văn hóa Việt. Nếu liên hệ đến sức khỏe, người Việt hay sử dụng hình ảnh con trâu. Ví như: Khỏe như trâu; yếu trâu hơn khỏe bò; tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu; hùng hục như trâu húc bờ; trâu gầy cũng tầy bò kéo; trâu ho bằng bò rống; trâu không có bắt chó kéo cày… Để nói về tài sản, nó về độ giàu sang, chắc chắn khó có hình ảnh nào thay thế được hình ảnh con trâu. Ví như: Ruộng sâu, trâu nái; thằng Bờm có cái quạt mo, Phú ông xin đổi ba bò, chín trâu; con trâu đầu cơ nghiệp; tậu trâu, lấy vợ, làm nhà; có cưới thì cưới con trâu, đừng cưới con nghé thì dâu không về...

Con trâu quá đỗi gắn bó với đời sống người Việt, vì thế dù có mang nó ra so sánh với những điều gì đó không hay ho thì hình ảnh con trâu vẫn hết sức đáng yêu. Ví như: Đàn gảy tai trâu; ngưu tầm ngưu, mã tầm mã; làm thân trâu ngựa; trâu quá xá, mạ quá thì; trâu lấm vẩy càn; lỳ như trâu; tan đàn, xẻ nghé; đầu trâu, mặt ngựa...

Hình ảnh con trâu trong đời sống văn hóa, tâm linh của người Việt cũng hết sức phong phú. Nước ta có những lễ hội chọi trâu nổi tiếng như Đồ Sơn, Hải Phòng; Hải Lựu, Vĩnh Phúc; Phù Ninh, Phú Thọ; Hàm Yên, Tuyên Quang... đều là những hội chọi mà bắt nguồn từ các sới chọi của làng xã mà lập nên thành hội chọi của khu vực nhiều tỉnh. Con trâu trong hội chọi mùa Xuân hoặc cuối Hạ như là biểu trưng cho sức mạnh, may mắn của người Việt, bởi thế mà người dân khi đến các lễ hội chọi trâu như là việc lấy may, cầu mong sức khỏe. Không chỉ chọi trâu, nhiều dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam còn sử dụng trâu như một lễ vật để cúng tế thần linh, tổ tiên và xua đuổi tà ma. Các hình thức nghi lễ của nhiều dân tộc như Mơ Nông ở miền Trung, Tây Nguyên hay của người La Chí ở miền núi phía Bắc là những điển hình cho việc lấy con trâu làm trọng, thể hiện lòng tôn kính với đất trời, thần linh, tiên tổ. Hình tượng những người con trai ở Tây Nguyên xưa khi ra trận lấy sừng trâu làm tù và để thúc giục tin thần chiến đấu cũng cho thấy, con trâu với những giá trị của nó đã thấm sâu ở tất cả các khía cạnh đời sống, sinh hoạt của người dân Việt Nam. Nó không chỉ là tài sản vật chất mà còn là tài sản tinh thần cực kỳ quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Hình ảnh những con nghé đáng yêu, hình ảnh những con trâu sức vóc cổ vại, mông phình, hình ảnh những đàn trâu đông đầy luôn là những hình ảnh mà người dân Việt muốn nhìn thấy. Chính vì sự gắn bó sâu sắc như vậy, người dân Việt Nam nhiều lúc còn gọi con trâu bằng con, như để thể hiện tình cảm cực kỳ gắn bó và sâu nặng với một loài vật đã theo suốt hành trình phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam. 

                                                                        Bài, ảnh: Huy Toán


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đặc sắc di sản văn hóa dân tộc Dao Hoàng Su Phì

BHG - Là huyện nằm phía Tây của tỉnh Hà Giang với 12 dân tộc cùng sinh sống. Trong đó, đồng bào dân tộc Dao huyện Hoàng Su Phì hiện nay đang được người dân bảo tồn, lưu giữ nhiều loại hình độc đáo, mang nét đặc trưng riêng biệt.

29/01/2021
Mèo Vạc phát huy vai trò Hội Nghệ nhân dân gian

BHG - Thường xuyên được củng cố, kiện toàn và không ngừng được nâng cao về chất lượng, các Hội Nghệ nhân dân gian (NNDG) trên địa bàn huyện Mèo Vạc ngày càng phát huy tốt vai trò trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đồng thời đẩy lùi, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong cộng đồng dân cư.

29/01/2021
Lễ nhảy lửa của người Dao đỏ xã Thượng Sơn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

BHG - Tối 27.1, tại xã Thượng Sơn, UBND huyện Vị Xuyên tổ chức lễ đón nhận và công bố quyết định Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cho Lễ nhảy lửa của người Dao đỏ. Dự buổi lễ có đồng chí Trần Đức Quý, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở VHTT và DL; Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện Vị Xuyên cùng đông đảo du khách và bà con nhân dân xã Thượng Sơn.

 

28/01/2021
Đại hội đại biểu Hội Khuyến học tỉnh lần thứ IV

BHG - Sáng 27.1, Hội Khuyến học tỉnh tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Dự đại hội có các đồng chí: Hoàng Văn Vịnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố.

 

27/01/2021