Hà Giang

Phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi - kỳ cuối: Đón vận hội mới

16:17, 08/01/2021

BHG - Đề án tổng thể phát triển KT - XH vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 vừa được Quốc hội thông qua có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc; thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với công tác dân tộc; đồng thời mở ra vận hội mới cho sự phát triển toàn diện và bền vững vùng DTTS và miền núi.

Đồng bào Dao thôn Xà Phìn, xã Phương Tiến (Vị Xuyên) thu hái chè Shan tuyết.
Đồng bào Dao thôn Xà Phìn, xã Phương Tiến (Vị Xuyên) thu hái chè Shan tuyết.

Nhìn lại những kết quả đáng khích lệ của tỉnh trong thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2014 – 2020, chúng ta cũng cần nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan về những khó khăn, hạn chế còn tồn tại. Cụ thể, trong 5 nhóm nội dung mục tiêu Chiến lược công tác dân tộc, tỉnh ta hoàn thành đạt và vượt 14/20 chỉ tiêu; 6 chỉ tiêu không đạt, tập trung vào 2 nội dung là giảm nghèo và cơ sở hạ tầng vùng DTTS, gồm các chỉ tiêu: Thu nhập bình quân đầu người; đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn; hộ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; các thôn, bản có internet.

Nguyên nhân của tình trạng trên do điều kiện đặc thù của tỉnh miền núi, biên giới, khí hậu khắc nghiệt, địa hình chia cắt cùng với xuất phát điểm thấp (tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS chiếm 99,3% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh) đã tác động không nhỏ đến quá trình triển khai thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2014 – 2020. Là tỉnh có điều kiện KT – XH khó khăn, chi ngân sách của tỉnh không tự cân đối được trong khi nhu cầu nguồn lực đầu tư cho vùng DTTS rất lớn nên khó hoàn thành các chỉ tiêu về cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, trong đời sống sinh hoạt, sản xuất của đồng bào DTTS còn một số tập quán lạc hậu; một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước cũng là rào cản thực hiện Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn. Bên cạnh đó, hệ thống chính sách phát triển KT - XH vùng DTTS và miền núi chưa đồng bộ; cơ chế thực thi chính sách chưa mang tính đột phá; sự phối hợp giữa các ngành, cấp trong thực thi chính sách có lúc, có nơi chưa chặt chẽ…

Những vấn đề trên là khó khăn chung của nhiều tỉnh, thành trên cả nước trong thực hiện Chiến lược công tác dân tộc. Và thực tế, hiện nay vùng DTTS vẫn là vùng khó khăn nhất của cả nước: Tỷ lệ hộ nghèo cao nhất; cơ sở hạ tầng KT - XH khó khăn nhất; chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu; chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất; cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất...

Với quan điểm nhất quán, xuyên suốt: Đầu tư phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi là đầu tư cho phát triển bền vững đất nước; nên khi Đề án tổng thể phát triển KT – XH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được Quốc hội phê duyệt đã nhận được sự quan tâm, mong đợi của đồng bào các dân tộc Hà Giang nói riêng và các DTTS toàn quốc nói chung. Đồng chí Đặng Đình Nhiêu, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Đề án đã thể hiện sự đổi mới căn bản, toàn diện về chính sách dân tộc trong giai đoạn mới. Trong đó, có 6 quan điểm với nội dung chủ yếu: Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến đồng bào DTTS và miền núi; phát huy mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi; tăng cường hợp tác quốc tế, đa dạng hóa và xã hội hóa nguồn lực phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS; phát triển KT – XH gắn với xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh… Đề án được phê duyệt nhằm khắc phục những hạn chế về dàn trải, manh mún trong triển khai các chính sách cho vùng DTTS và miền núi trước đây theo hướng tích hợp các chính sách, xác định địa bàn ưu tiên để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Đây sẽ là đề án của “ý Đảng, lòng dân”, đánh dấu mốc son mới trong lĩnh vực công tác dân tộc; qua đó thúc đẩy KT - XH vùng DTTS và miền núi phát triển bền vững.

Ông Min Phà Kháy, dân tộc Cờ Lao, Bí thư Chi bộ, người có uy tín thôn 4 Tả Chải, xã Túng Sán (Hoàng Su Phì) chia sẻ: Đề án tổng thể phát triển KT - XH vùng DTTS và miền núi đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với công tác dân tộc. Chúng tôi rất hy vọng, đề án sẽ mở ra cơ hội phát triển mới cho vùng đồng bào DTTS và miền núi; tập trung giải quyết hiệu quả các vấn đề bức thiết như: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống; đào tạo nghề và giải quyết việc làm, nâng cao mức sống cho người dân; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em DTTS… Trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tỉnh, người dân chúng tôi sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, phát huy nội lực cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, góp sức xây dựng quê hương, xứng đáng với sự chăm lo của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền.

Bên cạnh sự mong đợi của đồng bào các dân tộc, là sự quyết tâm đón vận hội mới bằng tâm thế vững tin và sự đồng thuận, nỗ lực cao của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong thực hiện chiến lược phát triển KT – XH vùng DTTS và miền núi giai đoạn mới. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý chia sẻ: Đề án đã mở ra vận hội mới cho công tác dân tộc, cho sự phát triển toàn diện và bền vững vùng DTTS và miền núi của cả nước. Đón nhận cơ hội mới trong điều kiện không ít khó khăn, thách thức, tỉnh xác định, tiếp tục lãnh, chỉ đạo nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, vượt khó vươn lên; nỗ lực đưa các quyết sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về công tác dân tộc sớm đi vào cuộc sống; tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng DTTS. Góp phần thực hiện nguyện ước của Bác Hồ kính yêu đối với đồng bào vùng DTTS, vùng rẻo cao, miền núi: Đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành; mọi người, mọi nhà có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc!

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG

[links()]


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đại hội Hội Văn học nghệ thuật tỉnh lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025

BHG - Trong 2 ngày 29 và 30.12, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh tổ chức Đại hội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Dự đại hội về phía T.Ư có nhà văn Tùng Điển, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam; nhạc sĩ Nông Quốc Bình, Chủ tịch Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam. Về phía tỉnh có đồng chí Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể...

 

30/12/2020
Thiên nhiên tuyệt đẹp trong loạt ảnh đoạt giải Nature Photographer of the Year 2020

Giải ảnh quốc tế Nature Photographer of the Year 2020 đã công bố tên của những người chiến thắng trong một sự kiện ảnh thường niên diễn ra hai ngày 13-14/12/2020 vừa qua tại Hà Lan.

29/12/2020
NSND Như Quỳnh và chuyện chưa kể khi đóng "Chuyện của Pao" 15 năm trước

BHG - Mới đây, NSND Như Quỳnh đã tiết lộ chuyện chưa kể khi lên Đồng Văn đóng vai bà Kía trong bộ phim nổi tiếng "Chuyện của Pao". Bộ phim "Chuyện của Pao" được sản xuất năm 2006. Phim do Ngô Quang Hải làm đạo diễn, Đỗ Hải Yến đóng vai chính. Chuyện phim kể về người H'Mông ở vùng núi phía bắc Việt Nam và từng giành được 4 giải Cánh Diều Vàng. Mới đây, bộ phim lại được phát sóng trở lại trong "Tuần phim Việt trên VTVgo".

 

28/12/2020
Đồng Văn "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ em làm trung tâm"

BHG - Ngày 25.1.2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Kế hoạch số 56/KH-BGDĐT về triển khai Chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm" giai đoạn 2016 - 2020. Đây là một trong những chuyên đề sát thực, có tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động tại các cơ sở mầm non trong xu thế thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Qua 5 năm thực hiện, chương trình đã mang lại kết quả tích cực cho ngành Giáo dục nói chung, huyện Đồng Văn nói riêng.

 

27/12/2020