Ngẩn ngơ vẻ đẹp thôn Tha

11:33, 04/04/2020

BHG - Từ trung tâm thành phố Hà Giang dọc theo hướng đi Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy chừng 5 km, thôn Tha (xã Phương Độ, thành phố Hà Giang) hiện ra với vẻ đẹp truyền thống, nguyên sơ đầy mê hoặc. Là bản của đồng bào dân tộc Tày, thôn Tha mang một vẻ đẹp thanh bình, yên ả với những nếp nhà sàn mộc mạc thấp thoáng bên những ruộng lúa, đồi cọ xanh tốt. Phong cảnh hữu tình cùng nét văn hóa đậm đà bản sắc chắc chắn sẽ đủ sức níu giữ bước chân du khách khi đã một lần đến với thôn Tha.

Bình yên thôn Tha.
Bình yên thôn Tha.

Bước qua cánh cổng Làng Văn hóa du lịch thôn Tha nằm trên trục Quốc lộ 2, du khách sẽ được hòa mình vào một không gian vô cùng khoáng đạt với hàng tre rì rào trước gió, những ruộng lúa xanh thì con gái mênh mang. Chỉ cách trung tâm thành phố vài km mà đến nơi đây như lạc vào miền cổ tích, không ồn ào khói bụi, chẳng có xe cộ tấp nập hay những nhà cao tầng san sát. Dạo một vòng quanh thôn, tận hưởng không khí trong lành cùng hương mạ non quẩn quanh trong làn gió, du khách mới có thể cảm nhận được hết nét “duyên thầm” của bản Tày này.

Ngôi nhà kinh doanh dịch vụ homestay.
Ngôi nhà kinh doanh dịch vụ homestay.

 

Ngoài phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, thôn Tha còn hấp dẫn du khách bởi nét văn hóa truyền thống độc đáo được bà con nơi đây gìn giữ gần như nguyên vẹn. Nổi bật là những nếp nhà sàn xinh xắn, có thế tựa lưng vào núi. Hơn 100 nếp nhà sàn ở thôn Tha đều chứa đựng những giá trị văn hóa riêng. Nhà được làm từ khung gỗ chắc chắn, có diện tích sử dụng rất lớn, được chia thành các gian và mỗi gian đều có chức năng riêng. Gian chính giữa được dùng để đặt bàn thờ gia tiên, các gian phụ được dùng để sinh hoạt và để đồ đạc. Đặc trưng của ngôi nhà sàn ở đây là đều được lợp lá cọ. Không chỉ giúp ngôi nhà trở nên thoáng mát và thêm phần mềm mại, duyên dáng hơn mà những mái cọ khum khum đượm màu khói bếp ấy còn đủ sức gợi lên nỗi nhớ với những người con bản Tày xa xứ cũng như với những du khách đã từng đến thôn Tha.

Ngoài đặc trưng là những nếp nhà sàn mộc mạc, người dân nơi đây còn lưu giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống và làm ra những sản phẩm như túi, khăn, quần áo,… phục vụ du lịch. Đến thôn Tha hôm nay, không khó để bắt gặp hình ảnh các bà, các mẹ, các chị ngồi bên khung cửi, tay thoăn thoắt đưa thoi, dệt nên những hoa văn vô cùng tinh xảo trên tấm thổ cẩm xanh thẫm màu chàm. Theo các cụ ở thôn Tha, thêu thùa và may vá là một trong những tiêu chí hàng đầu để đánh giá phẩm chất, đạo đức, sự khéo léo và chăm chỉ của người con gái Tày. Vì thế, từ khi còn nhỏ, các bé gái đã theo mẹ lên nương để trồng bông. Khi lớn hơn một chút sẽ được tỉ mỉ truyền dạy cách se bông, dệt vải, thêu hoa văn. Vào những lúc nông nhàn, phụ nữ trong bản lại tất bật chuẩn bị bông, chàm, khung cửi để dệt những bộ quần áo truyền thống và sản xuất các sản phẩm phục vụ du lịch, như: Màn, vỏ chăn, rèm cửa, địu trẻ, túi nải, giầy vải… Với hoa văn độc đáo, tinh xảo, các sản phẩm thêu dệt truyền thống của người dân nơi đây đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo.

Những món ăn là mảnh ghép hoàn hảo cho nét đẹp văn hóa trong du lịch cộng đồng ở thôn Tha. Bước chân lên nếp nhà sàn xinh xắn, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn đặc sản, như: Thịt lợn đen gác bếp, thịt mắm, cá Bỗng nấu măng chua, gà đồi xé phay, cơm lam trong ống nứa, xôi ngũ sắc… Hương vị của những món ăn nóng hổi toát lên từ các loại gia vị như: Mắc khén, Thảo quả, quế, hoa hồi… hòa cùng men lá của chén rượu cay nồng bên bếp lửa ấm cúng có sức hấp dẫn lạ thường với thực khách.

Vẻ đẹp thanh bình, mộc mạc của thôn Tha cùng sự thân thiện, mến khách và những nét văn hóa độc đáo của cộng đồng người Tày nơi đây chắc chắn sẽ là điểm nhấn ấn tượng trong lòng du khách trên hành trình khám phá mảnh đất địa đầu Tổ quốc.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nguồn gốc và giá trị cốt lõi của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, người Việt Nam từ bao đời nay đã hình thành trong tâm thức của mình: Vua Hùng là vị Vua Thủy Tổ dựng nước, là Tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Vì thế, Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày để cả dân tộc tưởng nhớ, biết ơn tiền nhân đã có công sinh thành giống nòi; khai mở bờ cõi, tạo dựng hình hài đất nước.

31/03/2020
Quản Bạ, nguồn lực xã hội hóa góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

BHG - Với điều kiện kinh tế địa phương còn nhiều khó khăn, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục còn khiêm tốn; vì vậy, trong những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Quản Bạ đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, nhằm tăng cường công tác xã hội hóa (XHH) và kêu gọi sự ủng hộ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh để xây dựng cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa trường, lớp học, cải tạo môi trường cảnh quan… Từ đó, góp phần quan trọng vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học.

 

30/03/2020
Trập trùng Cao Sán

BHG - Sau nhiều lần hẹn với lãnh đạo xã Ngàm Đăng Vài (Hoàng Su Phì), đầu tháng Ba vừa rồi, tôi mới thực hiện được dự định đặt chân đến Cao Sán, thôn khó khăn nhất của xã. Đường lên Cao Sán mùa này thật thơ mộng với bóng cây cổ thụ ven đường cùng những rặng tre mướt mắt và những loài hoa rừng đang khoe sắc, tỏa hương. Con đường đất dốc ngoằn ngoèo chỉ rộng chừng một sải tay như thử thách tay lái của chúng tôi... 

30/03/2020
Hùng An nỗ lực xây dựng xã đạt Đô thị loại V

BHG - Ngay sau khi hoàn thành chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM), xã Hùng An (Bắc Quang) tiếp tục phấn đấu xây dựng xã trở thành đô thị loại V vào cuối năm 2020. Nhiều thuận lợi cũng như những nỗ lực vượt qua khó khăn mà Đảng bộ, nhân dân xã Hùng An đang quyết tâm phấn đấu để đạt được mục tiêu đề ra ngay từ những ngày đầu năm…

 

30/03/2020