Hà Giang

Tính cấp thiết của vấn đề đưa giáo dục địa phương vào trường học trên địa bàn tỉnh

08:57, 11/03/2020

BHG - Trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, việc giữ gìn bản sắc, giáo dục những giá trị sống tốt đẹp của quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ luôn được chú trọng. Bài học thành công của nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Phần Lan, Pháp, Nhật Bản,... cho thấy: Việc coi trọng và thường xuyên đưa nội dung các chủ đề về cuộc sống địa phương vào giảng dạy, chú trọng học qua trải nghiệm đã tạo nên những bước chuyển biến về môi trường học tập tích cực, hứng thú đối với người học.

Các em học sinh lớp 6 trường THCS Quang Trung (TPHG) trong giờ học môn Giáo dục công dân. Ảnh: Quỳnh Hương

Các em học sinh lớp 6 trường THCS Quang Trung (TPHG) trong giờ học môn Giáo dục công dân.

Ảnh: Quỳnh Hương

Khi bàn về đổi mới giáo dục hiện nay, Nghị quyết 29 -NQ/TW năm 2013 đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã nhấn mạnh: Đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ mục tiêu, chương trình, nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển năng lực và phẩm chất của người học. Để thực hiện tốt mục tiêu đó, giáo dục gắn với thực tiễn cuộc sống địa phương (Giáo dục địa phương) chính là hướng tiếp cận hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay một cách thiết thực nhất.

Đưa nội dung địa phương vào giảng dạy ở trường phổ thông với những hình thức khác nhau là một phương thức rèn luyện kỹ năng tìm hiểu, nghiên cứu những vấn đề của địa phương, ví như các chủ đề về Văn học địa phương, Địa lý địa phương, Lịch sử địa phương… Từ đó, tạo cho học sinh (HS) sự hứng thú trong học tập, rèn luyện kỹ năng sống, giáo dục trách nhiệm bản thân với cộng đồng địa phương, gắn lý thuyết với thực tiễn cuộc sống. Một công việc có ý nghĩa như vậy cần phải được tiến hành đồng bộ và thường xuyên.

HS trong các trường phổ thông ở Hà Giang có thể học tốt các bài học trong sách giáo khoa, song các em lại mơ hồ với nhiều bài học từ thực tiễn cuộc sống địa phương như: Những giá trị sống, giá trị của lịch sử văn hoá, những biến thiên của tự nhiên và xã hội địa phương, trách nhiệm công dân với cộng đồng là những điều mỗi cá nhân con người cần được giáo dục, để các em biết phân biệt cái tốt và xấu đang diễn ra xung quanh cuộc sống, biết đối mặt và vượt qua như thế nào,...? Đó là những chủ điểm có thể khai thác trong giáo dục địa phương, giúp hoàn thiện nhân cách cho thế hệ trẻ Hà Giang hôm nay và mai sau.

Từ năm học 2015 – 2016, thực hiện Công văn số 5977 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang đã ban hành Kế hoạch giáo dục địa phương cho HS các trường Tiểu học, THCS, THPT tỉnh Hà Giang. Điều này cho thấy nhận thức của các nhà quản lý giáo dục về tầm quan trọng của giáo dục địa phương trong nhà trường phổ thông là rất cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đã có những khó khăn, vướng mắc, nhiều ý kiến phản hồi từ phía giáo viên (GV) và HS:

Một là, mặc dù đã có kế hoạch và hướng dẫn thực hiện nội dung giáo dục địa phương cho các môn học trong nhà trường, song do thiếu tài liệu dạy học, GV gặp nhiều khó khăn trong quá trình soạn giảng nội dung địa phương. HS học rất nhiều, với khối lượng kiến thức rộng lớn, song kiến thức thực tiễn, hiểu biết về địa phương với những thuận lợi, khó khăn, thách thức của cuộc sống xung quanh thường ít được tiếp cận từ những bài giảng trên lớp.

Hai là, dạy học tích hợp là xu thế tất yếu, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong đổi mới giáo dục hiện nay. Để hiểu sâu sắc, bản chất những đơn vị kiến thức trong từng nội dung bài học, việc gắn lý thuyết với thực tiễn là con đường hiệu quả của nhận thức và nội dung giáo dục địa phương luôn có ưu thế, có thể là phương tiện giúp GV và HS vận dụng trong dạy học hiệu quả. Tuy nhiên hiện nay, đối với giáo dục trong nước, đặc biệt là Hà Giang, GV còn lúng túng, gặp nhiều khó khăn trong vận dụng lý thuyết tích hợp vào giảng dạy, nhất là vấn đề tích hợp nội dung giáo dục địa phương.

Ba là, chúng ta đang tiến hành đổi mới giáo dục, song điều quan trọng là làm thế nào để người học có thể vận dụng kiến thức vào thực tiễn lại là điều chúng ta thiếu và yếu. Vì thế, việc tăng cường biên soạn và tích hợp nội dung giáo dục địa phương vào dạy học trong nhà trường là hướng tiếp cận đổi mới giáo dục hiệu quả, cấp bách cần được tiến hành nghiên cứu, ứng dụng trong các nhà trường.

Thực trạng giáo dục hiện nay đang đặt ra cho chúng ta nhiều suy nghĩ về vấn đề chất lượng: Nội dung bài học trên lớp xa rời thực tiễn cuộc sống; HS giỏi lý thuyết song thực hành kém; HS học suốt ngày song thiếu nhận thức về cuộc sống xung quanh, địa phương, gia đình, cộng đồng; những vấn đề của thực tiễn địa phương hiếm khi được đặt ra trong những bài học trên lớp,... tình yêu quê hương và trách nhiệm cá nhân trong cộng đồng địa phương là cái riêng nhưng chính là nền tảng giáo dục cho những giá trị tri thức lớn của dân tộc và thế giới nhưng lại ít được chúng ta chú ý trong giáo dục,...

Trong giai đoạn từ năm 2017 đến giữa năm 2020, Hội đồng khoa học tỉnh Hà Giang đã giao cho Trường Cao đẳng Sư phạm là đơn vị chủ trì nghiên cứu đề tài Biên soạn nội dung giáo dục địa phương ở trường phổ thông tỉnh Hà Giang, trước hết đối với cấp Tiểu học và Trung học cơ sở. Hiện nay, sản phẩm đang chuẩn bị thực nghiệm và nghiệm thu, ứng dụng vào thực tiễn giảng dạy trong các nhà trường.

Sản phẩm nghiên cứu của đề tài bao gồm các tài liệu dạy học dưới dạng sách giáo khoa dành cho các khối lớp, bao gồm các chủ đề tích hợp về khoa học xã hội, tự nhiên và con người, hướng nghiệp tại địa phương... Sản phẩm nghiên cứu sẽ góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới giáo dục của Hà Giang trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt đáp ứng quá trình đổi mới sách giáo khoa giai đoạn sau năm 2020.

Hồng Hoa


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Du lịch Hà Giang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19

BHG - Hà Giang được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh quan hùng vĩ, đặc biệt là Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, với nhiều điểm đến hấp dẫn. Đồng thời, đây cũng là nơi sinh sống của 19 dân tộc với những nét văn hóa, lễ hội độc đáo. Vì thế, Hà Giang trở thành một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn nhất cả nước thời gian qua. Tuy nhiên, kể từ khi dịch Covid - 19 xuất hiện, ngành "công nghiệp không khói" của tỉnh đã phải chịu ảnh hưởng không nhỏ khi lượng khách sụt giảm.

 

28/02/2020
Học sinh THPT, sinh viên đi học trở lại từ ngày 2.3; học sinh Tiểu học, THCS tiếp tục nghỉ đến hết ngày 8.3

BHG - Ngày 28.2, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã ký Công văn số 505/UBND – VHXH về việc cho học sinh THPT, sinh viên đi học trở lại sau thời gian nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19.

28/02/2020
Những con đường mang lại hạnh phúc

BHG - Thời xa xưa, đồng bào miền núi nói chung, Hà Giang nói riêng chỉ có đường mòn dân sinh leo, trèo, lên, xuống đến với các bản, làng. Đồng bào gánh, gùi từng cân muối, chai dầu từ những nơi xa hàng trăm cây số bằng đôi chân cuốc bộ hàng mấy ngày đường. Các vật liệu nặng như xi măng, sắt, thép, chất lợp… khó có thể vận chuyển đến nơi ở. Vì thế, đồng bào vùng cao chỉ ở nhà cột gỗ, trình tường, lợp nhà bằng thân cây ngô hoặc vỏ cây Sa mộc, thắp đèn dầu, hoặc ánh lửa hồng của củi gỗ, thân ngô.

 

28/02/2020
Homestay - mô hình phát triển du lịch bền vững ở Hoàng Su Phì

BHG - Khách Du lịch nghỉ tại nhà dân (Homestay) là loại hình du lịch đã và đang phát triển rất mạnh mẽ ở Hoàng Su Phì. Kinh doanh loại hình du lịch này đã từng bước góp phần giảm nghèo cho người dân và bảo tồn di sản, bảo vệ môi trường sinh thái, giúp du lịch phát triển bền vững.

 

26/02/2020