Hà Giang

Nhiều giải pháp bảo vệ danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng

09:19, 12/03/2020

BHG - Mã Pì Lèng được mệnh danh “Đệ nhất hùng quan”. Đây là đoạn khó khăn nhất, hào hùng nhất của con đường Hạnh phúc; là đường đèo hiểm trở bậc nhất trên Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn. Ngày 16.11. 2009, Mã Pì Lèng được Bộ Văn hóa TT&DL quyết định xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh quốc gia.

Dòng Nho Quế dưới chân Mã Pì Lèng luôn thu hút du khách đến tham quan.
Dòng Nho Quế dưới chân Mã Pì Lèng luôn thu hút du khách đến tham quan.

Đèo Mã Pì Lèng dài khoảng 20 km nối liền giữa hai huyện Đồng Văn và Mèo Vạc; dưới chân đèo là dòng sông Nho Quế với màu xanh thơ mộng. Đến với Mã Pì Lèng, du khách sẽ được hòa mình vào cảnh đẹp vô cùng hùng vĩ của núi rừng. Chị Nguyễn Thúy Nga, du khách đến từ Đà Nẵng tâm sự: Cảnh quan thiên nhiên đây rất đẹp, đặc biệt, khi đi thuyền trên dòng Nho Quế mới thấy thật sự là quá hùng vĩ. Mã Pì Lèng sẽ đẹp hơn nữa nếu như mọi người cùng chung tay giữ gìn cảnh quan để không làm ảnh hưởng đến mỹ quan và cần giữ được kiến trúc nhà trình tường truyền thống của dân tộc Mông; có người thường xuyên hướng dẫn, thuyết minh tốt về danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng để phục vụ khi có các đoàn đến tham quan.

Đồng chí Mua Hồng Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, cho biết: Nhằm tăng cường công tác quản lý, khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch Mã Pì Lèng phục vụ tốt cho nhu cầu thăm quan của du khách; huyện Mèo Vạc đã tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức và nhân dân thực hiện nghiêm túc việc bảo vệ các điểm di sản văn hóa, di sản địa chất, các điểm du lịch trên địa bàn xã quản lý; phổ biến pháp luật về di sản văn hóa, vệ sinh môi trường, kinh doanh dịch vụ tới nhân dân, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Thường xuyên kiểm tra và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại di sản văn hóa và điểm du lịch; kiên quyết xử lý các hành vi xây dựng nhà ở và các công trình trái phép, vi phạm các điểm di sản và hành lang an toàn giao thông. Chỉ đạo các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch phải công khai niêm yết giá bán theo quy định. Tăng cường kiểm tra các phương tiện ô tô kinh doanh vận tải du lịch, các phương tiện thuyền chở khách trên sông Nho Quế phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho du khách khi tham gia chèo thuyền và kiên quyết xử lý các trường hợp phương tiện đã hết hạn kiểm định và không đảm bảo điều kiện kinh doanh vận tải, du lịch.

Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị huyện đã làm tốt công tác quản lý các hoạt động du lịch; đặc biệt là khách du lịch nước ngoài đến địa bàn huyện theo quy định. Thực hiện quản lý chặt chẽ việc xây dựng hàng quán, nhà ở, biển quảng cáo... Đối với những ngôi nhà có màu sơn tường và mái nhà không theo kiến trúc truyền thống, vận động các hộ dân sơn lại màu tương đồng với màu đất trình tường, mái lợp ngói âm dương, tường rào xếp đá. Đồng thời, tuyên truyền, vận động các hộ dân ở trong khu vực khoanh vùng bảo vệ ký cam kết không xây dựng các công trình phá vỡ cảnh quan. Chỉ đạo UBND xã Pải Lủng tư vấn các hộ dân tham gia bán hàng tại Trạm dừng chân Mã Pì Lèng phải giao tiếp văn minh, lịch sự, không được chèo kéo du khách, không được tự ý bán hàng ngoài vạch đã quy định, gây ảnh hưởng đến người tham gia giao thông. Các trường hợp cố tình vi phạm, yêu cầu nghiêm cấm không được tham gia bán hàng...

Danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia. Vì vậy, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, di sản văn hóa, di sản địa chất của Mã Pì Lèng cần sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị, ý thức của cộng đồng để “Đệ nhất hùng quan” mãi khắc sâu trong tiềm thức con người hiện tại và tương lai.

Bài, ảnh: HOÀNG TUYẾN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Những con đường mang lại hạnh phúc

BHG - Thời xa xưa, đồng bào miền núi nói chung, Hà Giang nói riêng chỉ có đường mòn dân sinh leo, trèo, lên, xuống đến với các bản, làng. Đồng bào gánh, gùi từng cân muối, chai dầu từ những nơi xa hàng trăm cây số bằng đôi chân cuốc bộ hàng mấy ngày đường. Các vật liệu nặng như xi măng, sắt, thép, chất lợp… khó có thể vận chuyển đến nơi ở. Vì thế, đồng bào vùng cao chỉ ở nhà cột gỗ, trình tường, lợp nhà bằng thân cây ngô hoặc vỏ cây Sa mộc, thắp đèn dầu, hoặc ánh lửa hồng của củi gỗ, thân ngô.

 

28/02/2020
Du lịch Hà Giang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19

BHG - Hà Giang được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh quan hùng vĩ, đặc biệt là Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, với nhiều điểm đến hấp dẫn. Đồng thời, đây cũng là nơi sinh sống của 19 dân tộc với những nét văn hóa, lễ hội độc đáo. Vì thế, Hà Giang trở thành một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn nhất cả nước thời gian qua. Tuy nhiên, kể từ khi dịch Covid - 19 xuất hiện, ngành "công nghiệp không khói" của tỉnh đã phải chịu ảnh hưởng không nhỏ khi lượng khách sụt giảm.

 

28/02/2020
Học sinh THPT, sinh viên đi học trở lại từ ngày 2.3; học sinh Tiểu học, THCS tiếp tục nghỉ đến hết ngày 8.3

BHG - Ngày 28.2, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã ký Công văn số 505/UBND – VHXH về việc cho học sinh THPT, sinh viên đi học trở lại sau thời gian nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19.

28/02/2020
Homestay - mô hình phát triển du lịch bền vững ở Hoàng Su Phì

BHG - Khách Du lịch nghỉ tại nhà dân (Homestay) là loại hình du lịch đã và đang phát triển rất mạnh mẽ ở Hoàng Su Phì. Kinh doanh loại hình du lịch này đã từng bước góp phần giảm nghèo cho người dân và bảo tồn di sản, bảo vệ môi trường sinh thái, giúp du lịch phát triển bền vững.

 

26/02/2020