Gìn giữ tinh hoa văn hóa
Xuân 2020 - Năm qua, ngành Giáo dục huyện Mèo Vạc đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, là điểm sáng trong việc đưa văn hóa truyền thống vào trường học, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy tinh hoa văn hóa truyền thống dân tộc.
Hoạt động ngoại khóa Trường PT DTBT THCS Lũng Pù. |
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mèo Vạc, Lâm Quang Hưng phấn khởi cho biết : Năm học 2016-2017, Phòng lựa chọn 4 đơn vị thực hiện điểm để các trường học tập kinh nghiệm. Đến nay, 100% các trường đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy. Các trường xây dựng kế hoạch, phân công cán bộ, giáo viên tổ chức việc tập thể dục buổi sáng cho học sinh (HS) bán trú, lựa chọn và tổ chức luyện tập 1 môn thể thao hiện đại và 1 môn thể thao dân tộc như đẩy gậy, kéo co, chơi sảng... Chỉ đạo các trường thành lập đội văn nghệ, luyện tập múa khèn Mông, các điệu múa dân gian truyền thống của các dân tộc. Các trường tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương cử các nghệ nhân dân gian của xã dạy hát, múa cho HS. Tổ chức nhiều cuộc thi dành cho thanh thiếu niên như: Thi chúng em kể chuyện Bác Hồ; thi tìm hiểu về Luật Giao thông đường bộ; giao lưu văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao giữa các khối lớp trong trường, giữa các trường trong cụm xã; phối hợp với Trung tâm Học tập cộng đồng các xã, thị trấn mở các câu lạc bộ văn nghệ, văn hoá dân gian như múa khèn Mông, hát phươn, múa Dao, múa Lô Lô… được tất cả HS tham gia hưởng ứng. Tại các đơn vị làm điểm tổ chức ngày hội văn hóa truyền thống với các nội dung như thi trang phục dân tộc, tìm hiểu Cao nguyên đá Đồng Văn... từ đó giúp các HS có các kĩ năng cơ bản như: Giao tiếp, thuyết trình, hợp tác và quan trọng làm cho các em thấy tự hào về văn hóa dân tộc.
Trong các giờ ngoại khoá, các trường thường xuyên mời các nghệ nhân dân gian, những già làng, người am hiểu văn hoá dân tộc, có uy tín trong xã để nói chuyện, giảng giải về những phong tục tập quán, nghi lễ, những nét văn hoá truyền thống của địa phương. Nhiều trường đã có những mô hình hay trong việc rèn luyện, giáo dục đạo đức, lối sống, kĩ năng sống, giáo dục văn hóa truyền thống. Đối với cấp học Mầm non, nội dung chủ yếu là tổ chức một số trò chơi dân gian, đưa một số làn điệu dân ca địa phương vào các tiết dạy theo hình thức cô hát cho trẻ nghe hoặc dạy trẻ nhảy sạp, múa các làn diệu dân ca của người Mông, cho trẻ tham quan, tìm hiểu các nông sản của địa phương, các làng nghề truyền thống như: Rèn, may mặc, nhuộm vải... Đối với cấp Tiểu học và THCS, ngoài nội dung dạy học tích hợp mang tính giới thiệu, giáo dục giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, các trường tổ chức các trò chơi dân gian, múa Mông, hội thi tìm hiểu văn hóa truyền thống các dân tộc; mời nghệ nhân truyền dạy múa khèn Mông, thổi kèn lá, múa trống...
Thời gian tới, Phòng GD&ĐT huyện tiếp tục duy trì việc đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy trong các nhà trường; nâng cao chất lượng việc giáo dục văn hóa truyền thống; phát huy vai trò của Hội Nghệ nhân dân gian trong việc giáo dục, truyền dạy; tăng cường tổ chức hội thi, giao lưu cấp trường, huyện… góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của huyện nhà.
Bài, ảnh: Hoàng Tuyến
Ý kiến bạn đọc