Người La Chí xã Bản Phùng gìn giữ nghề dệt vải truyền thống
BHG - Xã Bản Phùng (Hoàng Su Phì) có trên 95% dân số là đồng bào dân tộc La Chí. Mặc dù sự giao thoa về văn hóa diễn ra ngày càng phổ biến, song người La Chí ở Bản Phùng vẫn gìn giữ được nét văn hóa truyền thống của dân tộc; thể hiện qua ngôn ngữ, tín ngưỡng văn hóa và những lễ hội mang đậm màu sắc. Đặc biệt phải kể đến trang phục, phụ nữ La Chí hiện vẫn tự dệt và may quần áo cho các thành viên trong gia đình; qua đó, đã lưu giữ và phát huy nghề trồng bông, dệt vải truyền thống.
Thêu hoa văn trên trang phục thể hiện sự sáng tạo, tinh tế của phụ nữ La Chí. |
Theo các cụ cao tuổi ở Bản Phùng, thêu thùa và may vá là một trong những tiêu chí hàng đầu để đánh giá phẩm chất, đạo đức, sự khéo léo và chăm chỉ của phụ nữ La Chí. Chính vì thế, ngay từ khi mới lên 5, 6 tuổi; các trẻ em gái được theo mẹ lên nương để trồng bông, lớn hơn một chút sẽ được các mẹ, các chị dạy tỉ mỉ từng đường kim, mũi chỉ để sau này có thể tự dệt vải, thêu thùa và may những bộ trang phục cho riêng mình. Những cô gái chăm chỉ, biết thiêu thùa, may vá sẽ được nhiều chàng trai để ý và đàn ông La Chí khi chọn vợ cũng thường đặt tiêu chí giỏi việc may vá lên hàng đầu. Hiện nay, dù quần áo may sẵn được bày bán rất nhiều ở các phiên chợ tại trung tâm xã, nhưng phụ nữ La Chí vẫn tự trồng bông, dệt vải, may cho mình và người thân trong gia đình những bộ trang phục truyền thống.
Vào khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch; khi những bông lúa trĩu vàng trên các thửa ruộng bậc thang, cũng là lúc các chị, các mẹ ở bản La Chí tất bật chuẩn bị bông, chàm, khung cửi để dệt những bộ quần áo truyền thống. Dưới bóng râm của những tán cây to ven đường, dễ dàng bắt gặp từng nhóm phụ nữ miệt mài bật bông, se bông, phơi sợi...
Để làm ra những bộ trang phục truyền thống phải trải qua rất nhiều công đoạn, trước tiên, bà con sẽ trồng bông trên những thửa ruộng bậc thang; sau khi thu hoạch bông sẽ được tách hạt và đem phơi khô, bật cho tơi rồi cuộn thành từng thỏi nhỏ. Những thỏi bông ấy sẽ được se thành sợi chỉ, rồi dệt thành từng tấm vải; sau đó đem nhuộm chàm và cuối cùng là may thành những bộ trang phục. Toàn bộ quá trình đều được làm thủ công cùng những công cụ thô sơ, thông thường, để tạo ra một bộ quần áo, người phụ nữ La Chí phải làm liên tục trong nhiều tháng mới có thể hoàn thành. Từ những dụng cụ thô sơ, thông qua đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ đã tạo ra những sản phẩm dệt với màu sắc và hoa văn phong phú, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống của tộc người La Chí.
Trên các sản phẩm dệt của người La Chí xã Bản Phùng có rất nhiều mẫu hoa văn đẹp, thể hiện sự sáng tạo, tinh tế trên từng đường kim, mũi chỉ của người phụ nữ; trong đó, phổ biến nhất là hoa văn thêu chỉ và hoa văn ghép vải. Các mẫu hoa văn thêu trang trí trên trang phục của nữ giới chủ yếu được thêu ở hai bên cổ áo và yếm, gồm: Các mô-típ hoa văn hình tam giác, hình chấm tròn, hình quả trám kết hợp với các đường viền. Cách phối màu của các mô-típ hoa văn đều dựa trên sự sáng tạo, tưởng tượng của người thêu; nhưng chủ yếu được lựa chọn những gam màu, như: Xanh, đỏ, tím, trắng nổi bật trên nền đen của vải chàm. Khi mặc áo cánh, người phụ nữ thường để lộ các mẫu hoa văn trên cổ áo và yếm tạo nên sự mềm mại cho bộ trang phục của phái nữ.
Bà Vàng Thị Chủng, xã Bản Phùng, cho biết: Trang phục của người La Chí khá đơn giản, đàn ông mặc áo 5 thân, dài ngang bắp chân, quần lá tọa, đầu quấn khăn. Phụ nữ mặc áo dài tứ thân, có dây thắt lưng, yếm, đội khăn dài, mặc quần dài hoặc váy. Ngoài may quần áo, phụ nữ La Chí còn dệt các sản phẩm phục vụ sinh hoạt thường ngày, như: Màn, vỏ chăn, rèm cửa, địu trẻ con, túi nải, giầy vải… Việc dệt vải thường được thực hiện vào những lúc nông nhàn. Hiện, nghề trồng bông, dệt vải ở Bản Phùng vẫn tự cung tự cấp, chủ yếu để may quần áo và đồ dùng sinh hoạt trong gia đình; nên chưa phát triển thành hàng hóa.
Có thể nói, nghề dệt vải truyền thống là nét văn hóa độc đáo, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống sinh hoạt, văn hóa của người La Chí ở Bản Phùng. Trải qua nhiều biến động của lịch sử, nghề dệt truyền thống vẫn được các thế hệ lưu giữ và phát huy như gìn giữ biểu tượng văn hóa truyền thống của cộng đồng người La Chí.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc