Hà Giang

Nghề làm bánh chưng gù ở Bản Tùy

09:27, 06/01/2018

BHG - “Hơn 90% các hộ dân trong thôn đều làm bánh chưng, mỗi ngày các cơ sở sản xuất hàng nghìn chiếc bánh, hiện tại sản phẩm đã có mặt ở nhiều siêu thị lớn tại Hà Nội, Đắk Lắk, Nghệ An, Thanh Hóa... Điều này đã tạo nên sinh kế mới và trở thành nguồn thu lớn cho các hộ dân nơi đây”. Đó là đánh giá của anh Lê Xuân Mạnh, Chủ tịch UBND xã Ngọc Đường thành phố Hà Giang về sản phẩm bánh chưng gù tại thôn Bản Tùy.

Bánh chưng với nhiều tên gọi khác nhau như: Bánh tét, chưng dài, chưng vuông..., ứng với mỗi cách gọi, cách đặt tên lại mang dáng dấp đặc trưng dân tộc, phong tục, tập quán từng vùng miền. Đối với bánh chưng gù, bánh không quá to mà nhỏ nhắn, bánh có màu xanh và đen tượng trưng cho những dãy núi Hà Giang và ý chí con người nơi đây. Cùng với sự phát triển của ngành du lịch, những chiếc bánh cũng theo chân các du khách đi muôn nơi, góp phần trong đó là những sản phẩm bánh chưng do bà con thôn Bản Tùy.

Công đoạn gói bánh chưng của gia đình chị Nguyễn Thị Dung, thôn Bản Tùy.
Công đoạn gói bánh chưng của gia đình chị Nguyễn Thị Dung, thôn Bản Tùy.

Người góp phần đưa bánh chưng ra thị trường là hộ gia đình chị Nguyễn Thị Dung, thôn Bản Tùy. Chị Dung tâm sự: “Nguồn nuôi sống cả gia đình chị trước đây chính là những gánh hàng rong bánh chưng. Khi các con lớn, kéo theo là chi phí sinh hoạt và học tập ngày càng nhiều, cùng với việc bán bánh chị mở quán bán thêm xôi tại cổng Bưu điện xã và cũng bắt đầu từ đây, các khách hàng đến mua và truyền tai nhau, rồi đặt hàng. Bên cạnh đo, được lãnh đạo xã thường xuyên mang các sản phẩm của gia đình giới thiệu tại các hội chợ, gian trưng bày...Từ đó tiếng lành đồn xa, các đơn đặt hàng ngày một nhiều. Chị và gia đình quyết định mở xưởng để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng...”.

Để lý giải cho sự cuốn hút của những chiếc bánh, phải kể đến đó là nguyên liệu làm bánh như: Gạo, thịt, đậu... được các hộ dân chọn lựa kỹ. Màu xanh của bánh được bà con lấy từ nước cốt lá riềng, màu đen từ tro cây sương muối, đều là những công thức truyền thống, thịt lợn làm nhân được các hộ dân trực tiếp chọn mua lợn và tự mổ, gạo nếp là gạo Khum được đặt mua tại Bắc Mê, cùng với đó là các nguyên liệu đi kèm như: Hạt tiêu, đỗ, lá dong...Chính điều này đã tạo nên những chiếc bánh mang bản sắc và nét riêng của Bản Tùy.

Sản phầm bánh chưng gù của thôn Bản Tùy.
Sản phầm bánh chưng gù của thôn Bản Tùy.

Chỉ chưa đầy 1 năm, các cơ sở sản xuất bánh trên địa bàn thôn ra đời ngày một nhiều, hiện tại có hơn 15 cơ sở sản xuất với công suất lớn, đặc biệt là hộ gia đình chị Dung vào các ngày Rằm, mùng 1, mỗi ngày cơ sở sản xuất và đưa ra thị trường từ 4.000 – 5.000 chiếc bánh, để đáp ứng đủ bánh, chị thuê gần 20 nhân công nhưng cũng không thể kịp các đơn hàng. Cùng với đó các cơ sở khác tại thôn mỗi ngày cũng đưa ra thị trường từ 200 – 300 chiếc. Điều này đã tạo nguồn thu nhập ổn định, bình quân hàng tháng doanh thu của các cơ sở từ 30 – 40 triệu đồng, nhân công là từ 4 – 5 triệu tính theo năng suất lao động.

Để đảm bảo chất lượng và duy trì thương hiệu sản phẩm bánh chưng địa phương, đồng chí Lê Xuân Mạnh, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Do các cơ sở phát triển quá nhanh trong thời gian ngắn khiến cho nguồn nguyên liệu không đủ đáp ứng, cơ sở hạ tầng còn thô sơ chưa đáp ứng được hình thức sản xuất dây chuyền, nhiều cơ sở ngoài xã đang trá hình sản phẩm... Để khắc phục, xã đã đề nghị UBND tỉnh xét công nhận thôn Bản Tùy trở thành làng nghề truyền thống; đăng ký bản quyền, dán nhãn mác thương hiệu bánh chưng Bản Tùy, cùng với đó mở các lớp tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các hộ dân...”.

Những chiếc bánh của Bản Tùy với hương vị đặc biệt, khi mở bánh ra là mùi thơm đặc trưng, vị đậm đà của nhân bánh kết hợp là vỏ bánh mềm khi ăn sẽ giúp thực khách cảm nhận được hương vị tự nhiên cùng vị ngậy của thịt, đỗ. Sau 8 tiếng luộc bánh, những chiếc bánh được vớt ra mang hương vị của bản vùng cao bốc khói nghi ngút được vận chuyển ra bến xe và từ đó phân phối đi khắp nơi.

Bài, ảnh: Hoàng Yến


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Giữ gìn nghề dệt lụa và thổ cẩm của người Tày ở Xuân Giang

BHG - Xuân Giang là xã động lực của huyện Quang Bình, trong đó dân tộc Tày Tày chiếm 97%. Những năm qua, người dân nơi đây vẫn còn giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc, trong đó có nghề dệt lụa và thổ cẩm của người Tày. Đây là một nghề thủ công có từ rất lâu, không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân mà còn là sản phẩm được bán rộng rãi ở các địa phương trong và ngoài tỉnh. 

31/12/2017
Đoàn văn công Quân khu 2 biểu diễn phục vụ tại huyện Yên Minh.

BHG - Tối 30.12, Đoàn văn công Quân khu 2 đã tổ chức Chương trình nghệ thuật  phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Yên Minh. Đến dự có lãnh đạo huyện Yên Minh, các phòng, ban chuyên môn, lực lượng vũ trang; đông đảo đoàn viên, thanh niên và nhân dân trên địa bàn. Tại chương trình, hơn 40 chiến sĩ, nghệ sĩ, nhạc công của Đoàn văn công Quân khu 2 đã mang đến nhiều tiết mục đặc sắc ở các thể loại ca, múa, nhạc, kịch. Với chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ vĩ đại, tình yêu quê hương đất nước. 

31/12/2017
Làng Văn hóa du lịch thôn Lũng Cẩm, điểm đến hấp dẫn trên Cao nguyên đá

BHG - Làng Văn hóa (LVH) du lịch thôn Lũng Cẩm thuộc xã Sủng Là (Đồng Văn), nơi có nhiều nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông, cảnh quan thiên nhiên đẹp với sự mến khách của người dân. Điều này đã tạo được sức hút với du khách trong và ngoài nước khi lên Cao nguyên đá Đồng Văn. Để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng LVH du lịch tiêu biểu Lũng Cẩm, xã Sủng Là đã thành lập Ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trực tiếp hướng dẫn thôn Lũng Cẩm thực hiện các tiêu chí, mục tiêu đề ra theo từng năm, từng giai đoạn cụ thể. 

30/12/2017
Nhiều cung bậc cảm xúc đọng lại sau mùa Lễ hội Hoa Tam giác mạch

BHG - Lễ hội Hoa Tam giác mạch lần thứ 3 với chủ đề "Bản tình ca từ đá", diễn ra từ đầu tháng 10 tới nay, đã để lại nhiều cung bậc cảm xúc đối với du khách khi đặt chân đến "vương quốc" của đá. Lễ hội năm nay kéo dài hơn so với 2 năm đầu tổ chức nên đã tạo thêm nhiều thời gian để du khách trải nghiệm. Ngoài chiêm ngưỡng, chụp ảnh lưu niệm cùng hoa Tam giác mạch, Lễ hội lần này có thêm nhiều hoạt động và đã mang đến cho du khách những trải nghiệm vô cùng thú vị 

30/12/2017