Hà Giang

Việt Bắc - một miền di sản

07:35, 16/11/2017

Cũng như các tỉnh vùng Việt Bắc, Thái Nguyên cần góp sức tích cực cùng cả nước phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đây là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên (08/2/2017).

Dưới làn mưa nhẹ như bụi phấn, từng vồng đồi miền chiến khu Việt Bắc thêm đẫy đà bởi sức sống của rừng cọ, đồi chè chen cùng đồng lúa, bãi ngô, gợi cảm hứng thi ca cho bao tao nhân, mặc khách. Tiến sĩ Dương Đình Hiền- Viện Nghiên cứu phát triển du lịch tâm đắc: Việt Bắc mang trong lòng hàng nghìn di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Những giá trị văn hóa, truyền thống chính là mạch nguồn tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo, và có sức cuốn hút lạ kỳ đối với du khách khi đến với vùng đất mang nhiều tiềm năng về du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử.

Công chúa Azizah Iskandar, bang Terengganu (Malaysia) bên phải, tham gia trải nghiệm tại vùng chè Tân Cương, T.P Thái Nguyên.
Công chúa Azizah Iskandar, bang Terengganu (Malaysia) bên phải, tham gia trải nghiệm tại vùng chè Tân Cương, T.P Thái Nguyên.

Từ thuở cắp sách tới trường, cô giáo đã dạy chúng tôi: Việt Bắc gồm 6 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên và Tuyên Quang. Đó là vùng đất quê hương cách mạng, nơi chứa đựng biết bao điều kỳ diệu của mẹ thiên nhiên. Những bài học thuộc lòng về lịch sử, văn hóa dưỡng nuôi tâm hồn con người bao thế hệ về tình yêu Tổ quốc. Để hôm nay, chúng tôi hòa vào giữa dòng đời lên với thủ đô gió ngàn ATK Định Hóa, lặng nghe tiếng vọng từ ngàn rừng qua xanh tươi của vầu, cọ và vầng râm bụt Bác trồng bên mái lán Tỉn Keo, xã Phú Đình (Định Hóa), nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Trung ương Đảng thông qua kế hoạch tác chiến Đông - Xuân năm 1953 - 1954, làm nên một Điện Biên Phủ: “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Chúng tôi cũng như những du khách có mặt ở đó, chợt thấy lòng trào dâng, ắp đầy niềm tự hào vì được tận hưởng khắc giây thanh bình của cảnh: “Non xanh, nước biếc tha hồ dạo/ Rượu ngọt, chè tươi thỏa sức say”.

Kháng chiến gian khổ, mà từng vần thơ của Bác, trong bài: “Cảnh rừng Việt Bắc” vẫn hồn nhiên, phóng khoáng và gần gũi thân thiết. Có mặt ở đó, bạn Trần Thị Cúc Anh- sinh viên đang theo học tại Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Thái Nguyên đã nói với chúng tôi: Sau này trở thành một hướng dẫn viên du lịch, đưa khách đi tour, em chỉ cần đọc lại bài thơ: “Cảnh rừng Việt Bắc” của Bác Hồ đã đủ mê đối với du khách rồi. Còn ông Vũ Chính Đông- Phó Tổng thư ký, Chánh Văn phòng Hiệp Hội Du lịch T.P Hà Nội, khi đặt chân lên từng bậc đá, đến thăm ngôi nhà sàn Bác ở tại Khu di tích lịch sử đồi Khuôn Tát (Phú Đình) nói vui: Mà chỉ ở Việt Bắc mới có “Vượn hót, chim kêu suốt cả ngày/ Khách đến thì mời ngô nếp nướng/ Săn về thường chén thịt rừng quay”. Ông quay sang nói với chúng tôi bằng một câu hỏi: Ở miền xuôi, hỏi anh lấy đâu ra những đặc sản này?

Trên con đường mỏng như dải lụa mềm vắt hờ vào lưng núi, rồi trải qua cánh đồng miên man xanh của bản người Dao trên đỉnh đèo cách mạng (đèo De), chúng tôi cũng như bao du khách, mỗi người một tâm trạng, nhưng đã là người Việt nam, khi về đây, dù có tất tưởi vội vã vì bận rộn, hoặc thong thả dạo bộ trên con đường của mảnh đất cội nguồn cách mạng, đều trào dâng một cảm xúc tự hào, mình được về với núi rừng Việt Bắc.

Nơi thủ đô gió ngàn Việt Bắc, những năm đất nước kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Nhà thơ Tố Hữu từng viết: “Ở đâu u ám quân thù/Nhìn lên Việt Bắc cụ Hồ sáng soi”. Việt Bắc, chiếc nôi của cách mạng, những tên đất, tên làng của một thời gian khổ mà oanh liệt đã đọng lại bao dấu tích sử xanh. Thời quá khứ đã khép lại, nhưng từng câu chuyện của ngày hôm qua, đến hôm nay, và mãi về sau vẫn được mở ra trên trang vở học trò. Giây lát ngẫm ngợi, suy tư, ông Đỗ Trọng Hiệp- Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch Thái Nguyên nói với chúng tôi: Ngoài những địa danh lịch sử, chiếc nôi cách mạng Việt Bắc còn là nơi được tạo hóa ban tặng bao điều kỳ diệu về cảnh vật thiên nhiên, và cả một nền văn hóa của nhiều dân tộc khác nhau, đây là một lợi thế cho ngành du lịch phát triển.

Từ hiểu rõ du lịch là một ngành có khả năng tạo ra nhiều việc làm và mang lại nguồn thu nhất định cho ngân sách địa phương; là cầu nối quan trọng để phát triển mạnh mẽ các mối quan hệ giao lưu văn hóa, hữu nghị, phát triển khoa học kỹ thuật, hợp tác, ngoại giao giữa các vùng miền, các quốc gia, các khu vực trên toàn thế giới và thúc đẩy sự đổi mới, phát triển của các ngành kinh tế khác... nên từ năm 2009 đến nay, mỗi năm 1 lần, các tỉnh vùng Việt Bắc đã luân phiên tổ chức Chương trình hội thảo du lịch qua những miền di sản. Nhân đó trao đổi, liên kết, cùng tìm định hướng phát triển ngành du lịch.

Ở thì tương lai gần, Đảng, Nhà nước ta chủ trương thực hiện phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nhưng đó là chuyện không thể nói một ngày, một năm. Nói theo phương ngữ của đồng bào các dân tộc Việt Bắc “Khắc đi, khắc đến”, hoặc có làm thì mới biết được sức mình giới hạn đến đâu. Tôi chắc chắn cũng ở thì tương lai gần, sẽ có nhiều đề án về du lịch có giá hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng được xây dựng, trong đó sẽ có phương án khả thi. Nhưng đó là việc của các nhà kinh tế, còn tôi cũng như bao người dân đang sống ở thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hóa, hằng ngày giam mình trong những ngôi nhà bê tông, ra đường thấy bê tông, nên có chung tâm trạng thèm khát được gần gũi với thiên nhiên, nhất là vào các kỳ nghỉ dài ngày của năm.

Ít hôm trước, khi đưa bạn bè từ Hà Nội lên hồ Núi Cốc hít thở không khí trong lành. Một người bạn của chúng tôi thở dài: Tiếc nhỉ, khu du lịch Hồ Núi Cốc đã cơ bản được bê tông hóa… Câu chuyện đong đầy niềm riêng theo chúng tôi ngược đường lên Bắc Kạn, thăm Khu di tích lịch sử Nà Tu, nơi Bác Hồ đến thăm và tặng lực lượng Thanh niên xung phong 4 câu thơ: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên"; nghe các cụ già kể chuyện chiến thắng đèo Giàng rồi đưa nhau đến Vườn Quốc gia Ba Bể, xuống thuyền độc mộc, tận mắt chiêm ngưỡng cảnh đẹp nguyên sơ cùng tiếng đàn tính, lời then của đồng bào Tày, Nùng.

Trong tâm trạng thơ thới, thấy cô sơn nữ người Tày đang mê mải những ngón tay búp măng nảy tiếng tính tẩu mà cảm hoài về nàng Tô Thị của miền biên ải xứ Lạng, vùng đất nổi tiếng với đặc sản hương hồi, và các điểm đến kỳ thú, như: Động Tam Thanh, Nhị Thanh, các di tích lịch sử là ải Chi Lăng; thành Nhà Mạc; Mục Nam Quan và có một Mẫu Sơn được ví như Đà Lạt của cao nguyên Lâm Đồng. Về du lịch, Lạng Sơn còn nổi tiếng bởi dòng Kỳ Cùng mang hạt phù sa chắt chiu bồi gom lên cánh đồng vàng cho các tỉnh miền xuôi bên dòng chảy đi qua.

Có người hỏi chúng tôi: Trong dòng chảy thời gian, đã có ai bơi thuyền từ thượng nguồn của dòng sông Kỳ Cùng trôi về biển lớn? chúng tôi không biết trả lời ra sao, nên lặng lẽ ngắm dòng nước xô bờ êm đềm như bàn tay vuốt nhẹ trên bờm tóc rối. Nhưng cũng chính sự êm ái dễ thương của dòng sông xứ Lạng đã thôi thúc chúng tôi ngược đường lên Hà Giang, tụt con dốc thăm thẳm bên bờ vực Mã Pì Lèng xuống dòng Nho Quế. Từ đây, ngước trông lên đỉnh Lũng Cú, thấy đỏ tươi sắc cờ Tổ quốc đang phơi phới bay nơi tuyến đầu biên viễn cực Bắc để khẳng định chủ quyền lãnh thổ, và sự trường tồn của một quốc gia, một dân tộc. Đây - cao nguyên địa chất toàn cầu, di sản thiên nhiên thế giới. Đây - núi Đôi Quản Bạ, một kiệt tác của tạo hóa; và ở Hà Giang còn có một chợ tình Khau Vai (Mèo Vạc). Chợ phiên dành cho những đôi trai, gái yêu nhau không thành duyên. Đã đến chợ thì ai nấy dùng dằng, lời chẳng nói ra, chân chẳng muốn bước về.

Chúng tôi được đi đến phiên chợ, đi từ trung tâm huyện Mèo Vạc, qua Lũng Pù, vào Khau Vai, đi bộ mất nửa buổi, nhưng đổi lại là được nghe những điệu khèn Mông da diết từ triền núi đá vọng lại. Tiếng khèn được cất lên nơi sơn dã nghe thăm thẳm, da diết như muốn níu người dưng ở lại, để mời bát rượu ngô, thứ rượu nấu bằng men lá, đồng bào các dân tộc ở Hà Giang và Tuyên Quang thường nấu dành mời khách quý.

Có lúc chúng tôi nghĩ: Hà Giang và Tuyên Quang chung một dòng sông Lô, nên 2 tỉnh này có chung những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, như văn hóa ẩm thực, văn hóa dân gian. Nhưng đi sâu vào tìm hiểu mới nhận thấy có rất nhiều sự khác biệt, đơn giản như cách phát âm của người Tày Tuyên Quang thường nhẹ hơn so với người Tày Hà Giang. Khi người Hà Giang tự hào có cao nguyên đá, gồm 4 huyện phía Bắc của tỉnh là: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc; trên đá lại có nhiều loại quả lê, mận, đào; còn người Tuyên Quang tự hào có di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân trào (Sơn Dương). Ẩm thực Tuyên Quang có bánh cuốn cà cuống, bún chấm hà, bánh gai Chiêm Hóa, cam sành Hàm Yên, các món ăn từ măng rừng, thịt trâu phơi khô trên gác bếp và rượu ngô Na Hang.

Bên bếp lửa nhà sàn, 2 tay bưng bát rượu ngô sóng sánh, nghe người già kể chuyện về lịch sử cách mạng, tôi ngỡ như ở đây, mỗi người dân đều là một chứng nhân lịch sử. Vì lẽ giản đơn, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào có những địa chỉ di tích cách mạng nổi tiếng là: Đình Tân Trào, cây đa Tân Trào, lán Nà Nưa, Hang Bòng… mà đã là người Việt Nam, thì ai cũng biết đến.

Sử sách còn ghi: Ngày 16/8/1945, dưới gốc đa Tân Trào, ông Võ Nguyên Giáp đã cùng hơn 200 giải phóng quân làm lễ xuất quân sang giải phóng Thái Nguyên và tiến quân về giải phóng Thủ đô Hà Nội. Dưới bóng mát của tán đa xòe rộng, tôi cũng như nhiều du khách về đây mới hiểu đầy đủ hơn về dấu mốc, năm tháng lịch sử đất nước. Chị Ma Thị Mai, cư dân của Sơn Dương cho biết: Nhiều người, nhất là sinh viên đại học còn bị nhầm lẫn cây đa Tân Trào (Sơn Dương) là nơi thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhân đây, tôi xin “đính chính”: Nơi thành lập Quân đội nhân dân Việt nam là ở khu rừng Trần Hưng Đạo, thuộc Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt của tỉnh Cao Bằng.

Chúng tôi lên Cao Bằng vào mùa mưa năm trước, người bạn có nhà bên dòng sông Hiến đã gác lại công việc riêng, nghỉ hẳn 2 ngày để đưa tôi đi thăm Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó, nơi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước; thăm suối Lê Nin, núi Mác, rồi ngược đường lên thăm thác Bản Giốc, một dòng thác mang vẻ đẹp hùng vĩ và nguyên sơ; đi thăm động Ngườm Ngao lung linh huyền ảo xuyên qua lòng núi. Đi mải miết không thấy chán vì “bị” cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ “mê hoặc”. Về đến T.P Cao Bằng vừa chiều muộn, bạn bè hối nhau vào mâm, cùng thưởng thức những món đặc sản Cao Bằng. Bữa ăn hôm ấy có: Măng chua nấu canh cá, xôi trám, khẩu sli (bánh gạo nếp nổ), bánh trứng kiến, vịt quay 7 vị, hạt dẻ nướng để góc mâm… và chai rượu ngô đậy nút lá chuối tỏa thơm dìu dặt.

Bên mâm cơm, có người bạn kể chuyện mình uống rượu bằng bát không thấy say. Còn chúng tôi tự hào rằng mình được làm cái nghề suốt ngày đi, rồi chui vào góc nhà ngồi viết như một sự trả nợ. Và chúng tôi đã viết với nghĩ suy được góp một tiếng lòng, quảng bá cho du lịch vùng Việt Bắc.

Ký sự Phạm Chuẩn - Bích Ngọc (Báo Bắc Kạn)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xín Mần: Sôi nổi "Tháng tri ân" Nhà giáo Việt Nam

BHG - Những ngày này, các trường học trên địa bàn huyện Xín Mần đang tích cực đẩy mạnh phong trào thi đua (PTTĐ) "dạy tốt, học tốt"; cùng với đó, nhiều hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao (TDTT) được tổ chức sôi động tạo không khí vui tươi, phấn khởi hướng tới kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.  

15/11/2017
Lễ công nhận Trường THCS thị trấn Mèo Vạc đạt chuẩn Quốc gia mức độ I

BHG - Ngày 15.11, Trường THCS thị trấn Mèo Vạc tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận Trường đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2016 – 2020. Dự buổi Lễ có các đồng chí trong Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện và các phòng, ban, đoàn thể huyện Mèo Vạc cùng các thầy, cô giáo và các em học sinh trong trường.

15/11/2017
Nậm Hồng - khởi sắc từ phát triển du lịch cộng đồng

BHG - Nằm cách trung tâm huyện Hoàng Su Phì khoảng 40 km, thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên là nơi sinh sống của 37 hộ đồng bào dân tộc Dao đỏ. Nơi đây có những thửa ruộng bậc thang trải dài trên các sườn đồi đã được công nhận danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia, bên cạnh đó là vùng chè Shan tuyết cổ thụ Phìn Hồ cùng với những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Dao... đã tạo nên nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ).

14/11/2017
Sức hấp dẫn của một loài "Hoa của đá"

BHG - Hằng năm, vào dịp cuối Thu, khắp vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn lại tràn ngập sắc tím hồng của loài Hoa Tam giác mạch. Hoa mang vẻ đẹp dân dã, được người dân trồng trải dài thành cánh đồng, chênh vênh trên những mỏm đá, thấp thoáng sau những ngôi nhà trình tường xưa cũ hoặc e ấp uốn mình bên những cung đường đã tạo nên một sức hút, sự hấp dẫn kỳ lạ đã thu hút đông đảo du khách thập phương đến với Cao nguyên.

13/11/2017