Thương mại – du lịch: Tạo lợi thế cạnh tranh
(Xuân 2016) - Phát triển Thương mại, dịch vụ - du lịch (TMDV-DL) ngoài việc tăng thu nhập, ổn định đời sống của bà con nhân dân còn tạo ra lợi thế cạnh tranh của mỗi địa phương. Vốn là một huyện thuần nông nhưng những năm gần đây, phát triển TMDV-DL không những làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, đời sống của bà con nhân dân ngày càng được cải thiện mà còn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của huyện Hoàng Su Phì, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của huyện với các địa phương khác trong tỉnh.
Một góc thị trấn Vinh Quang đang phát triển theo hướng đô thị hiện đại. |
Năm qua, hoạt động TMDV-DL từng bước phát triển theo hướng tích cực, đáp ứng nhu cầu dịch vụ trong nhân dân; cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng và khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Đến nay, toàn huyện có 39 doanh nghiệp, 45 Hợp tác xã và 379 hộ kinh doanh; tổng mức bán lẻ lưu chuyển hàng hóa đạt 841,1 tỷ đồng, đạt 275,8% Nghị quyết; doanh thu của các doanh nghiệp ngoài nhà nước và hợp tác xã là 521,084 tỷ đồng... Cùng với đó, các công trình phúc lợi cho người dân như: Điện, đường, trường, trạm, công trình cấp nước sinh hoạt được xây dựng sửa chữa, đáp ứng nhu cầu sống, sinh hoạt của người dân. Mặt khác, người dân có điều kiện tiếp cận KHKT để đẩy mạnh sản xuất nông, lâm, nghiệp theo hướng hàng hóa, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo (tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức trên 17%). Các hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách, bưu chính viễn thông, nhà hàng, khách sạn phát triển cả về số lượng, chất lượng, đảm bảo phục vụ tốt cho khoảng 7 nghìn lượt du khách/năm cùng với các điểm du lịch hấp dẫn như: Di tích quốc gia Ruộng bậc thang, Làng Văn hóa du lịch Phìn Hồ, Lễ hội Quýa Hiéng của dân tộc Dao đỏ; Lễ hội Cúng rừng của dân tộc Nùng... tạo nên một bức tranh văn hóa đa sắc mầu của con người và thiên nhiên Hoàng Su Phì. Những thành tựu đó đã thực sự tạo ra bước đột phá lớn, góp phần thúc đẩy KT - XH của huyện trong thời gian qua.
Đồng chí Vương Văn Thắng, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng của huyện cho biết: Để duy trì tốc độ phát triển và hiệu quả hoạt động TMDV-DL, huyện Hoàng Su Phì đã, đang và sẽ tiếp tục đẩy mạnh khuyến khích đầu tư, hoạt động TMDV-DL; tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư và tham gia các hoạt động kinh doanh trên địa bàn huyện; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia phát triển TMDV-DL. Đồng thời, phát triển các làng nghề truyền thống, các HTX dịch vụ tổng hợp, sản xuất, kinh doanh các đồ lưu niệm truyền thống dân tộc phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Bên cạnh đó, huyện đang nỗ lực thực hiện các giải pháp về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, vốn và nguồn nhân lực. Mở rộng giao lưu, hợp tác về TMDVDL với các huyện trong và ngoài tỉnh bằng nhiều hình thức như tham gia các hội chợ Thương mại, tổ chức hội đàm, giao lưu văn hóa dân tộc...
Việc phát triển TMDV-DL đã, đang góp phần thúc đẩy KT – XH phát triển và tạo việc làm tại chỗ cho lao động địa phương. Trên cơ sở những kết quả đạt được, thời gian tới huyện Hoàng Su Phì tập trung hoàn thiện xây dựng hệ thống các chợ tại các xã, phát triển các ngành nghề mới, tổ chức tốt công tác xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu các sản phẩm của địa phương như: Rượu thóc Nàng Đôn, chè Shan tuyết, củ cải khô... Huyện thực hiện các cơ chế, chính sách thu hút các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ các hoạt động TMDV-DL một cách toàn diện, có bước đi vững chắc, đồng thời gắn với bảo vệ QP-AN, tôn tạo cảnh quan và giữ gìn môi trường sinh thái; việc tổ chức các lễ hội văn hóa, lễ hội truyền thống trên nguyên tắc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Phát huy các tiềm năng, lợi thế sẵn có của huyện, tập trung khai thác các điểm du lịch có điều kiện thuận lợi để nhanh chóng tạo bước đột phá về hoạt động du lịch. Phấn đấu đến năm 2020 nâng tổng mức bán lẻ lưu chuyển hàng hóa lên 1.710 tỷ đồng.
TIẾN LÂM
Ý kiến bạn đọc