Hãy đi và đến…

15:43, 01/04/2015

BHG- Yersin nói: Sống là dịch chuyển. Nhân những ngày đầu xuân mới mẻ và tươi đẹp bạn hãy thử đến đó, một lần trong đời, không phải để nhìn ngắm những thành phố văn minh hiện đại, cũng không phải để thỏa sức mua sắm trong những khu thương mại hoành tráng rực rỡ - mà đến đó để biết rằng, nơi cao đó, trên những rẻo đất hiếm hoi ở địa hình hiểm trở với khí hậu khắc nghiệt, người ta vẫn sống thật lặng lẽ nhưng vô cùng mạnh mẽ giống như một loài hoa nhỏ bé màu hồng đã mọc lên từ đá núi Đồng Văn.

Tam giác mạch trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Ảnh: An Dương
Tam giác mạch trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Ảnh: An Dương

1. Chuyến đi bắt đầu từ cột mốc số 0 về phía có độ cao hơn 1.500m so với mặt biển, qua khỏi thành phố Hà Giang con đường chỉ là những con đèo hẹp bám vào vách núi. Cứ vừa dưới chân núi, chỉ qua vài khúc quanh rất ngoặt đã thấy mình đang ở trên đỉnh núi. Nhìn lại phía sau, con đường mới đi qua giống như một con trăn khổng lồ bị bạch tạng đang băng mình đuổi theo. Người và trăn cứ men theo vách núi, hết lên cao lại xuống thấp, qua dãy núi này đến dãy núi khác. Đường xa càng thấy xa vì thấy quanh mình toàn là núi rừng, không đoán được phía trước là gì, có lúc tim thắt lại khi một chiếc xe chạy ngược chiều, hai chiếc xe gần chạm vào nhau khi chầm chậm nhường nhau phần đường không thể dư một chút nào để lướt qua nhanh.

Cũng có lúc thấy lòng vui bát ngát khi khi từ trên cao nhìn xuống, núi trùng trùng núi, mây trùng trùng mây, có lúc thấy mây vờn ngoài cửa xe cứ tưởng mình đang ở chốn thiên thai. Đường xa mà hẹp, thời gian có hạn nên không dừng lại được, xe cứ đi qua những rừng thông và những khu rừng nguyên sinh, hình như vì khí hậu thay đổi nên có nhiều loại rừng khác nhau. Đi dọc theo rừng cũng có cái lợi là trời nắng đỡ nhức mắt mà gặp mưa thì cảnh vật cũng thơ mộng hữu tình. Nhưng gần đến Đồng Văn thì khác, xe đi men những triền núi toàn là đá tai mèo đen trộn màu xám, lấm tấm rêu xanh. Một vài nơi con đường rộng một chút mới thấy những ngôi nhà, tường bằng đá lợp tranh, thấp bé, cửa hẹp, nhìn mà lòng chùng xuống. Thỉnh thoảng mới thấy vài người phụ nữ đứng tựa cửa nhìn theo, tự nhiên thấy lòng áy náy. Nhưng xe cứ đi qua, có thể không nhớ hết những gì mới thấy nhưng nghĩ đến họ lại thấy chạnh lòng.

2. Cuối cùng của tỉnh Hà Giang là các huyện miền núi: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc (nơi có chợ tình Khau Vai), huyện nào cũng nằm trong một thung lũng mà ta chỉ nhìn thấy được khi ở trên đỉnh đèo. Quản Bạ, Yên Minh cũng bé như nhau nhà cửa thư thớt nhưng Yên Minh được xây dựng nhiều hơn, có nhiều nhà cửa mới xây và người du lịch cũng ghé đây nhiều hơn. Chỉ vài khách sạn nhỏ, một quán cà phê, vài quán ăn, tất cả đều giản dị và thân tình làm cho ta quên rằng mình chỉ vừa ghé qua đây. Ở Đồng Văn thì khác, những căn nhà mới hoặc đang xây dựng nằm trên con lộ chính, chắc là cũng mới mở, không thu hút được du khách, mọi người đổ về khu phố cổ. Chỉ là một con dốc ngắn, nhà cửa hàng quán cũ kĩ, đêm cuối tuần ở phố cổ lại rất đông vui. Đi tiếp đến cao nguyên đá hay xuôi về, người ta đều ghé lại đây một đêm, mọi người đi tìm cái ăn chỗ ở ồn ào làm cho phố cổ rộn ràng hơn, chạm mặt nhau trên phố ai cũng cười với nhau như thân tình từ hồi nào. Chỉ có vậy nhưng sáng sớm đi một vòng chợ phiên rồi ghé quán cà phê nhỏ trên phố cổ, uống cà phê, nghe nhạc Trịnh ngắm lần nữa con phố nằm ngay chân núi, lòng đã bùi ngùi khi nghĩ đến chuyện giã từ.

3. Chợ Phiên Đồng Văn họp mỗi tuần một lần vào sáng chủ nhật. Người ta đi chợ từ khi còn mờ đất, các bà các cô người Mông áo váy đủ màu, những cái áo mới tinh hình như lâu lâu mới mặc một lần. Hàng hóa ở chợ chỉ là rau củ, măng tươi và các loại hạt mang ra từ trong bản xa. Giá cả không rẻ, năm ngàn đồng một nhúm ớt hiểm trong lòng bàn tay nhưng cũng vui vẻ mua vì hình như người bán cũng không màng đến chuyện đắt ế, ai mua thì bán không thì thôi. Những cô gái trẻ, gương mặt không cảm xúc, để nguyên gùi trên lưng, ánh mắt nhìn đâu đó như buôn bán chỉ là cái cớ, với họ được ra chợ là vui rồi.

Ngoài chợ phiên Đồng Văn còn có một loại chợ phiên khác là chợ lùi nằm ở các bản nhỏ. Gọi là chợ Lùi vì mỗi tuần chợ họp vào những ngày khác nhau, tỉ dụ tuần này họp vào thứ bảy, tuần sau sẽ là thứ sáu, rồi sau nữa là thứ năm… Tôi muốn ghé chợ này cho biết nhưng không gặp ngày, cứ đi qua một bãi đất trống có nhiều dãy cột khẳng khiu đứng được nhờ những mái tôn che sơ sài thì biết đó là chợ. Cảnh chợ vắng vẻ đìu hiu như vậy trông buồn đến nao lòng.

Đi qua những thôn bản nghèo và những bãi đá ở Cao nguyên Đông Văn, vượt qua con đèo Mã Pì Lèng hiểm trở được xây dựng hoàn toàn bằng sức người với nhiều hy sinh mất mát để được đứng ở nơi cao nhất của đất nước. Từ đó nhìn xuống dòng sông Nho Quế xanh màu ngọc thạch mà thấy yêu quá đất nước mình, thương quá những con người chân chất, trân mình với rét mướt, sống kham khổ từng ngày mà nhận ra mình có lỗi khi sống hạnh phúc mà không biết.

Cái mà ta nhận được ở Hà Giang không phải là điều thú vị của một chuyến du lịch mà hơn thế ta nhận ra trong lòng mình một tình cảm mà trước đó ta chưa biết. Đó không chỉ là sự thích thú trước những cánh đồng hoa Tam giác mạch rực rỡ mà là sự trân trọng những con người hiền lành, chất phác đã trồng ra nó. Đó không phải là sự ngắm nhìn mà còn là những cảm xúc khi cầm lấy đôi bàn tay lạnh buốt của những đứa trẻ chân đất, áo không lành. Đó không phải là lòng trắc ẩn mà thực sự cảm phục những người phụ nữ Mông nơi miền đá vượt khó vươn lên từ đời này qua đời khác.

Trở về chỗ của mình mà vẫn nhớ những bàn tay vẫy của những đứa trẻ trên núi đá Đồng Văn, nhớ bóng dáng những cô sơn nữ mang gùi trên lưng bước cô đơn trên đèo cao. Nỗi nhớ làm xao xuyến lòng người. Không phải là một chuyến đi tưng bừng nhưng bạn hãy đi và đến đó, bạn sẽ nhận được nhiều thứ không ngờ.

Ghi chép của LƯU CẨM VÂN (TP Nha Trang)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Triển khai Đề án giáo dục kỹ năng sống cho học sinh phổ thông

BHG- Ngày 30.3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý chủ trì buổi làm việc với một số sở, ngành, các huyện, thành phố và trường học trên địa bàn về triển khai thực hiện đề án "Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020". Dự buổi làm việc có đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành và các huyện, thành phố.

31/03/2015
Thu hút du khách từ các lễ hội

BHG- Toàn tỉnh hiện có khoảng 26 lễ hội được tổ chức mỗi năm, chủ yếu là các lễ hội dân gian truyền thống, phản ánh sự đa dạng trong đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Hiện nay, khi du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, các lễ hội này mang thêm "sứ mệnh": Thu hút khách du lịch.

31/03/2015
Quản Bạ phát huy hiệu quả hoạt động của Hội Nghệ nhân dân gian

BHG- Huyện Quản Bạ có 13 xã, thị trấn với 18 dân tộc sinh sống gồm dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng và một số người dân tộc ít người khác... Mỗi dân tộc có những nét văn hóa truyền thống riêng biệt và các lễ hội lớn như: Lễ Cấp Sắc của dân tộc Dao, Lễ hội Gầu tào dân tộc Mông, Lễ hội Lồng Tồng dân tộc Tày... Cùng với sự đa dạng bản sắc văn hóa dân tộc như hát giao duyên, hát then, hát cọi, thổi khèn; các làng nghề đúc, rèn, nghề dệt lanh... 

31/03/2015
Những trăn trở về nền giáo dục

BHG- Sau khi đọc xong Thư ngỏ của Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh gửi ngành Giáo dục tỉnh, tôi lục lại ký ức và những dòng tâm sự của mình trên Facebook mà tôi đã chia sẻ cách đây hơn 1 năm, với nội dung:

31/03/2015