Du Xuân khám phá Bãi đá cổ Nấm Dẩn

08:14, 04/03/2015

BHG- Nằm ở phía Tây của tỉnh, Xín Mần được xếp vào diện là một trong những huyện khó khăn nhất tỉnh và khó khăn nhất nước. Có lẽ từ cái khó “ló” cái khôn. Sự hà khắc của thiên nhiên, sự vươn dậy của con người đã làm cho Xín Mần nổi lên trên mảnh đất Hà Giang rất nhiều điền tích, kỳ tích trở thành mảnh đất của những Di sản văn hóa phi vật thể trên đất Việt.

Rực rỡ sắc Xuân ở Xín Mần.
Rực rỡ sắc Xuân ở Xín Mần.

Hòa trong không gian giao hòa của đất trời, tôi tìm về xã Nấm Dẩn (Xín Mần). Từng dòng người du Xuân đổ về Bãi đá cổ có gần trăm hình khắc họa trên đá nằm giữa thung lũng thôn Nấm Dẩn. Theo các nhà khảo cổ học cho biết, các hình khắc họa trên đá nơi đây có niên đại hơn 2.000 năm của thời sơ tiền sử. Những hòn đá được khắc họa các hình thể tượng trưng của hình mặt trời, mặt trăng, hình các bàn chân, hình các loại công cụ phục vụ khai phá đất đai để trồng cấy, hay hái lượm... Nhiều nhất là các hình khắc họa trên mặt hòn đá to nằm trung tâm các hòn đá nhỏ, nơi đó là hình khắc họa mang biểu tượng tín ngưỡng thờ Mẫu (hình phồn thực của người phụ nữ). Tiến sĩ Trình Năng Chung công tác ở Viện Khảo cổ Việt Nam cho rằng, đây là một trong các biểu tượng đặc trưng nhất của thời kỳ Mẫu hệ trong thời sơ sử. Thời kỳ này, vai trò của người phụ nữ được nêu cao trong gia đình và được cả xã hội tôn vinh. Ngoài ra, còn rất nhiều khắc họa rất lạ trên đá chưa được các nhà khảo cổ làm rõ để trả lời công chúng như hình bàn chân, hình tròn, hình mặt trời... Cho rằng, bên trong các hình khắc họa ấy là cả một pho tư liệu của người Việt cổ sống trên 2.000 năm trước ở đây mà tới ngày nay các nhà khoa học, khảo cổ học chưa hiểu hết về Tổ tiên mình đã làm gì, sinh sống, kiến tạo ra sao? Tiến sĩ Trình Năng Chung đã lăn lộn hàng năm trời trên mảnh đất này để tìm lời giải tại sao người Việt cổ lại chọn nơi này làm nơi sinh sống trong thời sơ khai ấy? Qua quá trình tìm hiểu, các nhà khảo cổ học mới chỉ đưa ra: Người Việt cổ chọn nơi đây để sinh sống, hái lượm có những lý do như sau: Một là, thung lũng Nấm Dẩn có mặt bằng tương đối rộng, đất đai trù phú, nước xanh mát quanh năm rất tiện lợi cho việc trồng cấy, sinh hoạt hàng ngày. Hai là, xung quang thung lũng có các dải núi cao bao quanh có lợi thế trong việc phòng thủ, che chắn bảo vệ cuộc sống, chống lại các hiểm họa đến từ bên ngoài. Nhìn vào thực tế bố trí trên các bãi đá tại thôn Nấm Dẩn, các nhà khảo cổ đưa ra nhận xét: Có 3 bãi đá có các hình khắc họa cổ đã được phát hiện và phát lộ trong thung lũng. Các bãi đá nằm cách nhau theo thế chân kiềng tạo thành thế trụ vững chãi có thể bảo vệ hoặc chi viện cho nhau khi có bất trắc xảy ra. Đứng tại bãi đá giữa trung tâm nhìn lên phía Tây là dãy núi Đán Phá vách dựng đứng cao ngất, mây mù bao phủ quanh năm (tiếng địa phương dịch nghĩa Đán Phá là núi trời). Từ rất lâu, cứ vào mùa xuân, đồng bào trong thôn lại đem rượu, mổ lợn, làm bánh, chọn ngày tốt đến đây làm lễ cúng trời ngay dưới chân núi Đán Phá. Họ tin rằng, dãy núi sẽ trở che cho cuộc sống dân bản theo ý trời, ngăn hiểm họa, tạo mưa thuận, gió hòa, đem lại mùa màng tốt tươi, cuộc sống con người, vật nuôi sinh sôi nảy nở. Nhìn về 2 bên tả và hữu là 2 dải núi bao bọc như thành lũy ôm lấy thung lũng trù mật. Còn phía trước mặt là con suối lớn Nấm Dẩn chứa trong lòng nó đầy ắp phù sa và tôm cá. Cái thế chân kiềng vững chãi của núi rừng, sự trù phú dưới lòng sông, suối là điều kiện lý tưởng cho cuộc sống sơ khai của người Việt cổ sinh sống. Phải chăng đó là câu trả lời của các nhà khảo cổ, hay còn sự bí mật nào khác? Còn bao nhiều điều bí mật chưa được giải nghĩa trong đời sống của người Việt ở các bãi đá có hình khắc họa cổ từ thời sơ sử? Và còn biết bao lễ, bao tục lệ của người dân Nấm Dẩn cúng núi, cúng rừng cấm, hay lễ xuống đồng, lễ vào mùa... Có rất rất nhiều tục lệ mang đậm tính nhân văn, có rất nhiều sắc hoa văn rực rỡ trên các sản phẩm thêu, dệt thổ cẩm của đồng bao nơi này cùng nhiều món ăn, cách chế biến độc đáo về ẩm thực địa phương cần tìm hiểu, khám phá...

Du Xuân đầu năm, phong tục người Việt chúng ta còn gìn giữ cho đến ngày nay là để cầu cho cuộc sống bình an, hạnh phúc, cầu cho mưa thuận, gió hòa. Đầu Xuân này, du Xuân khám phá Bãi đá cổ ở xã Nấm Dẩn, huyện Xín Mần có rất đông du khách. Văn hóa, phong tục của người Việt xưa đến nay có còn lưu giữ những gì? Việc tìm ra câu trả lời còn ẩn trong các hình khắc họa cổ trên bãi đá cổ kia cụ thể ra sao? Xin hãy để cho các nhà khảo cổ tiếp tục giải mã bí ẩn đó. Hãy du Xuân về Nấm Dẩn để hiểu thêm vùng đất, con người từ miền cổ tích, vùng Di sản đang bước vào Xuân với đầy sắc mầu của cuộc sống tươi trẻ.

Nguyễn Hùng


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bộ GD-ĐT công bố Quy chế thi THPT Quốc gia

Chiều tối ngày 26-2, Bộ GD-ĐT đã chính thức công bố Quy chế thi THPT Quốc gia và Quy chế Tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy. Quy chế nêu rõ kỳ thi THPT quốc gia nhằm lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT; cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông. Đây cũng là cơ sở để cung cấp dữ liệu làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ. 

27/02/2015
Lễ hội chọi trâu huyện Quang Bình lần thứ V năm 2015

BHG- Trong 2 ngày 24 và 25.2 (tức mùng 6 và 7 âm lịch) huyện Quang Bình tổ chức Lễ hội chọi trâu truyền thống lần thứ V năm 2015. Đến dự có các đồng chí lãnh đạo Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ; các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong huyện, thị trấn Yên Bình và gần 1 vạn người dân đến từ các xã trong huyện và các huyện bạn, tỉnh bạn. 

26/02/2015
Chơi xuân trên cao nguyên đá Đồng Văn

Không chỉ thưởng ngoạn cảnh quan kỳ vĩ, những ngày này du xuân trên cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) du khách còn được trải nghiệm những tục lệ vui xuân đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc vùng cao.

26/02/2015
Hội chọi trâu xã Bằng Hành lần thứ III năm 2015

BHG- Hòa chung không khí vui xuân Tết cổ truyền của dân tộc, trong 2 ngày 23 và 24.2 (tức ngày 5, 6 tết Ất Mùi), Công ty TNHH Hướng Dương phối hợp với UBND xã Bằng Hành (huyện Bắc Quang) tổ chức Hội chọi trâu xã Bằng Hành lần thứ III năm 2015. 

25/02/2015