Tìm nàng Tiên Gạo, Tiên Ngô

15:00, 08/02/2015

Xuân 2015- Lên với Hà Giang khi những lũng, những nương Tam giác mạch đã vãn mùa.  Ấy thế nhưng đường lên cao nguyên đá Đồng Văn phía cực Bắc Tổ quốc vẫn nườm nượp ô-tô, xe máy chở du khách tây có, ta có háo hức “truy lùng” loài hoa với sắc hồng quyến rũ đang có ở “đâu đó” trong mênh mông cao nguyên huyền thoại - di sản địa chất Quốc tế với những hệ tầng có tuổi tới 540 triệu năm. Và tôi, cũng ngự trị một khát khao mơ hồ được diện kiến các nàng Tiên Gạo, Tiên Ngô thăm thẳm câu chuyện kể từ đời này sang đời khác...

Đường cày đầu Xuân. Ảnh: NGUYỄN MINH TY (Vị Xuyên)
Đường cày đầu Xuân. Ảnh: NGUYỄN MINH TY (Vị Xuyên)

Chuyện kể rằng: “Nàng Tiên Gạo và nàng Tiên Ngô đi gieo hạt nơi hạ giới, mày trấu, mày ngô chẳng biết làm gì bèn đổ vào khe núi.Cây ngô, cây lúa lớn lên cho hạt. Người người lấy hạt về ăn. Khi hạt ngô, hạt lúa trong nhà đã cạn mà vụ sau vẫn chưa tới, cái đói về u ám bản làng, chiều đã buông dài nơi rừng cây mà vẫn chưa thấy ai nhóm bếp. Một hôm mọi người họp nhau lại rồi chia đi khắp núi rừng để tìm cái ăn... Mọi người cùng tìm đến khe núi,và ai nấy đều ngỡ ngàng, một rừng hoa li ti trải dài suốt từ núi bên này sang núi bên kia, nhìn kỹ mới thấy những cái lá có hình tam giác ẩn nấp khá kín ở dưới hoa. Khi hóa kết hạt mọi người đem về ăn thử thấy ngon không kém gì ngô và gạo. Cái bụng đã ngủ yên không lóc óc đòi ăn nữa. Khói bếp lại bay lên mỗi chiều.Vì là họ nhà lúa, được nảy lên từ mày lúa, mày ngô, nên gọi là mạch, lá có hình tam giác, và thế là nó có Tên tam giác mạch”.

Nhưng trước hết tôi được gặp Chở.

Rồi thì Chở sẽ không có tuổi. Chở vẫn trẻ như thế, kể từ mươi năm trước khi Nhà Vương phát lộ trong chỉ dẫn du lịch của tỉnh Hà Giang, mà tôi được thấy trên báo chí, trên ti-vi. Vương Thị Chở - hậu duệ đời thứ tư vua Mèo Vương Chính Đức, đứng trước mặt tôi đây, giản dị nói về các nhân vật lẫy lừng của dòng họ Vương đã kiến tạo nên một “Vương quốc” Mông tự trị ở Đồng Văn. Nếu như dinh thự đá nhà họ Vương là “viên ngọc” của Cao nguyên đá Đồng Văn, thì Chở giờ là một “ngọc nữ” của của gia tộc họ Vương này vậy.

Đứng trong Nhà Vương còn phảng phất dấu ấn uy nghi tráng lệ vào đầu thế kỷ trước trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động nơi tột Bắc của Tổ quốc, tự hỏi vì sao một Vương triều tự trị người Mông đã khiến cho cả người Trung Hoa lẫn người Pháp và chính quyền phong kiến nhà Nguyễn không thể ép buộc, lôi kéo, lại lập tức ngả về Việt Minh để năm 1945 người con trai kế nghiệp vua Mèo là Vương Chí Sình tham gia Chính phủ Cụ Hồ đánh Pháp, góp phần giữ vững cương thổ của Tổ quốc? Ấy có lẽ bởi cái chính nghĩa của dân tộc Việt Nam ta!...

Chở thì không băn khoăn thế đâu. Vì theo Chở có là một thời gia tộc mình làm mưa làm gió ở một vùng biên viễn nước Việt này, thì việc hòa vào cuộc sống mới trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam theo cách mạng, theo Bác Hồ là lẽ mặc nhiên vậy. Như việc hôm nay trên “Thủ phủ” thuốc phiện Đồng Văn một thời tịnh chẳng còn ai nhắc nhớ về loài hoa Anh túc ma mị nữa, mà ở đâu cũng nghe dan díu câu chuyện về loài hoa Tam giác mạch làm nên thứ hạt, qua vất vả phơi giã của bao đời người Mông trên Cao nguyên đá Đồng Văn, thành lương thực chống đói, bây giờ đã thành một sắc hoa viết nên huyền thoại mới mê mẩn lòng du khách. Rất có thể loài hoa Tam giác mạch xuất hiện trong đời sống đồng bào Mông Đồng Văn cùng lúc với hoa Anh túc; nhưng rồi sẽ trường tồn với bước đi lên của đất và người Đồng Văn – Hà Giang thì chỉ là hoa Tam giác mạch thôi.

Chở bảo, em mới ngoài 30 tuổi, lấy chồng và đã có hai con, quyết không đẻ nữa. Là để giữ trẻ đẹp mãi như hoa Tam giác mạch à? Không, là “kế hoạch” để không nghèo đói, để nuôi con tốt ấy mà! Gia tộc nhà Chở bây giờ ở khắp Hà Nội, Sài Gòn, tận Mỹ, Canada... và đều thành đạt cả. Thi thoảng về thăm Sà Phìn, họ cũng đều hài lòng với việc hiến dinh thự Nhà Vương cho Quốc gia bảo tồn, làm điểm du lịch; hài lòng với việc Chở và người anh trai Vương Quỳnh Xèo bây giờ đều nằm trong Tổ quản lý di tích Nhà Vương với mức lương 3 triệu đồng/tháng, cuộc sống quây quần giản dị, trách nhiệm với công việc.

Thì nữ hướng dẫn viên du lịch nhiệt tình Vương Thị Chở đã chẳng chịu nhận ít tiền mà khách muốn bồi dưỡng đó thôi! Đến với Nhà Vương, lắng nghe Chở nói, là Chở vui, cảm ơn khách nhiều rồi! Chở cười, sáng lên ánh nắng chiều giữa Đông lấp lóa trên tầng lá hàng sa mộc cổ thụ hàng trăm năm tuổi!

Tạm biệt Nhà Vương, tạm biệt Chở, tôi tiếp tục đi tìm hoa Tam giác mạch.

Và tôi lần đầu tiên được diện kiến loài hoa huyền thoại mới này trên bàn tiếp khách của Phó Bí thư Huyện ủy Đồng Văn, ông Ly Mý Và. Ông vừa khẽ nhấc nhành Tam giác mạch phơn phớt hồng trân trọng cắm trong lọ gốm, vừa tự hào say sưa nói về thú khám phá, thưởng lãm vẻ đẹp thiên nhiên của khách du lịch, hoa, hạt Tam giác mạch cũng thành bánh kẹo dành cho khách du lịch thưởng thức và mua làm quà kỷ niệm...

Rồi, ở đêm phố cổ Đồng Văn tôi đã “gặp” các nàng Tiên Gạo, Tiên Ngô.

Quán Cà phê Phố Cổ trong quần thể phố cổ Đồng Văn được bảo tồn khai thác phục vụ du lịch, vốn là ngôi nhà cổ đã trăm năm. Ngôi nhà cổ hầu như còn nguyên vẹn, ngoài bán cà phê còn có gian hàng bán đồ lưu niệm, sản vật của đồng bào các dân tộc ở Hà Giang.

Tôi nhâm nhi rượu Tam giác mạch với món thắng cố ngựa ở Phố cổ Đồng Văn, rồi ngà ngà mơ màng trong cái se se đêm cao nguyên đá huyền thoại, chập chờn thấy nàng Tiên Gạo, nàng Tiên Ngô hóa thân có khi là em gái người Dao má đỏ tôi gặp ngoài những cổng trời Quản Bạ, Cán Tỷ, có khi là Chở trong dinh thự đá Sà Phìn...

Lại có khi, tôi thấy nàng Tiên Gạo, Tiên Ngô là cô bé từ phương Nam xa xôi vượt ngàn cây số chỉ để được đến làm dáng chụp ảnh trên nương Tam giác mạch...

ĐÌNH SÂM (Báo Nghệ An)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bên chảo thắng cố

Xuân 2015- Cao nguyên đá Đồng Văn những ngày đầu Xuân, hình như cái lạnh của mùa Đông vẫn còn lưu luyến với mảnh đất nơi đây. Sương chiều vây quanh những triền núi đá tai mèo, trong ngôi nhà trình tường treo leo trên đỉnh núi ở Lao Xa, trên bếp lửa hồng là chảo thắng cố dê đang ngùn ngụt bốc khói. 

08/02/2015
Điểm nhấn của ngành Giáo dục Bắc Quang

Xuân 2015- Năm qua là khoảng thời gian đánh dấu sự thành công của ngành GD&ĐT huyện Bắc Quang. Trong đó, nổi bật là công tác Phổ cập giáo dục Mầm non (PCGDMN) cho trẻ em 5 tuổi và xây dựng hệ thống trường đạt chuẩn Quốc gia. 

08/02/2015
Một lần lên Cao nguyên đá Hà Giang

Xuân 2015 - Lâm Đồng và Hà Giang vốn là hai tỉnh kết nghĩa thời chiến tranh đánh Mỹ. Hiện ở TP. Bảo Lộc thơ mộng vẫn có nông trường chè, con đường và khu đô thị mới mang tên Hà Giang. Ở Hà Giang có đường và 1 HTX mang danh Lâm Đồng. Vì nguyên cớ ấy, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Báo Hà Giang phát hành số đầu tiên (13.4.2014), tôi vinh dự được 

08/02/2015
"Lời" đá núi

Xuân 2015-  1. Theo Quốc lộ 4C, xe chúng tôi đi men theo vách đá, khi thì bò dưới thung sâu, khi vắt mình chênh vênh trên sườn núi, khi cua gập hình chữ M. Xe bỗng dưng đột ngột lên cao. 

08/02/2015