Bên chảo thắng cố

13:58, 08/02/2015

Xuân 2015- Cao nguyên đá Đồng Văn những ngày đầu Xuân, hình như cái lạnh của mùa Đông vẫn còn lưu luyến với mảnh đất nơi đây. Sương chiều vây quanh những triền núi đá tai mèo, trong ngôi nhà trình tường treo leo trên đỉnh núi ở Lao Xa, trên bếp lửa hồng là chảo thắng cố dê đang ngùn ngụt bốc khói. Hôm nay, nhà tôi ăn tết, đón cái Tết Mông. Tết của người Mông chúng tôi gần trùng với tết dương lịch, bởi theo cách tính của các thế hệ đi trước thì cứ một vòng trăng khuyết, tròn tương ứng với một tháng 30 ngày, trăng tròn 12 lần sẽ được một năm.

Một năm vất vả, năm nay bố mẹ tôi quyết định ăn một cái tết thật to, bởi lí do là chị gái tôi được đi học ở Trường nội trú tỉnh. Bố mẹ tôi vẫn nói, cả đời lam lũ, ông bà chỉ ước muốn chị em tôi được đi học, được làm cán bộ. Đó sẽ là niềm tự hào, sự hãnh diễn trong lòng gia đình tôi. Từ trước tới giờ ở xóm tôi, xã tôi có mấy người được đi học hết cấp II đâu; phụ nữ tuổi như mẹ tôi trở lên, không ai biết nói tiếng Kinh cả.

Minh họa: PHƯƠNG THẢO
Minh họa: PHƯƠNG THẢO

Năm nay nhà tôi ăn Tết to, các bác, cô, dì, hàng xóm đều được bố mẹ tôi mời tới. Và với người Mông quê tôi, những ngày quan trọng như thế này không thế thiếu được món thắng cố. Bố tôi kể, ngày trước người Mông không nấu thắng cố bằng chảo gang như bây giờ mà nấu trên chảo da trâu. Trong quá khứ, khi chiến tranh loạn lạc, người Mông buộc phải ly hương. Trong quá trình chạy loạn, khi lương thảo đã cạn, không có nồi, niêu, xoong, chảo, họ lấy da trâu căng thành chiếc chảo lớn rồi cho xương, thịt của gia súc đem theo nấu thành thức ăn để chống đói. Chảo thắng cố khi đó là nơi người Mông bày tỏ niềm hoan hỉ khi thoát khỏi sự truy bức của kẻ thù và tìm được mảnh đất dừng chân. Người ta bắc ngang thanh gỗ trên miệng chảo, đặt hai tay lên đó rồi nhào lộn, nhảy qua nhảy lại, xung quanh mọi người reo hò nhảy múa. Thậm chí họ còn đứng một chân trên thanh gỗ, vừa thổi khèn, vừa múa hát, ở dưới, chảo thắng cố vẫn sôi sùng sục. Người Mông quan niệm rằng: Khi nhảy qua chảo thắng cố có nghĩa là bước qua những khó khăn, vất vả. Chảo thắng cố sôi bùng bục thể hiện những gian khổ, vất vả họ đã bước qua. Có người thậm chí múa xoay quanh ở trên thanh gỗ đó bằng một chân, dùng khèn để diễn tả các động tác võ chống giặc như thế nào, rồi những động tác bước qua những khe núi, những con sông, suối khi người Mông di cư.

Từ đó về sau, khi tổ chức tang lễ, hay một số lễ hội của người Mông, điệu múa khèn trên chảo thắng cố thường được trình diễn để tưởng nhớ về quá khứ, về quá trình gian khổ của cha ông. Đó là niềm tự hào, là niềm hạnh phúc với ý nghĩa mong muốn chấm dứt chiến tranh, chấm dứt những ngày khổ đau, loạn ly để ổn định vui sống trên vùng đất mới. Nhưng do nhiều yếu tố, điệu múa khèn trên chảo thắng cố ít người còn biết tới.

Nhìn mẹ tôi lấy cái muôi gỗ đảo chảo thắng cố dậy mùi thịt, mùi thảo qủa, hạt tiêu rừng và gừng... mà lòng phấn chấn. Trong làn khói nghi ngút, điệu múa khèn, những bước nhảy trên chảo thắng cố như nhảy múa trước mắt tôi. Là một thằng con trai Mông, tôi phải làm gì trong năm mới này!? Tôi phải học thật giỏi, phải giúp bố mẹ chăm đàn bò, lấy củi thật nhiều để đun trong mùa Đông. Hình như những điều đó với tôi đã có phần xưa cũ, bởi năm nào tôi cũng có cho mình mục tiêu như vậy. Năm nay trước chảo thắng cố, tôi quyết định, ngoài mục tiêu đã hứa với bản thân những năm trước ra, tôi sẽ học thổi khèn, múa khèn. Đúng rồi, mai này tôi sẽ là một người thổi khèn giỏi, tôi sẽ múa lại bài khèn trên chảo thắng cố cho mọi người xem. Có lẽ khi đó, Tết Mông ở quê tôi sẽ vui hơn, náo nhiệt hơn./.

VỪ THỊ MAI HƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

"Phố núi" Xuân về

Xuân 2015- Xuân về mang theo hơi ấm tới miền sơn cước, làm cho thị trấn Mèo Vạc nằm yên bình giữa đại ngàn núi đá tai mèo cũng "cựa mình" đón nắng mai. Về đêm, cả thung lũng được thắp sáng bởi những ánh điện lung linh sắc mầu. "Phố núi" hôm nay tràn đầy sức sống mới, với diện mạo của một đô thị văn minh, hiện đại. 

08/02/2015
Tìm về "Ngày hội văn hóa dân tộc Mông"

Xuân 2015- Bao đời nay, người Mông ở Mèo Vạc vốn nổi tiếng với canh tác trên nương đá cùng nhiều nghề truyền thống như dệt, đan lát, làm đồ gỗ, kỹ thuật rèn đúc...  Trải qua thăng trầm cùng thời gian, người Mông vẫn giữ cho mình bản sắc văn hóa riêng vốn có. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, huyện Mèo Vạc đang chuẩn bị tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Mông lần thứ nhất, hứa hẹn nhiều trải nghiệm thú vị đang chờ đợi du khách. 

08/02/2015
"Lời" đá núi

Xuân 2015-  1. Theo Quốc lộ 4C, xe chúng tôi đi men theo vách đá, khi thì bò dưới thung sâu, khi vắt mình chênh vênh trên sườn núi, khi cua gập hình chữ M. Xe bỗng dưng đột ngột lên cao. 

08/02/2015
Một lần lên Cao nguyên đá Hà Giang

Xuân 2015 - Lâm Đồng và Hà Giang vốn là hai tỉnh kết nghĩa thời chiến tranh đánh Mỹ. Hiện ở TP. Bảo Lộc thơ mộng vẫn có nông trường chè, con đường và khu đô thị mới mang tên Hà Giang. Ở Hà Giang có đường và 1 HTX mang danh Lâm Đồng. Vì nguyên cớ ấy, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Báo Hà Giang phát hành số đầu tiên (13.4.2014), tôi vinh dự được 

08/02/2015