Sức bật từ Đề án "Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp"

11:40, 15/10/2020

BHG - Nông nghiệp được xác định là một trong ba “trụ cột” chính trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Nhằm điều chỉnh trạng thái mất cân đối trong nội bộ ngành, tỉnh đã triển khai Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp” giai đoạn 2016 – 2020. Qua 5 năm thực hiện đã nâng cao giá trị thu hoạch/ha cây trồng hàng năm; nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và thu nhập cho người dân. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh cùng Đoàn công tác thăm khu trồng mía xuất khẩu tại xã Trung Thành (Vị Xuyên), (tháng 8.2019).                                               							                               Ảnh: DUY TUẤN
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh cùng Đoàn công tác thăm khu trồng mía xuất khẩu tại xã Trung Thành (Vị Xuyên), (tháng 8.2019). Ảnh: DUY TUẤN

Đưa Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp” vào cuộc sống, HĐND tỉnh ban hành 3 nghị quyết về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; UBND tỉnh ban hành 4 quyết định, 3 đề án, 22 kế hoạch; các huyện, thành phố ban hành hàng trăm kế hoạch và các đề án, phương án phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Các ngành chuyên môn hoàn thành 10 quy hoạch mới về các loại cây trồng, vật nuôi, vùng nguyên liệu, ngành nghề nông thôn, nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn, các khu rừng đặc dụng, bảo vệ và phát triển rừng...

Mô hình nuôi ong của người dân xã Pả Vi (Mèo Vạc) mang lại thu nhập cao. 	       Ảnh: ĐẶNG KIM
Mô hình nuôi ong của người dân xã Pả Vi (Mèo Vạc) mang lại thu nhập cao. Ảnh: ĐẶNG KIM

Đồng chí Phùng Viết Vinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Sau 5 năm triển khai Đề án đã hình thành các hình thức tổ chức sản xuất để tổ chức lại sản xuất cho nông dân (HTX kiểu mới, tổ hợp tác); giúp thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về tư duy sản xuất hàng hóa. Đồng thời, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, sản lượng lớn và bước đầu có thị trường tiêu thụ, như: Sản phẩm cam, chè, mật ong Bạc hà, sản phẩm gỗ... được chứng nhận chỉ dẫn địa lý và có truy xuất nguồn gốc. Mặt khác, đã thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tạo việc làm, nâng cao sinh kế bền vững cho người dân; từng bước chuyển hướng sản xuất nông - lâm nghiệp dàn trải, theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân (giá trị thu nhập trên đơn vị đất canh tác cây hàng năm tăng từ 41,1 triệu đồng năm 2015 lên 45,42 triệu đồng năm 2019). 

 Đề án cũng góp phần thúc đẩy hình thành các sản phẩm OCOP chất lượng cao, từng bước tiến vào thị trường bán lẻ và xuất khẩu (năm 2019 có 48 sản phẩm được công nhận 3 sao, 21 sản phẩm 4 sao, 2 sản phẩm đề nghị T.Ư công nhận 5 sao). 

Người dân thôn Mã Pì Lèng, xã Pải Lủng (Mèo Vạc) phát triển chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa. 		Ảnh: TIẾN HẰNG
Người dân thôn Mã Pì Lèng, xã Pải Lủng (Mèo Vạc) phát triển chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa. Ảnh: TIẾN HẰNG

Thời gian gần đây, cây cam bước đầu xây dựng thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường; “Cam sành Hà Giang” được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý đối với 38 xã, thị trấn thuộc huyện Vị Xuyên, Bắc Quang và Quang Bình. Diện tích cam toàn tỉnh hiện có 8.700 ha; trong đó, cho thu hoạch khoảng 6.755 ha; niên vụ 2019 - 2020 sản lượng đạt 60.845 tấn; giá trị sản xuất cam năm 2019 đạt trên 990 tỷ đồng (theo giá hiện hành), chiếm 14,8% giá trị ngành trồng trọt. Cấp chứng nhận VietGAP cho trên 4.143 ha/68 cơ sở/3.464 hộ trồng cam, chiếm 84,16% diện tích cho thu hoạch sản phẩm. Sản phẩm cam VietGAP được bán tại hệ thống siêu thị Vinmart, Big C. Sản lượng cam sành VietGAP niên vụ 2020 - 2021 ước đạt 52.000 tấn, tăng 49.587 tấn so với niên vụ 2015-2016; giá bán cam sành VietGAP tương đối ổn định, bình quân tại vườn dao động từ 8.000 – 10.000 đồng/kg; giá trị ước đạt 520 tỷ đồng.

Đối với cây chè, đã triển khai tích cực các hoạt động hỗ trợ các cơ sở chế biến; giá bán sản phẩm chè GAP cao hơn từ 2 lần so với các sản phẩm chè sản xuất thông thường; toàn bộ diện tích chè Shan tuyết thuộc địa bàn 5 huyện trọng điểm sản xuất chè đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Chè Shan tuyết Hà Giang”. Tổng diện tích chè hiện có trên 20.800 ha; diện tích cho sản phẩm đạt 17.900 ha; sản lượng trên 70.000 tấn/năm. Giai đoạn 2016 - 2020 đã chứng nhận theo các tiêu chuẩn GAP cho 8.847,5 ha/67 vùng/9.707 hộ tham gia. Năm 2019, giá trị sản xuất ngành chè đem lại 654 tỷ đồng (theo giá hiện hành), chiếm 9% giá trị của ngành trồng trọt.

Người dân xã Yên Định (Bắc Mê) đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp. 					Ảnh: PV
Người dân xã Yên Định (Bắc Mê) đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: PV

Cây dược liệu toàn tỉnh có trên 17.130 ha, trong đó cây trồng ưu tiên phát triển 322,6 ha; cây trồng thử nghiệm 33,5 ha; dược liệu khác 16.777 ha; diện tích trồng mới 6 tháng đầu năm 2020 trên 920 ha. Thu hút 9 công ty và 5 HTX đầu tư vào lĩnh vực dược liệu; đến nay đã phát triển và công bố chất lượng 56 sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm có nguồn gốc dược liệu. Tổ chức đào tạo, tập huấn cho 6.172 người lao động về kỹ thuật trồng, thu hái dược liệu; thu hút trên 13.400 lao động tham gia vào chương trình phát triển cây dược liệu.

Chăn nuôi trâu, bò theo Đề án phát triển nửa triệu con đại gia súc phát triển mạnh; thực hiện kế hoạch phát triển tổng thể gia trại chăn nuôi lợn, gia cầm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020 đạt nhiều kết quả tích cực; khuyến khích phát triển chăn nuôi bằng các giống địa phương, nâng cao khả năng cạnh tranh với sản phẩm cùng loại thông qua hỗ trợ lãi suất vốn vay. Duy trì và mở mới các chợ gia súc, tạo thị trường tiêu thụ sản phẩm; quyết liệt thực hiện chương trình thụ tinh nhân tạo. Tổng đàn trâu, bò toàn tỉnh ước thực hiện đến hết năm 2020 có trên 295.700 con; hình thành 139 gia trại, trang trại chăn nuôi trâu, bò; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng trâu, bò đạt 8.969 tấn; giá trị sản xuất chăn nuôi trâu, bò đạt 600 tỷ đồng (theo giá hiện hành), chiếm 22% giá trị ngành chăn nuôi. 

Nuôi ong được duy trì ở các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Quang Bình, Xín Mần, Hoàng Su Phì. Toàn tỉnh có 74 cơ sở sản xuất và kinh doanh mật ong với gần 53.981 tổ ong. Sản lượng mật hàng năm đạt trung bình 246 tấn, trong đó mật ong Bạc hà đạt trên 175 tấn. Sản phẩm mật ong Bạc hà đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý năm 2013.

 Tái cơ cấu lĩnh vực lâm nghiệp, thực hiện điều chỉnh quy hoạch đất lâm nghiệp và 3 loại rừng giai đoạn 2016-2025; triển khai mô hình đưa giống tốt vào trồng rừng; tổng diện tích rừng trồng giai đoạn 2016 - 2020 trên 38.721 ha, trong đó, trồng rừng bằng cây giống tốt đạt 38,2%; công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng được quan tâm; diện tích rừng giao khoán bảo vệ 355.600 ha; khoanh nuôi tái sinh 20.683 ha. Huy động ngoài ngân sách nhà nước cho công tác quản lý, bảo vệ rừng thông qua chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đạt hơn 350 tỷ đồng.

Có thể khẳng định, Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp” với những giải pháp đồng bộ, kịp thời tháo gỡ “nút thắt” đã tạo sức bật giúp phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Kết quả quan trọng nhất chính là tư duy sản xuất hàng hóa của người dân dần thay đổi; làm cơ sở để tỉnh xây dựng chiến lược thúc đẩy ngành Nông nghiệp phát triển theo hướng tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng Nông thôn mới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020.

KIM TIẾN


Cùng chuyên mục

Khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 -2025

Sáng 14.10, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Tuyên Quang,  Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã khai mạc trọng thể. 

14/10/2020
Quyết tâm trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực

BHG - Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 diễn ra từ ngày 15 - 17.10. Nhân sự kiện quan trọng này, phóng viên (P/v) Báo Hà Giang có cuộc phỏng vấn đồng chí (Đ/c) Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIV, đơn vị tỉnh Hà Giang. 

14/10/2020
Vững tâm thế vào nhiệm kỳ mới

BHG - Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, diễn ra từ ngày 15-17.10. Hiện tại, công tác chuẩn bị đã hoàn tất, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân nơi miền cực Bắc vững tâm thế bước vào nhiệm kỳ mới với niềm tin và kỳ vọng về sự bứt phá vươn lên của mảnh đất địa đầu Tổ quốc.

 

14/10/2020
Hội nghị trực tuyến giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài

BHG - Sáng 14.10, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố trong cả nước về "Giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ 9 tháng năm 2020". Tham dự có lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư. Về phía tỉnh có lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

 

14/10/2020